Chào các cụ, em có niềm đam mê lịch sử, có bài viết chia sẻ với các cụ về nền khoa cử thời xưa của VN. Mong các cụ ghé qua đọc và cho ý kiến ạ.
Trong lịch sử nước ta, việc tuyển chọn nhân tài ra giúp nước luôn là vấn đề tồn vong của mỗi hoàng triều. Như danh thần thời Hồng Đức – Thân Nhân Trung có đề trên văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu:
Mỗi thời có cách tìm kiếm hiền tài khác nhau, nhưng tựu chung lại thì con đường khoa cử luôn là chính thống nhất.
Hôm nay, mình và các bạn cùng tìm hiểu về hệ thống khoa cử thời phong kiến nước ta nhé!
1. Sơ lược về lịch sử tổ chức khoa cử
Thời kỳ đầu dựng nước, việc tuyển chọn nhân tài chủ yếu qua con đường tiến cử. Nghĩa là người làm quan giới thiệu người tài để vua xét duyệt và trọng dụng. Đơn cử như chính vua Lý Thái Tổ cũng được thiền sư Vạn Hành tiến cử ra làm quan dưới thời vua Lê Đại Hành. Thời kỳ này, việc thi khoa cử chưa được tổ chức.
Đến năm 1070 Lý Thánh Tông xây Văn Miếu thờ Khổng Tử đánh dấu ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo đến chính trị nước ta (mà trước đây là ảnh hưởng của Phật giáo). Năm 1075 kỳ thi đầu tiên được tổ chức với tên gọi “
Minh kinh bác học”, người đỗ đầu, khai khoa cho nền khoa cử nước ta là Lê Văn Thịnh. Ở các khoa thi sau, nhà Lý có tổ chức thêm nhiều khoa thi, hình thái thi cử dần cụ thể hơn, tuy lệ thi cử chưa được đầy đủ, nhưng cốt vẫn lấy khoa cử làm con đường tuyển chọn người tài.
Thời Trần, việc học được mở mang hơn, việc tổ chức thi cử cũng rành mạch hơn. Định rõ 7 năm mở khoa thi một lần, những người đỗ gọi là Thái Học Sinh. Đến năm 1247 lần đầu gọi 3 người đỗ đầu là “
tam khôi” xếp trên Thái Học Sinh, tức Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Lê Triều khai quốc, bốn bề yên bình, bắt đầu định lại quy củ việc khoa cử cho rõ ràng tường tận hơn, nội dung thi nho giáo là chính. Thứ tự phân hạng người đỗ thành tam giáp:
đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp. Năm 1442, Lê Thái Tông cho khắc tên người đỗ “đại khoa” vào bia đá, đặt ở Văn miếu để tôn vinh thêm sự vẻ vang, sự thi cử lại ngày càng chu đáo, hiển vinh. Lê Thánh Tông nối nghiệp, việc khoa cử thịnh chưa từng thấy, định lệ 3 năm một lần thi, nhân tài không biết bao nhiêu mà kể xiết, quy củ thi cử hoàn thiện từ đây, đời sau cứ thế mà theo, có sửa đổi vài phần nhỏ, nhưng đại để vẫn không đổi nhiều.
Văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu Hà Nội
Thời Nguyễn, Nam – Bắc một nhà, đất rộng người đông, anh tài 2 miền lần đầu được so tài học, thật là điều kỳ thú của lịch sử. Kỳ lạ là thời Nguyễn chưa lấy được ai đỗ Trạng nguyên.
Năm 1919, vua Khải Định cho tổ chức kỳ thi Nho học cuối cùng để mở đường cho “
tân học”, đánh dấu sự chấm dứt của nền khoa cử nước nhà.
Trước thời Lê Sơ, tài liệu ít ỏi, khó mà khảo cứu. Từ đây về cuối bài, nội dung khoa cử mình chủ yếu nói đến giai đoạn Lê – Nguyễn (1428 – 1945).
2. Cách thức tổ chức khoa cử.
Một kỳ thi khoa cử thông thường có đủ 3 vòng gồm thi Hương, thi Hội và thi Đình.
2.1. Thi Hương
Thi Hương là vòng thi cấp địa phương, một vài tỉnh lân cận nhau sẽ tổ chức chung tại một trường thi. Thời Nguyễn quy định rõ địa phận các trường thi gồm: Thừa Thiên (Huế), Gia Định, Nghệ An, Nam Định, Bình Định, Thanh Hóa, Hà Nội. Các sỹ tử đỗ khoa thi Hương phân ra 2 hạng. Những người đỗ không đủ điểm đi thi Hội thì học vị là Tú Tài. Những người đỗ, đủ điểm được dự thi Hội thì học vị là Cử Nhân.
Về cơ bản, Tú Tài (ông Tú) Cử Nhân (hay ông Cử) đã là một học vị cao trong xã hội phong kiến xưa. Cử Nhân, Tú Tài đã có thể được ra làm quan, được miễn các phu phen, tòng quân. Một trong những trường hợp đặc biệt là cụ Nguyễn Thuyên, cụ đỗ Cử Nhân năm 1825, tuy học vị chỉ là Cử Nhân nhưng được giao đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám).
Quang cảnh thi Hương tại trường thi Nam Định
2.2. Thi Hội
Các ông Cử Nhân tề tựu về kinh thành tranh học vị Tiến sỹ trong kì thi Hội (thường tổ chức 1 năm sau kỳ thi Hương). Đề thi Hội tương tự như đề thi Hương, nhưng câu hỏi khó hơn, hóc búa và đòi hỏi khả năng biến hóa, biện luận hơn, đòi hỏi nơi các ông Cử sự chắc chắn trong kiến thức cơ bản, nhưng phải biện giải được sự thịnh suy của thế sự, phép tắc, quy củ, kiến thức xã hội, khả năng biện chứng, dám nói đúng sai. Không chỉ kiến thức, “vở sạch chữ đẹp” cũng là một yếu tố quan trong, chữ phải đẹp như nước chẩy, quyển viết phải đẹp như tranh vẽ. Như vậy mới đỗ được kỳ thi này.
Thường kỳ thi Hội sẽ có vài trăm sỹ tử từ khắp cả nước về tham dự, nhưng người đỗ kỳ thì này chỉ một vài chục người.
Người đỗ đầu kì thi Hội gọi là “
Hội nguyên”.
Những người đỗ kì thi Hội sẽ được tham dự kỳ thi thứ 3 – thi Đình.
2.3. Thi Đình
Thi Đình hay thi Điện là kỳ thi cuối cùng và quan trọng nhất, nơi phân hạng các Tiến sỹ. Kỳ thi diễn ra trong hoàng thành, đề thi có thể do đích thân nhà vua ra đề, thường hỏi những vấn đề rất mở như kế trị nước để các sỹ tử bộc lộ hết góc nhìn cá nhân, tài phản biện, tài lập luận… Từ đây các quan giám khảo và đích thân nhà vua sẽ chấm bài, phân hạng người đỗ đạt.
Người đỗ đầu kỳ thi Đình gọi là “Đình nguyên”.
3. Phân hạng Tiến sỹ
Kỳ thi Đình phân người đỗ đạt làm 3 bảng (tam giáp):
- Đệ nhất giáp: Bảng ghi những người đỗ cao nhất, danh hiệu là “Tiến sỹ cập đệ”. Bảng nhất giáp, thời trước còn gọi là “tam khôi” gồm 3 học vị: Đệ nhất giáp – đệ nhất danh (hay còn gọi là Trạng nguyên). Đệ-nhất giáp – đệ nhị danh (hay còn gọi là Bảng nhãn). Đệ nhất giáp – đệ tam danh (hay còn gọi là Thám hoa).
Quan điểm của khoa cử lấy chọn người tài chứ không nhằm đủ số lượng nên bảng đệ nhất giáp không nhất thiết phải là 3 người, tùy điểm cao thấp mà phân hạng. Có kỳ thi chọn được đủ 3 vị tam khối, có kỳ thi chỉ chọn được Thám hoa, có khi lại có 2 người cùng đỗ một học vị.
- Đệ nhị giáp: còn gọi là “hoàng giáp”, danh hiệu là “Tiến sỹ xuất thân”. Bảng này không giới hạn số người. Người đỗ đạt được gọi là Tiến sỹ hay ông hoàng giáp.
- Đệ tam giáp: bảng thấp nhất trong những người đỗ đại khoa, không giới hạn số lượng, danh hiệu là “đồng Tiến sỹ xuất thân”.
Ngoài ra dưới triều Nguyễn, có những người bài thi tương đối tròn trịa, cho đỗ thì chưa xứng, nhưng cho trượt thì uổng phí người có học, đã lập ra một bảng phụ gọi là “Phó bảng”. Những người này vẫn coi là đỗ đại khoa, gọi là ông “Phó bảng”. Một trong những Phó bảng nổi tiếng nhất chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các vị tân khoa Tiến sỹ (và Phó bảng) được vua ban tiệc, áo mũ theo thứ bậc đỗ đạt, được cho cưỡi ngựa dạo phố để người đời tán thưởng và vẻ vang nhất là được vinh quy bái tổ.
Tiến sỹ thời Nguyễn
4. Những thống kê thú vị.
Lịch sử khoa bảng kéo dài gần 900 năm từ 1075 – 1919, với 184 kỳ thi, 2785 vị đại khoa. Trong 900 năm ấy cũng có những sự kiện quan trọng, sự việc hy hữu hay những điều thú vị.
4.1 Những khoa thi đặc biệt.
- Khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Vị khai khoa là Lê Văn Thịnh. Ông làm đến chức Thái Sư trong triều. Một trong những công lao rất lớn của ông là việc đòi lại 6 huyện, 3 động thuộc Cao Bằng ngày nay từ phía nhà Tống. Lê Văn Thịnh cũng là nhân vật chính trong vụ án “hóa hổ” ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây), mình xin gửi đến các bạn câu chuyện này ở một kỳ gần nhất nhé!
- Kỳ thi đầu tiên chọn tam khôi vào năm 1247, đời Trần Thái Tông. Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Hiền, Bảng nhãn đầu tiên là Lê Văn Hưu, Thám hoa đầu tiên là Đặng La Ma. Nguyễn Hiền năm đó mới 12 tuổi, Lê Văn Hưu mới 17 tuổi còn Đặng La Ma mới 13 tuổi. Đây là khoa thi mà những sỹ tử “tuổi teen” lại là người xuất sắc nhất.
- Kỳ thi cuối cùng có đầy đủ 3 học vị tam khôi là năm 1683. Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, Thám hoa Quách Giai.
- Năm 1919, Khải Định cho tổ chức khoa thi Nho Học cuối cùng, nhà vua có viết: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt”. Năm ấy Triều đình lấy đỗ 7 đệ tam giáp đồng Tiến sỹ và 16 Phó bảng, không có Hoàng giáp , tam khôi.
4.2 Những kỷ lục
- Khoa thi có tam khôi trẻ nhất cũng là khoa 1247 đời Lê Thái Tổng, tổng số tuổi của 3 vị là 42 tuổi.
- Khoa thi năm 1637 đời Lê Thần Tông là khoa thi có tam khôi già nhất. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính 50 tuổi, Bảng nhãn Nguyễn Nghi 61 tuổi, Thám hoa Nguyễn Thế Khanh 37 tuổi. Tổng số tuổi của 3 vị là 148 tuổi, gấp khoảng 3,5 lần tuổi của 3 vị tam khôi năm 1427.
- Trạng nguyên lớn tuổi nhất là Nguyễn Nghiêu Tư, ông thi đỗ năm 1448 đời Lê Nhân Tông, khi đó ông đã 65 tuổi. Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ, thi đỗ năm 1736 đời Lê Ý Tông
- Bảng nhãn lớn tuổi nhất là Bảng nhãn Nguyễn Nghi đỗ khoa thi năm 1637 đời Lê Thần Tông, khi đó ông 61 tuổi. Bảng nhãn cuối cùng là Vũ Duy Thanh, thi đỗ năm 1851 đời vua Tự Đức nhà Nguyễn.
- Thám hoa già nhất thi đỗ khoa thi năm 1628 đời Lê Thần Tông, ông là Giang Văn Minh. Năm đó ông đã 56 tuổi. Thám hoa cuối cùng là Vũ Phạm Hàm, thi đỗ năm 1892 đời vua Thành Thái nhà Nguyễn.
4.3 Những câu chuyện đặc biệt
Tiến sỹ nữ duy nhất là bà Nguyễn Thị Duệ, quê ở Chí Linh – Hải Dương. Năm 1594, bà giả trai đi thi Hội và đỗ Tiến sỹ. Sau đó vua nhà Mạc bấy giờ là Mạch Kính Cung hỏi chuyện và phát hiện bà là gái. Ông không những không phạt mà còn khen ngợi hết lời.
Cụ Đoàn Tử Quang là một vị Cử nhân rất đặc biệt. Cụ là người sống qua 13 đời vua nhà Nguyễn. Cụ sinh năm Gia Long thứ 18 (1818) và mất năm Bảo Đại thứ 4 (1928), thọ 110 tuổi. Cụ đỗ Cử Nhân năm 1900, khi đó cụ đã 82 tuổi. Tuy quy định Triều đình là 65 tuổi về hưu, nhưng để tán dương sự hiếu học, cụ vẫn được đặc cách bổ dụng làm quan. Năm 1903, khi 85 tuổi cụ xin về hưu để phụng dưỡng mẹ già đã 100 tuổi.
Một vị đại khoa là Trịnh Thiết Trường dù đã đỗ Tiến sỹ nhưng không nhận học vị mà quyết tâm thi lại. Trịnh Thiết Trường đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân năm 1442 đời Lê Thái Tông, nhưng ông chê học vị quá thấp, quyết tâm thi lại. Năm 1448 vua Lê Nhân Tông tổ chức khoa thi, ông tham dự và đỗ Bảng nhãn (tăng hạng từ đệ tam giáp lên đệ nhất giáp)
Trường hợp chê học vị thấp, quyết thi lại để lấy học vị cao hơn là Nguyễn Nguyên Chuẩn, đỗ đệ tam giáp năm 1442 (cùng khoa với Trịnh Thiết Trường), năm 1448 ông cũng thi lại nhưng cũng vẫn chỉ đỗ đệ tam giáp. Một khoa thi nữa cũng có sự việc tương tự, vào khoa thi năm 1508, có 3 vị là Trần Doãn Minh, Nguyễn Bạt Tụy đỗ đệ tam giáp, Nguyễn Duy Tường đỗ hoàng giáp (đệ nhị giáp). 3 ông quyết tâm thi lại vào năm 1511 nhưng chỉ cải thiện về thứ hạng chứ học vị vẫn không đổi.
Éo le nhất có lẽ là Đặng Huy Trứ. Vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) khoa thi Hội, Đặng Huy Trứ đỗ hàng thứ 7, nhưng do “
dùng chữ thiếu nhã ý” quan chấm thi đã đánh hỏng, nhưng vua Thiệu Trị thương tình có tài học, và tuổi trẻ bỏ qua cho lỗi ấy đặc cách cho tiếp tục thi Đình. Vào thi Đình cơ bản chỉ là việc xem ai đỗ học vị nào, còn chắc chắn là đỗ rồi. Thế mà Đặng Huy Trứ lại tiếp tục “
dùng chữ không cẩn thận, can tội rất nặng“. Nhà vua dụ:
Sau khi bị tước hết học vị, Đặng Huy Trứ cũng lận đận mất 8 năm, đến 1855 ông thi lại và đỗ Tiến sỹ. Ông cũng là người đầu tiên mở hiệu nhiếp ảnh, là hiệu Cảm Hiếu Đường năm 1869. Ông cũng là một nhà cải cách, nhà canh tân đất nước giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19.
5. Nhà Nguyễn có thực sự không chọn Trạng nguyên?
Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu- Huế
Trong 143 năm trị vì, nhà Nguyễn không có khoa thì nào chấm đậu Trạng nguyên. Thành ra người ta nói nhà Nguyễn, vì sợ ảnh hưởng đến “
đế quyền” nên không lấy đỗ Trạng nguyên, cùng với việc không phong vương, không phong tể tướng, không phong hoàng hậu, gọi là tứ bất lập. Nhưng đọc lại trong các bộ chính sử nhà Nguyễn, cùng với các bộ sử đời trước, mình tìm được một số tư liệu để phản biện luận điểm này.
5.1. Nhầm lẫn tên gọi Trạng nguyên trong chính sử
Tên gọi Trạng nguyên, tồn tại từ khoa thi năm 1247 (cùng với Bảng nhãn, Thám hoa) chỉ người đỗ tam khôi. Sau này, Lê Thánh Tông đổi cách gọi thành đệ nhất giáp – đệ nhất danh. Cách gọi này là cách gọi chính thống, được triều Nguyễn áp dụng. Trong sách sử nhà Nguyễn chép cũng dùng danh xưng này, nên có thể nhiều người đã hiểu nhầm rằng nhà Nguyễn không đặt học vị Trạng nguyên chăng?
5.2. Triều Nguyễn có đặt học vị Trạng nguyên
Triều Nguyễn có đặt học vị Trạng nguyên.
Triều Nguyễn có thang điểm chấm đạt Trạng nguyên.
Như vậy nhà Nguyễn quy định, điểm bài thi phải tuyệt đối xuất sắc đạt 10 phân (10/10) mới được cho đỗ Trạng nguyên. Có lẽ do việc chấm bài khắt khe như vậy mà chưa ai đạt nổi “văn lý 10 phân” như vua Minh Mạng quy định.
Việc chấm điểm nghiêm ngặt dẫn đến khó chọn người đỗ tam khôi này cũng từng được vua Minh Mạng, Thiệu Trị nhắc đến:
5.3. Triều Nguyễn đã quy định sẵn chế độ áo, mũ cho Trạng nguyên?
Như vậy trong các bộ chính sử nhà Nguyễn đã quy định rõ về học vị Trạng nguyên, thang điểm chọn Trạng nguyên, chế độ mũ, áo cho Trạng nguyên. Vậy việc kết luận nhà Nguyễn không đặt học vị Trạng nguyên là không có căn cứ. Nhưng tại sao qua rất nhiều kỳ đại khoa, nhà Nguyễn vẫn không tìm nổi được một vị Trạng nguyên? Theo mình có 3 lý do sau:
- Do việc chấm điểm nghiêm ngặt. Việc chọn Trạng nguyên được thực hiện nghiêm khắc và kỷ luật, không vì chưa chọn được ai mà chọn bừa, chọn ẩu. Giống như vua Thiệu Trị nhận định: Văn lý mà làm được vẹn cả 10 phân, thật không phải dễ… Người đỗ đại khoa ít ỏi, đến mức nhà Nguyễn phải lập thêm một bảng phụ – Phó bảng để chọn vớt vát những người “đánh hỏng thì uổng, chấm đỗ thì không đạt”.
- Do nhiều năm biến loạn, lực học trong cả nước giảm sút. Lần cuối tìm được một vị Trạng nguyên là khoa thi năm 1736, đến thời vua Minh Mạng đã là 100 năm. Sau gần 100 năm loạn lạc, nội chiến, ngoại xâm khiến các sỹ tử hoặc bị tòng quân, hoặc chán nản thế sự mà thoái ẩn, hoặc đơn giản là không có tiền mà học hành, nên năng lực học hành trong cả nước không còn được tốt như trước đây.
- Do ảnh hưởng bởi luồng tư tưởng mới. Từ khi vua Gia Long lên ngôi, việc truyền đạo đã bắt đầu ở nước ta, luồng tư tưởng mới bắt đầu xuất hiện trong cả nước. Pháp xâm lược nước ta từ năm 1858 (lúc này nhà Nguyễn mới tồn tại được 56 năm), đến khi hiệp định Giáp Tuất (1884) được ký kết, chính thức công nhận sự đô hộ thực dân Pháp tại nước ta, việc truyền đạo Thiên Chúa, tiếng Pháp và những luồng tư tưởng – văn hóa hiện đại đã dần xâm nhập vào trong dân ta nên việc “cựu học” cũng không còn được chú trọng, những khoa cử về giữa và cuối triều Nguyễn, không còn chất lượng như thời kỳ đầu.
6. Lời kết
Thời Phong Kiến, trọng sỹ nhất, thứ nhì là trọng nông. Một anh nông dân, tuy nghèo nhưng vẫn được coi trọng hơn những gánh hát, kẻ thương nhân, hay thợ thủ công. Từ nông thành sỹ cũng là con đường tiến thân kinh điển nhất. Thông qua khoa mục, nếu đỗ đạt, anh nông dân sỹ tử bỗng trở thành một ông nghè, ông Tiến sỹ được cả nước trọng vọng, đề tên bảng vàng, khắc bia Tiến sỹ, vinh quy bái tổ, hiển vinh vô cùng. Từ đây, con đường làm quan mở ra với biết bao vận hội mới trong cuộc đời.
Trải qua 900 năm lịch sử khoa cử, những “
hạt vàng” được đãi từ trong cát. Khoa cử đã làm tiền đề cho biết bao danh sỹ mang tài học ra phò vua, trị nước. Bảng nhãn Lê Văn Hưu với Đại Việt Sử Ký, Thái Học Sinh – Nguyễn Trãi với Bình Ngô Đại Cáo, Bảng nhãn – nhà bác học Lê Quý Đôn với hàng loạt công trình nghiên cứu đồ sộ, Trạng nguyên – nhà toán học Lương Thế Vinh, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, Thám hoa Giang Văn Minh… đều là những bậc anh tài trên nhiều lĩnh vực: trị bình, trị loạn, ngoại giao, khoa học, sử học, địa lý…
Nền khoa cử đã kết thúc hơn 100 năm trước, nhưng những giá trị của nó để lại cho lịch sử là vô cùng to lớn. Khoa cử cũng thể hiện những tư tưởng thời đại, trọng kẻ sỹ, khuyến khích sự học… những tư tưởng ấy vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Các bạn thân mến, khoa cử là một phần quan trọng của lịch sử nước ta, muốn hiểu về lịch sử thì không thể không hiểu về khoa cử. Mong rằng bài viết của mình có thể đem đến một vài góc nhìn về nền khoa cử nước nhà. Cám ơn các bạn đã đọc đến những dòng này. Chúc các cụ một tuần làm việc hiệu quả.
Thân ái chào tạm biệt!