Cầu Pá Uôn
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/527602/cau-cao-nhat-dong-nam-a-soi-bong-vao-ky-uc.html
Cầu cao nhất Đông Nam Á - soi bóng vào ký ức...
31/12/2012 10:00 (GMT + 7)
TT - Cây cầu cao nhất VN và cả Đông Nam Á mang tên Pá Uôn, nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát ngay thị trấn Phiêng Lanh, “thủ phủ” mới của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Cây cầu cao nhất VN và cả Đông Nam Á mang tên Pá Uôn như một món quà ân tình dành cho người dân Tây Bắc - Ảnh: L.Đ.Dục
Ký ức phà xưa...
Trước khi có cây cầu Pá Uôn, nhắc đến Quỳnh Nhai, ai từng qua đây đều khó quên những chuyến phà nhọc nhằn. Để đến được trung tâm huyện Quỳnh Nhai và các bản làng người Thái nằm dọc dòng sông Đà này, chỉ có mỗi con đường độc đạo và bắt buộc phải qua phà Pá Uôn, bến phà duy nhất nối Sơn La với huyện lỵ nghèo nằm cuối tỉnh.
Là người dân tộc Thái, sinh ra tại mảnh đất Sơn La, ông Điêu Chính Tới, trưởng phân xã Thông tấn xã VN tại Sơn La, như không thể quên những kỷ niệm về bến phà này. “Trước đây, để qua lại giữa hai bờ, người dân và cán bộ chỉ có đi đò ngang. Nhưng đến năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, quân đội triển khai làm quốc lộ 279 (gọi là quốc lộ 279 bởi thi công vào thời điểm lịch sử, tháng 2-1979) chạy qua Quỳnh Nhai thì lúc ấy người dân mới biết đến phà. Khi đó cũng chỉ là phà nhỏ để chở người và máy móc, nguyên vật liệu”.
Làm đường xong, bộ đội đi nhưng chiếc phà được giữ lại dùng để chở người, xe máy, ôtô (mỗi chuyến chỉ một ôtô)... Mãi đến tận những năm 2000, khi có chủ trương làm thủy điện Sơn La, để chuẩn bị cho công tác di dân thì mới có phà lớn hơn xuất hiện ở Pá Uôn, gọi là lớn nhưng mỗi chuyến phà cũng chỉ chở tối đa được ba ôtô mà thôi.
Phà Pá Uôn qua sông Đà khi đó là một phần của con đường, và bến phà nhỏ chỉ duy nhất một chiếc phà chạy đi, chạy về này chính là một trong những nguyên nhân khiến thời gian của những hành trình thêm dài ra.
Ông Tới bồi hồi: “Trước đây, mỗi lần phải vào Mường Chiên (thị trấn huyện Quỳnh Nhai), khi chưa có phà lớn, vẫn là phà nhỏ, đò ngang thì 100 cây số đường phải đi từ sáng sớm có khi 4-5g chiều mới đến nơi. Sau có phà lớn hơn thì rút ngắn xuống 2-4 tiếng hành trình tùy mùa nước và lượng khách đông vắng thất thường. Thành ra mỗi chuyến công tác vào Quỳnh Nhai là một chuyến hành xác, vất vả đợi chờ phà. Vì không còn đường nào khác để đến Quỳnh Nhai, để đi Lào Cai, Yên Bái nên mọi người và xe vẫn phải lũ lượt xếp hàng chờ xuống phà Pá Uôn. Để qua được phà, từ lúc đợi bên bờ này sang đến bờ bên kia chỉ vài ba trăm mét cũng mất hàng tiếng đồng hồ”.
Chúng tôi cũng có nhiều dịp được qua phà Pá Uôn. Bến phà này nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai). Đoạn sông Đà chỗ này vào mùa cạn chỉ rộng chừng 200m, nhưng nước càng xuống cạn thì đường dẫn xuống phà ở hai bên bờ càng dốc, xe máy, ôtô rất khó khăn trong việc lên xuống phà. Mùa lũ, lòng sông rộng gấp 2-3 lần mùa cạn, xe cộ xuống phà dễ hơn, nhưng dòng nước mùa lũ lại khiến người lái canô đẩy phà phải tính toán, lựa dòng chảy để đưa phà qua sông.
Cuối năm 2005, khi thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng, cũng là lúc cả huyện Quỳnh Nhai ngác ngơ vì 9/13 xã của huyện này sẽ phải di dời. Chúng tôi trở lại Quỳnh Nhai trước khi cả huyện này sẽ bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện. Đến bến phà giữa trưa, công nhân vận hành phà vẫn còn nghỉ ngơi sau bữa ăn, mặc khách và xe xếp hàng dài trên bến. Phải nhờ vả, nài nỉ mãi các công nhân mới “nể nhà báo” uể oải đứng dậy đi ra bến vận hành phà.
Những ngày làm việc ở Quỳnh Nhai, kể lại chuyện “độc quyền” của nhà phà, anh Nguyễn Tiến Sơn, trưởng Đài truyền thanh truyền hình huyện, rỉ tai bày cho chúng tôi: “Tốt nhất lúc trở ra, để kịp công việc, nên xin cái thư tay của bí thư, chủ tịch huyện”. Và chuyến đó, nhờ “món quà” của lãnh đạo huyện, nên khi sẩm tối, xe chúng tôi đến bến phà thấy đoàn xe dài dằng dặc mà phát ớn. Dưới sông, con phà nhỏ chở ba ôtô, vài chiếc xe máy với người cứ lừ lừ, ì ạch đưa khách sang bờ bên kia, rồi lại chậm rãi đón khách đưa về bờ bên này. Anh đồng nghiệp chạy xuống bến phà, chìa quyển sổ tay có bút tích của vị lãnh đạo huyện “Đề nghị phà Pá Uôn tạo điều kiện cho đoàn đại biểu Quốc hội báo qua phà thuận lợi “(có lẽ do loáng thoáng nhìn thấy tờ giấy phù hiệu Quốc hội ở kính trước ôtô nên ông viết đại như thế). Anh cán bộ nhà phà như đã quá quen nét chữ của sếp nên vội vàng chạy ngược lên đường, băng qua cả chục chiếc xe tải, ôtô, cả xe biển đỏ để lia đèn pin mở đường cho xe xuống bến.
Món quà ân tình
Tháng 4-2010, khi dòng sông Đà chuẩn bị chặn dòng để tích nước cho phát điện tổ máy số 1 thủy điện Sơn La thì khi đó ngay phía trên bến phà Pá Uôn chưa đầy cây số, một cây cầu sừng sững cao vợi cũng gấp rút hoàn thành để chuẩn bị cho ngày hợp long, thông xe cây cầu cao nhất VN.
Đã hơn hai năm kể từ ngày cây cầu Pá Uôn chính thức thông xe (tháng 8-2010), nhưng ông Phạm Hữu Sơn, tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đơn vị thiết kế “cha đẻ” cây cầu), vẫn nhớ như in: ban đầu tỉnh Sơn La và TEDI đều nghiêng về phương án cầu dây văng, nhưng tính toán bàn bạc kỹ và có yếu tố an ninh quốc phòng nên phải thay đổi.
Với những yêu cầu về kỹ thuật rất cao, cầu phải chịu được động đất cấp 8, cấp 9, đồng thời phải đảm bảo độ “thông thuyền” theo tiêu chuẩn cấp 1 tức rộng 80m, cao 10m để tàu, thuyền có thể qua lại. Mà với phương án thủy điện có “cốt” 215m thì cầu phải làm cao, nhịp cầu dài đến 130m (dài nhất đến thời điểm đó). Vậy làm sao để có cầu cao đến 105m, mà riêng trụ cầu tính từ mặt đất lên mặt dưới đáy cầu là 98m...
“Đây là những khó khăn, thách thức lớn nhất cho TEDI cũng như năm đơn vị thi công sau này. Khi đó tổng dự toán cầu là trên 740 tỉ đồng, nhưng vấn đề không phải là tiền xây cầu, mà quan trọng hơn cây cầu đem lại hiệu quả kinh tế như thế nào. Ngày chặn dòng đến gần, cả huyện Quỳnh Nhai sẽ chìm nghỉm... Đó là những động lực để những người thợ cầu chúng tôi làm ngày làm đêm trong suốt ba năm trời để có cây cầu cao nhất VN, cao nhất Đông Nam Á”.
Theo ông Sơn, việc trụ cầu cao đến trăm mét, cao nhất Đông Nam Á đã là một kỷ lục về độ khó trong thiết kế. Để thi công thân trụ có chiều cao lớn không thể áp dụng các biện pháp thi công thông thường mà phải áp dụng công nghệ thi công đặc biệt, đó là dùng ván khuôn leo hoặc ván khuôn trượt, đòi hỏi trình độ tay nghề cán bộ công nhân cao.
Cầu Pá Uôn hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010 như một món quà ân tình dành cho người dân Tây Bắc - những người sống bên sông Đà đã hi sinh nhà cửa, ruộng vườn cho thủy điện Sơn La.
Có cây cầu, người từ Sơn La có thể nhanh chóng, thuận tiện đến với Quỳnh Nhai, đến với Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Tam Đường (Lai Châu) một cách dễ dàng. Cầu Pá Uôn vượt lòng hồ, nối hai sườn núi cứ ẩn hiện trong sương mù Tây Bắc, và không chỉ dừng ở vẻ đẹp, cây cầu đang tạo đà phát triển cho cả vùng núi rừng Tây Bắc...
ĐỨC BÌNH - LÊ ĐỨC DỤC