http://www.evn.com.vn/page-vi-109/News/NewsDetail.aspx?nid=6363&t=Bia-Le-Loi-Di-san-quy-cua-dan-toc
Bia Lê Lợi: Di sản quý của dân tộc
10/01/2013 2:17:25 CH Tấm bia đá gần 600 tuổi khắc bài thơ của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh tan quân Minh, lập nên triều đại nhà hậu Lê. Tấm bia nằm trên địa phận lòng hồ công trình Thủy điện Sơn La. Xác định đây là một di sản quý báu của dân tộc, khi xây dựng công trình, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La đã tiến hành di dời và đầu tư xây dựng khu di tích Đền bia Lê Lợi nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của di sản này.
Tìm về lịch sử…
Thời Lý – Trần, vùng đất thuộc 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên ngày nay gọi là châu Ninh Viễn sau đổi thành châu Mường Lễ.
Năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, đổi miếu hiệu là Lê Thái Tổ và bắt tay xây dựng một triều đại phong kiến Đại Việt hưng thịnh đầu thế kỷ XV. Thế nhưng, đến năm Thuận Thiên thứ 4 (năm 1431), Đèo Cát Hãn lại tỏ ra không chịu khuất phục mà câu kết với bọn Kha Đốn (hay còn gọi là Kha Lại - một viên quan phản nghịch đang chống lại vua Ai Lao) đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay thuộc Thuận Châu, tỉnh Sơn La), chém giết nhiều người dân vô tội.
Hiểu được tầm quan trọng của miền Tây Bắc đối với lãnh thổ và sự an nguy của đất nước, Vua Lê Thái Tổ đã đích thân mang quân đi dẹp loạn. Sau khi dẹp yên quân phiến loạn vùng biên ải, trên đường hồi Kinh, Vua Lê đã làm bài thơ và cho khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu):
Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh. Tội đáng giết.
Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.
Ðất đai hiểm trở từ nay không còn (bọn chúng nữa).
Hình bóng cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ.
Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên núi đá.
Chắn giữ bờ tây nước Việt ta.
(Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi, tức tháng 1 năm 1432)
Một văn bản xác định chủ quyền…
Tiến sỹ Bùi Văn Liêm – Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, người đã trực tiếp tham gia quá trình khai quật cũng như dày công nghiên cứu về tấm bia lịch sử này cho biết: Tấm bia khắc bài minh văn của Vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản văn hóa cực kỳ quý báu. Tấm bia đá hay đúng hơn là một trang vàng lịch sử chống lại giặc ngoại xâm cùng bọn tù trưởng tham lam, dám câu kết với quân ngoại xâm để chống lại Nhà nước phong kiến Việt Nam lúc đó.
Tấm bia này là một minh chứng hùng hồn, khẳng định những sự kiện lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của các vua chúa phong kiến ở nước ta qua nhiều thế kỷ. Từ một khía cạnh nào đó, tấm bia đã lên án những tên tù trưởng độc ác như Đèo Cát Hãn và sau này là các thế lực ********* nhằm thôn tính vùng đất Tây Bắc thành lãnh địa riêng của mình.
Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Lợi chính là một văn bản xác định chủ quyền - Ảnh Vũ Lam
Tấm bia không chỉ có giá trị lịch sử, xét về giá trị văn học, hiện tại trong kho tàng văn học cổ Việt Nam vào thời vua Lê Lợi, chúng ta mới thấy có những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Trãi và một số người khác, còn những tác phẩm của vua Lê Lợi thì rất ít. Về văn bia, chúng ta cũng đã thấy nhiều ở Văn Miếu cùng các chùa chiền, song về văn học thì đây dường như là một trong những văn bản quý hiếm. Qua nội dung tấm bia có thể đánh giá đây là một dạng văn học rất cổ có ảnh hưởng tới vùng biên giới – nơi mà văn hóa Đại Việt dường như ít được phổ cập.
Tuy vậy, theo Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, giá trị quý nhất của tấm bia khắc bài minh văn này chính là văn bản xác định chủ quyền biên giới. Trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta, vấn đề chủ quyền lãnh thổ luôn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các nhà nước phong kiến độc lập mà ngay cả nhà nước ta hiện nay. Trước nhà Hậu Lê, các Vua Lý, Trần, Hồ cũng có nhiều hình thức, nhiều văn bản quy định vấn đề chủ quyền, biên giới , lãnh thổ của mình cai quản. Nhiều bộ biên niên sử đã được viết và xác định rõ biên cương, song chỉ tiếc rằng những văn bản bia được khắc lại không còn nhiều.
Vào thời Hậu Lê, cùng với sự lớn mạnh của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, nhà Lê đã cho khắc vào vách đá những sự kiện lịch sử lớn, đánh dấu chiến thắng cũng như khắc ghi cột mốc biên giới của nhà nước Đại Việt. Một loạt các tấm bia như vậy đã tìm thấy trên vách đá ở Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu…
Những tấm văn bia này là những bằng chứng hùng hồn trong việc xác định chủ quyền của nhà nước Việt Nam ta từ những ngày xa xưa dựng nước và giữ nước.
Đền thờ Bia Lê Lợi được đặt vị trí trang trọng để đón tiếp du khách gần xa - Ảnh Anh Vũ
EVN bảo tồn, phát huy truyền thống yêu nước
Khi Chính phủ quyết định xây dựng Thuỷ điện Sơn La, theo bản vẽ thi công, bia Lê Lợi nằm trong vùng lòng hồ. Trước tình hình đó, năm 2006, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kế hoạch di chuyển bia Lê Lợi và đã được Bộ chấp thuận. Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá các dân tộc tỉnh Lai Châu được giao nhiệm vụ lập kế hoạch và phương án di dời.
Khu di tích mới được xây dựng cách địa điểm cũ khoảng 500 m trên trục đường tỉnh lộ đi Mường Tè – Lai Châu, hướng bia quay ra sông Ðà, phía trước có cả đường thuỷ và đường bộ. Mở đầu cụm kiến trúc là một Nghi Môn, tiếp đó là khoảng sân lát gạch bát phục chế. Chính giữa khoảng sân là nhà che bia. Phía sau nhà bia là một khoảng sân có ngôi đền nhỏ, bên trái nhà bia là nhà khách, xung quanh khuôn viên di tích dành đất trồng cây lưu niệm. Toàn bộ kinh phí di dời và kinh phí xây dựng đền thờ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện.
EVN bảo tồn để phát huy truyền thống yêu nước của toàn dân tộc - Ảnh Anh Vũ
Ông Nguyền Hồng Hà, Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết: “Việc EVN quyết tâm phục dựng lại di tích chính là mong muốn tôn vinh giá trị tinh thần vùng ngập lòng hồ, cũng như gìn giữ giá trị tâm linh để thế hệ mai sau hiểu được truyền thống yêu nước, cũng như tinh thần chiến đấu giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc của cha ông ta. Đồng thời, việc xây dựng đền bia Lê Lợi cũng là để tạo ra điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cho đồng bào các dân tộc địa phương. Đây thực sự là một di tích thiêng liêng nên chúng tôi đã phân công lãnh đạo Ban ngày đêm đến chỉ đạo trực tiếp và giám sát các công việc từ di dời cho đến xây dựng cũng như tôn tạo khu di tích mới. Thực hiện tâm nguyên đó, ngày 29/12/2009, Ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La phối hợp với Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương đã tổ chức di dời tấm bia của vua Lê Lợi trên núi đá bên bờ sông Đà đến nơi mới một cách an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho tấn Bia, hàng chục thợ giỏi làng đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã được huy động và làm việc cật lực trong vòng 2 tháng, cắt tỉa từ khối đá khổng lồ ven bờ sông Đà thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tấm bia nặng trên 15 tấn, cao 2,3 m, rộng 2,8 m và dày 1,15 m, được cần cẩu 25 tấn và xe vận tải nặng chuyển từ độ sâu 7 mét đến khu vực UBND xã Lê Lợi để bảo quản. “Quãng đường dài gần 10km cũng là một thử thách lớn đối với những người trong cuộc, bởi đoạn đường này đang thi công dở dang, mặt bằng đi lại hết sức khó khăn khiến chúng tôi lo lắng. Cuối cùng, trước khi trời tối, tấm bia cũng được đặt vào vị trí đã định. Thấy bài thơ của vua Lê Lợi vẫn còn nguyên vẹn, mọi người đều reo lên mừng rỡ” - Ông Vũ Văn Tuấn cán bộ Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La – phụ trách công tác di dời Bia chia sẻ.
Giờ đây, tấm bia đã đặt vào vị trí trang trọng, cao hơn vị trí cũ 150 m. Đền thờ Vua Lê có kiến trúc truyền thống bằng gỗ, mái ngói mũi hài. Khu di tích bao gồm: Đền chính, nhà bia, nhà Thủ từ, sân đại lễ, bãi đỗ xe... trên mặt bằng rộng khoảng hơn 3.000 m2. Nhiều du khách thập phương khi du lịch đến Lai Châu và Điện Biên, đã ghé thăm Khu Di tích, thành kính nghiêng mình thắp nén hương thơm dâng lên vị Anh hùng dân tộc, cầu cho quốc thái, dân an,cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bác Lê Hữu An (63 tuổi, quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) khi đến thăm khu di tích thổ lộ: “Đọc bài thơ khắc trên tấm bia đá mới thấy được hào khí của cha ông ta. Mặc dù đường sá xa xôi, khó nhọc, nhưng Vua Lê Thái Tổ rất quan tâm đến vùng Tây Bắc của Tổ quốc, thân chinh đi đánh giặc để giữ cho cuộc sống của bà con nơi đây được bình yên”.
Còn anh Lò Văn Khánh (26 tuổi) cán bộ xã Lê Lợi chia sẻ: “Việc EVN xây dựng đền bia Lê Lợi đã đáp ứng được nguyện vọng bấy lâu nay của nhân dân. Bản thân tôi là người con của vùng quê này cảm thấy tự hào và vinh dự khi có di tích xây dựng tại quê hương. Di tích chính là hiện vật luôn nhắc nhở nhân dân trong Tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Một số hiện vật, di chỉ khác được khai quật và di chuyển khỏi lòng hồ
Sơn La:
- Tổng số di vật: 6.665 hiện vật đá được đăng ký, ngoài ra có hơn 20 nghìn mảnh tước các loại, được tìm thấy tại: Hang Lán Mỏ, Hang Lán Hạ 1, Hang Lán Hạ 2, Hang Lán Đanh (xã Mường Trai, huyện Mường La); Hang Tọ 1, Hang Tọ 2, Di chỉ Pỏ Muội, Di chỉ Hua Lon (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai)
- Di chỉ Văn Pán, Hang Pá Pó (xã Chiềng ơn, huyện Quỳnh Nhai)
- Hang Dơi, Hang Bổ Túc (xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai)
- Di chỉ Mường Chiên, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai
- Di chỉ Pá Màng, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu
- Di chỉ Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai.
Điện Biên:
Tổng số: 28.482 tiêu bản, trong đó 8.683 công cụ đá và 19.799 mảnh tước.
- Di chỉ Đồi Cao, phường Sông Đà, thị xã Mường Lay
- Di chỉ Huổi Lúng, Huổi Só (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)
- Di chỉ Huổi Le, Huổi Lé, Pắc Na (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa)
Lai Châu:
Tổng số: 7.285 công cụ đá, 17.506 mảnh tước và 4 công cụ đồng
- Di chỉ Nậm Dôn, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ
- Di chỉ Nậm Cha, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ
- Di chỉ Hát Đấu, Nậm Mạ, Huổi Ca, Co Đớ (xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ)
- Di chỉ Nậm Kha, Nậm Hăn, Hát Hí, Hát Hỉ (xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ).
Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin