Dù không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại các pháp nhân khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than lậu nhưng 2 anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang giữ vai trò đặc biệt quan trọng là "cổ đông lớn" và giật dây.
thanhnien.vn
Theo hồ sơ, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp Giấy giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2017 với vốn điều lệ 5 tỉ đồng, đến nay doanh nghiệp này đã 6 lần thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh. Đại diện theo pháp luật của công ty từ ngày 1.6.2017 đến 30.8.2019 là ông
Hà Anh Tuấn, chức danh giám đốc; đại diện theo pháp luật của công ty từ ngày 30.8.2019 đến nay là ông Bùi Mạnh Cường, chức danh giám đốc.
Trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương hoạt động chính là mua than của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam và Công ty CP Than
Sông Hồng, sau đó chế biến than (trộn than theo yêu cầu chỉ tiêu của khách hàng) cung cấp cho Nhà máy xi măng Xuân Thành tại Ninh Bình và Nhà máy xi măng Hoàng Thạch tại Hải Dương.
Đến khoảng cuối năm 2017 và 2018, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương chuyển sang làm ăn lớn với sự tham gia góp vốn của hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang, ở TX.Đông Triều, Quảng Ninh. Quá trình tăng vốn của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương ghi nhận sự góp vốn của Bùi Hữu Thanh với 48 tỉ đồng, Bùi Hữu Giang 70 tỉ đồng, chiếm gần 70% vốn góp tại doanh nghiệp này.
Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương mà cử Bùi Mạnh Cường, lái xe của Vũ Thị Hiếu (vợ Bùi Hữu Thanh) làm giám đốc và tham gia các hoạt động của công ty, đồng thời cắt cử nhiều người thân tín tham gia vào các hoạt động của công ty.
Từ tháng 3.2019 - 8.2021, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than nguyên khai, gấp rất nhiều lần khối lượng 8.500 tấn/năm theo giấy phép.
Để hợp thức hóa số than khai thác trái phép này, các đối tượng trong đường dây, trong đó các pháp nhân Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, đã sử dụng các hợp đồng khống, biên bản nghiêm thu xác nhận khối lượng khai phá, bốc dỡ, số lượng than nguyên khai (chưa qua tuyển lựa, chế biến) khai thác được với số lượng thấp hơn nhiều so với thực tế, dao động từ 900 - 1.400 tấn/tháng để phù hợp với công suất khai thác theo hợp đồng ký khống nêu trên và công suất được cấp phép.
Trên thực tế, Công ty CP Yên Phước chỉ nộp tiền cấp quyền khai khác khoáng sản các loại với tổng số 2,8 tỉ đồng.
C03 xác định, hành vi khai thác, tiêu thụ than trái phép trong đường dây này đã giúp anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang và các đối tượng khác hưởng lợi bất chính số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Đáng chú ý, từ giữa năm 2020 đến nay, anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang được biết đến là những "nghệ nhân" đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh với “vườn lan var đất mỏ” và cơ ngơi cực "khủng" hay những siêu xe đắt tiền.
Khác với các đại gia lan đột biến khác trên cả nước, anh em Thanh và Giang có những giao dịch về lan đột biến được dư luận cả nước chú ý, không chỉ về
giá trị giao dịch lên tới hàng trăm tỉ mà còn có “tiền tươi thóc thật” được trưng ra. Câu hỏi đặt ra ở đây là có hay không việc Thanh và Giang mượn lan đột biến làm bình phong để rửa tiền từ than lậu?
Trao đổi với
Thanh Niên sáng nay, 28.8, một lãnh đạo C03 cho biết, vụ việc sẽ được điều tra toàn diện, kể cả hành vi rửa tiền và sớm trả lời trước dư luận