Có cái bài trên otosaigon giải thích tại sao xã hội càng giàu mà có vẻ người ta càng nghèo, càng sống đểu hơn với nhau.
https://www.otosaigon.com/threads/chuyen-ba-ban-xoi-tai-sao-nguoi-ta-ngay-cang-mua-ban-thuc-an-thuc-uong-deu.8182318/
Tôi thèm ăn xôi sáng. Xôi sáng là món rất ư bình dân. Nó rẻ hơn nhiều cơm tấm thịt nướng và rẻ hơn chuối nướng nước dừa.
Đây là câu chuyện 3 bà bán xôi trong thời gian dài: bà A, bà B (dâu bà A), bà C (dâu bà B)
Những năm 1980:
Bà A bán xôi gần cổng trường cấp 2. Sau khi vệ sinh buổi sáng tôi lửng thửng đi học và ăn xôi sáng của bà A. Mỗi tuần chỉ ăn 2-3 lần vì ít tiền. Còn lại ăn cơm nguội + muối buổi sáng.
Bà A bán xôi nuôi cả gia đình. Lúc đó gia đình bà cần gì?
- Dầu hôi cho đèn
- Gạo cho cơm
- Ít tiền cho nêm nếm (muối, mắm, tỏi,...)
- Ít tiền cho con cháu mặc
- Ít tiền cho cá thịt
- Ít tiền cho giỗ cưới ...
- Ít tiền cho tập vỡ con cháu đi học (học thêm là xa xỉ hồi đó)
- Ít tiền dành dụm
Thế đó ... hồi đó cuộc sống ít vật chất, đơn giản vô cùng. Trẻ con thì tuỳ từng mùa mà đi vườn hai quả ăn vặt, chơi tán u, thả diều, tán lon, quay dế,... Toàn là những thứ rất ư .... ít tốn tiền.
1986 thì tôi rớt lớp 10 và đi làm culi cho thầu xây nhà. Có tiền thì tôi vẫn ăn xôi bà A.
Công việc của bà A suốt ngày. Bán xôi xong bà A đi chợ mua nếp, tuỳ mùa mà mua bắp hay mua đậu. Bà A mua ít thứ đi nấu ăn cho cả nhà. Sau khi cơm trưa thì bà A đi vườn mua lá chuối.
Bà A rất kỹ, giặt cho một đống khăn lau từng chiếc lá gói xôi và lau 3 lần (lần cuối với khăn sạch nhất). Sau khi lau xong thì bà chẻ cọng dừa ra làm cái xúc xôi (không có muỗng nhựa ăn liền đâu).
Sau đó thì ngâm nếp và sửa soạn cho sáng sớm nấu 1 thau xôi.
Những năm 1990:
Bà A già rồi nên dâu bà A là bà B tiếp nghề bán xôi.
Thời gian này bọn Hồng Kông, Sing, Đài,... bắt đầu đầu tư vào sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia 1989.
Cuộc sống tinh thần được "Đảng cởi trói" (đúng từ của báo lề phải và đài nói là "cởi trói", tức là trước kia bị trói). Văn nghệ văn gừng tưng bừng, phim video mì ăn liền bắt đầu làm, phim ngoại bắt đầu được cho chiếu rạp. Nhiều hiện tượng văn học nổ bung.
Cuộc sống cả gia đình thêm chi phí:
- cái tivi trắng đen Vietronics lắp ráp chạy bình (số tiền mua tivi chia ra cho 5x12 = 60 tháng để tính chi phí)
- 2 cái bình thay phiên nhau sạc
- tiền sạc bình
- chuẩn bị có xe gắn máy
- con cháu phải học thêm nhiều hơn vì phong trào ép học sinh học thêm tăng mạnh và đạo đức học đường xuống cấp theo sự phát triển kinh tế.
Như vậy bà B phải bán xôi nhiều hơn để có tiền cho những chi phí mới đó. Vì thế, bán xôi sáng xong thì bà B phải đội thau xôi khác đi bán dạo cho đến trưa.
Sau khi bán dạo đến trưa xong thì hết thời gian. Vì thế bà B phải cắt giảm thời gian cho việc chuẩn bị xôi. Ví dụ lau lá thì lau 1 lần là xong thay vì lau 3 lần như bà A. Lá chuối phải tiết kiệm hơn chứ không tướt thoải mái.....
Bà B phải tiết kiệm thời gian và chất lượng cũng như tình trạng vệ sinh thực phẩm. Lúc này "thực phẩm đểu" hình thành.
Vì chi phí thêm và phải bán nhiều và có lời nhiều hơn thì bà B bắt đầu dùng đường hoá học nhiều. Đó là trái với phương châm "ăn ở cho có đức" của bà A.
Lúc này mua xôi bà B tôi chỉ mua loại mà không có trộn đường (xôi đậu nhạt chứ xôi bắp không ăn vì sợ đường hoá học). Tôi phải dùng tô riêng để mua xôi vì lá lau không còn sạch.
Và đến khi tôi rời Việt Nam theo diện bảo lãnh thì "thực phẩm đểu" bắt đầu trở nên "chấp nhận" bởi Xã hội vì ai cũng phải "đểu" để có đủ những chi phí "căn bản" mới như là tivi và xe gắn máy.
Những năm 2000-2010
Tôi có về VN 2 lần.
Bà B không còn bán xôi để làm công việc khác thì bà C (cùng lứa tuổi của tôi) bán xôi. Bà C là dâu nội bà A, là dâu bà B.
Tôi không dám mua xôi bà C ăn nữa lúc ở VN vì xôi đã "đểu" nặng. Để hấp dẫn con nít, bà C bán xôi ba màu rất đẹp. Chỉ có màu hóa học mới có màu đẹp như thế.
Lá chuối và "muỗng" từ bẹ dừa không còn. Thay vào đó là bọc nilon gọn nhẹ và không còn phải tốn công xách nước, lau lá nữa. Cái muỗng nhựa mỏng từ nhựa tái chế không kỹ thật ghê ghê.
Bà C bán 1 ngày 3 thau xôi thay vì chỉ 1 thau như bà A vì chi phí cộng thêm vào ở trên:
- tivi màu (tuy 4-7 triệu thời đó nhưng cứ chia ra cho 60 tháng để biết chi phí)
- điện hàng tháng (thay vì dùng bình)
- đồ điện (quạt máy, máy nhạc)
- thêm 2 xe gắn máy (chia ra cho 100 tháng để biết chi phí cộng thêm mỗi tháng)
- vài cái cell phone vỏ sò (tùy 1-2 triệu nhưng vẫn chia ra 36 tháng)
- máy tính để bàn cho con cháu
- phí Internet
- phí nước máy (vì cái rạch đã Ô NHIỄM bởi đầu tư nước ngoài vô nhân đạo khi xả nước thải thẳng vào rạch, chẳng có luật nào khống chế họ)
- con nít có nhiều chi phí khác (không chỉ không tốn tiền với tán u, tán lon, đổ dế, thả diều tự làm,... như hồi xưa)
Vì thế bà C phải "đểu" nặng mà ... Xã Hội phải CHẤP NHẬN "đểu" lẫn nhau để có đủ chi phí cộng thêm ngày một nhiều.
Ngày nay phát sinh thêm:
- smart phone, tablet
- phí 3G/4G
- LCD/LED tivi
- tủ lạnh (cũng như tiền điện chạy nó)
- máy lạnh
Đó là lý do tại sao thức ăn thức uống loại bình dân ngoài đường ngày càng "đểu" và người ta phải "đểu" lẫn nhau và không còn ai như bà A xưa là bán còn "để đức" cho con cháu.