Đêm 13/3/1988, tôi được lệnh lên HQ-614, chỉ huy lực lượng hành quân lên phía Sinh Tồn!” – Đại tá Nguyễn Văn Dân tiếp tục dòng ký ức về Chiến dịch CQ-88.
“Ông chỉ huy cả lực lượng của Anh hùng Liệt sĩ Trần Đức Thông?”.
“Không! Anh Thông vừa đi phép vào, đi tàu HQ-604 từ đất liền ra, cùng với tàu HQ-505. Còn tôi từ Đá Đông lên!”.
Chúng tôi hành quân ngay trong đêm 13/3, đi ở khoảng giữa Châu Viên và Phan Vinh. Có 2 tàu Trung Quốc đến kèm, theo tôi nhớ là tàu 203 và tàu 205. Tàu chúng tôi bắt đầu bị mất liên lạc với đất liền.
Do bị nó chặn đường, nên đến chiều tối ngày 14/3/1988, chúng tôi mới đến được đảo Sinh Tồn. Lúc đó, HQ-604, HQ-605 đã bị bắn chìm, còn HQ-505 đã lao lên Cô Lin.
Đêm 14/3/1988, chúng tôi đưa anh em thương binh lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa, và báo cáo tình hình về nhà. Anh Doan, Chính trị viên tàu HQ-605 hy sinh trên tàu, anh em chèo xuồng đưa được về Sinh Tồn và an táng ở đó.
Sáng 15/3, chúng tôi ra chỗ tàu HQ-605, HQ-604. Theo vết dầu nổi lên, chúng tôi xác định được vị trí HQ-605 chìm, thả neo đánh dấu.
Rồi chạy qua chỗ Gạc Ma. Trung Quốc mới dựng cái chòi nhỏ ở đó. Lúc đó HQ-604 không còn dấu vết gì cả…
Hồi đó nêu tên 74 người mất tích, nhưng sau kiểm lại, thực tế có 71 người hy sinh, mất tích và bị bắt. Anh em còn lại đã về Sinh Tồn, về HQ-505.
Chúng tôi tiếp tục tìm, đến gần 12 giờ trưa, 2 tàu khu trục Trung Quốc đến ngăn chúng tôi vào khu vực Gạc Ma. Chúng tôi không thể vào được, không xác định được vị trí tàu HQ-604 chìm…
Hẻm giữa Cô Lin và Gạc Ma rất sâu, nhưng HQ-505 đã lao lên được Cô Lin.
Còn HQ-604, chúng tôi đoán HQ-604 thả neo ở Tây Nam Gạc Ma, khi bị bắn thì chìm rất sâu nên không thấy vết dầu nổi lên…