Đúng rồi chứ còn gì nữa
Nếu cụ chịu khó đọc kỹ
Quyết định số 05/2020/HS-GĐT ngày 08 tháng 5 năm 2020 về kết quả phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Duy Hải thì có lẽ sẽ không đưa ra thắc mắc như trên
Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 05/2020/HS-GĐT ngày 08 tháng 5 năm 2020 về kết quả phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Duy Hải . Tạp chí Tòa án điện tử xin giới thiệu toàn văn Quyết định này.
tapchitoaan.vn
Bây giờ em mới đọc bản đầy đủ:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, bản án kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường là không có căn cứ, không có chứng cứ nào khẳng định được Hải có mặt tại hiện trường.
Nhận thấy, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án như lời khai của những người làm chứng là anh Hồ Văn Bình (Bl 256-257), anh Đinh Vũ Thường (Bl 250- 251), ông Nguyễn Văn Thu (Bl 265-267), bà Nguyễn Thị Rưởi (Bl 263-264), chị Nguyễn Thị Bích Ngân (Bl 260) và lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải thể hiện:
Về phương tiện (xe mô tô Dream) Hải sử dụng: Hải khai nhận, đi xe mô tô Dream màu nho đã cũ, có gương chiếu hậu bên trái, xe của bà Rưởi (khi về nhà lấy xe thì có sẵn chìa khóa cắm trên xe), khi vào Bưu điện Cầu Voi, Hải dựng xe ở bên phải, đầu xe hướng vào phía bưu điện. Theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, khi vào bưu điện anh dựng xe máy “kế 01 chiếc xe loại Dream đã cũ màu nho, bên trái xe có kính chiếu hậu màu đen loại theo xe nhưng gọn kính bị cắt cụt hơn kính theo xe mô tô” (Bl 250); lời khai của ông Nguyễn Văn Thu (Bl 266) và bà Nguyễn Thị Rưởi (Bl 263) thể hiện, thường ngày cũng như ngày 06/12/2007 âm lịch (tức ngày 13/01/2008 dương lịch) là ngày thôi nôi cháu nội, ông bà có để xe mô tô Dream biển kiểm soát 62F5-0842 màu nâu cũ ngoài sân, cắm sẵn chìa khóa. Như vậy, lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy có đặc điểm nêu trên và địa điểm để xe máy khi đến Bưu điện Cầu Voi là phù hợp với lời khai của những người làm chứng.
Về tóc của Hải: theo lời khai của ông Nguyễn Văn Thu (Bl 266) thì Hải để “tóc hai mái tém gọn, hơi dài, nhưng không dài lắm… khoảng hơn nửa tháng … thì thấy Hải hớt tóc đầu đinh”; bà Nguyễn Thị Rưởi (là dì ruột của Hải) khai “Hải để tóc hai mái chẻ 6/4 hoặc 7/3” (Bl 264). Anh Hồ Văn Bình mô tả đặc điểm của người thanh niên là “tóc cắt ngắn phía trước tóc chảy làn” (Bl 257); anh Đinh Vũ Thường khai “01 thanh niên ngồi giữa trên ghế salon dài 03 cái liền nhau, mặt hướng ra ngoài trước nhưng lúc đó đang cúi đầu xuống bấm cái gì đó tôi không thấy nhưng tôi thấy có ánh đèn màu sáng… tôi đoán là đang bấm điện thoại.
Người thanh niên tóc 02 mái, khi cúi xuống tóc che khỏi mí mắt… không nhìn lên nên tôi không nhìn rõ khuôn mặt của người thanh niên đó, tôi không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được” (Bl 250-251). Theo lời khai của Hải thì “trước khi gây án… tóc tôi để dài chẻ 6/4 còn đuôi tóc dài phủ gáy. Sau khi gây án khoảng 1 tháng… tôi hớt ngắn 1 phân” (Bl 94). Như vậy, lời khai của Hải phù hợp với lời khai của những người làm chứng về việc mô tả đặc điểm tóc của Hải.
Về mô tả quần, áo: theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, tối ngày 13/01/2008, khi anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại thì thấy “Người thanh niên… mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ” (Bl 250). Hồ Duy Hải khai nhận mặc áo thun xanh lá cây hoặc xanh rêu trước ngực có mấy chữ màu trắng (Bl 85, Bl 108). Theo Bản tự khai của Hải thì do quần áo lúc gây án bị dính máu và sợ bị phát hiện nên sau khi gây án Hải đã đem đốt quần áo trên ở ngoài vườn sau nhà (Bl 108). Cơ quan điều tra đã khám xét và thu giữ đống tàn tro. Căn cứ Biên bản mở niêm phong (Bl 325) và Biên bản xác định đồ vật (Bl 133) về các đồ vật thu giữ tại đống tàn tro, Cơ quan điều tra cho Hải nhận dạng và Hải xác nhận mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc khi gây án, mảnh vải nhỏ màu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng. Như vậy, lời khai của Hải phù hợp lời khai của người làm chứng, kết quả khám xét, Biên bản mở niêm phong và Biên bản xác định đồ vật nêu trên.
Lời khai của Hải còn phù hợp với lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, cụ thể: theo Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112) và lời khai ngày 27/6/2008 (Bl 97), Hải khai nhận đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây về ăn (không nhớ rõ số tiền). Theo lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, tối ngày 13/01/2008 “có một cô gái… đi bộ lại chỗ tôi mua trái cây. Tôi biết cô gái này làm ở Bưu điện Cầu Voi… cô gái nói với tôi là có người đưa tiền em kêu em mua nên em mua nhiều… cô gái có nói với tôi là ở nơi làm có khách” (Bl 260). Kết quả khám nghiệm hiện trường có 02 túi trái cây trên bàn salon là phù hợp với lời khai của Hải và lời khai của chị Ngân.
Ngoài ra, Hải còn có nhiều lời khai về việc mô tả cụ thể, chi tiết các phòng và đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường về vị trí, đặc điểm các đồ vật trong bưu điện. Trong số những đồ vật mà Hải mô tả tại các lời khai có những đồ vật có đặc điểm, màu sắc, vị trí mà chỉ người có mặt tại hiện trường tiếp cận trực tiếp với đồ vật đó mới có thể mô tả được cụ thể, chính xác như: con gấu bông màu vàng xám, chiếc ly nước bằng thủy tinh, tấm nệm ga màu hồng đỏ trên giường ngủ, bịch trái cây. Tổng hợp các tình tiết trên, có đủ cơ sở xác định Hải có mặt tại hiện trường vụ án.
Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, không có nhân chứng và chứng cứ nào khẳng định và kết luận Hải có mặt tại hiện trường là không đúng.
[2] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19 giờ 30 là không có căn cứ và Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây.
Theo lời khai của anh Hồ Văn Bình thì anh đến Bưu điện Cầu Voi gửi xe “lúc đó đã hơn 19 giờ”, thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng, khoảng ngoài 19 giờ 30 phút, anh Bình đến lấy xe vẫn thấy chị Hồng và người thanh niên đó ngồi nói chuyện (Bl 256). Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại “lúc đó khoảng 20 giờ trở lại”, nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện (Bl 250); kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây. Căn cứ Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 (Bl 131) có sự tham gia của Kiểm sát viên và người chứng kiến là ông Nguyễn Văn Thu thì đoạn đường từ tiệm cầm đồ Kim Hưng đến Bưu điện Cầu Voi (theo cung đường Hải khai) là 7,5km và đi hết thời gian là 15 phút.
Do đó, nếu tính thời gian từ lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang (Hải khai nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây – Bl 94) với thời gian làm thủ tục cầm đồ (Hải khai làm thủ tục cầm đồ khoảng 05 phút – Bl 94, Bl 95B) và thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường như Hải mô tả hết 15 phút thì thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây. Điều này phù hợp với lời khai của Hải khai, khi đến bưu điện khoảng trên 19 giờ 30 phút (Bl 97) và phù hợp với lời khai của anh Bình và anh Thường là nhìn thấy 01 thanh niên ngồi trên ghế salon ở Bưu điện Cầu Voi. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng trả lời, việc xác định thời gian Hải có mặt tại hiện trường (như cách tính trong kháng nghị) chỉ mang tính ước lượng chứ không có căn cứ khoa học. Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 phút là có cơ sở. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây là không có căn cứ.
[3] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên toà, cụ thể:
Mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân: các lời khai ban đầu Hải khai, “lấy dao ở kệ gần cửa chạy theo Hồng, dùng tay phải nắm đầu Hồng đập mạnh vùng mặt vào lavabo rửa mặt khoảng 3 cái, dùng dao để cắt đứt cổ” (Bl 82); có lời khai “sau khi đập đầu Hồng vào lavabo, Hải đi vào nhà lấy con dao ở bàn quay lại nhà tắm, cắt cổ chị Hồng” (Bl 86); sau đó lại khai “Hải đập phần mặt và trán chị Hồng vào lavabo, Hải kéo chị Hồng vào chân cầu thang lấy cái thớt đập mạnh vào vùng đầu rồi dùng dao cắt cổ chị Hồng” (Bl 88, 93, 99); các lời khai sau “Hải đuổi theo xô chị Hồng ngã ngửa dưới nền gầm cầu thang, dùng tay phải đánh vào mặt Hồng nhiều cái, lấy cái thớt cầm hai tay đập lên vùng đầu, mặt của Hồng hai cái, lấy con dao cắt cổ Hồng qua lại 2 cái”(Bl 100, 116)… Mâu thuẫn về hành vi hiếp dâm chị Hồng: ban đầu Hải khai, “định quan hệ tình dục nhưng chị Hồng phản ứng, bỏ xuống nhà vệ sinh” (Bl 82); nhiều lời sau khai “Hải khống chế chị Hồng, dùng hai tay bóp cổ chị Hồng, cởi hết quần áo của Hồng, giao cấu với Hồng xong Hải xuất tinh vào vạt áo của mình, cả hai mặc lại quần áo” (Bl 89); sau đó lại khai “khống chế chị Hồng chưa làm được gì thì bị chị Hồng đạp vào bụng bật ra, Hồng bật dậy chạy ra ngoài” (Bl 101)…
Xét thấy, trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có một số lời khai có nội dung mâu thuẫn như viện dẫn của kháng nghị giám đốc thẩm, điều này phù hợp diễn biến tâm lý tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không mớm cung, ép cung đối với bị cáo. Tại các bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-114) và ngày 14/8/2008 (Bl 102-103); các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-121) đều có sự tham gia của Kiểm sát viên và Luật sư, Hồ Duy Hải khai: “tôi là thủ phạm gây ra cái chết cho nạn nhân Hồng và Vân, nhưng quá trình khai báo do tư tưởng chưa ổn định thấy mức án cao sợ bị xử sớm không còn thời gian sống lâu gặp gia đình nên cố tình khai thiếu một số tình tiết và khai thêm một số tình tiết để kéo dài điều tra, cụ thể là: tôi khai thêm đập đầu nạn nhân Hồng ngoài labô nước nhà vệ sinh còn thực tế đúng là tôi đập bằng thớt trong chân cầu thang; khai thêm hiếp dâm Hồng trong phòng ngủ rồi cho xuất tinh ra ngoài, sự thật là tôi không hiếp dâm; khai thêm đập đầu Vân tại chân cầu thang mà đập trên phòng khách là đúng…; thật ra tôi không có hành vi hiếp dâm mà chỉ có ý định quan hệ với Hồng khi ngồi nói chuyện sờ sẩm qua lại Hồng không phản ứng nên tôi điều Vân đi mua trái cây để quan hệ với Hồng. Hồng không cho nên tôi nóng tấn công Hồng và giết Hồng, ban đầu thỏa mãn tức giận dục vọng, sau đó mới nảy sinh ý định cướp, còn Vân tôi giết là vì sợ Vân phát hiện tố giác”. Các lời khai sau đó, Hải vẫn thừa nhận dùng dao cắt cổ chị Hồng, chị Vân; dùng thớt đập đầu chị Hồng, dùng ghế đập đầu chị Vân làm chị Hồng, chị Vân bị chết và không có hành vi hiếp dâm chị Hồng.
Lời khai của Hải phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường, kết quả giám định như: Hải khai dùng thớt đập vào đầu chị Hồng thì tại Bản ảnh hiện trường có chiếc thớt để cạnh đầu chị Hồng, cái thớt có dính máu; Hải khai không đập đầu chị Hồng vào lavabo tại nhà vệ sinh là phù hợp với kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết của việc đập đầu trên lavabo; Hải khai không có hành vi hiếp dâm chị Hồng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y về dịch trong âm hộ chị Hồng không có tinh trùng; Hải khai có ý định quan hệ với chị Hồng khi ngồi nói chuyện, sờ sẩm qua lại chị Hồng, chị Hồng không phản ứng, phù hợp với Biên bản giám định pháp y đối với chị Hồng “có ít dịch nhầy trong âm đạo”. Những tình tiết này chỉ có những người trực tiếp thực hiện hành vi mới biết, Cơ quan điều tra không thể biết được. Điều này, một lần nữa khẳng định Hải có mặt tại hiện trường.
Mặc dù, Hải có một số lời khai mâu thuẫn trên nhưng những mâu thuẫn này đã được Hải lý giải cụ thể, phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không cần thiết phải hủy bản án để điều tra lại.
[4] Nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu: có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo về các vấn đề
Đêm ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi có nước hay không; Hải có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo nhưng kết quả khám nghiệm hiện trường không thể hiện các dấu vết ở lavabo. Xem xét vấn đề này thì thấy:
– Về việc đêm ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi có nước hay không? Theo lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu thì “Khoảng 09 giờ 30 phút ngày 13/01/2008, tôi ghé Bưu cục Cầu Voi chơi với Hồng, Vân, 17 giờ thì về; nấu cơm trưa ăn, ăn xong tôi mang chén, bát đũa xoong nấu canh ra nhà vệ sinh rửa sạch sẽ và úp chén gọn gàng vào một cái thau để cạnh cầu thang” (Bl 201-202); “gần 17 giờ dậy rửa mặt xong ra về” (Bl 197). Chị Huỳnh Thị Kim Tuyền khai “tôi biết là trong nhà vệ sinh có nước sinh hoạt… tôi nghĩ là không có bị cúp nước ở bên bưu cục vì bưu cục có riêng giếng nước và ngày 13/01/2008 không có cúp điện” (Bl 258-259). Hồ Duy Hải có nhiều lời khai thể hiện, Hải nắm tóc hai nạn nhân ghì, nhất là đối với Vân nên đứt nhiều tóc dính do mồ hôi tay; sau khi cắt cổ các nạn nhân, Hải đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao và gột áo cho sạch máu (Bl 83, 99, 101, 103, 118). Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 44-47) thì có một số sợi tóc dính trong lọc rác của lavabo trong nhà vệ sinh. Những tài liệu nêu trên phù hợp với lời khai của Hải về việc sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải ra nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, nền nhà vệ sinh có một giọt máu và theo Kết luận giám định số 3705/C21B ngày 05/6/2008 (Bl 68) thì máu trên nền nhà vệ sinh là máu người. Như vậy, có cơ sở kết luận, tối ngày 13/01/2008, Bưu điện Cầu Voi không mất nước. Việc khám nghiệm hiện trường thể hiện 08 giờ 10 phút ngày 14/01/2008 “khi mở vòi trên lavabo không thấy có nước chảy” không có ý nghĩa chứng minh tối ngày 13/01/2008 Bưu điện Cầu Voi không có nước.
– Về dấu vết để lại ở lavabo trong nhà vệ sinh
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, Hải có lời khai đập đầu chị Hồng vào lavabo nhưng khám nghiệm hiện trường không thu được dấu vết này ở lavabo là mâu thuẫn. Đây là nhận định trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm nếu lời khai không phù hợp với dấu vết tại hiện trường thì đó là lời khai sai, chứ không phải như suy diễn của kháng nghị.
Mặc dù, trước ngày 05/7/2008, Hải có một số lời khai về việc đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo, nhưng tại các lời khai nhận tội sau đó: Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-113) và các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 (Bl 100 – 101), ngày 11/7/2008 (Bl 116-117) đều có sự tham gia của Luật sư và Kiểm sát viên, Hải khẳng định không đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo. Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm cũng không kết luận Hồ Duy Hải đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo. Do đó, việc không thu được dấu vết của việc đập đầu ở lavabo là phù hợp với lời khai của Hải nên không cần thiết phải điều tra lại vấn đề này.
[5] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án về vị trí và dấu vết trên ghế.
Theo lời khai của Hải tại các bản cung ngày 07/7/2008 (Bl 100-101) và ngày 11/7/2008 (Bl 116-117), sau khi dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách, Hải đem ghế để ở khu vực chân cầu thang, cạnh xác chị Hồng. Lời khai của Hải phù hợp với Bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế nằm dưới nền nhà và nạn nhân Vân gác chân lên ghế (Bl 44-47). Những tài liệu này đều phản ánh đầy đủ trong hồ sơ vụ án, do vậy không cần thiết hủy án để điều tra lại làm rõ nội dung này.
Lời khai của Hải thể hiện, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card, điện thoại sau đó Hải đi dép vào rồi mới đến khu vực cầu thang chỗ chị Hồng, chị Vân chết để lấy các đồ trang sức của chị Hồng, chị Vân.
Biên bản khám nghiệm hiện trường (Bl 44-47) và Bản ảnh hiện trường thể hiện: nền nhà có các hạt cơm, chiếc ghế xếp được nằm ngay sát vũng máu; Hải mô tả về đôi dép Hải đi đến chỗ xác nạn nhân để lấy tài sản là đôi dép xốp màu trắng, đế dép có rãnh đường gấp khúc chống ma sát (Bl 117-118). Như vậy, căn cứ lời khai của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường thể hiện có dấu vết dép trên ghế nên có cơ sở để nhận định, các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù, Cơ quan điều tra không kết luận về những vết máu quệt, vết đế dép, hạt cơm khô có trên chiếc ghế là do đâu mà có nhưng xét thấy vấn đề này không có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, nên không cần thiết phải điều tra lại để làm rõ hơn về tình tiết này.
[6] Về việc không có dấu vết máu trên cổng sau của Bưu điện Cầu Voi
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khi cắt cổ chị Hồng, chị Vân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo; sau khi gây án, bị cáo trèo cổng sau để đi ra cổng trước nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên cánh cổng sau không có bất kỳ dấu vết máu nào để lại.
Nhận thấy, theo lời khai của Hải, sau khi cắt cổ chị Hồng và chị Vân, máu bắn rất nhiều lên người Hải nhưng sau đó Hải đã vào nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo (Bl 99, Bl 117). Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường không có dấu vết máu để lại trên cổng sau nên không phải là tình tiết mâu thuẫn như kháng nghị giám đốc thẩm đã nêu. Do đó, không cần thiết phải điều tra lại và hiện nay cũng không thể điều tra làm rõ được về vấn đề này.
[7] Về dấu vân tay thu được tại hiện trường
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của Hồ Duy Hải, dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ.
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tại phiên tòa giám đốc thẩm thể hiện, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ một số dấu vết đường vân ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo. Cơ quan điều tra đã thu thập vân tay của khoảng 144 người nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vết đường vân thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp. Bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải (Bl 53). Như vậy, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra truy nguyên dấu vấn tay thu giữ tại hiện trường. Việc không trùng khớp dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Mặc dù, không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản giám định pháp y, kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.
[8] Về cơ chế hình thành vết thương
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc Hải dùng tay đánh vào mặt của chị Hồng thì không thể tạo ra các vết thương “rách da bờ mép sắc gọn ở trên vùng mặt và trên cằm”; các vết thương của chị Vân ở “vùng thái dương phải có hai vết trầy sước da 1×0,5cm, 1×0,3cm nằm cách nhau 2cm”, các dấu vết trên do vật gì gây ra, cơ chế hình thành như thế nào chưa được làm rõ.
Về vấn đề này, hồ sơ vụ án thể hiện: tại Biên bản khám nghiệm tử thi hồi 11 giờ 40 phút ngày 14/01/2008, xác định nạn nhân Vân có “01 vết thương tụ máu ở trên đầu (vùng đỉnh), 02 vết trầy xước da vùng thái dương, 01 vết thương hở, sâu bờ mép sắc gọn ở cổ” (Bl 55-56).
Tại Biên bản khám nghiệm tử thi hồi 12 giờ 10 phút ngày 14/01/2008, xác định nạn nhân Hồng có “04 vết thương bầm tụ máu ở trên đầu, 04 vết thương hở rách da trên mặt (trong đó có hai vết rách có bờ mép sắc gọn ở vùng lông mày trái), 01 vết rách da, bờ mép sắc gọn ở cằm bên trái, 01 vết thương hở, sâu bờ mép sắc gọn ở cổ” (Bl 56-57).
Tại Bản giám định pháp y số 21/PY.08 ngày 17/01/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, sinh năm 1985, tử vong do bị vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp. Tổn thương kèm theo: máu tụ dưới da đầu và vùng cổ có thể dẫn đến choáng cho nạn nhân”.
Tại Bản giám định pháp y số 22/PY.08 ngày 17/01/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân, sinh năm 1987, tử vong do bị vết thương hở làm đứt ngang vùng cổ phía trước gây choáng chấn thương, mất máu cấp”.
Tại Công văn số 37/GĐ.PY.08 ngày 07/4/2008, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An, trả lời giải trình dấu vết trên cơ thể các nạn nhân như sau: “1. Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng: vùng đầu, mặt có nhiều vết bầm tụ máu diện rộng, đồng thời có những vết rách da bờ mép sắc gọn (mô tả trong bản Giám định pháp y – xem ảnh trong bản ảnh). Điều đó chứng tỏ: vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập vào những vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó cũng có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần. 2. Nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân: da đầu không bị rách, chỉ bị tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, kích thước khá rộng (6cmx3cm) xương hộp sọ nguyên vẹn. Điều đó chứng tỏ: đỉnh đầu của nạn nhân bị va đập vào một vật có bề mặt lớn và vật đó không quá cứng (chỉ tổn thương ở mức độ nhẹ) còn nếu vật đó cứng thì lực tác động phải nhẹ, mới không gây rách da đầu và vỡ xương hộp sọ. 3. Cả 2 nạn nhân đều bị vết thương hở, có bờ mép sắc gọn làm cắt đứt phần cổ trước. Động tác, cơ chế hình thành vết thương, cách thực hiện hành động, hung khí gây án, kích thước, độ sâu vết thương… tương đối giống nhau. Tất cả những điều đó làm cho chúng ta suy nghĩ là vật sắc bén”
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt của chị Hồng thì không thể tạo ra các vết thương “rách da bờ mép sắc gọn ở trên vùng mặt và trên cằm” là nhận định chủ quan và loại trừ các cơ chế hình thành vết thương do dùng dao cắt, dùng thớt và ghế đập.
Như vậy, kết luận giám định và giải thích kết luận giám định đã cơ bản kết luận, giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Hồng và chị Vân là do vật sắc bén cắt cổ. Các vết thương còn lại chứng tỏ vùng đầu, mặt của nạn nhân Hồng bị va đập vào những vật vừa có bờ mép hình thù cứng, trơn nhẵn, đồng thời ở đó cũng có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần; nạn nhân Vân đỉnh đầu bị va đập vào một vật có bề mặt lớn và vật đó không quá cứng, còn nếu vật đó cứng thì lực tác động phải nhẹ, mới không gây rách da đầu và vỡ xương hộp sọ. Các kết luận giám định và giải thích của Cơ quan giám định phù hợp với lời khai của Hải là dùng tay đấm vào mặt, dùng hung khí thớt, ghế để đập, xô đẩy nạn nhân vào tường, dùng dao cắt cổ các nạn nhân; phù hợp với Bản ảnh hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, nên có đủ cơ sở kết luận nguyên nhân chết của chị Hồng và chị Vân là do Hải dùng dao cứa cổ. Việc điều tra lại làm rõ các tình tiết trên là không cần thiết.
[9] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra giải trình: việc tiến hành khám xét nhà Hải và lấy lời khai của Hải được tiến hành bởi hai Điều tra viên khác nhau; khi Hải khai về việc đốt quần áo mặc khi gây án thì Điều tra viên ghi lời khai Hải đã thông tin cho Điều tra viên chủ trì khám xét tiến hành khám xét mở rộng, phát hiện, thu giữ 02 đống tro trên.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Biên bản ghi lời khai của Hồ Duy Hải lần đầu tiên bắt đầu từ 19 giờ 30 phút, kết thúc hồi 20 giờ 30 phút ngày 21/3/2008 do Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tiến hành, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng mặc khi gây án… ở vườn sau nhà của Hải và nhà của dì út Len (Bl 83). Căn cứ Biên bản khám xét nhà Hải ngày 21/3/2008 do Điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện, bắt đầu hồi 18 giờ 30 phút, kết thúc hồi 21 giờ 30 phút, thể hiện có việc khám xét mở rộng ở nền đất phía sau nhà bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) và nhà bà Nguyễn Thị Len (dì của Hải), phát hiện phía sau nhà bà Nguyễn Thị Len có hai đống tro bị đốt cháy còn nằm kết dính trên nền đất, Cơ quan điều tra đã tiến hành thu hai đống tro này, cho vào hộp niêm phong (Bl 323-324).
Như vậy, có căn cứ kết luận sau khi Hải khai về tình tiết này, Cơ quan điều tra mới tiến hành khám xét mở rộng vì việc đốt quần áo ở một hiện trường khác, hiện trường này không thuộc phạm vi khám xét ban đầu, nếu không có lời khai của Hải thì Cơ quan điều tra không thể phát hiện được.
Theo Biên bản mở niêm phong ngày 05/4/2008 (Bl 325) và Biên bản xác định đồ vật ngày 15/8/2008 (Bl 133), Hải xác định đoạn dây da cháy là đoạn thắt lung của Hải đốt sau khi gây án; mảnh vải cháy dở màu đen sọc nhiễn là vải của quần vải màu đen đã khai trước đây gây án; mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc gây án; mảnh vải nhỏ màu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng.
Tại Kết luận giám định số 3200/C21B ngày 08/5/2008, Phân viện khoa học kỹ thuật hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: trong mẫu tàn than tro có thành phần vải và nhựa polyster.
Lời khai của Hải về việc đốt quần áo mặc khi gây án (Hải không khai về nguyên liệu làm thắt lưng, quần áo) phù hợp với việc thu giữ 02 đống tro, phù hợp với việc xác định các đồ vật của Hải nêu trên, phù hợp với kết luận giám định về việc mẫu tàn tro có thành phần vải và nhựa polyster nên có giá trị chứng minh Hải có mặt tại hiện trường và thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án là không đúng.
[10] Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng có mâu thuẫn về việc tiêu thụ tài sản. Lúc đầu Hải khai, bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200 ngàn đồng, bán nữ trang được 3 triệu không nhớ tiệm cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 82); sau đó Hải khai: bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một thanh niên lạ mặt khác được 3 triệu đồng (Bl 120); rồi lại khai: bán điện thoại cho một cô gái trên đường Hùng Vương được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một cô gái ở tiệm thứ 2 được 3,5 triệu đồng (Bl 120, 113); Cơ quan điều tra không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của bị cáo.
Nhận thấy, quá trình điều tra, Hải có nhiều lời khai nhận, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải lên phòng giao dịch mở tủ lấy khoảng 1.400.000 đồng; khoảng 40-50 sim, card điện thoại, lấy điện thoại Nokia 1100 bỏ vào túi quần. Sau đó, Hải đến chỗ xác chị Vân lấy 01 dây chuyền vàng không có mặt, 01 vòng đeo tay bằng vàng và 01 nhẫn vàng; lấy ở xác chị Hồng 01 đôi hoa tai vàng, 01 sợi dây chuyền vàng mặt bông hoa, 01 lắc đeo tay vàng và 02 nhẫn vàng. Lời khai của Hải về chiếm đoạt những tài sản trên phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn Mừng là bố đẻ của chị Hồng về tài sản bị mất của chị Hồng (Bl 158); phù hợp lời khai của ông Nguyễn Văn Hộ là bố đẻ của chị Vân về các tài sản bị mất của chị Vân (Bl 160), ngoài ra ông Hộ còn khai “…tôi nhận xác (Vân) kiểm tra lại thì còn… một mặt dây chuyền rơi lại trên người của Vân do công an giao trả” (Bl 162); phù hợp lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu và lời khai của anh Nguyễn Mi Sol (là bạn của chị Hồng, chị Vân); phù hợp lời khai của ông Đinh Phú Hùng là Giám đốc Trung tâm Bưu điện huyện Thủ Thừa (Bl 223) về các tài sản của Bưu điện Cầu Voi bị mất. Cơ quan điều tra đã cho Hải nhận dạng các tài sản có đặc điểm tương tự tài sản mà Hải chiếm đoạt (theo mô tả của Hải và những người làm chứng), tại các biên bản nhận dạng (Bl 136, Bl 150-157), Hải đều xác định những tài sản do Hải chiếm đoạt phù hợp với lời khai của những người làm chứng nêu trên. Do đó, có cơ sở xác định, Hải đã chiếm đoạt những tài sản trên của các bị hại.
Những mâu thuẫn trong lời khai về việc tiêu thụ tài sản như kháng nghị nêu đã được Hải xác định và nêu lý do khai không thống nhất tại Bản tự khai ngày 05/7/2008 (Bl 112-113), Biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008 (Bl 100-101, 116-121). Tại Bản tự khai ngày 05/7/2008, Hải khai chi tiết và vẽ sơ đồ về vị trí Hải đã bán nữ trang (vàng), điện thoại và nơi vứt sim, card điện thoại. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ, cụ thể:
Về địa điểm bán vàng: theo lời khai của Hải và sơ đồ do Hải vẽ thì Hải bán vàng tại quầy số 2 Cửa hàng bán vàng bạc số 50 An Dương Vương, Phường 9, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Xác minh tại Cửa hàng số 50 An Dương Vương thì chị Nguyễn Kim Chi là nhân viên cửa hàng khai: quầy hàng của tôi đứng thuộc cửa số 2… tôi đứng ở tủ hàng phía bên trái tính theo hướng từ ngoài đường An Dương Vương nhìn vào cửa hàng… (Bl 169); bà Đặng Thị Liên là chủ cửa hàng khai: nếu vàng của cửa hàng mua vào thì không có hóa đơn, còn vàng không phải cửa hàng thì khi mua vào sẽ có hóa đơn tính tiền cho khách hàng (Bl 171); lời khai của Hải phù hợp với lời khai của người làm chứng về địa điểm bán vàng và việc sau khi đồng ý bán vàng, Hải nhận tiền, giấy biên nhận.
Về địa điểm bán điện thoại: tại biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2008, chị Nguyễn Thị Huệ là chủ cửa hàng mua bán điện thoại di động tại số 124 Hùng Vương, Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh khai: thời điểm tháng 1/2008 có mua điện thoại loại Nokia 1100 với giá 200.000 đồng (Bl 178), phù hợp với lời khai của Hải về địa điểm bán, giá bán loại điện thoại này, lời khai ông Đinh Phú Hùng về việc Bưu điện Cầu Voi bị mất điện thoại Nokia 1100 (Bl 223-224) và phù hợp với kết quả xác minh ngày 15/7/2008 của Công an Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 174).
Về địa điểm vứt sim card: bản tự khai ngày 05/7/2008 của Hải kèm sơ đồ do Hải vẽ, lời khai của Hải ngày 11/7/2008 (Bl 120) thể hiện, Hải vứt bỏ sim card vào bọc rác (do người dân để) trong hẻm trên đường Trần Bình Trọng, đối diện đầu hẻm này có nhà thờ. Kết quả xác minh ngày 07/7/2008 của Công an Phường 2, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 175) phù hợp với lời khai trên của Hải.
Từ những nhận định trên cho thấy, chỉ người đi bán tài sản mới biết được những cụ thể địa điểm bán tài sản. Những nội dung này đã được xác minh, làm rõ nên không cần thiết phải điều tra lại.
[11] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hải lần đầu vào phía trong của Bưu điện Cầu Voi với thời gian rất ngắn nhưng lại khai rất chi tiết các đồ vật có trong từng căn phòng.
Việc Hồ Duy Hải mô tả được chi tiết các phòng và các đồ vật trong Bưu điện Cầu Voi đã được phân tích tại phần nhận định nêu trên [mục 1].
Trước khi ban hành Cáo trạng, Viện kiểm sát lấy lời khai của Hải và tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, Hải khai sở dĩ biết được các chi tiết như trên là do anh Nguyễn Thanh Hải – Công an viên của xã Nhị Thành kể lại. Nhưng cũng tại bản cung này, khi Kiểm sát viên hỏi Hải cho điều tra xác minh, đối chất với anh Nguyễn Thanh Hải thì Hải lại khai “không cần, sự kiện trên là không có thật do tôi sợ xử nên tôi kéo dài thời gian xét xử”. Mặc dù vậy, để làm rõ hơn nội dung này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã xác minh, lấy lời khai của anh Nguyễn Thanh Hải vào ngày 20/11/2008 thể hiện, khi Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, anh Nguyễn Thanh Hải giữ trật tự bên ngoài bưu điện, sau khi vụ án xảy ra anh cũng không gặp Hồ Duy Hải và không kể gì về vụ án cho Hải nghe. Lời khai của anh Nguyễn Thanh Hải phù hợp Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện không có anh Nguyễn Thanh Hải tham gia. Vì thế, lời khai của Hải về việc nghe anh Nguyễn Thanh Hải kể lại chi tiết các phòng, đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi là không có cơ sở. Mặt khác, Hải có mặt tại hiện trường từ khoảng 19 giờ 30 phút đến khoảng 21 giờ 30 phút ngày 13/01/2008, khoảng thời gian này không phải là quá ngắn; với diện tích phòng khách của Bưu điện Cầu Voi có kích thước 4,6m x 5,6m không lớn và trong điều kiện có ánh sáng điện. Do đó, việc Hải khai chi tiết các đồ vật có trong hiện trường vụ án là có căn cứ nên không cần thiết phải điều tra lại vấn đề này.
[12] Việc Hồ Duy Hải về nhà sau khi gây án
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, có sự mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án: lúc đầu Hải khai, về nhà cửa không khóa, vào nhà ngủ không ai biết (Bl 82); sau đó Hải khai: tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà (Bl 84); rồi lại khai: khi về nhà cửa còn mở, tôi tự dẫn xe vào rồi kêu Nguyễn con dì Út đóng cửa dùm (Bl 87).
Xét thấy, tình tiết này không phải là mâu thuẫn về thời gian như kháng nghị nêu mà là lời khai của Hải về hành vi ở hiện trường khác và ở thời điểm sau khi vụ án xảy ra, nên không có ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội của Hải, việc điều tra lại vấn đề này là không cần thiết.
[13] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hai bản án xác định chiếc ghế được thu giữ là công cụ phạm tội
Thực tế chiếc ghế đó không liên quan đến vụ án; hai đồ vật là con dao và cái thớt thu giữ được (do anh Nguyễn Văn Thu và chị Lê Thị Thu Hiếu cung cấp) không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội.
Về vấn đề này, qua nghiên cứu Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 01/12/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử không xác định chiếc ghế thu được là công cụ phạm tội. Do đó, nhận định trên của kháng nghị là không đúng với bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thừa nhận sai sót này và đề nghị được đính chính kháng nghị về nội dung này.
Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án thể hiện có chiếc thớt dính máu để ở gần nạn nhân Hồng và chiếc ghế xếp mà nạn nhân Vân gác chân lên, không phát hiện con dao được nhét vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang. Khi khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra chưa thể biết được hung thủ dùng thớt, ghế để gây án cho đến khi Hồ Duy Hải khai chính Hải khai đã dùng thớt, ghế, dao làm công cụ gây án. Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, phù hợp với vị trí con dao khi các anh Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc phát hiện được trong lúc dọn dẹp hiện trường vào ngày 14/01/2008.
Mặc dù, Hải có lời khai mô tả đặc điểm chiếc thớt không thống nhất về bề dày, kích thước, nhưng căn cứ vào bản ảnh hiện trường có chiếc thớt; lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của chị Hồng và chị Vân) đã nhìn thấy và sử dụng chiếc thớt này; lời khai của anh Nguyễn Mi Sol (là bạn của chị Hồng); lời khai của các anh Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc là những người phát hiện ra con dao, Cơ quan điều tra đã yêu cầu chị Hiếu mua chiếc thớt tương tự như chiếc thớt chị Hiếu và anh Sol đã nhìn thấy và có ở hiện trường; yêu cầu anh Thu mua 01 con dao có đặc điểm tương tự như những người làm chứng trên và Hải mô tả. Tại Biên bản nhận dạng (Bl 134), Hải nhận dạng được chiếc thớt này có đặc điểm tương tự như chiếc thớt Hải dùng để gây án, phù hợp với mô tả đặc điểm chiếc thớt của chị Hiếu, anh Sol và bản ảnh hiện trường vụ án. Tại Biên bản nhận dạng (Bl 144), Hải nhận dạng được con dao có đặc điểm, kích thước tương tự con dao mà Hải dùng để gây án, phù hợp với việc mô tả đặc điểm con dao mà các người làm chứng phát hiện được tại hiện trường vụ án. Điều đó có ý nghĩa chứng minh lời khai của Hải đã dùng dao và thớt để gây án là có cơ sở. Việc mua dao, thớt là có thật nhưng để phục vụ cho nhận dạng vật tương tự và thực nghiệm điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định những đồ vật này là vật chứng của vụ án.
[14] Về việc xác định thời điểm chết của các nạn nhân
Khám nghiệm tử thi ghi nhận “Bụng… dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít…” (Bl 60), nhưng Cơ quan điều tra không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót như Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu. Tuy nhiên, theo trình bày của Giám định viên tại phiên tòa giám đốc thẩm thì trong trường hợp trên chỉ giám định xác định được nạn nhân chết trong khoảng thời gian bao lâu kể từ bữa ăn cuối mà không giám định được thời điểm chết của nạn nhân. Mặt khác, căn cứ lời khai nhận tội của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, lời khai của các nhân chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì đủ cơ sở khẳng định Hải là người thực hiện hành vi giết chị Hồng và chị Vân. Thiếu sót nêu trên không thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.
[15] Về thủ tục khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khám nghiệm hiện trường kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, đều do Điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì cùng một người, cùng một lúc vừa thực hiện khám nghiệm hiện trường vừa thực hiện khám nghiệm hai tử thi.
Về vấn đề này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã trình bày, việc khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi là cùng địa điểm tại Bưu điện Cầu Voi; khi khám nghiệm tử thi Hồng và tử thi Vân thì ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tham gia.
Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện: khám nghiệm hiện trường bắt đầu hồi 08 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ 10 phút ngày 14/01/2008, thành phần tham gia khám nghiệm ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có các cán bộ khác của Phòng kỹ thuật hình sự; khám nghiệm tử thi Vân bắt đầu hồi 11 giờ 40 phút, kết thúc hồi 12 giờ 10 phút ngày 14/01/2008; khám nghiệm tử thi Hồng bắt đầu hồi 12 giờ 10 phút, kết thúc hồi 13 giờ ngày 14/01/2008, đều được tiến hành tại Bưu điện Cầu Voi. Về thành phần khám nghiệm tử thi thì ngoài hai Điều tra viên Lê Thành Trung, Nguyễn Văn Minh còn có các bác sỹ pháp y của Phòng giám định pháp y Long An thực hiện. Như vậy, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi Vân và Hồng đều cùng một địa điểm, đúng thành phần, nên đây không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu.
[16] Về lời khai ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải, lời khai của người làm chứng Phùng Phụng Hiếu và lời khai của các đối tượng tình nghi Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol.
Theo trình bày của Cơ quan điều tra tại phiên tòa giám đốc thẩm: tại lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008, Hải trình bày về việc sử dụng thời gian ngày 13/01/2008. Kết quả xác minh, Hải khai không đúng sự thật nên Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ xét xử vụ án, nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Quá trình xác minh, Cơ quan điều tra đã xác minh nhiều đối tượng nghi vấn, trong đó có Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, nhưng đã làm rõ những đối tượng này không liên quan đến vụ án, nên Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án mà được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Cơ quan điều tra cũng đã lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu (là người đầu tiên phát hiện ra vụ án) nhưng không lưu trong hồ sơ vụ án mà được lưu trong hồ sơ hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an. Việc không lưu các lời khai này trong hồ sơ vụ án là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã công bố những tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm. Qua xem xét những tài liệu nêu trên, tuy không được lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật nhưng nội dung của những tài liệu này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.
[17] Đối với nội dung kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến (Bl 133, 144, 211, 213-222, 232, 238, 244, 253); một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa, nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai (Bl 85, 97, 250). Qua kiểm tra hồ sơ vụ án và thẩm tra công khai tại phiên tòa giám đốc thẩm thì thấy đây là các sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tại các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008 (Hải khai nhận cụ thể hành vi phạm tội của mình) không có các vi phạm nêu trên. Mặt khác, tại Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm cũng không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm để làm chứng cứ kết tội bị cáo. Do đó, những vi phạm, sai sót nêu trên không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại.