Chia sẻ thêm một bài viết trải nghiệm thực tế một bạn hs chuyên lý khtn trên fb nđh.
<Share lại bài viết của một cựu HS chuyên lý KHTN>
Ảnh chụp tại Melbourne
Hôm nay, nhân dịp có kết quả thi vào chuyên KTHN, có nhiều phụ huynh báo tin mừng, nhưng cũng nhiều bạn không đạt được kỳ vọng. Là một cựu học sinh chuyên, từng tham gia thi thố, cũng từng trải qua nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, nên hôm nay xin phép được tâm sự dông dài với các anh chị phụ huynh và các bạn về chủ đề này.
Câu chuyện thứ nhất về sự khiếm khuyết trong học tập (learning disabilities), nhiều tài liệu về giáo dục nói rõ việc học giỏi, tài năng và khiếm khuyết trong học tập có thể xảy ra cùng một lúc, điều này phổ biến hơn mọi người nghĩ. Ở Việt Nam ta hay gọi nôm na là học lệch, thiếu kỹ năng hay “gà công nghiệp”. Nhớ ngày trước ở đội tuyển chuyên lý, mỗi khi ra đề bài mà cả nhóm không ai giải được thì thầy Tới - chủ nhiệm khối, hay gọi một anh lên phát biểu. Thầy Tới bảo: “Tôi gọi bạn lên để bạn nói ra được trọn vẹn một câu hoàn chỉnh chứ làm gì có cái bài nào mà bạn không biết giải!”. Hồi đó anh này thích một chị cùng lớp nhưng phải nhờ mẹ viết thư, viết thiệp để tặng quà, trở thành một câu chuyện lưu truyền. Có thể thấy một số học sinh chuyên, phần nhiều là chuyên tự nhiên, bị hạn chế trong khả năng thể hiện cảm xúc và truyền đạt ý tưởng, nhiều bạn thậm chí không nói ra được một câu trôi chảy. Lí do có thể là do tốc độ suy nghĩ của các bạn quá nhanh và khả năng ngôn ngữ, biểu đạt không bắt kịp, hoặc do các bạn không đánh giá đúng được trí tuệ của người đối diện ở mức nào, có hiểu được điều mình nói hay không, không có sự tương thông với trí tuệ trung bình, trí tuệ của đám đông. Tất nhiên cũng không biết được thế nào là đúng, là sai, nhưng về sau thì thời lượng làm những công việc cần giao tiếp giữa con người với con người đa phần sẽ cao hơn nhiều thời lượng làm việc mà không cần giao tiếp.
Câu chuyện thứ hai liên quan đến hội chứng “Kẻ giả mạo” (Imposter synonym) mà chính em cũng từng mắc phải. Trái ngược với việc “ảo tưởng sức mạnh” hay ảo tưởng về năng lực của bản thân thì hội chứng “Kẻ giả mạo” khiến cho người ta luôn đặt câu hỏi: “Có phải mình không đủ giỏi để đứng cùng hàng ngũ này không? Có phải mình chỉ đang tỏ ra giỏi để có thể hòa nhập chứ năng lực thì không đủ?” Nếu chỉ dùng từ “tự ti” thì quá chung chung khi nói về hội chứng này. Và hội chứng này rất hay gặp ở những người có năng lực học tập tốt, một tỷ lệ lớn nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ có dấu hiệu của hội chứng này sau năm đầu nhập học. Điều này tương tự với các bạn học sinh chuyên, đặc biệt là những bạn gặp “may mắn” khi đi thi gặp trúng tủ hoặc đúng dạng bài quen thuộc. Hệ quả lâu dài của hội chứng này là sự tự ti không chỉ trong việc học mà cả trong cuộc sống, hơn nữa cảm giác lạc lõng, không tìm được nơi mình thuộc về.
Câu chuyện thứ ba là cái bẫy của “sự thành công làng nhàng”, em còn không vào được đội tuyển Quốc gia, nữa là so sánh với các bạn cựu học sinh của thầy như Hoàng Dương, Hoàng Hải … hay như PGS. Đỗ Quốc Tuấn - người đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu. Hay gần hơn ở đây có thầy Đức, thắng Olympia xong về còn kiếm thêm giải Ba Vật lý Quốc gia ( thầy Đức cũng là Á khoa thi đầu vào Chuyên lý Ams). Cá nhân em sau này cũng may mắn có học bổng tiến sĩ, cũng có bài báo v..v.. nhưng tất cả thành tích học tập đó chỉ ở mức “làng nhàng” khi so với các bạn khác. Sự “làng nhàng” như một cái bẫy, dẫn đến suy nghĩ: “Mình có thể làm được việc này, nhưng có thể làm nó tốt không thì chắc chắn không, vậy mình làm việc gì thì tốt?” Điều này lâu dài sẽ thành những suy nghĩ quẩn quanh.
Đợt trước có giai đoạn làm về dự án hướng nghiệp, có may mắn được trò chuyện với một giảng viên gốc Việt tại ĐH Monash, Úc, cô có nói thông thường những email như của em cô sẽ bỏ qua, nhưng thấy em cũng đang có những ý tưởng và cô thấy cần hỗ trợ. Thực ra nếu em nói câu chuyện về “định hướng nghề nghiệp” thì là những điều phải làm từ cấp tiểu học rồi, chứ không phải câu chuyện của học sinh cấp Ba. Và “định hướng nghề nghiệp” là những gì rất sơ khai thôi, còn tại Úc chúng tôi nói về “sustainable career” - “sự nghiệp bền vững” rồi. Bền vững ở đây không có nghĩa là ổn định, không thay đổi, mà bền vững ở đây đó là khi tôi thay đổi công việc, vị trí thì có những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gì tôi có thể mang theo được và dùng nó để hòa nhập và ứng dụng vào công việc mới.
Nhưng câu chuyện trên thì có liên quan gì đến chủ đề đang nói? Đó chính là chúng ta đều công nhận đỗ chuyên là một cột mốc đáng ghi nhận, nhưng sau khi đạt được hay không đạt được cột mốc này, ta có còn hướng về nó hay không? Hay là hướng về một chặng đường xa hơn phía trước, về một “sustainable career”, và để xây dựng điều này thì không phải chỉ vào chuyên mới làm được.
Trong cuộc thi nào thì cũng có người thắng, người thua, một lần nữa chúc mừng các bạn đã thành công trong kỳ thi.
Với những bạn chưa đạt được kỳ vọng, có thể khóc một trận thật đã (anh từng khóc 4 tiếng liền khi bị loại khỏi đội tuyển Quốc gia) và tận hưởng nó, vì trong cuộc sống không nhiều lần các bạn có cơ hội được “cháy hết mình” như thế đâu. Và “khóc xong rồi thì cất poster vào góc” vì còn rất nhiều điều đợi bọn em ở phía trước.