Sau khi tham quan trái Phú Bình xong bọn em quay ra để đi bãi Đầm Trầu. Bãi Đầm Trầu ở phí nam đảo sát sân bay Cỏ Ống. Lúc đi ra em đi qua một bãi biển cực kỳ hoang sơ và đẹp đến ngẹn ngào em với gấu chạy vào chụp ảnh luôn. Kệ cho mấy bạn trong nhóm em đi trước đến bãi Đầm Trầu.
Bãi Lò Vôi
Hàng dương xanh mát trên bờ bãi Lò Vôi
Một bãi biển rất đẹp hoang sơ mà chả có ai tắm. Hôm sau em đi taxi về mới nghe anh lái taxi kể. Đây trước là nghĩa trang Hàng Keo.
Khi xưa xung quanh nghĩa trang có trồng các hàng cây keo nên từ đó nghĩa trang có tên là Nghĩa Trang Hàng Keo, đây một trong hai nghĩa trang nổi tiếng nhất ở Côn Đảo được thực dân pháp xây dựng trên khu đắt 80.0000 m2 và là nơi an nghỉ của khỏang 10.000 tù nhân chính trị yêu nước… Sự nổi tiếng và khiếp đảm của nghĩa trang Hàng Keo còn được đi vào thơ ca một cách đầy ai oán và câu nói đi Hàng Keo là lối nói của người tù khi tiễn bạn về nơi an nghỉ mà trong đó còn lưu truyền mãi cho tới ngày nay
“Côn Lôn đi dễ khó về
Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”.
Trước năm 1940, người tù chết được chôn ở nghĩa trang Hàng Keo. Nghĩa trang Hàng Keo ngày nay không còn cây keo nữa, mà thay vào đó là những hàng dương lâu năm bao trùm hầu hết diện tích nghĩa trang này. Những ngôi mộ còn sót lại trước kia nay được quy tập về nghĩa trang Hàng Dương. Khu vực nghĩa trang xưa, nay có một tấm bia ghi lại dấu tích một thời đau thương.
Toàn bộ nghĩa trang bị thực dân Pháp san bằng ủi hết xuống biển. Em nghe anh lái taxi nói trước đây mấy năm còn tìm thấy hài cốt tù nhân ở dưới biển nữa cơ ạ. Giờ thì quy tập hết rồi nhưng thỉnh thoảng mùa gió chướng sóng vẫn đánh vào bờ một vài bộ. Em nghe mà lạnh hết cả sống lưng. Đúng là Côn Đảo vùng đất thiêng đâu đâu cũng có những tù nhân ngã xuống. Anh lái taxi còn kể đất này, yên bình, êm đềm tĩnh lặng nhưng cũng thiêng vô cùng. Dân sống ở đảo dời bỏ đảo đi đầu tư vốn liếng làm ăn xa đều thua lỗ và quay về đảo hết các cụ à.