Những chiếc đồng hồ lịch sử của con người
Đồng hồ Tháp gió ở Athens
Một trong những chiếc đồng hồ nổi tiếng từ thời xưa là “Tháp gió” đặt tại Athens, Hy Lạp, được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên bằng đá cẩm thạch với chiều cao 12m. Nó là sự kết hợp của cối xay gió, đồng hồ chạy bằng sức nước và một chiếc đồng hồ mặt trời nằm trên đỉnh tháp có đĩa xoay để chỉ vị trí của mặt trời so với những chòm sao. Hiện nay, nó vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn.
Stonehenge
Những tảng đá Stonehenge đứng sừng sững trên vùng đồng bằng Wiltshire, Anh. Và cho đến nay, nó vẫn còn là một trong những bí ẩn của lịch sử nhân loại. Tất cả những hồ sơ tài liệu có ghi chép thì đều không còn tồn tại nữa, tuy nhiên những nhà khảo cổ học ước tính nó có niên đại khoảng 5.000 năm trước. Mục đích xây dựng chiếc đồng hồ này được cho là để dùng phục vụ các nghi lễ thờ phụng, hiến tế, an táng, ngoài ra còn có tác dụng như là một đài quan sát thiên văn, dùng để đánh dấu các điểm chí phân của mặt trời, mặt trăng, giúp con người xác định được giờ giấc.
Đồng hồ thiên văn Prague
Đây là chiếc đồng hồ cơ khí với thiết kế rất đặc biệt được đặt tại Prague, thủ đô của nước Cộng hòa Séc. Được bắt đầu xây dựng vào năm 1410, nó là một trong ba chiếc đồng hồ thiên văn học cổ xưa nhất trên thế giới và là chiếc duy nhất vẫn còn hoạt động cho đến hiện nay. Mặt của đồng hồ được thiết kế phức tạp và cực kì ấn tượng, gồm một đĩa thiên văn chứa dụng cụ đo độ cao giúp xác định vị trí của mặt trăng và mặt trời, một bảng chỉ giờ được gọi là “Walk of the Apostles” (Bước đi của các tông đồ) gồm 12 bức tượng các tông đồ của Chúa ứng với 12 giờ cùng một bảng lịch các tháng trong năm. Tháng 10 năm ngoái, thành phố vừa kỉ niệm 600 năm ngày chiếc đồng hồ này ra đời.
Đồng hồ quả lắc
Năm 1635, Galileo đã thiết kế nên mẫu đồng hồ dùng quả lắc tuy nhiên cho tới tận năm 1656, nhà khoa học Hà Lan Christian Huygens mới là người đưa ra được mô hình thực tiễn đầu tiên. Quả lắc đã giúp làm cải thiện đáng kể độ chính xác của đồng hồ và đã làm giảm thời gian chênh lệch trong ngày của một chiếc đồng hồ bình thường từ 15 phút xuống chỉ còn khoảng 15 giây. Viện tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ cũng đã sử dụng đồng hồ quả lắc làm thước đo thời gian chính thức cho mãi đến những năm 1930.
Đồng hồ bấm giờ hàng hải
Trước đây, các nhà hàng hải đa số đều chỉ dùng mặt trời để tính toán xem độ hải lý cũng như phương hướng. Đồng hồ quả lắc thì hoàn toàn vô dụng khi ở trên biển do bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và sự chuyển động của sóng. Chính vì thế, rất khó khăn để có thể ghi được chính xác giờ giấc cũng như tính toán khoảng cách hay vị trí.
Vua Charles II của Anh khi đó đã treo giải thưởng rất lớn cho ai có thể chế tạo được chiếc đồng hồ chạy chính xác trên biển. Và John Harrison, một người lao động bình thường với vốn kiến thức ít ỏi lại là người giải quyết được bài toán hóc búa này. Trải qua nhiều tìm tòi, khám phá, ông đã đưa ra được mẫu đồng hồ thiết thực chuyên dùng cho việc đi biển. Hiện nay, mô hình chiếc đồng hồ này đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia hàng hải ở Greenwich, London.
Tháp Big Ben
Hầu hết mọi người đều nghĩ tên của chiếc tháp đồng hồ - biểu tượng của London là Big Ben tuy nhiên thực ra đó vốn là tên của quả chuông lớn nặng 13 tấn nằm bên trong chiếc đồng hồ quả lắc khổng lồ này, và được đặt theo tên của người có công đầu trong việc xây dựng, ngài Benjamin Hall. Được hoàn thành vào năm 1849, tháp đồng hồ này ban đầu có tên là tên là “Đồng hồ lớn của Westminster” với mặt đồng hồ có đường kính 6,9 m2. Đây là chiếc đồng hồ bốn mặt lớn nhất và cũng là tháp đồng hồ lớn thứ ba trên thế giới. Ngày nay, cái tên Big Ben được sử dụng phổ biến như là tên gọi của tháp đồng hồ này. Và nó cũng trở thành biểu tượng của London cũng như đất nước Anh.