Kính chào cccm.
Kính chúc cccm xuôi ngược bình an, ấm cúng gđ, cuối tuần thư thái!
Vâng, lại là em, gã trai quê xứ Đoài đất Bắc. Bẹn thủ đô mà nhấp nhô đồi núi. Chắc chả mấy đất nước mà địa giới Thổ đu nhiều núi như ta cccm nhỉ.
Tiếp theo cái tinh thần hoài niệm, "ăn mày dĩ vãng" của - Cái thú nhà quê - em xin phép đổ móng tiếp cái tòa Cỗ nhà quê ạ. (Em là em phồn thực phồn ẩm)
Ăn tiệc, ăn nhậu, oánh choén, đánh chén, uống rượu... dù là đứng, khoanh chân hay ngồi bàn... thôi thì vô vàn cách để gọi cho một bữa Ẩm và Thực ở xứ ta. Ma chay, cưới hỏi, giỗ lễ, liên hoan... ngồi Ẩm và Thực với nhau vẫn là Cỗ.
Thớt này em xin gọi là CỖ cho nó thuần Việt. Dù rằng càng hiện đại, càng Âu hóa thì cái chữ Cỗ nó càng thưa đi vì nó ít sang mồm nhưng hẳn là nếu gắn với truyền thống thì nó còn sang mồm chán phải không cccm!
Tùy nếp mỗi gia đình mỗi dòng tộc, tùy phong tục mỗi làng xã bản huyện, tùy đặc trưng đặc sản và kinh tế mỗi miền quê xuôi ngược, tùy văn hóa vùng miền Bắc-Trung-Nam... thì Cỗ thực sự là vô cùng phong phú.
MỜI CCCM RẢNH CHÂN NHÃ HỨNG GHÉ LẠI CHIA SẺ NÉT VĂN HÓA NÀY Ạ!
Em xin mở bát bằng một thứ Cỗ truyền thống mà chỗ em còn giữ lại. Đây là cỗ của đình, của họ tộc giữ lại trong các dịp giỗ họ, giỗ tổ, tế lễ, hội làng. CỖ TRUYỀN THỐNG!
Dù vài chục hay vài trăm mâm thì Cỗ này cũng chỉ dùng lợn tự nuôi tự thịt (1 đến nhiều con nhưng phải lợn to và rất rất to)
Luộc, nướng, áp chảo, ninh hầm... là những cách thức chế biến được áp dụng với gia vị cũng thuần túy như hành, tỏi, gừng riềng mà không dùng đến những cách chế biến cầu kỳ hay những gia vị tân tiến cầu kỳ. Nên em gọi là CỖ NHÀ QUÊ.
Thủ lợn và đuôi lợn cổ xưa là món của mâm cao chiếu trên, là thứ để cúng tế hành lễ, là tượng trưng và thiên hạ trông vào.
Hạ lễ thì cái thủ phải chia THẬT ĐỀU cho mâm các cụ trong họ, hay lý tuần đồ nghè hương cống trong xã... Cái đuôi cắt khoét sâu cả cân thịt được gói riêng cho cụ Nhất trong họ hay là thứ đãi cho nhà anh Mõ của làng sâu lạt bung biêng xách về. Còn lại toàn bộ con lợn được pha ra làm cỗ.
Để có cãi chữ THẬT ĐỀU kia thì Cỗ phải có anh CÂU ĐƯƠNG - danh từ để chỉ các tay dao thớt đầu bếp trong họ trong làng là Người được lựa chọn, có bầu bán và ê kíp, theo "nhiệm kỳ".
1. Tiết canh: từ lúc trói *** lợn đã phải có bác dạng háng khoắng muối hạt để cầm và nếm tiết cho chuẩn. Món khoái khẩu cánh đàn ông mà sai là ông í ngồi ăn không yên đâu. Rồi cứ sụn họng thịt dải nướng, hành nướng rau thơm mà oánh thôi, tiết lợn quá dễ oánh phải không ạ?
2. Thịt luộc: vai, mông, đùi, thăn... Luộc trong một nồi lớn, thái khi vẫn còn nóng. To dài vuông quân chì, rắc muối hạt, đơm đĩa đầy. Cái nồi nước "xuýt" này ngọt khỏi bàn.
3. Áp chảo: ba chỉ dầy, áp chảo giòn bì (không quay lò), thái bản mỏng xếp đĩa
4. Nướng: mông, vai thái vuông bao diêm, ướp mắm và hành khô, tiêu... Nướng xiên than hoa. Có thể thay bằng sườn nướng.
5. Lòng dồi: cũng như mọi nơi, lòng dồi phủ tạng tất tật con lợn được luộc. Riêng món dồi lợn cỗ này không dùng dồi tiết, dồi mỡ mà là dồi nạc băm (chỉ thịt nạc) với hành khô hành tươi. Mỗi đĩa lòng sẽ để một miếng dồi to lên trên miếng gan to, đủ mỗi người một combo 1 miếng như vậy trong mâm. (Khi ăn nta gắp kẹp cắn kèm như humbeger.)
6. Rau: thường là cỗ này không dùng rau lá ạ. Mà là củ xáo: xu hào, khoai tây ninh xương là phổ biến nhất. Thêm một món không thể thiếu đó là củ chuối ninh xương (review sau ạ)
7. Xôi oản trái cây: xôi trắng gạo mới thơm được đóng khuôn vuông, quê em gọi là Oản. + chuối.
8. Rượu nút lá chuối.
Cỗ 4: vâng là cỗ chỉ ngồi 4 người ạ. Đôi lúc thì có thể ngồi 6, nhưng chuẩn đét là ngồi 4, tất cả đồ làm cũng ưu tiên bội số 4. Bốn góc chiếu hoa chính cửa, giống các cụ ngồi Ù Chi nẩy, tổ tôm điếm.
Cỗ lấy phần: không biết gọi là cổ hủ hay là nét tây trước thời đại, không chỉ quê em, nhiều nơi em thấy. Ăn cỗ sẽ lấy phần sau khi ăn. Với mâm các cô/bà thì món dễ chia gói lấy về sau thường được tách riêng để ăn phần khác. Với mâm đàn ông ngập răng thì còn sao chia đó. Cỗ làng cỗ họ, bất luận thượng quan hạ dân, già trẻ lớn bé khi về phải bung biêng gói phần đầy đủ thịt/oản/chuối hỷ hả.
Xếp cỗ: cỗ ngồi 4, xếp theo vai vế, theo giới tính. Cụ ông, cụ bà, nam phụ lão ấu theo tuổi tác vai vế và thành phần chủ khách nội ngoại phải xếp cho đúng. Xếp sai là rách việc với truyền thông show-bit thôn.
Thời gian xếp: khách trước chủ sau. Vai vế tuổi tác từ trên xuống dưới, đàn ông trước đàn bà sau (trẻ con có thể ăn trước). Nếu có biếu phần ai phải biếu trước khi hạ mâm.
Không gian xếp: ưu tiên từ gian giữa ra biên, từ trong nhà ra ngoài sân... (Thiếu mâm thiếu chỗ, trẻ con xưa ngồi chân đống rơm là bình thường)
Ngày xưa nó là miếng ngon dành phần cho người nhà, cha mẹ con cháu... khi mình được đi ăn, là tí thụ lộc họ lộc thánh (miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần), là cái dấu cho nta chào nhau bằng câu (cụ đi uống rượu về ạ). Là tí protein chia sẻ thời khó khăn mỗi dịp hiếm hoi có cỗ.
Thời nay vẫn vậy, cỗ 4 gói phần nó là cái bản sắc mà người quê em vẫn hoan hỷ giữ gìn. Và thay vì dùng từ ăn cỗ thì nơi "chặt to - kho mặn" quê em định danh là ĐÓNG CỖ cho nó oách, đúng cái trọng lượng của nó.
Mỗi miền mỗi khác, vô vàn lễ nghi, cách thức, đặc sản đặc trưng ẩm thực vùng miền. Em tin đâu đó cũng sẽ có nét chung của dải đất chữ S này.
Mời CCCM có nhã hứng review để mọi người đc thực vọng ẩm xa Cỗ Việt Nam.
Cháu đeo yếm dãi, lót lá chuối hóng!
P/s: riêng cái bóng đái lợn thì trẻ con chầu chực lấy về chế thành bóng hơi đá chơi!