'Green Book' - phim hành trình kể chuyện phân biệt chủng tộc
Thông qua chuyến đi của hai người đàn ông ở miền nam nước Mỹ, tác phẩm tranh Oscar nhắc nỗi đau bị kỳ thị của người da đen.
Green Book lấy bối cảnh thập niên 1960, xoay quanh hai nhân vật có thật Don Shirley (Mahershala Ali đóng) và Tony Vallelonga (Viggo Mortensen). Don là nghệ sĩ piano da đen tài hoa, được trọng vọng tại thành phố New York (Mỹ). Ông được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo nhiều thứ tiếng, có học vị tiến sĩ âm nhạc và tâm lý học.
Để chuẩn bị cho một tour diễn, Don thuê Tony - một bảo vệ quán bar đang thất nghiệp làm tài xế kiêm vệ sĩ. Ban đầu, sự khác biệt về tầng lớp xã hội và màu da tạo khoảng cách giữa Don và Tony. Nhưng họ dần gắn bó và vượt qua những tình huống éo le tại miền Nam nước Mỹ - nơi sự kỳ thị chủng tộc còn nặng nề.
Vào thập niên 1960, đạo luật Jim Crow vẫn còn ăn sâu vào lối sống của người dân miền Nam nước Mỹ. Luật này gồm những phép tắc hà khắc nhắm vào người da đen như không được ăn, ở chung hay dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Tên phim bắt nguồn từ
The Negro Motorist Green Book - một quyển sách phổ biến trong thời kỳ này, liệt kê các quán ăn và nhà trọ chấp nhận người da đen. Cuốn sách hướng dẫn là vật đồng hành trên chuyến đi của Don và Tony.
Green Book có cấu trúc của một phim hành trình với đặc trưng xây dựng nhân vật thông qua tình huống. Trong phim, các nhân vật chính tương tác với nhau tạo nên chuyển biến trong tâm lý và tính cách. Hình ảnh nhân vật từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chuyến đi khác biệt rõ rệt.
Ở đầu phim, nhân vật Tony là một tay côn đồ thích giải quyết bằng vấn đề nắm đấm, bỗ bã trong nói năng và ăn uống. Tony có thể vừa lái xe vừa ăn gà rán, thậm chí ăn liên tục 25 bánh hot-dog trong một lần cá cược. Anh còn kỳ thị chủng tộc đến mức thẳng tay vứt vào thùng rác những chiếc cốc mà người da đen mới dùng để uống nước. Với Tony lúc đó, người da đen là hạ đẳng.
Trong lần gặp đầu tiên giữa bộ đôi, các nhà làm phim xây dựng một khung cảnh ấn tượng: Tony ngồi trên chiếc ghế thấp còn Don ngồi trên chiếc ghế bề thế như bậc đế vương. Đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự thay đổi cái nhìn của Tony về người da đen. Khi bắt đầu chuyến lưu diễn, sự thay đổi của nhân vật rõ rệt và sâu hơn ở cảnh anh chìm đắm vào những giai điệu dưới ngón đàn điêu luyện của Don. Lúc này, Tony nhận ra một người da đen cũng có thể thành công, giàu có bằng tài năng nghệ thuật.
Cũng như Christian Bale trong "Vice", Viggo Mortensen (phải, nổi tiếng với loạt phim "Lord of the Rings") tăng cân đáng kể để nhập vai.
So với Tony, sự thay đổi của Don trong hành trình diễn ra có phần lặng lẽ hơn. Là người thuộc tầng lớp thượng lưu, ban đầu Don tỏ ra khó chịu với cách cư xử của Tony. Nhưng dần dà, anh nhận ra tính cách của Tony cũng có những điểm tốt như chân thành và cởi mở. Chúng khiến Don thoải mái hơn, bớt khắt khe với bản thân và những người xung quanh.
Thông qua hành trình của Don và Tony, các nhà làm phim nêu thông điệp về sự bình đẳng. Kịch bản
Green Book khiến tác phẩm có nét mới hơn các phim kiểu
The Help hay 12
Years a Slave - nơi người da đen sống khổ cực và làm công cho người da trắng. Trong phim, Tony là người da trắng nhưng ít học, phải làm thuê cho một người da đen giỏi hơn.
Cách sắp đặt này khiến nhiều tình huống trở nên éo le. Dù biểu diễn tại những nơi sang trọng, Don vẫn phải ăn uống và vệ sinh tại những nơi xập xệ. Còn Tony chỉ là tài xế nhưng vẫn được hưởng những phúc lợi dành cho người da trắng. Với những người cùng màu da, Don bị ghẻ lạnh và chế nhạo bởi vẻ ngoài sang trọng. Như Don thổ lộ, bi kịch của anh chính là không được chấp nhận bởi cả cộng đồng người da trắng lẫn người da đen.
Mahershala Ali nhận giải Quả Cầu Vàng.
Green Book có phần đầu nhiều tình tiết hài hước, chủ yếu đến từ tình huống và diễn xuất. Phần sau của phim nghiêng về tâm lý, khắc họa bi kịch ở mức độ vừa phải, không quá nặng nề. Thông điệp của phim được nêu qua câu thoại: "Tài năng thôi là chưa đủ, muốn thay đổi trái tim người khác cần phải có cả lòng dũng cảm". Lòng dũng cảm, muốn thay đổi quan điểm của người khác cũng chính là lý do Don lưu diễn miền Nam dù biết sẽ bị xúc phạm.
Nhạc phim - được nhà soạn nhạc Kris Bowers phụ trách - là điểm sáng. Những bài nhạc nền mang màu sắc chủ đạo là jazz, được xen kẽ khéo léo với những giai điệu ballad giàu chất thơ như bài
Dear Dolores.
Tác phẩm quy tụ hai diễn viên tên tuổi Viggo Mortensen và Mahershala Ali. Theo
Playlist, Mortensen - người từng nhận hai đề cử Oscar - phải tăng hơn 20 kg để vào vai Tony. Anh thể hiện thuyết phục nhân vật gốc Italy với chất giọng nặng và điệu bộ vung tay khi nói chuyện. Ali - từng giành tượng vàng Oscar với
Moonlight - tiếp tục có thêm một vai ấn tượng. Tài tử thể hiện tâm lý phức tạp của một nghệ sĩ da đen phải đấu tranh với sự kỳ thị và lạc lõng. Ở những màn trình diễn dương cầm, nhịp điệu cơ thể của diễn viên toát lên sự say mê dành cho âm nhạc. Ali thắng giải nam phụ ở
Quả Cầu Vàng đầu năm và được xem là ứng viên lớn nhất ở cùng hạng mục tại Oscar sắp tới.
Tony Lip (trái) và Don Shirley ngoài đời thực.
Điểm yếu của
Green Book nằm ở phần sau. Tình tiết về cuối dễ đoán, nhiều thông tin của được nêu ra trực tiếp bằng lời, khiến tác phẩm hơi thiếu tinh tế và những khoảng trống để người xem ngẫm nghĩ
Green Book cũng gây tranh cãi về sự sai lệch tình tiết với đời thật. Nhóm biên kịch là Peter Farrelly, Brian Hayes Currie và Nick Vallelonga - con trai nhân vật chính Tony. Do thiếu tham khảo thông tin,
Green Book gặp ý kiến trái chiều từ người thân của Don Shirley. Họ cho rằng tác phẩm cường điệu hóa sự lạnh nhạt giữa nghệ sĩ và gia đình ông, cũng như khắc họa tình bạn giữa Don và Tony thân thiết hơn ngoài đời. Theo
Vulture, diễn viên Mahershala Ali phải xin lỗi anh trai và cháu trai của nghệ sĩ quá cố vì những điểm không đúng sự thật của phim.
Dù vướng những chỉ trích,
Green Book nhìn chung được giới chuyên môn và khán giả đón nhận. Tác phẩm của đạo diễn Peter Farrelly nhận năm đề cử Oscar ở hạng mục phim xuất sắc, nam chính (Viggo Mortensen), nam phụ (Mahershala Ali), kịch bản gốc và dựng phim. Nhiều báo Âu Mỹ nhận định
Green Book và
Roma đang là hai ứng viên trội nhất cho giải cao nhất. Phim cũng thu đến 127 triệu USD trong khi kinh phí chỉ là 23 triệu USD.
Lễ trao giải Oscar lần 91 sẽ diễn ra sáng 25/2 (giờ Hà Nội) ở Los Angeles (Mỹ).
Minh Dương