'BlacKkKlansman' khai phá góc khuất đen tối của đảng KKK
Theo chân hai cảnh sát điều tra, phim tranh Oscar mô tả một thế giới đầy kỳ thị, định kiến của những người da trắng tự xưng thượng đẳng.
Trong các đề cử Oscar
"Phim xuất sắc" năm 2019,
BlacKkKlansman được nhiều người chú ý nhờ tên tuổi của đạo diễn kỳ cựu Spike Lee. Tác phẩm dựa trên các sự kiện có thật vào thập niên 1970 được kể lại trong hồi ký của Ron Stallworth. Trong phim, Stallworth (David Washington đóng) là cảnh sát da đen đầu tiên của Colorado Springs. Anh bị nhiều đồng nghiệp da trắng kỳ thị và nhận công việc nhàm chán tại phòng lưu trữ.
Sau khi chuyển công tác, Stallworth được giao trọng trách điều tra chi nhánh đảng Ku Klux Klan (KKK) - tổ chức nổi tiếng cực đoan, đề cao người da trắng và bài trừ người da đen, người Do Thái. Với sự trợ giúp của đồng nghiệp gốc Do Thái - Flip Zimmerman (Adam Driver), Stallworth thâm nhập tổ chức và tìm cách ngăn kế hoạch khủng bố của KKK.
Khắc họa cuộc điều tra có thật
Do là người da đen, Stallworth không thể trực tiếp đến KKK mà phải gọi điện, thể hiện sự phân biệt chủng tộc và căm hận người da đen. Còn Zimmerman đóng giả anh ở các cuộc họp của đảng. Việc một người da đen và Do Thái tham gia tổ chức kỳ thị chính mình tạo ra sự mỉa mai xen lẫn hồi hộp. Tác phẩm không thiếu các khoảnh khắc căng thẳng khi đôi cảnh sát chìm đứng trước nguy cơ bại lộ thân phận.
Xuyên suốt chiều dài phim, chân dung các thành viên KKK dần hiện rõ. Họ có xuất thân đa dạng, từ một gã ưa bạo lực, suy nghĩ đơn giản như Felix (Jasper Paakkonen) đến chính trị gia bóng bẩy và hoạt ngôn như David Duke (Topher Grace). Sợi dây liên kết của họ là định kiến và niềm tin rằng mình mang "gen thượng đẳng". Ngay cả sở cảnh sát cũng có những thành phần mang tư tưởng giống KKK.
Adam Driver (trái) và David Washington đều ghi dấu ấn trong phim.
Qua tài dẫn dắt của Spike Lee, câu chuyện của Ron Stallworth thêm phần hấp dẫn bởi tiếng cười chua cay. Ông còn khéo lồng vào hình ảnh của bộ phim nổi tiếng
The Birth of a Nation (1915) - được nhóm KKK thích thú xem trong buổi tụ tập. Đây là phim Mỹ đầu tiên trong lịch sử được trình chiếu tại Nhà Trắng - dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Dù được xem như tác phẩm kinh điển, phim gây tranh cãi khi xem thành viên KKK như người hùng còn người da đen đần độn và hung hãn.
Sự lồng ghép tác phẩm này tạo ra những cảnh quay tương phản. Một bên là những thành viên KKK thích thú chứng kiến người da đen bị bôi nhọ, trong khi nhiều sinh viên trẻ không cầm nổi nước mắt khi nghe một người già kể về người bạn da đen thời thơ ấu bị ngược đãi.
Ron Stallworth ở thập niên 1970 (trái) và hiện tại.
BlacKkKlansman còn nhiều hình ảnh ấn tượng như cách Ron Stallworth từ dưới ngước lên khi chuẩn bị gia nhập hàng ngũ cảnh sát - thể hiện thân phận nhỏ bé của người da đen trong xã hội Mỹ. Ở một trích đoạn khác, Stallworth bám theo nhóm KKK và ngỡ ngàng phát hiện ra tấm bia tập bắn là hình ảnh những người da đen đang chạy trốn. Spike Lee có cú máy nhiều cảm xúc, quay cận gương mặt Stallworth trước khi phóng ra xa để khán giả hiểu cú sốc anh đang chứng kiến. Diễn viên David Washington cho biết bất ngờ khi biết các bia tập này không phải đạo cụ mà được đặt mua trên Internet. Sau nhiều thập niên, sự kỳ thị chủng tộc vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ.
Trong vai chính, David Washington thể hiện phẩm chất của bố mình - tài tử kỳ cựu Denzel Washington. Sao năm sinh năm 1984 bộc lộ vẻ nam tính, biểu cảm tinh tế và được giới chuyên môn đánh giá cao về triển vọng ở Hollywood. Anh vốn là cầu thủ bóng bầu dục, mới chuyển hướng diễn xuất gần đây. Còn Adam Driver vẫn nổi bật trong kiểu vai hài châm biếm. Tài tử sinh năm 1983 nhận đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp (hạng mục nam phụ).
Cuộc tái xuất của Spike Lee
Giống
Roma,
BlacKkKlansman gây tiếng vang ở châu Âu trước khi tranh tài ở Oscar. Tại
LHP Cannes năm 2018, tác phẩm nhận tràng vỗ tay 10 phút sau buổi chiếu rồi thắng giải Grand Prix. Sau đó,
BlacKkKlansman thu 90 triệu USD và được đề cử tại sáu hạng mục Oscar, gồm phim xuất sắc, đạo diễn, nam phụ, kịch bản chuyển thể, nhạc nền và dựng phim.
Đạo diễn Spike Lee nhận giải ở Cannes.
Thành công này đánh dấu cuộc tái xuất của Spike Lee - nhà làm phim sinh năm 1957. Ông được xem là một trong các đạo diễn tài năng nhất của Mỹ, được tán dương với
Do The Right Thing (1989),
Malcom X (1992) hay
25th Hour (2002). Phim của Spike Lee chuyên khai thác góc khuất xã hội như nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực. Cái nhìn trực diện cùng kỹ thuật kể chuyện của ông chinh phục nhiều khán giả.
Nhưng từ sau
Inside Man (2006), Spike Lee có khoảng lặng đáng quên trong sự nghiệp, liên tiếp thất bại với
Red Hook Summer (2012),
Oldboy (2013, làm lại từ phim Hàn Quốc cùng tên) hay
Da Sweet Blood of Jesus (2014). Ở
BlacKkKlansman, giới phê bình nhận định Spike Lee trở lại đỉnh cao với 96% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
BlacKkKlansman không chỉ dừng ở một bộ phim dài hai tiếng với câu chuyện hấp dẫn và tiếng cười mỉa mai. Tuyên ngôn "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" hay "Nước Mỹ là trên hết" của các thành viên KKK trong phim gợi liên tưởng đến Tổng thống Trump. Tại Cannes, minh tinh Cate Blanchett - trưởng ban giám khảo - nêu lý do chọn
BlacKkKlansman thắng giải: "Chúng tôi đã bàn luận rất nhiều khi xem bộ phim vượt qua giới hạn của một nền văn hóa. Spike đã làm ra tác phẩm khắc họa cuộc khủng hoảng của nước Mỹ mà ai cũng thấy đồng cảm. Điều này thật sự nâng tầm mức độ quan trọng của bộ phim".
Lễ trao giải Oscar diễn ra sáng 25/2 (giờ Hà Nội) ở Los Angeles (Mỹ).
Thịnh Joey