Mình cũng thuộc thế hệ 7x và cũng từng gặp những tình cảnh gần giống như cụ. Nhân tiện đây chia sẻ để cụ hiểu rõ hơn.
Thế hệ 7x tuổi thơ làm gì có nếu sống ở nông thôn. Thời đó đất nước còn khó khăn, kinh tế gia đình chỉ chông chờ vào làm ruộng, ai may mắn lắm thì có cha mẹ làm cho nhà nước thì còn được tiếng, còn không thì suốt ngày cắm mặt vào đồng ruộng, trâu bò, lợn gà. Bố tôi cũng là một quân nhân, vì chế độ mà phải về mất sức. Không có đồng lương nào cả. Ông thực sự là người có tài nhưng không được xã hội lúc bấy giờ trọng dụng để phát huy tài năng. Ông quay về làm ruộng và mọi tài năng công sức ông đổ vào mấy mẫu ruộng. Nhà tôi lúc nào cũng phải nhất nhì cái xã đó về sản lượng ông mới chịu. Bà như một logic các con ông cũng phải nai lưng ra mà làm theo ông. Các cụ cứ tưởng tượng ông như một con hổ bị nhốt trong một cái lồng. Mọi tức tối bực dọc, bất mãn với xã hội ông đều đổ lên đầu vợ con. Bố tôi thì không đánh vợ, nhưng con cái động phát là ăn đòn ngay. Tôi còn nhớ như in những ngày Tết cổ truyền, trong khi các bạn tôi được nghỉ hết lễ mới phải đi làm nhưng bọn tôi sáng mùng 2 Tết đã phải ra đồng vác phân lợn rải khắp các thửa ruộng. Mồ hôi hoà cùng với nước mắt, mà cánh đồng thì gần ngay đường, nơi các bạn đạp xe tung tăng đến chúc tết nhà cô giáo. Tôi chỉ biết khóc mà ước ao được một lần như các bạn cùng trang lứa. Quần áo thì không bao giờ có được một chiếc áo mới may đúng kích cỡ của mình, toàn phải mặc lại quần áo của người lớn cắt ngắn đi, cái thì rộng thùng thình, cái thì cáu bẩn dơ dáy. Mùa đông ngày xưa vì thế cũng rét kinh khủng lắm nhưng vẫn phải ngâm mình xuống các hồ ao để kiếm rau cho lợn. Bố tôi cũng vì các lý do trên mà cục cằn với tất cả mọi người. Rồi khi bọn tôi lớn lên đến lúc học cấp 3 rồi cũng không thay đổi là mấy, có chăng ít bị đòn roi đi vì chắc tôi nghĩ ông cũng thấy bọn tôi lớn rồi. Nhưng vẫn hạn chế rất nhiều giao lưu với bạn bè, xã hội. Thú thực, trong tối ngày đó không có gì khác ngoài sự thù hận, căm hờn. Nhưng sau tất cả là sự quyết tâm phải rời xa làng quê đó. Phải công bằng mà nói, chính sự hà khắc đó đã thúi rèn cho anh em tôi những ý trí kiên cường và sự quyết tâm vươn lên. Tôi cũng đăng ký đi thi Đại học mà trong đầu cũng chẳng mường tượng được mình học để làm gì, chỉ biết là chắc chắn nếu được đi học thì sẽ thoát ra khỏi ông ấy. Rồi tôi cũng đi ôn thi cấp tốc 3 tháng sau khi tốt nghiệp PTTH. Bố tôi đưa cho tôi một ít tiền và tự lên Hanoi tìm trung tâm, tìm nhà trọ để ôn thi. May mắn tôi cũng đỗ và được đi học. Nhưng sự khổ cực cũng không dừng ở đó mà nó còn theo tôi suốt 4 năm học đại học. Tiền ông gửi lên chỉ vỏn vẹn mấy trăm nghìn cho một tháng. 4 năm là quãng thời gian gắn liền với đói khát và những ước mơ cháy bỏng. Rồi tôi cũng phải cố gắng để có chút học bổng cũng chỉ đủ cho mấy ngày có bánh mì ăn sáng. Rồi tôi ra trường, ông bắt tôi phải về quê để dạy học, nhưng trong lòng tôi đã thề sẽ không bao giờ quay lại mảnh đát đó nữa, vì nó chứa đầy những kỉ niệm không vui, những tháng ngày vất vả, không có tuổi thơ ấy. Tôi bỏ nhà lên Hanoi đi làm công nhân cho các công ty liên doanh và học thêm Kinh tế quốc dân ( Trước tôi học DH ngoại ngữ) Và trong thời gian đi làm tôi gặp vợ tôi bây giờ, cũng là bạn học cùng quê từ lớp 1 đến lớp 12. Hai đữa cùng cảnh ngộ, gặp nhau và yêu nhau. Bố tôi biết chuyện và ngăn cấm tôi yêu cô ấy, vì ông bảo là gia đình cô ấy không môn đăng hộ đối. Khi tôi đưa vợ về ra mắt ông bắt tôi quỳ và nó mày bước qua xác tao thì hãy lấy nó. Tôi chẳng biết phải làm sao chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Một lần nữa lại bỏ nhà đi. May sao chị gái đầu của tôi là giáo viên đứng ra khuyên giải ông cho tôi được làm đám cưới. Cái đám cứoi đúng ra nó là ngày vui nhất của một người thì tôi phải chứng kiến cái khuân mặt lúc nào cũng hằm hằm của ông vì ông nghĩ ông xấu hổ với xóm làng. Cưới xong thì mẹ tôi giúi vào tay hai vợ chồng 500k lúc đó, bảo là bố mẹ lo cỗ bàn các thứ chỉ còn có bằng ấy. Vợ tôi không nói gì, chỉ có tôi ngôì ôm vợ khóc. Hôm sau hai đứa lại khăn gói lên HN để làm việc. Tôi đến bây giờ cũng có hai đứa con, yêu thương chúng nó hết mục còn chưa đủ mà sao bố tôi lại có thể làm vậy với mình. Tôi cũng chẳng có lỗi lầm gì, tuổi thơ thì ngoan ngoãn, học hành cũng thuộc hàng giỏi giang. Sau này khi có có con nhỏ, hai vợ chồng làm công nhân thì không có thời gian chăm sóc con, tôi nhờ mẹ tôi lên trông con cho mấy tháng nhưng ông nhất mực không cho đi, lại phải thuê người bế con khi nó còn đỏ hỏn. Cũng may nhờ có sự cố gắng vươn lên và nền tảng giáo dục tốt, tôi cũng có được công việc ổn định thu nhập tốt. Tôi cũng mua được nhà HN, mua xe hơi phục vụ gia đình, quãng thời gian đó lao vào công việc tôi cũng chẳng có thời gian để ý đến ông. Chỉ có những ngày lễ tết tôi mới về. Bố tôi thì vẫn thế, vẫn cứ lầm lỳ như vậy. Chỉ có đièu cứ mỗi năm qua đi tôi lại thấy ông già đi rất nhiều.. gầy gò nhưng cũng không ốm yếu. Tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy ân hận vì bao năm qua tôi để sự oán trách xâm chiếm hết tâm hồn mình. Giờ ông chẳng làm được gì, chiều chiều tôi ngồi ngắm ông qua cái camera gắn ở nhà thấy ông chỉ ngồi trầm ngâm nhìn xa xa mà không hiểu trong ông đang có cảm xúc gì. Tính tình ông thì thay đổi hoàn toàn, ông trở lên hiền lành, lo lắng cho con cháu. Tôi có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới giải mã được con người ông. Nhưng có một điều tôi hiểu rằng, bố mẹ dù có thế nào đi nữa thì trong họ con cái vẫn là thứ của cải to lớn nhất. Còn với chúng ta, phận làm con đừng để căm hờn hay oán trách lấn chiếm tâm hồn. Giờ tôi muốn phụng sự ông thì ông cũng nói bó chưa cần con phải nuôi dưỡng, hãy cứ chăm sóc cho con của con cho tốt. Tôi biết thế nhưng một người đã ngoài 80 thì lúc nào mới cần đến con. Tôi không nghĩ là trong ông đang ân hận mà, tôi nghĩ ông đang tự hào vì những gì đã đối xử với chúng tôi, kiểu như bố không làm thế sao con lên người được. Câu chuyện của tôi chắc khác với của cụ. Bố tôi cũng khác với Bố cụ chủ. Nhưng có một điểm chung là cách nhìn nhận vấn đề của mọi người. Tôi chỉ muốn nói rằng, cuộc sống vốn ngắn ngủi. Hãy bỏ qua cho nhau những gì không phải, vì khi nhìn lại, người xưa đã không còn nữa.