Sáng nay em vừa nghĩ lan man, hình như những công trình đẹp và đáng nhớ của VN đều là do Pháp xây. Người đương thời hình như chưa xây được cái gì đẹp, đáng tự hào; công trình gây tranh cãi và tốn kém thì có chứ những công trình có giá trị văn hoá hoặc mang tính biểu tượng thì không.
Em tưởng người ta đã và đang tạo những biểu tượng mới trên nền những cái cũ rồi chứ ạ:
Ví dụ
https://vi-vn.facebook.com/notes/save-ba-son-22600-người-vì-226-năm-lịch-sử-ba-son/ba-son-và-bi-kịch-quy-hoạch-đô-thị-sài-gòn/1008783515877666/
Vinhomes Golden River Bason. Đây là một quần thể phức hợp gồm thương mại, văn phòng, căn hộ và biệt thự. Tất cả đều cao cấp, tất cả đều đem lại cho những người sinh hoạt ở đấy một môi trường sống tốt nhất mà không phải ai cũng có được.
Khu Ba Son hiện hữu và dự án Vinhomes Golden River
Phối cảnh dự án Vinhomes.
Nếu khu đô thị này được đặt ở Thủ Thiêm, hay quận 7, những nơi xung quanh và kết nối tốt với trung tâm Sài Gòn, còn nhiều quỹ đất, thì không ai phàn nàn gì. Thành phố cần những công trình như thế để phát triển. Khu Phú Mỹ Hưng sau 20 năm đã thành một khu đô thị đáng sống, là một ví dụ cụ thể về sự thành công của mô hình phát triển đô thị vệ tinh chất lượng cao.
Nhưng đây là Ba Son, một khu di tích quan trọng trong lịch sử xây dựng Sài Gòn, chứng kiến và trải qua nhiều biến cố của thành phố này. Những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu trong khu Ba Son không chỉ đơn thuần là những công trình phục vụ cảng tàu. Chúng là những tài sản vô giá, góp phần giữ những ký ức đô thị của Saigon, cũng như tạo nên bản sắc của thành phố.
Khu đô thị Vinhomes sẽ đập hết những nhà xưởng này, cũng như cho lấp luôn ụ tàu 122 năm tuổi, để thay vào đó là những cao ốc và biệt thự mà chúng ta có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu. Có nhất thiết, có tất yếu phải quy hoạch, phải xây dựng khu Bason như nội dung của dự án Vinhomes đang thực hiện? Chúng ta có đành lòng để Saigon mất đi di sản có một không hai, vô giá về lịch sử, tinh thần và bản sắc, để cho những khối kiến trúc hào nhoáng – vô hồn dày đặc chiếm chỗ?
1. Lịch sử và giá trị khu Ba son
Báo Tuổi Trẻ tháng 8 năm 2015 đã có một loạt bài khá chi tiết của tác giả Phạm Vũ về giá trị lịch sử kéo dài 225 năm của Ba Son. Khởi đầu là xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp thế kỷ 19, Ba Son “là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của họ...” (Thạc sĩ Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hóa).
Theo cùng bài báo, trong hội thảo khoa học tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều đồng tình với ý tưởng “phát huy sức sống cho “di tích sống” Ba Son” này.
Giá trị lịch sử của Ba Son, tuy rất cao, nhưng không mấy ai của thành phố này biết, bởi một phần nó là công trình quốc phòng, bị ngăn cách bằng những bức tường quân sự kiên cố, suốt 40 năm từ ngày thống nhất ít ai được phép ra vào.
Khi giữ gìn một di sản lịch sử, luôn luôn có xung đột giữa kinh tế và văn hóa, giữa những thứ rất rõ ràng có thể đong đếm bằng tiền, với những lập luận-phân tích phần nhiều là định tính, giữa những thế lực mạnh gạo bạo tiền, với giới học thuật hay tầng lớp bình dân kém sức ảnh hưởng. Nhiệm vụ của quy hoạch đô thị là cân bằng mâu thuẫn này, để không vì di sản mà hạn chế xu hướng phát triển, cũng như xóa sạch tất cả chỉ để xây lên cái mới.