(InfoTV) – Hiếm có cổ phiếu nào lỗ, thậm chí lỗ nặng mà lại gây được sự chú ý lớn như VSP. Trong 2 ngày hôm nay, kể từ sau khi VSP công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm, không ít nhà đầu tư chuyển dần từ các xúc sốc nặng sang sẵn sàng chờ bắt đáy.
Cú sốc được báo trước: Chuyên gia khuyến cáo
Trước khi VSP công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tâm lý lũy kế 9 tháng cả năm VSP vẫn lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ này sẽ giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm vì nhiều tin đồn cho rằng quý 3, VSP lãi 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy VSP đã lỗ 32 tỷ đồng trong quý 3. Kết quả này thực sự khiến những ai nắm giữ VSP cảm thấy sốc và hoảng sợ. Lúc này nhà đầu tư mới nhận ra, kết quả kinh doanh quý 3 hoàn toàn được cảnh báo trước.
Cuối quý 2, Công ty chứng khoán SSI đã có bài phân tích về VSP. Theo đánh giá của SSI, VSP vẫn tiếp tục đầu tư khá dàn trải (cho thuê tàu biển, kinh doanh gas, kinh doanh bất động sản, kinh doanh cát..) và điều này có thể khiến công ty gặp nhiều thách thức khi tham gia vào các lĩnh vực mới.
Theo khảo sát của SSI, việc giá thuê tàu có xu hướng tăng đến mức trên 20.000 USD/ngày và tiến dần tới điểm hòa vốn, cùng với việc toàn bộ các tàu đưa vào sửa chữa trong quý trước đã được đưa vào hoạt động, dự kiến trong quý III doanh thu của VSP sẽ tăng và nhưng công ty sẽ tiếp tục lỗ đối với hoạt động vận tải trong quý tuy nhiên mức lỗ sẽ giảm bớt.
VSP khó có lợi nhuận đột biến từ bán tàu như năm 2008, thậm chí chi phí của VSP còn tăng lên vì VSP vẫn tiếp tục kế hoạch đóng 3 tàu mới dự kiến sẽ được Vinashin bàn giao vào năm 2010.
Một trong những rủi ro rất lớn nhất của VSP mà SSI kể đến chính là gánh nặng lãi vay. Theo SSI, tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn của VSP là 2.055 tỷ, bằng 1.5 lần vốn chủ sở hữu. Vì vậy, nhiều khả năng VSP sẽ có 4 quý lỗ liên tiếp.
Thực tế diễn ra đúng như những gì SSI phân tích, Quý 3/2009, VSP lỗ 32 tỷ đồng, trong đó khoản chi phí rất lớn phải kể đến chính là chi phí lãi vay lên tới 46 tỷ đồng, gần bằng 6 tháng đầu năm.
Khi nhận xét về VSP, ông Nguyễn Bá Thành – Trưởng phòng phân tích công ty Chứng khoán SME cho biết ngành vận tải tàu biển dù đã đi lên nhưng phải mất 3 đến 4 năm nữa mới thực sự phục hồi. Vì vậy khá mạo hiểm khi đầu tư vào cổ phiếu này.
Nhà đầu tư chờ bắt đáy
Từ chiều 26/10 – thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của VSP được công bố rộng rãi, nhà đầu tư rất sốc và xôn xao, các topic về VSP trên các diễn đàn trở nên nỏng bỏng. VSP trở thành mã được quan tâm nhất ngày 26/10 mặc dù chỉ một ngày sau đó “ông lớn” EIB chào sàn.
Hầu hết các nhà đầu tư đều lo lắng và chuẩn bị cho tinh thần xả sàn vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã bất ngờ… vui trở lại khi tự phân tích tình hình VSP. Anh Nguyễn Xuân Thành, nhà đầu tư trên sàn Eurocapital nhận xét mặc dù quý 3 VSP lỗ 32 tỷ đồng nhưng mức lỗ đã giảm dần. Cụ thể quý 1 lỗ 112 tỷ đồng, quý 2 lỗ 92 tỷ đồng và mức lỗ quý 3 giảm mạnh “chỉ” còn 32 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu quý 4, TGĐ VSP ông Nguyễn Duy Hùng khẳng định VSP vẫn giữ nguyên kế hoạch năm 2009, LNTT đạt 150 tỷ, cổ tức 20%. Mà LNTT VSP 9 tháng đầu năm là -234 tỷ đồng. Như vậy, nếu lãnh đạo VSP giữ lời thì lợi nhuận quý 4 của VSP rất khủng, phải đạt khoảng 384 tỷ đồng.
Vì vậy, anh Thành cho biết, lúc này đầu tư vào VSP là đầu tư dựa trên niềm tin vào lời hứa của ban lãnh đạo VSP. Bên cạnh đó, anh Thành tổng kết trong phiên giao dịch ngày 27-10, đã có hơn 151.900 đơn vị VSP được khớp. So với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp hàng ngày đây là con số rất khiêm tốn nhưng đặt trong bối cảnh ngày “đen tối” 27-10 thì 151.900 đơn vị được xem là khá khả quan.
Nhà đầu tư Xuân Phú phân tích cụ thể hơn. Anh cho biết mức lỗ 236 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là khoản lỗ của các công ty con. Tính riêng công ty mẹ VSP, doanh thu quý 3 đạt 65,26 tỷ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 227,90 tỷ. LNST quý 3 đạt 6,29 tỷ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 25,5 tỷ đồng.
Anh Phú kỳ vọng quý 4 VSP sẽ có lợi nhuận đột biến chuyển nhượng công ty con NamViet Oil, dự án Cụm công nghiệp tàu thủy Long An, dự án khu du lịch giải trí tổng hợp tại cảng Cái Lân – Hà Khẩu – Quảng Ninh, xuất khẩu gạo đi châu Phi và cát đi Singapore.
Trong đó, anh Phú và nhiều nhà đầu tư khác kỳ vọng nhất vào dự án sân golf Mê Linh, đặc biệt từ sau khi dự án này cùng 239 dự án khác được Chính phủ đồng ý tiếp tục triển khai. Nếu dự án được chuyển nhượng thành công, đây sẽ là khoản mang lại lợi nhuận khổng lồ cho VSP.
Anh Phú nhận xét báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khiến VSP điều chỉnh giá xuống giúp anh và các nhà đầu tư ưa mạo hiểm khác gom hàng với mức giá tốt hơn. Anh khẳng định sẽ cùng bạn bè gom nhiều hàng sau khi VSP giảm sàn 3 phiên liên tiếp.
Mặc dù khá quyết tâm mua vào nhưng cả anh Thành và anh Phú đều chung quan điểm đây là quyết định khá mạo hiểm vì trong kinh doanh khó có thể nói trước được điều gì. Chẳng ai có thể khẳng định chắc chắn quý 4 VSP sẽ có lợi nhuận “khủng”.
Tuy nhiên, anh Thành cho biết VSP là cổ phiếu đặc biệt, thể hiện rõ nhất “lợi nhuận cao – rủi ro nhiều”. Nó có thể giúp anh đạt kỳ vọng gấp 5 lần vốn nhưng nó cũng có thể khiến anh lõm nặng.
Bảo Linh
Trả lời với trích dẫn