Gần 4000 trường hợp vi phạm trong quá trình cho vay hỗ trợ 4% lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục kiểm tra hiệu quả gói kích cầu và báo cáo Quốc hội ngay kỳ họp này.
Qua thanh tra công tác hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện 3.923 món vay vi phạm, tương đương 8.334 tỷ đồng. Vi phạm nhiều nhất là ở ngân hàng cổ phần với 5.916 tỷ đồng, kế đến là các ngân hàng thương mại nhà nước. Đó là kết quả được công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng, công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân trung ương diễn ra tại TP HCM cuối tuần qua.
Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho biết có việc sử dụng vốn sai như đầu tư vào lĩnh vực không thuộc đối tượng được hỗ trợ, có hiện tượng trùng lắp hoặc nhận nợ hai lần hoặc tại hai tổ chức tín dụng khác nhau, vay để trả nợ cũ… Phổ biến nhất là cho vay sai đối tượng, vốn vay không phải dùng để đầu tư dự án mới hoặc để kinh doanh hàng tiêu dùng có nguồn gốc nhập khẩu. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã xử lý và truy thu một phần, phần còn lại đang trong quá trình xử lý.
Có quá nhiều trường hợp vi phạm trong vay hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Hoàng Hà
Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA) đã nhận xét: “Gói kích cầu này là giải pháp hữu hiệu, trực tiếp “tiêm vào ven” thay vì vào bắp, làm cho nền kinh tế hồi sinh nhanh chóng”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay cùng với những thành công đã xuất hiện những tồn tại phải giải quyết để ngành ngân hàng hoạt động ổn định. Bà Hương đề nghị nên dừng hỗ trợ lãi suất đúng thời hạn, không kéo dài.
Bà Hương cho rằng, trong gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn này mới chỉ có 20% doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, còn 80% số doanh nghiệp còn lại vẫn phải tự bươn chải, tìm lối thoát khỏi khó khăn. Điều đó vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Chưa kể, có nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng thiếu minh bạch trong quá trình thẩm định hỗ trợ lãi suất, thủ tục vay quá rườm rà. “Có khách hàng phản ánh họ phải mang cả bao tải hồ sơ để thẩm định mà vẫn không được vay trong khi có khách hàng được vay hỗ trợ lãi suất ở nhiều ngân hàng khác nhau”, bà Hương nói
Theo TS Phạm Minh Trí, Ban Kinh tế ngân sách, Hội đồng nhân dân TP HCM, việc cấp bù lãi suất 4% là chủ trương lớn của Chính phủ và là việc cần phải làm để đối phó với nền kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng vốn quốc gia cần được kiểm soát gắt gao hơn nữa. Trong đó, vấn đề kiểm soát đồng vốn hỗ trợ đúng mục đích được đề cập nhiều nhất và cũng là lo ngại lớn nhất ngay từ đầu mới triển khai.
Trao đổi với VnExpress.net bên hành lang Quốc hội sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng trong quá trình làm thủ tục cho vay của các tổ chức tín dụng khó tránh khỏi thiếu sót. Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện một số vấn đề như như thủ tục còn thiếu, giấy tờ chưa đủ, thiếu hóa đơn. "Theo nguyên tắc thiếu hóa đơn thì không cho vay. Tuy nhiên, cá nhân đó cam kết một tuần sau mang lại. Đúng lúc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thì thấy hóa đơn thiếu hay thủ tục chưa hoàn chỉnh thì gọi là chi sai. Vì thế không thể kết luận ngay là thất thoát tài sản, hay cái gì ghê gớm kiểu vi phạm đạo đức", ông trả lời về con số 4.000 khoản chi được cho là vi phạm quy định kích cầu.
Ông Giàu cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm tra hiệu quả gói kích cầu và đã có đánh giá sơ bộ, báo cáo Quốc hội ngay trong kỳ họp này. Các chương trình hỗ trợ sẽ kết thúc đúng thời gian quy định. Các ngân hàng sẽ phải xây dựng ngay các phương án hậu hỗ trợ lãi suất khi các chính sách hỗ trợ không còn. Đồng thời, phải lên kế hoạch xử lý những khoản sai sót theo kết luận của thanh tra.
Từ nay đến cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, không có sự phá giá VND, không điều chỉnh lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc. Hiện lãi suất cơ bản VND là 7% một năm, những ngân hàng nào có lãi suất huy động từ 10%/năm trở lên sẽ bị kiểm tra toàn diện.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định tăng trưởng tín dụng hiện vẫn nằm trong mức an toàn, kể cả cho vay đối với thị trường chứng khoán và bất động sản. So với năm 2008, đến nay cho vay chứng khoán tăng 74,4%, cho vay bất động sản tăng 20,7% từ 137.938 tỷ đồng lên 166.550 tỷ đồng và dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 38%, từ 76.000 tỷ đồng lên 105.000 tỷ đồng.