Điềm báo trước khi chết đây:
"Người hát xẩm cuối cùng" ốm nặng
Nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm đã mấy tuần nay. Thật buồn, bu ốm không giống mọi lần.
Giáng Son, Quang Long, Mai Tuyết Hoa bên nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Bu ốm
Cũng gần chục năm gắn bó với hát Xẩm, chúng tôi coi bu như bà tổ sống của nghệ thuật ca hát dân gian này nên cứ rảnh là mấy đứa lại theo xe về Yên Mô, Ninh Bình thăm.
Tới nhà vừa lúc chị Mận con gái bu đi chợ về, lỉnh kỉnh trên tay mấy mớ rau, vài củ su hào. Chị Mận chực trào nước mắt, từ đêm qua tới giờ bu mệt nặng hơn, không nói được nữa.
Vợ chồng Mận đốt cái bếp than củi khô ở đầu giường bu để không khí thêm ấm cúng. Không còn vọng ra tiếng quen thuộc- cố tình quên của bu - mỗi lần bước vào cửa: “Cha bố nhà mày”, “Mày là thằng nào?” hay những cái nguýt dài, đanh mà đầy hóm hỉnh. Bu Cầu nằm im trên giường, tiếng thở khó khăn và tiếng rên khe khẽ. “Đây này chân bu teo hết rồi, liệt mất rồi” - Mận rớm lệ cho biết.
Chị kể, bữa đấy bu vẫn tỉnh táo, vẫn kéo nhị và hát lẩm nhẩm suốt ngày. Tự nhiên bu nhìn lên trần nhà bảo “Bao giờ cái bóng điện này cháy là trùm Xẩm gọi bu về đấy”. Mận gạt đi. Ấy vậy mà cái bóng cháy đúng hôm có con bướm đen thật to bay vào nhà. Anh Đới chồng chị đuổi thế nào cũng không đi. Từ hôm đấy bu cứ lịm dần.
Những lúc tỉnh, chuyện của bu có trên giời dưới bể gì thì rồi cũng chỉ xoay quanh Xẩm. Những lúc mê man buột phát tiếng nói trong hư vô thì với bu cũng chỉ là Xẩm.
Bu bảo thấy đông vui lắm, bu được gặp nhiều người xưa, được ca hát rất rộn ràng, bu sẽ về với tổ Xẩm sớm. Đến lúc tỉnh dù nói năng khó khăn nhưng bu vẫn thích kể chuyện khi về bên kia, bu không về hát với ông Chánh Trương Mậu đâu, dù được ông rất quý. Bu lập luận rằng ông có tới 18 bà, bu là bà cuối thì ông làm gì có thời gian dành cho bu, bu tới ở nhờ nơi cửa đình cửa chùa thôi.
Bu không quên dặn Mận gắn bó với mảnh đất mà cả đời hát Xẩm chắt bóp bu đã dựng được lên. Dặn khi bu về với tổ thì hai cây đàn nhị không được cho ai, mà để hai bên của ban thờ để lúc nào bu cũng được kéo đàn và hát ca.
Chị Mận vắt nửa quả cam rồi lấy cái thìa cafe bón cho bu từng chút một. “Bây giờ một ngày bu chỉ ăn được mấy thìa cháo bột nhuyễn và một chút sữa. Thỉnh thoảng lại cho bu uống sâm. Hôm rồi bu mệt không ăn tôi cứ phải vừa bón vừa hát mấy câu Xẩm bu mới chịu há miệng”. Bí quyết để chị Mận hát giỗ bu ăn chính là những câu xẩm trong bài Theo **** trọn đời bu sáng tác và hát mấy chục năm qua. Kể cũng lạ lùng.
Sinh nghề tử nghiệp
Mận vừa nói chuyện vừa đưa ngón tay vào miệng bu Cầu day day. Chị giải thích: phải đưa như thế để bu cắn vào tay, biết bu vẫn còn sống. Có lúc bu Cầu ớ lên một tiếng, đau cũng ớ, xung quanh có chuyện gì đó muốn phản ứng cũng ớ.
Cái tiếng kêu ớ đấy của bu Cầu chẳng giống các cụ cùng cảnh ngộ. Nó như một âm thanh có cao độ được vuốt từ to đến nhỏ tỉ lệ thuận với cao độ từ thấp để cao rồi biến mất vào không gian. Và cũng đầy sắc thái giống như một câu hát hóm hỉnh khiến mấy đứa chúng tôi dù buồn cũng không khỏi tủm tỉm.
Lại còn mấy cái ngón tay, thay nhau động đậy liên tục, Mận bảo bu đang đàn đấy, khiến cho chúng tôi ai nấy đều cười. Nhạc sĩ Giáng Son bèn kể, trước đây nhạc sĩ Đàm Linh - cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tài ba - khi nằm bất tỉnh trên giường bệnh, tay vẫn liên tục giơ lên vẫy vẫy y như khi ông cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Quả là những điều chỉ thấy ở những con người sinh nghề tử nghiệp.
Mấy hôm trước còn tỉnh, trong người buồn bực bu cứ đòi Mận bật đĩa Xẩm. Đĩa Xẩm rất nhiều nhưng khổ nỗi mọi người cứ mượn rồi không trả nên tới giờ chẳng còn cái nào, Mận đành bật tivi, may lúc đó có chương trình ca nhạc dân gian, có cả dân ca đồng bằng Bắc bộ, Chèo, Quan họ của các nghệ sĩ Hà Nội hát. Bu Cầu gắng gượng cất tiếng bảo, nghe hay lắm nhưng bu vẫn thích Xẩm nhất.
Ngồi chơi cả tiếng rồi mà không một lần bu Cầu tỉnh. Mai Tuyết Hoa nảy sáng kiến cả lũ hát Xẩm cho bu nghe, biết đâu bu lại hồi hồi. Mận chạy vào lấy cái đàn nhị đưa cho Hoa; tôi và Giáng Son gõ gõ lên thành giường theo nhịp tiết tấu Xẩm.
Điệu Thập ân ghi khắc công cha ngãi mẹ sinh thành nhè nhẹ vang lên được mấy câu, bu Cầu vẫn thở khó khăn nhưng dường như khuôn mặt trở nên nhẹ nhõm hơn. Chúng tôi không cầm nổi nước mắt.
Mận nói: Mấy hôm trước bu dặn khi nào bu về với tổ Xẩm nhớ mua cho bu một mẩu vàng đặt ở dưới đầu để bu gối lên. Bu bảo phải làm như thế để nghề Xẩm được phát lên.
“Phát ở đây là phát ở trên trần chứ không phải để bu về bên kia tay đàn miệng hát” .
Bu còn cho biết, trước đây ông Chánh Trương Mậu bố chị mất cũng đã dặn bu như vậy với mong muốn nghề Xẩm tồn tại và phát triển ở khắp nơi. Thì ra trong cái văn hóa tâm linh của người hát Xẩm còn có những quy ước, lề luật độc đáo như vậy.
Bu Cầu sinh năm Mậu Thìn 1928, tuổi mẹ đẻ năm nay 85 nhưng tuổi trong giấy tờ thì đã ngoài 90. Vẫn hy vọng có một phép nhiệm màu nào đó đánh thức bu Cầu dậy cho dù chỉ được thêm dăm ba tháng nửa năm cũng tuyệt vời lắm rồi.
Theo Nguyễn Quang Long
Tiền Phong