Bài viết gây bão của giảng viên P.T.L (đại học Kinh tế Quốc Dân) ngày hôm nay 22/7/2016 :
"Nhà trường với sinh viên là quan hệ giữa người bán và người mua"
Trường đại học là đơn vị đào tạo nhân lực trình độ cao. Đào tạo đại học không phải là thứ dành cho toàn dân như một món phúc lợi mà tất cả cùng được hưởng.
Trường đại học không phải là đơn vị chức năng của nhà nước có nhiệm vụ cung cấp phúc lợi xã hội (dù là trường công lập).
Vì mấy lí do trên, trường đại học không cần quan tâm đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên. Trường đại học hoàn toàn không có mục tiêu hay nhiệm vụ là phải làm cho người nghèo được học đại học. Thế nên tất cả thầy cô lẫn sinh viên, hãy dẹp ngay cái việc mang sự nghèo sự khó ra để làm sức ép đối với học phí đại học.
Trong nền kinh tế thị trường, trường đại học là đơn vị bán dịch vụ giáo dục, đào tạo, công lập hay dân lập cũng thế thôi. Bây giờ ngoài nhiệm vụ đào tạo theo quy hoạch chung của cả nước, các trường đại học còn có nhiệm vụ tự chủ kinh tế và tài chính của mình như một doanh nghiệp thực sự. Và thế là trường đại học buộc phải là người bán, còn sinh viên là người mua. Đó là quy luật của thị trường.
Vậy quan hệ giữa trường và sinh viên là quan hệ người bán và người mua, mua bán dịch vụ đào tạo.
Các bạn sinh viên được học kinh tế thì biết rồi nhỉ? Học phí chính là giá bán dịch vụ. Trong trường hợp này sẽ do người bán định đoạt chứ không phải người mua. Thuận mua vừa bán, hoặc không thuận nhưng vẫn mua, vẫn bán là chuyện bình thường. Chỉ cần người mua chấp nhận và có khả năng chi trả. Nếu không chấp nhận, các bạn đi tìm người bán khác bán món hàng tương tự với giá thấp hơn, hoặc có thể giá cao hơn nhưng các bạn thích hơn. Nếu không đủ khả năng chi trả bất cứ món hàng nào, thì hãy nhịn.
Học đại học - một phi vụ đầu tư
Các bạn học đại học cho ai? Cho bản thân mình hay cho xã hội hay cho NEU? Chắc chắn chỉ cho các bạn, tương lai của các bạn thôi nên các bạn không có quyền bắt xã hội phải vì các bạn, không có quyền bắt học phí phải theo ý các bạn.
Học đại học chính là một phi vụ đầu tư của các bạn và gia đình đấy. Những gì các bạn bỏ ra cho mấy năm đại học chính là phí đầu tư đấy, các bạn đầu tư cho tương lai của mình và gia đình, chứ không phải cho xã hội. Trong kinh tế, chi phí và lợi ích của một phi vụ đầu tư thường tương xứng với nhau. Muốn học trường danh tiếng, ra trường dễ xin việc, lương cao, nhưng lại muốn học phí thật thấp thì có giống các bạn ra Bát Đàn gọi bát phở nhiều thịt nhiều bánh, nhiều hành, nhiều nước béo, dăm cái quẩy, nửa rổ giá đỗ nhưng chỉ muốn trả 5.000 đồng không?
Vậy đấy, học đại học là quá trình đầu tư và học phí chính là chi phí đầu tư. Dĩ nhiên, hãy đầu tư nếu có khả năng chi trả phí đầu tư. Nếu các bạn nhìn thấy kết quả đầu tư tốt, có sức để làm, nhưng không thể huy động được nguồn tiền nào chi trả phí đầu tư cho cái bằng NEU, dĩ nhiên, hãy đầu tư vào phi vụ khác hợp lí hơn. Tại sao cứ bắt buộc phải là đầu tư vào đại học, mà lại phải là NEU?
Hãy nhận thức ĐẠI HỌC = (ƯỚC MƠ) + KHẢ NĂNG HỌC TẬP + KHẢ NĂNG CHI TRẢ HỌC PHÍ. Thiếu ước mơ thì được, nhưng thiếu 1 trong 2 khả năng đằng sau thì công thức hỏng và nhớ tính thêm sự biến đổi giá trong quá trình đầu tư.
Học phí - Giá cả tính thế nào?
Giá cả của hàng hóa dịch vụ dĩ nhiên được người bán định đoạt dựa trên nhiều yếu tố, những thứ sau đây là chủ yếu: Giá thành của dịch vụ (bao gồm toàn bộ chi phí trực tiếp thực tế bỏ ra để tạo ra được thành phẩm hoặc hoàn tất quá trình cung cấp dịch vụ); các chi phí gián tiếp; lợi nhuận kì vọng; uy tín, thương hiệu… và nhiều thứ nữa (ở đây có thể có thêm các quy định về trần học phí nữa)
Giá bán sản phẩm dịch vụ nôm na là phải đủ để người ta trang trải chi phí đã bỏ ra và dư ra tí tẹo gọi là lợi nhuận. Lâu nay chúng ta quen với việc đóng học phí thấp tức là giá rẻ. Điều đó không có nghĩa là chi phí dịch vụ rẻ, mà đơn giản, khi giá bán không đủ bù đắp chi phí bỏ ra, nhà nước đã cấp ngân sách bù vào phần thiếu hụt đó. Giờ đây ngân sách đã cắt tiệt những cơ chế kiểu đó, nên giá bán, tức là học phí sẽ dần quay về đúng với thực chất nó phải thế.
Nhưng dù sao thì việc định giá bán là việc của người bán. Người mua không có quyền gì đòi hỏi người bán phải công khai hay minh bạch chi phí, giá thành của mình cả. Người mua không có quyền đòi người bán phải cắt giảm chi phí nọ kia để giảm giá bán xuống. Việc của người bán là định giá, việc của người mua là chấp nhận thì xì tiền, không chấp nhận thì đi. À, người bán có thể cắt giảm được chi phí, nhưng không giảm giá bán đấy, để tăng lợi nhuận. Và người mua vẫn chẳng có quyền gì mà đòi giảm giá bán cả.
Học phí tăng - sinh viên cần làm gì?
Nếu gia đình gặp khó khăn, sao không nghĩ đến chuyện đi làm cái gì đó để kiếm tiền phụ thêm với bố mẹ. Khi gặp khó khăn, nhất là thiếu tiền, không có cách nào khác là phải chăm chỉ và vất vả hơn. Hoàn toàn có thể cân đối việc học tập và việc kiếm thêm tiền. Bớt thời gian than vãn và chém gió trên facebook đi cũng kiếm được ra tiền đấy.