Chúng ta nhập vải cao cấp từ Trung Quốc. Vải hiện đại thường là 70% polyester và 30% bông. Bông Việt Nam không có. 70 - 80% sản lượng polyester thế giới là từ Trung Quốc, họ làm từ những năm 1950 hay 1960, công nghệ chủ động, rất tốt, rẻ, Việt Nam cũng đã có sản xuất polyester nhưng ít, chất lượng chưa tốt, công nghệ phụ thuộc nước ngoài, khó cạnh tranh.
Các phụ kiện như chỉ khâu, cúc áo, phéc mơ tuy Việt Nam không làm được (chắc có nơi cũng đã làm được nhưng chất lượng kém, sản lượng ít, nói tóm lại là khó cạnh tranh).
Các nguyên công như nhuộm, dệt Việt Nam đều có làm nhưng công nghệ kém, chất lượng kém.
Cao cấp hơn nữa là máy móc thiết bị, từ cái máy dệt vải đến cái máy khâu, Trung Quốc đều tự sản xuất được, còn Việt Nam đến cái kim khâu cũng phải nhập từ Trung Quốc.
Không nhìn thẳng vào sự thật thì khó mà thay đổi. Các nước Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, ... làm dệt may cũng tương tự, chỉ làm phần ngọn (cắt may thành phẩm), còn phần gốc rễ không làm được, hoặc có làm nhưng chất lượng kém, không cạnh tranh, chỉ bán được trong nước hoặc sang các nước nghèo.
Điều này phải xem xét từ quan điểm văn hóa. Văn hóa của người Trung Quốc rất coi trọng cái gốc, đến viết thư pháp cũng phải luyện tay cả năm để tay có lực rồi mới luyện viết. Cách tiếp cận của họ (kể cả Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong ngày xưa cũng tương tự) là "bottom up" đi từ cái gốc là sản xuất linh phụ kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, chấp nhận lãi ít để học hỏi, sau đó mới đi lên dần dần, sau khi nắm được hết công nghệ sản xuất linh phụ kiện rồi mới bắt đầu sản xuất sản phẩm end user (đây là nói đa số. Cũng có trường hợp như Lenovo chỉ là nhập linh kiện về lắp ráp), khi đó thì đến lượt các nhãn hiệu nước ngoài trước đây đặt hàng họ gia công phải phụ thuộc họ, vì chỉ sản xuất cái ngọn (sản phẩm end-user) thì lãi cao, nhưng tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, bí quyết công nghệ dần dần bị đánh mất, chỉ còn kỹ năng quản lý, marketing. Về điểm này, các nhà sản xuất Việt Nam có vẻ đang làm ngược so với các nước láng giềng Đông Bắc Á, đó là chưa có công nghệ gốc (và có vẻ cũng không muốn đầu tư nghiên cứu và làm chủ công nghệ gốc) mà đi thẳng lên chế tạo sản phẩm cuối, tức là nhập công nghệ, phụ tùng linh kiện nước ngoài về lắp.