[Funland] Chiến tranh bảo vệ BGPB 1979- 1989 theo lời kể của người trong cuộc ( phần 2)

Trạng thái
Thớt đang đóng

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Ngày thứ hai, 05/03/1979, ngày thứ 16 của cuộc chiến tranh.
Khoảng 2 giờ chiều, trung đội baoleo đang ngồi gói lượng nổ cho bài đánh bộ phá, thì anh Th (con trung tướng Song Hào, học cùng hệ với bọn mình) mới từ nhà lên, báo ngay 1 tin sét đánh: TQ rút quân rồi, TQ đã thông báo xin mình không truy đuổi, và ta đã trả lời đồng ý. (híc)

Thế là thế nào, chẳng nhẽ lại kết thúc một cách lãng nhách vậy sao. Một cảm giác hẫng hụt bao trùm toàn thân.

Các bác cứ hình dung như ở 1 cuộc đi săn mà xem. Lừa lúc ta sơ ý, con mãnh thú đã ngoạm được ta vài phát. Lòng ta sôi réo trả đòn cho các vết thương đang rỉ máu. Rồi sau bao ngày gian nan, chịu để gai cào rướm máu, lê lết thân qua các bụi chông gai ẩm ướt, giá băng, lừa thế mãi, mới đưa được con mãnh thú vào đường ngắm, đang hít hơi để ngón trỏ chắc cò, thì bỗng:…… toét!!!. Còi kiểm lâm rúc lên là: hết giờ, phải để nó sống, để bảo tồn ??. (sic!)

Đã đành rằng cụ Nguyễn Trãi còn cấp lương- thuyền khi Vương Thông đã dâng sớ qui hàng. Nhưng giá như lính mình bây giờ cứ được trên phóng lên biên, như mũi tên rời khỏi ná, làm một trận bát gạo nấu nốt cái đã, rồi trên hú rằng: lính chưa nhận được lệnh, do điện đài trục trặc. Như quân của cụ Nguyễn Trãi đã từng chém Liễu Thăng trước, cấp gạo cho Vương Thông sau, thì có hơn không.

Thế nhưng, thế thời thế, thế thời phải thế.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Kể từ 2 giờ chiều ngày 05/03/1979, ngày thứ 16 của cuộc chiến, trung đội baoleo đã biết rằng: sẽ không thể có lệnh phản công nào được đưa ra.
Mặc cho, chiến binh quân đoàn 2 vẫn đang ùn ùn đổ xuống Gia Lâm.
Mặc cho, dàn Ca chia sa BM -21 đang muốn bắn thử, phục thù.
Mặc cho, oanh tạc cơ A 37 và chặn kích F 5 vừa chuyển sân ra phía bắc, mà trên đường đáp xuống Nội Bài phải hạ độ cao qua thao trường của mình.
Mặc cho, trên vừa điều mấy thằng khoá dưới, xuống cảng Hải Phòng để phiên dịch cho tầu Liên xô chuyển tăng cho ta,
Mặc cho, kế hoạch phản công của ta, dường như đã được cả đại tướng Liên xô tham vấn.

Như để bồi thêm vào nỗi hẫng hụt để sổng con mồi. Lại một lần nữa, địch quân lại chơi thêm cho ta một đòn mắc nỡm. Bằng cách:
Trong một động thái đã được lên lịch sẵn của cỗ máy chiến tranh đã được khởi động và bắt đầu tăng tốc vận hành, mà không 1 chiếc phanh nào có thể bắt nó dừng ngay lại được. Giống như đang trong quá trình căng giây thun, không thể buông tay nửa chừng. Mãi đến 6 giờ rưỡi tối ngày 05/03/1979, đài phát thanh mới phát bản tin thời sự đặc biệt: Lệnh tổng động viên, do chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh ban hành.
Lệnh Tổng động viên được ban hành quá muộn. Sau 16 ngày chiến tranh và chậm 12 tiếng đồng hồ, sau khi Trung Quốc đã tuyên bố rút quân.
Một quả đấm, nhưng hụt vào hư không.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cho dù đến tận ngày 18/03/1979, địch quân mới hoàn tất việc rút hết quân khỏi biên giới nước ta. Nhưng kể từ ngày 05/03/1979, ngày địch quân tuyên bố rút quân, ta cũng đã tôn trọng lời hứa. Không phản công, không truy đuổi. Mặc giù đây đó vẫn còn tiếng súng, nhưng đó chỉ là va chạm giữa các lực lượng địa phương ta, khi sớm quay lại địa bàn của mình, với hậu quân của kẻ thù.

Trong giai đoạn này, chỉ có một sự kiện nổi bật: đó là cái chết của nhà báo Nhật, hình như tên là Tanaka.
Ngày 07/03/1979, sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, tay nhà báo này được ta bố trí đưa lên thị xã Lạng Sơn để giúp ta tuyên truyền.
Báo chí chính thống thì nói là tay phóng viên này bị ăn đạn của quân Trung Quốc. Còn phía địch quân không thừa nhận có hoạt động quân sự ở địa điểm đó, vào thời gian đó. Cuộc chiến báo chí lúc ấy về sự kiện này khá là om sòm.
Tuy nhiên, baoleo thiên về thông tin của tham mưu con lúc ấy. Tay nhà báo này được bố trí đi bằng xe Bắc Kinh, mắt thì 1 mí, béo tốt. Lại mò vào đến thị xã xứ Lạng lúc 10 giờ sáng ngày 07/03, nên quân của sư 3 Sao Vàng, đang nóng tiết về trận Khánh Khê, thổi cho 1 quả B-40, ấy cũng là 1 điều dễ hiểu trong chiến tranh.
Tuy cuộc chiến tranh đã đột ngột chấm dứt vào ngày 05/03/1979 và thực sự kết thúc vào ngày 18/03/1979 (baoleo cho đó là cuộc chiến biên giới lần thứ nhất), nhưng-như baoleo đã hồi tưởng ở trên: một khi cỗ máy chiến tranh đã được khởi động và vận hành, việc phanh nó lại là 1 việc không hoàn toàn dễ dàng.

Cỗ máy chiến tranh đã chạy thêm 10 năm nữa mới chịu dừng hẳn vào năm 1989, kinh qua thêm 2 cuộc chiến biên giới nữa. Đó là cuộc chiến thứ 2, cuộc chiến ở bình độ 400-Lạng Sơn năm 1981. Và cuộc chiến thứ 3, cuộc chiến ở Hà Giang năm 1984
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cũng cỗ máy chiến tranh đó, cũng chạy tròn 10 năm trên đất Căm Pu Chia, từ 1979 đến 1989.
Giai đoạn 10 năm này (1979-1989) mới là giai đoạn gian khó nhất (baoleo nhấn mạnh từ gian khó, hơn là từ ác liệt-hy sinh) của cánh lính miền Bắc ải.
Đây là giai đoạn mà nổi bật trong sự tuyên truyền và trong quan niệm của tuyệt đại dân chúng Việt Nam ta là: đã hết chiến tranh với TQ rồi, hết từ tháng 3/1979 lận. (híc!)
Sang năm 1980, chiếm tỷ lệ tuyệt đối trên phương tiện truyền thông, trong tâm trí người dân là sự kiện ta có đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen ở HN và ở HCM, anh Tuân bay vào vũ trụ, thế vận hội Mạc tư khoa 1980. Những người biết về cỗ máy chiến tranh vẫn đang vận hành trên ải bắc, bên Tây Nam, thật hiếm biết bao.
Vì thế, đây là lúc những người lính lâm vào tình trạng khó nói (từ của bác dongadoan).

Phía sau chiến hào biên giới độ chừng 5 km là 1 cuộc sống khác hẳn. Ở đó người ta đang hò nhau sắm con cúp Nhật bãi rác, bắt đầu nhẩy đầm, đi Đức hay Tiệp để làm giầu. Còn trên chiến hào biên giới, là cánh lính đang phải nhường nhau từng cành lá xu hào, là máu đổ trên 1509, là hang Làng Lò, là truy quét ở Tây Nam.
Vì thế, trong nhân dân, ít có sự cảm thông với người lính nơi biên ải hơn.
Đây cũng là lúc mà khi hành quân lên biên, bác caoson bị ném đất vào người, bác mực tầu bị dân hò hét khi ra chợ ở gần Cai Kinh.

Với cảm nhận của một người, sống đủ 10 năm trong sự vận hành của cỗ máy chiến tranh (đến tận 1989 mới ra quân), baoleo xin hồi tưởng về thời gian khó ấy. Về những huyền thoại: phòng tuyến Sông Cầu, kế hoạch đi sơ tán ở Đà Nẵng, hệ thống hầm phòng không ở Hà Nội, câu chuyện về vót chông gửi lên biên giới và những kỷ niệm khác. Những câu chuyện của một thời: người lính ở vào tâm trạng khó nói.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Trong 10 năm trên con đường chạy hãm đà của cuộc chiến, bắt đầu từ ngày 17/02/1979, có người lính tên là baoleo trong cỗ xe đó. Lúc này đây, khi hồi tưởng với các bác về những ngày gian khó ấy, em xin hồi tưởng dưới góc độ của một người trong cuộc. Dưới góc nhìn của 1 sỹ quan cấp phân đội, qua lăng kính của 1 kẻ tạch tạch xè.
Góc nhìn của kẻ tạch tạch xè, có thể khác góc nhìn của 1 số bác. Âu cũng là cuộc đời.
Dân tạch tạch xè đã quen luôn luôn bị xếp chiếu dưới khi ở trong quân đội, với thứ tự ưu tiên ở mọi nơi, mọi lúc, mỗi khi có thăng-thưởng-cử, là:
Nhất chính
Nhì tham
Tam cần
Tứ kỹ


Khi về với đời thường rồi, ngoài xã hội cũng luôn luôn xếp dân tạch tạch xè ở bậc bét tỹ, dưới cùng. Củ tỷ, cái công thức mà ai cũng phải thuộc nằm lòng mỗi khi sắp xếp, trưng bày, là:
Trời xanh-mây trắng-nắng vàng
Công-nông-binh-trí, sắp hàng-tiến lên.


Dân tạch tạch xè bị đối xử như vậy, âu cũng là hợp với lẽ đời. Bởi vì, dân tạch tạch xè cho rằng:
….Chân dép lốp mà lên tầu vũ trụ ...

Đó là điều không thể.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Sau khi địch quân đã hoàn tất việc rút quân vào ngày 18/03/1979 rồi, vào cuối tháng 3, kế hoạch phòng không cho nhân dân Hà Nội mới được triển khai.
Việc đầu tiên là khôi phục các hầm trú ẩn cũ.
Trước hết là cái hầm ở Bờ Hồ, chỗ bán cà phê, đối diện bót Hàng Trống.
Sau đó là cái hầm ở vườn hoa Hàng Đậu.
Rồi tập báo động phòng không đâu như được 2 lần vào ban tối ở Hà Nội, để phóng viên chụp ảnh đăng báo: bà con đang bình tĩnh, trật tự xuống hầm trú ẩn.
Rồi sau nữa mới đến đoạn: ở một vài nơi trong Hà Nội, triển khai đào giao thông hào, hầm trú ẩn, như ở trường học của bà cụ thân sinh bác dongadoan.
Trong quân đội, như ở đơn vị như của baoleo, trong nhà trực ban luôn có dán 1 tờ thông báo: thời gian bay từ Mông Tự, Nam Ninh hay Hải Nam đến đơn vị.. (để trống, đơn vị nào tự đề tên đơn vị đó) là….. phút (để trống, do tác chiến từng đơn vị tự đề).

Đây là một động thái của cỗ máy chiến tranh, do đã được khởi động mà chưa thể hãm dừng.
Kế hoạch phòng không này, chủ yếu mang tính chất của công tác ****, công tác chính trị, nhằm mục đích tác động vào tâm lý của quần chúng. Còn giá trị của khía cạnh quân sự, còn phải bàn.

Không có 1 tổng kết hay mệnh lệnh nào huỷ bỏ công tác này. Chỉ thấy đầu năm 1980, công ty công viên bắt đầu lấp cửa hầm ở Bờ Hồ và trồng hoa, cỏ lên đó.

Bây giờ các bác vẫn còn thấy cái đồi cỏ ấy, trước cửa bót Hàng Trống.

Cũng đầu năm 1980, các ống cống tròn làm tăng xê ở các vỉa hè được bật đèn xanh cho nhân dân đào về làm phi đựng nước. Năm ấy, trong lần về phép, baoleo cũng mất 2 đêm làm cửu để đi đào tăng xê trên hè phố Trần Hưng Đạo cho gia đình ông nhạc tương lai.

Huyền thoại đào hầm như nhiều bác đã kể, dưới góc nhìn của em, nó là vậy
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Đã khởi động phong trào triển khai hầm phòng ở Hà Nội, trong trí nhớ của vài cụ cốp (có tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ) lúc ấy, ám ảnh của từ sơ tán chắc lại đã hiện về.
Tuy nhiên, cuộc chiến khác nhau, thì tính chất sơ tán cũng phải khác nhau.
Thời chống Mỹ, các cơ quan chỉ cần dịch ra khỏi Hà Nội vài chục cây số, đã được coi là đi sơ tán.
Còn lần này

Thực sự là bây giờ, đã sau 30 năm, baoleo cũng không thể tìm ra quân sư nào đã hiến ra cái sáng kiến vĩ đại đấy.
Quân sư đó dường như đã thổi vào tai mấy cụ cốp rằng:
Không quân TQ không đáng ngại bằng không quân Mỹ. Trình độ và trang bị của ta bây giờ, sau khi tịch thu được hằng hà sa số máy bay của Mỹ, đáng được xếp vào hàng thứ ba trên thế giới, thì cái đám Míc cổ lỗ kia chỉ đáng làm rau gém. Tuy nhiên, cái đáng ngại lại nằm ở chỗ: TQ hiện đã trang bị đại trà loại tên lửa vượt đại châu, mang đầu nổ thông thường. Từ trận địa bố trí gần biên giới Việt Nam nhất, loại tên lửa này có tầm bắn với đến tận đèo Hải Vân
.
Thế là 1 kế hoạch sơ tán hoành tráng được ra đời: không sơ tán loanh quanh ra khỏi nội thành Hà Nội nữa, mà phải sơ tán ra ngoài tầm tên lửa đối phương !
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Thế là tên của thành phố Đà Nẵng bắt đầu được ra đời trong cái kế hoạch huy hoàng ấy. Bởi vì Đà Nẵng vừa khuýp là ra khỏi tầm bắn tên lửa đối phương, lại vừa là chốn đô thị (tuy rằng thời 1979 thì Đà Nẵng cũng mới chỉ như thành phố Thanh Hóa bây giờ, chứ chưa được phát triển như ngày nay), lại có cung đường vận chuyển gần Hà Nội nhất.

Thế là cái tên Đà Nẵng xuất hiện trong tất cả các kế hoạch sơ tán của kính thưa tất cả mọi loại cơ quan.

Cái tên thành phố Đà Nẵng được nhắc nhiều đến mức, ngay cả trẻ con cũng thuộc lòng. Đến nỗi ngày nay, khi hồi tưởng lại, nhiều bác tham gia diễn đàn này hồi ấy mới chỉ tầm 5 tuổi, đã bật lên ngay: hồi đó cơ quan ông già em định về Đà Nẵng.

Cũng may, nước nhà còn vượng, nên còn có kẻ trung quân can gián. Kế hoạch rời đô vào Đà Nẵng đã kịp dừng lại trên giấy tờ.

Sang năm 1980, cùng với việc cho dân đào ống tăng xê lên làm của riêng, kế hoạch đi sơ tán ở Đà Nẵng, được đưa về kho lưu chiểu.

Đại phúc.

Huyền thoại đi sơ tán như nhiều bác đã kể, dưới góc nhìn của em, nó là vậy.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Theo thời gian, cỗ máy chiến tranh đã được khởi động và tăng tốc vận hành. Như sợi dây chun đã căng hết cỡ, và bây giờ là lúc thả tay để bắn viên đạn về phía mục tiêu đã lựa chọn.

Đó đã là tháng 4/1979. Mục tiêu cụ thể là địch quân xâm lược, thì chúng đã rút từ lâu. Nhưng công tác tuyên truyền trong nhân dân, hun đúc lòng căm thù, đến bấy giờ mới đạt đến độ căng hết của dây chun.
Vấn đề là bắn viên đạn căm thù ấy vào đâu.
Thế là theo sáng kiến vỹ đại của cánh Tuyên giáo, 2 mục tiêu huyền thoại ra đời: huyền thoại thứ nhất là về phòng tuyến Sông Cầu chứ danh, dành cho nhân dân thành thị, cụ thể là nhân dân Hà Nội. Huyền thoại thứ hai, là chiến dịch vót chông, dành cho toàn thể nhân dân các tỉnh phía bắc, phía sau chiến tuyến.

Tại sao lại có thể nói: phòng tuyến Sông Cầu là một phòng tuyến huyền thoại của cánh tuyên giáo, mà không phải là một kế hoạch quân sự của bộ Tổng tham mưu.
Xin được thưa, cái bản chấm cơm của tay quản lý đại đội, còn được coi là tài liệu “tối mật”, vì sợ địch quân có thể nắm được thực trạng sẵn sàng chiến đấu của đại đội bộ binh ấy, huống hồ lại là cả một kế hoạch của một phòng tuyến.

Suốt từ tháng 4/1979 đến tháng 5/1980, từ bà bán chè chén vỉa hè đến cô nội chợ xếp hàng mua rau mậu dịch, câu chuyện cửa miệng là: tuần này, tuần sau, con tôi, chồng em đi đào phòng tuyến Sông Cầu.
Mà phàm là đã gọi là phòng tuyến, thì phải có nơi đào, nơi đắp, các cứ điểm quân sự phải được liên thông, liên kết với nhau.
Nhưng không. Cứ theo kế hoạch cấp uỷ bổ xuống, cơ quan A cử x anh, khu phố B cử y nhân mạng, đến ngày z cứ thế mà lên mấy quả đồi mạn Hà Bắc mà đào thục mạng.

ã là chiến hào, thì là một cậu A trưởng cũng phải biết điều sơ đẳng là: phải đào dích dắc chữ chi. Nhưng không, cứ chỗ nào cuốc dễ là bà con ta băm xẻng vào. Đứng ở dưới đường 1A nhìn lên mấy quả đồi sát đường: những vết rãnh cứ thẳng đuồn đuột, vuông góc với tim đường
. Ngách râu tôm: không. Ụ bắn súng máy: không. Hầm hoả lực: không. Hầm quân y: không. Hầm trú ẩn có nắp tránh pháo: không.
Hệ thống chiến hào, chiến luỹ liên kết giữa các quả đồi rời rạc: không.
 
Biển số
OF-49
Ngày cấp bằng
23/5/06
Số km
7,729
Động cơ
661,131 Mã lực
Nơi ở
Thừa Thiên Huế
Trong suốt cuộc đời lính, đó là cuộc hành quân bộ dài nhất mà baoleo đã trải qua. Có một điều cảm động là, từ phà Chèm lên, tụi mình đi bộ là lên hướng bắc, hướng biên giới. Chính vì thế, các em nhỏ, các mẹ già đều nhìn theo, thậm trí đi theo 1 đoạn, vì đấy là các chú bộ đội đang hành quân lên biên giới. Mặc dù đích của bọn mình chưa phải là biên giới, nhưng bọn mình xin gửi những vinh dự mà bọn mình được ngộ nhận, cho các đồng đội đang ghì nòng AK nóng bỏng trên biên thuỳ.
Cái tay baoleo này viết hay thật. Nhưng đúng tâm trạng của người lính và những gì đang diễn ra ở tuyến sau những ngày ấy. Cảm ơn cụ Pain đã cóp bài này về OF.

Khi bọn em lên đường ra phía bắc cũng vậy. Đài 15w bọn em là tốp cuối cùng rời doanh trại sau khi cả E đã đi mấy ngày. Chỉ một chiếc zil 157 cắm cờ đỏ sao vàng, trên thùng xe có vài thằng lính nhưng dọc quốc lộ 1, bọn em nhận được rất nhiều ánh mắt, cánh tay vẫy chào của mọi người khi xe đi qua. Nhớ nhất là khi xe vượt qua 1 cái ngầm cạn, một cụ già đi xe đạp tránh xe luống cuống thế nào ngã ra ven đường. Thế nhưng, xe vừa qua thì cụ cố nhổm người dậy, dơ tay vẫy bọn em và ra hiệu "cứ đi đi"... Thật cảm động biết bao. Giờ nghĩ lại vẫn ứa nước mắt.
 
Chỉnh sửa cuối:

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cái tay baoleo này viết hay thật. Nhưng đúng tâm trạng của người lính và những gì đang diễn ra ở tuyến sau những ngày ấy. Cảm ơn cụ Pain đã cóp bài này về OF.

Khi bọn em lên đường ra phía bắc cũng vậy. Đài 15w bọn em là tốp cuối cùng rời doanh trại sau khi cả E đã đi mấy ngày. Chỉ một chiếc zil 157 cắm cờ đỏ sao vàng, trên thùng xe có vài thằng lính nhưng dọc quốc lộ 1, bọn em nhận được rất nhiều ánh mắt, cái tay vẫy chào của mọi người khi xe đi qua. Nhớ nhất là khi xe vượt qua 1 cái ngầm cạn, một cụ già đi xe đạp tránh xe luống cuống thế nào ngã ra ven đường. Thế nhưng, xe vừa qua thì cụ cố nhổm người dậy, dơ tay vẫy bọn em và ra hiệu "cứ đi đi"... Thật cảm động biết bao. Giờ nghĩ lại vẫn ứa nước mắt.
Em nói thật, khi lần đầu đọc bài này, bản thân em cũng rưng rưng.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Tất cả chỉ là các rãnh thẳng, cắt xé các của quả đồi và nông sâu tuỳ theo điều kiện địa chất dễ đào. Tàn phá không thương tiếc sự ổn định bền vững của các mái dốc tự nhiên, gây ra sự sụt lở đất, tàn phá môi trường kinh khiếp.

Thậm trí theo thời gian, các quả đồi gần đường 1 A đã được đào nham nhở hết, những cơ quan, khối phố được huy động thời gian sau, phải đi tìm các quả đồi sâu hơn, xa tít hơn, chẳng ăn nhập gì với các quả đồi trước, để lại tiếp tục cắt xén các mái dốc.

Suốt trong quá trình thi công phòng tuyến Sông Cầu huyền thoại, không có một đơn vị công binh nào tham gia.
Đại phúc. Ơn giời, lính ta được dưỡng sức để làm những việc có lợi hơn.
Cái phòng tuyến Sông Cầu, cứ để cho cánh tuyên giáo có công ăn, việc làm.

Cũng may, cuối năm 80, có nhiều công việc khác cần sự ra đời của các câu khẩu hiệu mới hay hơn, nên cánh tuyên giáo cũng cho việc thi công phòng tuyến vào hàng thứ yếu, rồi hết hẳn.
Đến tận năm 1985, dân Hà Bắc còn rên la, khi đơn vị baoleo hỏi chuyện mùa màng của bà con nông dân ở dưới chân các quả đồi, trong phòng tuyến huyền thoại Sông Cầu.

Huyền thoại phòng tuyến Sông Cầu, như nhiều bác đã kể, dưới góc nhìn của em, nó là vậy.

P.S:
Ngày nay, công tác tuyên truyền của cánh tuyên giáo vẫn thế.
Thanh niên sau khi được tuyên truyền, phát động, lòng tràn đầy nhiệt huyết. Tất thẩy xung vào đội “thanh niên tình nguyện”, những mong làm những việc chuyển đất, long trời.
Rồi cũng đến ngày chủ nhật để cống hiến. Vài chục nữ tú, nam thanh được huy động đi tổng vệ sinh.
Găng tay: không. Cuốc, xẻng: không. Chổi, hót rác: không. Rồi nữ tú óng ả, lướt thân mình đẫm mùi phấn son qua mũi các nam thanh, 2 bên ỏn ẻn hoặc mắt tít cười, tay vung vẩy cây que tình cờ tìm được, gẩy tít mù đám cỏ hoặc búi rác ni lông, chẳng buồn biết là nó về đâu.
Hiện đại nhất là độ chục sức xuân, xúm quanh cái thùng đựng thứ nước được gọi là vôi, vung vẩy cây chổi cùn, phết cái nước thánh ấy lên gốc cây già tội nghiệp. Một hành động mà giới truyền thông quốc tế mãi băn khoăn, mà chưa có lời giải đáp: tại sao ở VN, chúng mày lại cứ bôi trắng một vài đoạn gốc cây
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cũng có số phận như phòng tuyến Sông Cầu chứ danh, huyền thoại vót chông, cũng có số phận ly kỳ không kém.
Một khi cánh tuyên giáo đã ‘phát” xong, thì sẽ đến lượt thảo dân xa gần bắt tay vào “động”.

Thế là kính thưa các loại chông ra đời, tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng phong phú của ông trưởng thôn, hay bác tổ trưởng công đoàn xí nghiệp và trình độ tay nghề của thảo dân.
Đủ loại, chông dài, chông ngắn, chông có ngạnh hay không có ngạnh, chông vót nhọn hay chặt vát một đầu.
Chông thông thường hay chông tẩm thuốc. Thuốc độc cũng kính thưa các loại độc dược bảng A, B, C. Nơi thì ông dân phố hô ngâm nước ***, nơi thì cụ trưởng thôn hét bôi dung dịch hỗn hợp mồ hóng và phân trâu .
Chông đủ loại chất liệu.
Tre: nơi thôn dã dưới xuôi. Nứa, vầu: nơi trung du, miền núi. Sang nhất là nơi có nhà máy, xí nghiệp. Ông cán bộ công đoàn nào khéo gãi tai, vớ được ông giám đốc là lính chống Pháp hay Mỹ là được gật phéng: ok, cứ lấy ít sắt kế hoạch 3 ra mà làm chông, cho kịp phong trào.
Cứ thế, phong trào làm chông rầm rộ được thi hành, suốt từ miền ngược đến miền xuôi.

Vấn đề được đặt ra: xong rồi, chông đi đâu?
Ai mà chẳng có câu trả lời là: sẽ được cắm trên biên giới.

Vâng. Nhưng ai cắm, cắm ở đâu? Bình độ 400 hay cửa hang Làng Lò.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Ngay đến như tận năm 1985, bác dongadoan ở cứ trung đoàn tại Hà Giang, mà cũng còn phải nghiến răng xuất 60 lít xăng để về Tuyên Quang lĩnh 60 kg xu hào, cung đường, địa hình ở đâu mà dễ thế, để thi triển cắm chông.

Còn sức lính ư? Năm 1984-1985, baoleo tham gia vác thanh bê tông làm hầm cho đồng đội ở Hà Giang, một tuần vác được 7 thanh, đã là thành tích.
Những ai có sức, đã từng tham gia cắm chông hồi ấy: xin giơ tay.

Và thế là kính thưa các loại chông với đủ các thứ mùi thuốc độc kể trên, sau khi được chất đống tại ban chỉ huy quân sự xã, phường, làm tội làm tình môi trường và cơ quan hô hấp, sau đủ hồi kính thưa, kính gửi, kèm theo sự gãi tai thân thiết, thi thoảng cũng có xe của huyện đội về lấy chông đi.

Nhưng đích đến của những chuyến xe chở chông ấy, nó đi đâu. Sau 30 năm, đó vẫn là vấn đề bí mật quân sự chưa đến hạn giải mật.

Huyền thoại vót chông, như nhiều bác đã kể, dưới góc nhìn của em, nó là vậy.

P.S:
Ngày nay, công tác tuyên truyền của cánh tuyên giáo vẫn thế.
Chuyện ở tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, một phường có trình độ dân trí cao vào loại nhất thủ đô.
Phường được đối tác Nhật viện trợ không hoàn lại cho 1 dự án mang tên: phân loại rác tại nguồn. Dự án vô cùng hoàng tráng. Họp toàn thể, họp tổ, tập huấn đầu bờ… để phân biệt thế nào là rác vô cơ, rác hữu cơ, rác sẽ được tái chế, rác sẽ được làm phân, rác sẽ được tiêu huỷ, rác sẽ được x,y,z. Rồi các hộ dân được phát không các thùng nhựa tổng hợp nhập ngoại. Mầu đỏ để chứa rác y, mầu xanh để chưa rác x, mầu vàng để chứa rác z, mầu @ để chứa bê ta, v.v…. Lại được dặn dò tỷ mỉ: thứ hai, xe thu rác có hiệu còi tu tu, thì mang thùng rác mầu đỏ đi thu gom, thứ ba, xe thu rác có hiệu còi toét toét thì mang thùng @ ra, v.v….
Hỡi ôi, đến ngày thực hiện, chẳng có xe thổi còi tu tu, cũng chẳng có xe thổi còi toét toét. Vưỡn là cái xe gõ kẻng keng keng như hồi xưa thẳm. Này thì thùng mầu đỏ, này thì thùng mầu @. Vẽ. Về bãi Nam Sơn tuốt. Chôn tốt.
Nay lại đang cấm xe Hon Đa chở lợn, các bác ạ.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Cuộc chiến biên giới lần thứ nhất, bắt đầu vào ngày 17/02/1979, đối với cánh lính chúng ta, xẩy ra hoàn toàn bất ngờ. Và cũng lại vô cùng đột ngột- chấm dứt.

Phải nói thẳng, quyền chủ động mở trận và kết trận, không thuộc về phía ta.
Do hoàn toàn thụ động đối phó, nên khi ta khởi động xong cỗ xe chiến tranh, huy động xong sức mạnh toàn dân, và đối với cánh lính chúng ta, dàn trận xong, thì địch quân cụ thể không còn.
Và đấy mới là nỗi buồn của chiến tranh.

Sức mạnh của nhân dân, được huy động để đánh vào kẻ thù không khí, theo các sáng kiến của cánh tuyên giáo (những người nghĩ ra sáng kiến hồi ấy, bây giờ lại càng “côi” nữa rồi), thì đã có huyền thoại phòng tuyến Sông Cầu hay vót chông. Để lên dây cót tinh thần, thì đã có kế hoạch rời đô vào Đà Nẵng, hay đơn giản là tập chui hầm, như baoleo đã nhớ lại.

Còn đối với cánh lính ta, ở thời kỳ đó, còn nhiều chuyện đáng tiếc, chưa được nhớ lại.

Ví dụ: bây giờ thì cả làng đều biết là: hướng điểm, hướng tấn công chính của địch quân là Lạng Sơn. Các mặt trận khác: Hoàng Liên, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh chỉ là hướng diện.
Nhưng lúc đó, ta không nghĩ thế.

Có nhõn quân đoàn 2 làm thuốc, thì đã dành cho Lạng Sơn (đóng tại Hà Bắc). Nhìn lại các chỗ khác, chỗ nào cũng mỏng cả. Và đây là lúc hàng loạt các đơn vị lớn ra đời, như quân đoàn 27, quân đoàn 14, rồi đặc khu Quảng Ninh, đến tĩnh như Hà Nội, thời đánh “hổ giấy” cũng chỉ là BTL thành, nay đánh “hổ thật”, đã được đẩy lên thành quân khu. Đơn vị lớn, ắt là phải quân đông. Và nhiều chuyện cần phải rút kinh nghiệm, cũng ra đời trong tình cảnh đấy.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Quân tập chung đông trong 1 không gian hẹp, mà đó lại là thời kỳ 79-86. Thời kỳ đó, Liên xô mới khởi động “pê rê tờ rôi ca” và ở ta là chưa “đổi mới”. Nhớ lại thời này, khi đó ai cũng nhớ duy nhất 1 từ: đó là “đói”. Lính ta cũng không ngoại lệ.
Và lúc ấy, trên toàn tuyến bắc ải, chỉ có lính và lính. Cái nỗi buồn chiến tranh, nó xẩy ra là trong hoàn cảnh đấy.

Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, dân chưa dám về. Dân còn đang ở tít dưới Phố Lu (Hoàng Liên), Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Thị trấn Vị Xuyên (Hà Giang), v..v… và v.v…
Thị xã Lạng và thị trấn Đồng Đăng, do nằm ở hướng điểm, mặt trận chính, nên mức độ hư hỏng do đạn nổ của cả 2 bên, đồng ý là nặng. Việc địch quân trước khi rút, có đánh mìn từng cây cột điện, từng thanh ray tầu, đúng là có. Nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật, chuyện đó chỉ ở xứ Lạng. Và ở xứ Lạng, chuyện đánh mìn cũng chỉ xẩy ra ở công sở.

Chỗ khác, không hẳn thế.

Lấy cụ thể chuyện ở Hoàng Liên, nơi baoleo đến ngay sau dịp 17/02/1979 và đến tận bây giờ, vẫn đánh võng nơi ấy vì công chuyện.

Thị xã Lào Cai, địch quân công chiếm ngay từ ngày đầu, và cũng rút quân ngay trong ngày tuyên bố lui binh. Tổng cộng, địch quân ở đó khoảng 16 ngày.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Khi dê cu dê ca và những người dân liều mạng vào lại thị xã (trước cánh lính chính quy của ta), ấn tượng mà họ thừa nhận là sự tàn phá không do lửa đạn-rất ít. Thậm trí trong nhiều nhà, nếu có treo ảnh Cụ Hồ, thì khi vào lại nhà, thấy có khuyến mại thêm ảnh ông Mao, treo cạnh bên. Cửa nhiều nhà không kịp khóa, khi về lại thấy có khuyến mại thêm băng giấy đỏ niêm phong với hàng chữ: lính biên viễn Côn Minh niêm cáo.
Cũng bởi thế, ngày nay, cái bệnh viện bên Hà Khẩu mà bác khanhhuyen mới đây vào thăm, dành riêng để chữa trị cho dân Lào Cai, vẫn cứ đông khách. Chứ cứ tàn phá như ở xứ Lạng, dân người ta xót của vẫn nhớ, người ta có mà…. thèm vào.

Năm 2000, baoleo theo đoàn viện không hoàn lại lên làm việc với tỉnh. Mr. Cường-giám đốc sở KH (nay là quan đầu tỉnh roài) dẫn đi thăm nhà máy thủy điện thị xã (trên đường từ thị xã đi Sa Pa) để xin kế hoạch viện trợ. Mấy thằng chuyên gia cứ xuýt xoa: Lạ thế. Toàn bộ tuyến năng lượng gồm kênh dẫn, cửa nhận nước, đập tràn, hố tiêu năng, thậm trí tường trạm phát điện, sao lại còn tốt thế. Chỉ thiếu có máy móc và các vật kiến trúc bằng gỗ hay thép. Chứ các kiến trúc bằng bê tông còn tốt chán.
Mr. Cường dường như không nhịn được, văng ngay vào mình, chả nể gì ông cựu chỉ huy lính: lính các ông chứ ai. Mấy năm các ông quân quản thị xã này, đến cái bù long neo máy, các bố cũng tháo ra đổi rượu, nói chó gì đến cửa với chả cánh.

Còn mạn xứ Vị Xuyên, thời bác dongadoan, khanhhuyen hay Thắng “còng” lên, các đồi chè cơ bản đã được lính ta phát trống thành đồi trọc từ trước trận 1984. Chứ thời bác CaoSơn lên, câu chuyện “chè chốt” chỉ còn là chuyện cổ tích trong quá khứ.

Thế mới bảo làm sao mà thời bác CaoSơn hành quân, dân người ta không ném lên xe cam quả, mà là thứ khác.
Bác MựcTầu ra chợ Cai Kinh, dân người ta không mời sắn, mà lại hét hò.

Đấy là những chuyện buồn của chiến tranh, mà nếu phải gập lại, ta mong nó đừng xẩy ra với lớp lính đàn em của chúng mình.



( Em đi ăn cái đã, chiều em post tiếp hầu các cụ)
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Em làm nốt rồi đi vậy:D



Như vậy kỷ niệm về ngày 17/02/1979 đang đi vào hồi kết.

Cái Banner treo trên đầu trang chủ cũng đã được gỡ xuống, để sẽ treo cái banner khác quan trọng hơn, thời sự hơn. Đó là: “nhiệt liệt chào mừng ngày 8/3”.

Cuộc chiến biên giới phía bắc lần 1, tuy rất ngắn. Nhưng hậu quả của 10 năm gườm nhau, canh chừng nhau, cảnh giác lẫn nhau mới to lớn. Thiệt hại cũng to lớn hơn.
Và trong 10 năm ấy, đối với cánh lính biên giới phía bắc thật bi hùng.

Hùng ở chỗ sẵn sang lấy thân mình làm chốt chặn, một khi địch quân giở chứng, nhưng chẳng biết chúng sẽ trở mặt khi nào, và, có trở mặt không.

Bi là ở chỗ, tuyệt đại nhân dân, đang sống trong yên bình, vật lộn với cuộc sống, bão giá-lương-tiền. Rất it người biết rằng có những người trai trẻ, đang lặng lẽ ẩn mình trên chiến hào, nơi ải bắc biên cương. Và nhiều người còn băn khoăn: bây giờ còn đi lính á, đi làm gì.
Vâng, để kết dòng hồi ức, baoleo xin copy lại mấy dòng baoleo đã viết trong topic “chuyện thường ngày của lính” trước đây, có gọt giữa thêm tý chút.

Đi lính

Đúng là có chuyện quân cảnh hoặc là bị bắt buộc thi hành nhiệm vụ. Thế mới là đời.
Cuộc sống thì lúc nào cũng có muôn vàn khuôn mặt, nhưng chuyện vào lính thời 79-89, không phải ai cũng có tâm trạng bị cưỡng bức.
Hôm nay tớ hoàn toàn không muốn nói đến chuyện “lý tưởng” hay “nghĩa vụ cao đẹp” mà công tác tuyên truyền của “ban tư tưởng TW đảng (hoặc đoàn TN)” đang ra sức cổ súy. Cá nhân tớ cũng không tiêu hóa được sự tuyên truyền khô cứng của các bố ấy.
Tớ chỉ muốn nói rằng, tuyệt đại đa số các bác vào lính thời 79-89 mà có tham gia các diễn đàn về quân sử như diễn đàn quansuvn.net này, đều không phải vào lính là do bị dí súng vào lưng. Tớ cũng đã nói ở trên, tớ cũng không cho rằng các bác ấy hăng hái tình nguyện lên đường là do “có ngọn lửa cách mạng rực cháy –thôi thúc trong tâm hồn”.
“Thịt da ai cũng là người”, cá nhân con người ai mà chẳng muốn sung sướng, an nhàn. Tuy nhiên, đã làm thằng đàn ông thì nên có một chút “kiêu bạc” trong người.
Nói ngắn gọn thì thế này: có mấy anh em trong nhà, trời thì mưa mà mẹ thì đang cần ít củi để nhóm bếp. Ai mà chẳng muốn đùn đẩy cho thằng khác để mình rúc vào ổ rơm đánh phỏm.
Đó là lúc có một thằng tự nguyện vùng chạy ra sân để lấy củi cho mẹ. Đừng nói rằng nó làm thế là vì bị ông anh dọa giơ quả đấm hay có tình yêu thương nhường nhịn bao la. Đời không phải lúc nào cũng cần dương những cái to tát ấy ra.
Đó là cái chất “kiêu bạc”.
Khi có đánh nhau ở biên giới Tây Nam, có đánh nhau trên biên cương Bắc ải, nhiều thằng tìm đủ lý do để “tụt- tạt”. Tớ thì c.. vào cái trò mèo ấy. Đơn giản nghĩ rằng: mẹ mình nghèo, anh em thằng nào cũng cố cấu véo thì mẹ sống được bao năm.
Cái chất “kiêu bạc” là thế đấy. Mặc giù vào lính với cá nhân tớ là một ngã rẽ của cuộc đời, vĩnh viến chấm dứt những mộng ước của một thằng kỹ sư bằng đỏ. Nhưng nếu bây giờ, thời gian có quay trở lại cái thời còn ùng oàng đấy, tớ cũng vẫn lao vào.


Kính các bác, em xin kết phần hồi ức ở đây. Em lại về topic: “chuyện thường ngày của lính”, để kể về công việc của một CCB trong đời thường, các bác ạh.
 

vị xuyên 84

Xe hơi
Biển số
OF-122205
Ngày cấp bằng
27/11/11
Số km
158
Động cơ
383,166 Mã lực
Em vẫn phục cụ baoleo này nói rất đúng. Cám ơn pain đã cho mình đọc lại bài của cụ baoleo, vẫn đầy tính thời sự.
 

pain

Xe ngựa
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
26,590
Động cơ
128,535 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Em vẫn phục cụ baoleo này nói rất đúng. Cám ơn pain đã cho mình đọc lại bài của cụ baoleo, vẫn đầy tính thời sự.
Có gì đâu anh:D Bài của anh baoleo cực kỳ thật, thật đến mức ta ngửi được mùi của cuộc chiến.
 
Trạng thái
Thớt đang đóng
Thông tin thớt
Đang tải
Top