Cụ cần tính toán như sau:
Theo tiêu chuẩn ANSI/ASHRAE 62.1-2022 của Mỹ thì với phòng ngủ + phòng khách phải có độ lưu thông không khí tối thiểu 30 L/s/100 m2 + tối thiểu 2,5 L/s/người; phòng bếp 60 L/s/100 m2 + tối thiểu 3,8 L/s/người.
Giả sử nhà có 4 người. Trên thực tế thời gian sử dụng phòng bếp tại căn hộ/nhà ở là rất nhỏ nên để đơn giản hóa coi toàn bộ diện tích là phòng ngủ và phòng khách có tổng thời gian sử dụng 24 h/ngày. Khi đó tổng không khí vào tối thiểu 40 L/s (lượng không khí vào/ra lớn hơn thì không khí càng được coi là tươi mới hơn). Một ngày lượng không khí lưu thông tối thiểu là 3.456 m3 không khí (= 40 l/s * 86.400 s/ngày).
Các máy hút ẩm thường ghi công suất hút ở nhiệt độ (T) 30 độ C và độ ẩm tương đối (RH) 80% và áp suất khí quyển (P) 1 atm = 101,325 kPa = 1.013,25 mbar, tương đương chứa khoảng 24,09 g hơi nước trong mỗi một m3 không khí, có điểm sương 26,11 độ C.
Ở T = 30 độ C để hạ độ ẩm từ 80% (mH20 = 24,09 g/m3, điểm sương 26,11 độ C) xuống 60% (mH2O = 18,07 g/m3, điểm sương 21,32 độ C - mức chấp nhận được với người vùng nhiệt đới) thì lượng nước phải hút đi là 3.456 m3 * (24,09 - 18,07) = 20,81 kg, tương đương loại có công suất hút khoảng 21 kg/ngày.
Tuy nhiên, trong điều kiện tại Việt Nam có những ngày độ ẩm tương đối rất cao, có thể đạt ngưỡng 95-100% (mH2O = 28,60 - 30,11 g/m3, điểm sương 29,06 - 30 độ C). Khi đó, cụ cần tính dự phòng cho những ngày này. Ở độ ẩm tương đối 100% cụ cần công suất tối thiểu 3.456 m3 * (30,11 - 18,07) = 41,61 kg, tương đương 42 kg/ngày. Như thế cần 1 máy 30 L/ngày + 1 máy 12 L/ngày là đủ.