Em bán chè (nhưng xin không dám bán cho các cụ trên đây) xin chia sẻ các cụ 1 chút về trà Sạch Thái Nguyên.
Cái gọi là Sạch và Ngon nói ra thì mơ hồ vì nó phải có tiêu chuẩn. Tuy nhiên để lựa thì có 1 số Tiêu Chuẩn do hội trà chúng em đề ra xin mạn phép đưa ra để các cụ tham khảo cho vui.
1. Hình Dạng
Cánh trà thường dài và nhỏ (chứ không vụn). Thường dân bán trà có công thức riêng để chia theo cấp độ sau: Đinh Ngọc, Nõn Tôm, Búp, Lưỡi Sẻ (Tước Thiệt), Bồm... Thực ra hiểu nôm na là mới nhú, nhú thêm 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, 3 lá, và lá (không búp).
Màu sắc: màu đen ánh bạc. Dùng một từ mĩ miều thì gọi là màu Mốc Cau (từ Móc Câu là gọi chệch từ Mốc Cau). Nếu soi kính lúp thì chính xác hơn là màu tro ánh xanh.
Khi pha ra: Tiêu chuẩn nước phải Trong. Có thể Xanh, Vàng, Vàng đậm do cách pha, loại trà và mùa vụ nhưng nước phải Trong. Có 1 số tiêu chí sau: Mùa Xuân nước xanh nhất, vị ngọt nhất. Mùa Hạ và Thu màu vàng nhất vị cũng đậm nhất.
Bã trà: Nếu pha chuẩn nhiệt độ, bã sẽ giữ được màu xanh tự nhiên và không bị nát, xòe cánh.
2. Hương Thơm
Mùi thơm của trà cũng nói lên rất nhiều điều: giống, mùa, nơi trồng...
Trà Thái Nguyên thường được ví với mùi Cốm Mới nhưng chính xác hơn có các mùi đặc trưng sau: Mùi Cốm
Mùi Bắp Ngô Luộc
Mùi Ngậy
Mùi Nếp Mới
Mùi Thoảng Lài
Mùi hơi the (em cũng không biết dùng từ gì cho chính xác), (với trà Long Vân)
Tựu chung lại thì mùi Thơm, Ngọt, Dễ Chịu!
3. Hậu Vị
Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá trà Ngon hay Dở.
Vị của trà lúc uống và lúc uống xong cũng khác nhau đôi chút. Ví dụ: Lúc nhấp môi thường có vị chát nhẹ (do tannin), trà Xuân đặc biệt trà Đinh thì chát nhẹ pha chút ngọt (vị ngọt do hàm lượng đường có sẵn tạo thành khi rang). Sau khi tannin tác động vào lưỡi, sẽ sinh ra xúc tác. Cái này chính là Hậu Vị mà các cụ hay nói tới.
Thông tin thêm với các cụ là Thái Nguyên mình ngoài Tân Cương còn có rất nhiều nơi khác có trà ngon ví dụ: trà Tân Cương thiên vị ngọt, cụ nào thích đậm thì nên thử trà La Bằng (Đại Từ), thích ngậy thì nên thử Võ Nhai.... Đa số các vùng chè Thái Nguyên về hương vị đều rất ổn. (Cái này em nói đến chất đất trồng nhé các cụ)
NGoài trà Thái Nguyên, em cũng xin gợi ý cho các cụ 1 số loại danh trà đất Việt mình các cụ có nhã hứng thì tìm hiểu thêm: Ví dụ shan tuyết (nổi tiếng ở các vùng Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu...), Ô long (Lâm Đồng), trà đen (Phú Thọ),...
1 vài ý không toát hết được lời, mong các cụ giơ cao chém khẽ.