Chủ động học mới đáp ứng được đổi mới thi cử'
TS Lê Thanh Tâm cho rằng đổi mới thi không chỉ yêu cầu giáo viên tìm kiếm phương pháp dạy mới mà bản thân học sinh cũng cần lập kế hoạch học chủ động để thích nghi.
Gần 300 câu hỏi được độc giả VnExpress chuyển tới 3 chuyên gia đến từ Hệ thống giáo dục Vinschool trong buổi tư vấn trực tuyến "Đổi mới thi cử và kỹ năng học hiệu quả" chiều 10/4.
- Tôi thấy năm nay Bộ có nhiều đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và Thi đại học nhưng thực sự tôi vẫn chưa nắm rõ các điểm thay đổi chính yếu. Có gì cần chú ý , khác biệt so với các năm khác? Mong các cô giải thích một cách ngắn gọn dễ hiểu nhất? (Trần Thùy Linh, 38 tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)
- Thạc sĩ Phan Hà Thủy - Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng giáo dục, Hệ thống giáo dục Vinschool:
Thay mặt cho hệ thống giáo dục Vinschool, xin kính chào quý độc giả của báo điện tử VnExpress. Rất cảm ơn quý vị đã quan tâm đến chủ đề đổi mới thi cử và kỹ năng học tập hiệu quả. Các chuyên gia giáo dục của chúng tôi sẽ làm hết sức mình để buổi tư vấn của chúng ta có nhiều thông tin hữu ích.
Điểm khác biệt lớn nhất là trong năm nay học sinh chỉ phải thi một lần duy nhất để xét đỗ tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào cao đẳng, đại học thay vì hai kỳ thi như năm 2014 (thi tốt nghiệp, thi đại học theo các khối A, B, C, D...). Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, học sinh sẽ phải thi bốn môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, và một môn tự chọn (Lý/ Hóa/ Sinh/ Sử/ Địa). Sau khi có kết quả thi, các em sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng đại học theo nguyện vọng. Ở đó, các em có thể thi thêm một số môn tùy theo phương án tuyển sinh của trường Đại học.
- Tôi đọc thông tin trên mạng về việc thi cử bây giờ theo hướng ra đề mở, liên thông các môn. Tôi không nắm rõ khái niệm này lắm. Rất mong được giải thích và đưa ra lời khuyên về cách học phù hợp để các cháu làm bài tốt. (Lê Văn Linh, 36 tuổi, Hà Đông)
- Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm - Giám đốc chương trình Ngữ văn, trường phổ thông liên cấp Vinschool:
Chào anh, cảm ơn anh đặt câu hỏi nóng.
Tôi cũng xin chia sẻ đề mở ở đây nên được hiểu là khơi gợi tư duy, không áp đặt một phạm vi đối tượng quá chặt chẽ, không mệnh lệnh hóa cách làm bài của học sinh. Bản chất đề mở đặt trọng tâm ở sự tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm các phương án trả lời của các thí sinh.
Các cháu không nên học theo lối thuộc tủ một vài đề và văn mẫu mà nên luyện các kỹ năng cụ thể như phân tích đề thế nào cho đúng hướng, viết đoạn cảm thụ thế nào để có dấu ấn, tập nhuần nhuyễn viết đoạn nghị luận kết hợp thuyết minh, chọn điểm nhấn cho đoạn viết về quan điểm cá nhân... Việc kiểm tra đánh giá môn Văn ở Vinschool hiện nay đang theo hướng đề mở và đã tạo được hiệu ứng rất tốt về phía học sinh.
- Cấp Tiểu học hiện nay không được giao bài tập về nhà cho học sinh, không được học thêm dạy thêm. Nhưng đối với những cháu khả năng học chậm hơn các bạn khác thì có cách nào để bố mẹ giúp các cháu học tốt hơn? (Ngọc Linh, 35 tuổi)
- Cô Đinh Thị Tú - Thành viên Hội đồng giáo dục, phụ trách chương trình Tiểu học:
Về nguyên tắc dạy học, Giáo viên luôn thiết kế các nội dung dạy học phân hóa tùy theo trình độ và một số đặc điểm của học sinh (ví dụ phong cách học tập, thế mạnh của học sinh). Như vậy phụ huynh cần trao đổi thường xuyên với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Ở trường chúng tôi, học sinh có Sổ Dặn dò, các con tự ghi lại hàng ngày những việc cần làm, cần học để ghi nhớ. Phụ huynh đọc sổ và giúp các con hoàn thành. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể đề nghị giáo viên có những bài tập, phiếu học tập đặc thù để giúp con hứng thú học tập.
Là phụ huynh học sinh lớp 6, tôi xin hỏi một câu: Tôi rất quan tâm đến giáo dục con cái và thấy rằng con tôi mặc dù có nhiểu năng khiếu hát, vẽ,... và học tốt cả ba môn toán, văn, tiếng Anh nhưng con không hề có sự đam mê với môn nào cụ thể. Cho dù tôi đã truyền cảm hứng cách nào chăng nữa. Vậy làm thế nào để truyền cảm hứng cho các con? (Nguyen Thanh, 40 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm:
Cảm ơn chị vì một câu hỏi rất hay. Truyền cảm hứng là điều khó nhất trong giáo dục. Từ góc độ người bố người mẹ, tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là quan sát tâm lí của con. Có thể con có đam mê nhưng con không tự biết, không có ai chỉ ra, trừ khi con có một cú sốc, bước ngoặt, giải thưởng, lời động viên đặc biệt... nào đó thì con mới sẵn sàng theo đuổi đam mê. Sự can đảm và ý chí là nguồn gốc đam mê. Chúng ta hãy nương theo cái tự nhiên của con để lắng nghe niềm hứng thú và tôn trọng cá tính của con. Chắc rằng con sẽ biết mình cần phải theo đuổi cái gì. Chúc chị thành công.
- Con nhà tôi sắp vào lớp 1. Tôi muốn biết một ngày ở trường của bé lớp 1 sẽ như thế nào, có những hoạt động gì? Các kỹ năng sống sẽ được lồng ghép như thế nào? Tôi rất muốn con được phát triển thể chất và chơi các môn thể thao. Lớp 1 cháu sẽ được học những môn thể thao nào, có các câu lạc bộ thể thao nào để bé tham gia? Cháu khá nhút nhát trong một môi trường mới, các cô giáo và gia đình có thể làm gì để cháu mạnh dạn hơn và tham gia vào các hoạt động tập thể? (Phạm Hải Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Cô Đinh Thị Tú:
Một ngày ở trường của các bé lớp 1 tại Vinschool sẽ bắt đầu từ 8h và kết thúc ngày học lúc 16h. Các con sẽ được tham gia các hoạt động học tập, ăn (ăn trưa và ăn nhẹ), ngủ, nghỉ ngơi, vui chơi đan xen nhau, giữa các tiết học có 5 phút nghỉ, thời gian cho từng hoạt động sẽ được sắp xếp hợp lý và phù hợp với lứa tuổi. Các kỹ năng sống sẽ được đưa vào chương trình chính khóa, ngoài ra còn được lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của trường. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Vinschool luôn rất chú trọng việc giáo dục thể chất cho học sinh. Học sinh lớp 1 được học các môn thể dục, võ, cờ vua và tham gia Câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ của trường. Để giúp con mạnh dạn hơn trong môi trường mới, thầy cô và gia đình sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau đưa ra các phương pháp thi đua, khích lệ và động viên học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tham gia vào các cuộc giao lưu, biểu diễn… để rèn sự tự tin cho con. Anh chị có thể cho con tham dự chương trình Vinser trải nghiệm tại Vinschool để hiểu hơn về một ngày của bé ở trường như thế nào.
- Con tôi năm nay lớp 11, cháu có năng khiếu Toán, tôi muốn hướng con đi theo khối A, nhưng cháu nói không còn khối A nữa mà giờ thi tự chọn, tập trung, ai cũng phải thi Toán. Trường có thể giải thích kỹ hơn cho tôi về việc này cụ thể thế nào không? (Nguyễn Kiên, 52 tuổi)
- Thạc sĩ Phan Hà Thủy:
Một trong các mục đích của việc đổi mới tuyển sinh năm 2015 là hướng tới việc học tập toàn diện của học sinh trong khi vẫn đảm bảo học sinh có thể lựa chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân. Trong 4 môn thi tốt nghiệp (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Môn tự chọn), có môn Toán và tùy theo trường Đại học cháu có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển. Các đề thi sẽ theo hướng mở, tích hợp với hình thức đa dạng (trắc nghiệm, tự luận...) với 4 bậc đánh giá (biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao) để đánh giá tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện... của học sinh. Học sinh có thể tham khảo các dạng đề như SAT, ACT, hay PISA trên thế giới hoặc các dạng đề thi của một số trường đại học để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Vinschool có các chuyên gia Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và có kế hoạch hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để cung cấp các thông tin về các trường đại học, phương thức tuyển sinh... giúp học sinh có thể lựa chọn và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đại học.
- Trước việc đổi mới liên tục của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các quy định thi cử, Vinschool có những biện pháp gì để thích ứng kịp không? Tôi có con đang học lớp 6 tại trường nên rất quan tâm tới vấn đề này. (Phan Đăng Linh, 42 tuổi, Hoàn Kiếm)
- Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm:
Chào bạn,
Chương trình của chúng tôi là chương trình toàn diện "5 trong 1". Về phương pháp, giáo viên của trường đã ứng dụng nhiều phương pháp dạy học mới như dự án, bàn tay nặn bột, bản đồ tư duy, đa trí thông minh; sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; kiểm tra đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực như hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng (trắc nghiệm, tự luận, phỏng vấn, dự án, hồ sơ học tập); nội dung kiểm tra đánh giá theo hướng mở, tích hợp liên môn; tham khảo và cập nhật từ các chương trình đánh giá uy tín trên thế giới như SAT, PISA, TIMSS... Bên cạnh đó, học sinh cũng được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ phù hợp với năng lực bản thân.
- Tôi có con gái 8 tuổi đang học lớp hai, song ngữ Anh-Việt. Cháu học tiếng Việt kém, đọc chậm và viết nhiều lỗi chính tả nhưng cháu thích và rất hứng thú học tiếng Anh. Khi thi cháu hay mất tinh thần và sợ môn tiếng Việt đến mức không làm bài thi. Tôi phải làm sao để con tôi khắc phục được tình trạng này? (Phạm Thu Ngân, 35 tuổi, Hà Nội)
- Cô Đinh Thị Tú:
Chào chị, tôi nghĩ có thể con chị đã bị hổng kiến thức cơ bản của môn Tiếng Việt. Vì vậy chị nên trao đổi với cô giáo để hướng dẫn lại cho con cách nhận biết từ vựng và quy tắc chính tả. Hàng ngày chị hãy dành thời gian rèn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua những mẩu chuyện, bài hát, thơ, bài đồng dao của Thiếu nhi để tăng thêm hứng thú học tiếng Việt của cháu. Khi cháu cảm thấy tiếng Việt không phải là môn học đáng sợ nữa, có thể kết quả học tập của con sẽ được cải thiện hơn.
Còn tiếp . . . .