Hôm nay, em xin phép biên 1 bài về cơ sở lý thuyết ngắn gọn để dẫn đến phương pháp thực hành của Đức Phật Gotama.
1. Con người gồm những gì?
- Theo kinh điển, 1 con người được cấu tạo từ 5 phần (
Skandhas (Sanskrit) or khandhas (
Pāḷi), tiếng Việt hay dịch là Ngũ Uẩn), trong đó, cơ thể vật lý là 1 phần, 4 phần còn lại thuộc về tâm. Tiếng Việt hay gọi là Thân, Thức, Tưởng, Thọ, Hành. Thân thì cấu tạo từ các tế bào, tế bào cấu tạo từ phân tử, phân tử cấu tạo từ nguyên tử, nguyên tử cấu tạo từ các hạt. Mà các hạt nhỏ như hạt Quark thì có lưỡng tính sóng - hạt,... Thôi, nói đến đây em nhờ các cụ chuyên lý nói tiếp.
2. Bốn phần của Tâm.
Đức Phật thì đã đạt tới giai đoạn thấy rằng có 121 loại tâm (Tâm vương) và 52 loại nội dung của tâm (Tâm sở). Còn với chúng ta, chỉ cần nhớ 4 phần chính của tâm (Thức, Tưởng, Thọ, Hành).
2.1 Viññāṇa (Thức – Hay biết)
Phần thứ nhất của tâm theo ngôn ngữ thời đó, Đức Phật gọi là Viññāṇa (Thức), là hay biết. Sáu giác quan của ta gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Sáu giác quan này có 6 Viññāṇa (Thức) hay 6 sự hay biết riêng biệt là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Khi có vật gì tiếp xúc với bất kỳ cửa giác quan nào. Một âm thanh tiếp xúc với cửa giác quan của tai thì nhĩ thức sẽ phát sinh.
Một hình thể, màu sắc, ánh sáng tiếp xúc với cửa giác quan của mắt thì nhãn thức sẽ phát sinh. Một mùi tiếp xúc với mũi thì tỷ thức sẽ phát sinh. Một Vị tiếp xúc với lưỡi thì thiệt thức sẽ phát sinh. Cái gì cụ thể tiếp xúc với cơ thể thì thân thức sẽ phát sinh. Một ý nghĩ, cảm xúc tiếp xúc với tâm thì ý thức phát sinh. Công việc của 6 thức này là hay biết những gì vừa xảy ra.
2.2 Saññā (Tưởng – Nhận định)
Có một âm thanh tiếp xúc với tai, nhĩ thức sẽ phát sinh: “Xem kìa! Một cái gì vừa xảy ra”. Ngay tức khắc, một phần khác của tâm sẽ xuất hiện. Theo ngôn ngữ thời đó, phần đó được gọi là Saññā (Tưởng), là nhận định. Một âm thanh vừa chạm vào tai, phần thứ nhất của tâm (Thức) sẽ nói: “Một cái gì đó vừa xảy ra tại cửa thính giác”, chỉ vậy thôi. Phần thứ hai (Tưởng) sẽ nhận định cái gì đã xảy ra: “Lời nói. Lời nói gì? Lời chê bai hoặc lời khen ngợi”. Nó nhận biết dựa trên kinh nghiệm, các điều kiện và ký ức trong quá khứ. Chẳng những nó nhận biết mà còn đánh giá: “Lời chê bai, Ồ! Xấu xa quá! Lời khen ngợi, Ồ! Tuyệt quá!”.
2.3 Vedanā (Thọ – Cảm nhận)
Khi phần thứ hai (Tưởng) làm xong nhiệm vụ thì phần thứ ba bắt đầu hoạt động. Ngôn ngữ thời đó gọi là Vedanā (Thọ), là cảm giác, cảm nhận được các cảm giác trên cơ thể. Khi sự đánh giá vừa xong, rằng đó là những lời khen và lời đó tốt đẹp, ta để ý và thấy một dòng luân lưu những rung động vi tế và dễ chịu khắp trên thân. Với những lời chê bai, sự đánh giá được đưa ra là xấu xa và ta sẽ thấy có một luồng cảm giác rất khó chịu trên thân thể. Phần thứ ba của tâm (Thọ) thể nghiệm những cảm giác trên người dễ chịu hoặc khó chịu.
2.4 Saṅkhāra (Hành – Phản ứng)
Và rồi ngay tức khắc, phần thứ tư của tâm xuất hiện. Theo ngôn ngữ thời xưa, nó được gọi là Saṅkhāra (Hành). Công việc của nó là phản ứng. Saṅkhāra (Hành) chính thực là động lực, phản ứng của tâm. Nó tựa như là một tập hợp các động tác. Phần đầu (Thức – hay biết) không phải là một động tác, nó không tạo ra quả. Tưởng (sự nhận biết) không phải là một động tác nên cũng không tạo ra quả. Cảm nhận (Thọ) cũng không phải là một động tác nên cũng không tạo ra quả. Nhưng Saṅkhāra (Phản ứng) là một hành động nên tạo ra quả vì ta luôn luôn lặp đi lặp lại. Lời khen ngợi, cảm giác dễ chịu và phần này của tâm luôn lặp đi lặp lại với sự ham muốn, bám víu liên tục: “Tôi muốn nó, muốn nữa, muốn nữa”. Lời chê bai, cảm giác khó chịu, phần này của tâm không ngừng phản ứng bằng ghét bỏ, oán hận: “Tôi không thích, tôi không thích nó, tôi muốn vứt bỏ nó đi”.
3. Phương pháp tu tập: Dựa trên các phân tích về 4 thành phần của tâm như trên, cách tu tập là rèn luyện để:
- Nếu cảm nhận được cảm giác khó chịu, ta nhận biết đang có cảm giác khó chịu.
- Nếu cảm nhận được cảm giác dễ chịu, ta nhận biết đang có cảm giác dễ chịu, sung sướng.
- Khi có các cảm giác này, hơi thở sẽ bị ảnh hưởng, nó sẽ thở hơi nhanh, hơi mạnh.
- Vì tính chất của nó là Anicca (vô thường), nghĩa là không tồn tại mãi mãi, chỉ sinh lên rồi diệt đi, cảm giác khó chịu hay dễ chịu rồi 1 lúc sau sẽ qua đi. Hơi thở sẽ quay trở lại bình thường. Khi đó mình mới ra quyết định có phản ứng hay không.
- Các cụ ngày xưa hay nói "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" hay "Đừng bao giờ quyết gì trong lúc nóng giận", hay gần đây có vụ các cháu đa cấp hay chụp ảnh sang chảnh dụ các cụ chơi BO, kéo nến, thổi nến,... (tạo cảm giác dễ chịu, hứng thứ, gây ham muốn). Tức là trong những lúc như thế, thường chúng ta không đủ tỉnh táo để suy nghĩ.
4. Ví dụ cụ thể:
- Kinh điển ghi lại chuyện Phật không nhận quà. 1 ông lão Bà la môn đến mắng chửi Đức Phật. Đức Phật đã nói lại: Khách đến nhà mang quà đến mà mình không nhận thì quà về ai? Khi người khác mắng chửi ta, đấy là những lời lẽ khó nghe, ta sẽ cảm thấy tức giận. Động thái rõ ràng nhất của 1 người đang tức giận sẽ là mặt đỏ lên, hơi thở gấp hơn, mạnh hơn nữa có thể là tay chân run run. Còn suy nghĩ lúc đó thì thường là có cái gậy là ta đập vỡ mồm cái thằng đang chửi ta. Đó là các Hành thường thấy. Nhưng nếu ta chỉ tập trung theo dõi cảm giác, theo dõi hơi thở, không suy nghĩ đến các lời nói thì 1 lúc sau cảm giác sẽ hết và không phát sinh ra Hành mới.
Kết luận: Cơ bản về lý thuyết tu tập thế này em thấy khá là khoa học, dễ hiểu đối với những người mới chập chững bước vào tìm hiểu Đạo Phật. Tất nhiên, để đi sâu thêm nó còn nhiều lý luận hơn nữa thì mới ra các thứ mà các cụ hay tranh luận như các quả vị, vòng duyên sinh - diệt, vân vân và mây mây. Dần dần chúng ta sẽ khám phá ra tiếp.
Em xin gửi để các cụ tham khảo.