[FONT="][FONT="]
CHIẾN DỊCH ĐÁNH CHÌM TÀU US CARD[/FONT][/FONT]
[FONT="][FONT="][/FONT]Từ giữa năm 1963, cơ sở biệt động làm công nhân trong cảng Sài Gòn (bên phải Bến Nhà Rồng ngày nay) mật báo ra căn cứ: có hai chiếc tàu quân sự rất lớn của Mỹ mang hiệu US Coree và US Card thường cập bến Sài Gòn. Hai tàu này chở toàn xe bọc thép, pháo, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát... phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Cảng Sài Gòn ngày đêm nhộn nhịp bốc dỡ hàng hóa, phương tiện chiến tranh, nằm ở đầu mối giao thông quan trọng đường thuỷ tiếp nối đường bộ ngay khu vực trung tâm "thủ đô” Sài Gòn của chính quyền ngụy, tay sai đế quốc Mỹ. Trong các cảng nằm dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thì cảng này nằm sâu và trung tâm nhất nên được địch tăng cường lực lượng thành lập một hệ thống bảo vệ chặt chẽ, hiện đại, nhằm đề phòng đặc công, biệt động tấn công.[/FONT]
Sự lo xa cảnh giác của bọn sĩ quan chóp bu quả có lý do, nhưng chúng không ngờ rằng Biệt động đang "sống chung” với chúng ngay trong cảng. Những tay "sát thủ” đối với Mỹ, ngụy như Tám Quang, Tư Đen. Ba Náo... đều là công nhân "hợp pháp” hàng ngày ra vào cảng như cơm bữa và thuộc địa hình ở đây như lòng bàn tay.
Dạo đó, từ cảng biển Cần Giờ qua sông Lòng Tàu vào cảng Nhà Bè, cảng Sài Gòn còn yên ổn, do những con cá kình đặc công Rừng Sác chưa xuất hiện. Tàu chiến, tàu hàng Mỹ kéo nhau đi lừng lững trên sông như một lũ thủy quái tuôn vũ khí, phương tiện giết người vào cái dạ dày chiến tranh tầm cỡ của Đông Nam Châu Á nằm bên dòng sông thơ mộng:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Các hoa tiêu giỏi Sài Gòn lèo lái dẫn những con tàu trương lá cờ chi chít sao và vạch, hú vang còi, xé sóng vào đất liền. Nghênh ngang và kiêu ngạo đến thế là cùng.
Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định mà đích thân là các đồng chí Trần Hải Phụng, Nguyễn Ngọc Lộc giao nhiệm vụ cho Đội biệt động 65 trừng trị hạm tàu Coree và Card, nhằm phá hủy một khối lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại của địch, khi chúng chưa kịp bốc dỡ lên bờ, làm thối động Mỹ, ngụy ngay trung, tâm đầu não Sài Gòn, gây tiếng vang trong nước và quốc tế, cổ vũ quân dân Sài Gòn - Gia Định và cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong hai chiếc tàu lớn thường lui tới cảng Sài Gòn, tàu Card có trọng tải 16.500 tấn, chở nhiều máy bay. Là mục tiêu chính của Đội 65 biệt động. Chúng vào cảng thành quy luật, cứ hai tháng một lần, mỗi lần neo lại từ 2 đến 3 ngày để bốc dỡ hàng lên bờ.
Cảng Sài Gòn nằm giữa kênh Tẻ và kênh Bến Nghé, phía trước mặt là lòng sông rộng trên 700 mét, nghĩa là được thủy bộ bảo vệ, Việt cộng rất khó tới gần, vậy mà mỗi khi tàu tới cảng, địch chốt tàu hải quân cả hai đầu, đưa tàu nhỏ ra giữa sông cảnh giới, đồng thời rải một tiểu đoàn lính dù án ngự phía đường Trần Văn Dư (này là Nguyễn Tất Thành).
Ngoài lực lượng công an, cảnh sát túc trực ngày đêm còn có công an chìm trà trộn trong công nhân và dân ở bên kia bờ Thủ Thiêm (Thủ Đức) để phát hiện các hoạt động của ta. Tủy nhiên, phía Thủ Thiêm vùng nông thôn trống trải cách biệt với nội thành là điểm yếu nhất của địch. Đây cũng là vùng du kích hoạt dộng mạnh. Đặc công biệt động có thể tiếp cận cảng từ hướng này.
Cơ cấu chính trong cảng gồm một dãy kho lớn, mang số từ 0 đến 1 xen kẽ là những nhà lớn, bãi để hàng và nhiều đường ngang dọc, tiện cho việc tuần tra; cơ động bảo vệ và đối phó khi có tình huống xảy ra. Mặc dù vậy, địch vẫn không hạn chế hết sơ hở từ hướng đất liền nội thành.
Để thực hiện thành công trận đánh hết sức khó khăn này. Đội biệt động 65 phân công một số trinh sát bám sát mục tiêu Cảng Sài Gòn. Riêng đồng chí Lâm Sơn Náo (Ba Náo) công nhân làm việc trong cảng có điều kiện thuận lợi. trực tiếp điều nghiên tàu địch để tìm ra cách đánh thích hợp đạt hiệu quả cao nhất.
Ba Náo làm ở trong cảng khá lâu nên rất thông thạo địa hình, lại có cha cũng là công nhân hàng chục năm làm thợ hồ ở cảng nên thuộc lòng các đường hầm, cống ngầm trong khu vực này, ông chỉ cho Ba Náo đường cống ngầm từ bờ sông Sài Gòn xuyên tới khu vực tàu Mỹ thường neo đậu.
Một lần giả vở xuống sông tắm, Ba Náo bơi vào kiểm tra đường cống và thấy đây quả là lối vào cảng rất lý tưởng để thực hiện trận đánh. Có điều, chuyện vào cống ngầm thật trần ai, phải chịu đựng một lượng dầu thải khủng khiếp trên mình, nếu không nhắm mắt thật chặt để loại dầu tổng hợp uế tạp thấm vào, có thể dẫn đến mù mắt. Trước khi lên cảng phải rửa sạch loại dầu đó nếu không muốn địch tóm ngay tại chỗ. Không phải người trong cuộc khó có thể hình dung sự phức tạp, gian khổ của các chiến sĩ điều nghiên và thực hiện tác chiến mục tiêu ở cảng Sài Gòn.
Sau những ngày lặn hụp dưới sông Sài Gòn và trong đường cống, Ba Náo cùng đội biệt động xác định thủ đoạn đánh tàu: dùng một khối lượng thuốc nổ có sức công phá lớn để phá hủy tàu và "hàng”, kết hợp tiêu diệt sinh lực địch trên tàu. Mìn cấu trúc theo phương pháp nổ chậm để các chiến đấu viên có đủ thời gian rút lui an toàn. Người chỉ huy và trực tiếp thực hiện trận đánh là tổ trưởng Lâm Sơn Náo.
Bộ chỉ huy Quân khu đồng ý phương án này và chỉ đạo thêm: chọn giờ cho mìn nổ vào thời gian tối ưu nhất để không gây thiệt hại cho công nhân làm việc trong cảng. Cụ thể là cho nổ vào rạng sáng, lúc công nhân chưa vào cảng... Sau đó dùng cơ sở tại chỗ nắm kết quả trận đánh; báo cáo chính xác về Quân khu.
Sau khi nhận lệnh, Ba Náo trở vào Sài Gòn cùng cơ sở mật khẩn trương chuẩn bị thiết bị chất nổ với rất nhiều công đoạn khó khăn như phải chuyên chở về “điểm ém" hàng lô thuốc nổ TNT, thuốc mồi C4 (thuốc nổ mạnh), kíp mìn, dây điện, pin, thiết kế bộ phận “điểm hỏa" (gây nổ). Trong thời gian chuẩn bị, Ba Náo xây dựng thêm hai chiến đấu viên là Nguyễn Phú Hùng và Nguyễn Văn Cậy để bổ sung vào tổ chiến đấu.
Khối nổ được kết cấu với trọng lượng 80 ki-lô-gam, bên trong đặt 8 kíp nổ số 10, nối với bộ phận “điểm hỏa" (một hộp gồm nhiều cục pin kết lại) là 100 mét dây điện. Số nguyên liệu này do vợ chồng anh Tường, một cơ sở biệt động trong vai thương lái chở cùng với trái cây từ ngoại thành cách xa 10 ki-lô-mét vào quận 1, Sài Gòn. Vợ Ba Náo bảo đảm việc cất giấu khối thuốc nổ, còn ba của anh là người thiết kế con đường bí mật để đưa khối thuốc nổ gắn vào sườn tàu Mỹ.
Để thật chắc ăn, Ba Náo xuống sông tắm bơi tận vào đường cống ngầm, đo chiều cao, chiều rộng và tính toán làm sao cho xuồng chở khối nổ đi qua, từ đó lặn xuống nước kéo thuốc nổ áp sát tàu địch.
Ngày 29 tháng 12 năm 1963, nhận được tin cơ sở mật báo có tàu US Card chở pháo, thiết giáp M113 và máy bay cập bến Cảng Sài Gòn, Đội 65 liền tổ chức trận đánh. Ba Náo và Cậy theo đường cống đưa khối mìn 80 ki-lô-gam cột vào sườn tàu, thao tác kỹ thuật gây nổ rồi rút lui an toàn. Nhưng ác thay khối mìn có sức công phá cả tòa nhà im thít. Toi công! "Bỏ thì thương vương thì tội" không lẽ công lao vất vả, khổ ải mấy tháng trời của bao nhiêu người trôi theo sông Sài Gòn ra biển?! Đành phải làm lại thôi, không còn cách nào khác.
Ba Náo và Cậy lại lần mò trong tối trở lại “tòa nhà sắt" nổi Coree, dỡ khối mìn mang về để giữ bí mật cách đánh. Thì ra khối pin quá yếu, do để lâu ngày, không đủ điện điểm hỏa nên trận đánh bất thành, âu đó cũng là bài học xương máu cho đơn vị.
Tàu Coree thoát hiểm, nhổ neo rời cảng Sài Gòn mà không hề biết đó là chuyến đi đầy định mệnh của mình. Tử thần đã buông tha nó trong trường hợp vô cùng hi hữu.
Ba Náo cử Cậy ra vùng căn cứ báo tình hình sự cố với Quân khu. Các đồng chí chỉ huy không tỏ ra thất vọng; lại còn khích lệ động viên anh em và tiếp tục chỉ đạo bằng mọi giá phải tấn công tàu Card. Và số phận của con cá sấu sắt khổng lồ này hẩm hiu hơn Coree rất nhiều.
Tàu kéo còi vang lên từ cửa Cần Giờ qua vịnh Gành Rái vào huyết thủy sông Lòng Tàu... Cơ sở của Đội 65 mật báo US Card sẽ cập bến Sài Gòn vào ngày 1 tháng 5 và đậu lại 3 ngày để dỡ bốc hàng. Lâm Sơn Náo kiểm tra lại các chi tiết: thuốc nổ đã gói xong, nguồn điện điểm hỏa đã được thay thế pin mới, hệ thống gây nổ được thiết kế lại hoàn chỉnh hơn, đường tiếp cận không bị lộ. Anh cảm thấy yên tâm và thông báo ngay cho các chiến đấu viên phụ chuẩn bị tham gia trận đánh, thời gian rất gấp, chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa là phải hành động.
Khi gặp Nguyễn Văn Cậy, anh ta bảo không thể đi đánh được vì đau mắt nặng. Ba Náo bỗng như hụt hẫng. Vậy là chỉ còn anh và Nguyễn Phú Hùng. Thôi được, hai người cũng đánh! Thời gian không cho phép anh lựa chọn điều kiện tốt hơn. Trận tấn công tàu US Card đã được quyết định: nổ mìn vào rạng sáng 2 tháng 5 năm 1964.
9 giờ sáng. ngày 1 tháng 5, Ba Náo đến nhà Hùng, giọng rất nghiêm trọng:
- Anh Hùng, chuẩn bị đi công tác đột xuất!
- Việc gì vậy anh Ba? - Hùng hết sức ngạc nhiên hỏi lại.
Ba Náo bảo:
- Lẹ lên, đi theo tôi gấp lắm rồi!.
Do nguyên tắc bí mật của Biệt động, Ba Náo vẫn giữ kín nhiệm vụ. Hùng cảm thấy nôn nao trong lòng, không biết công việc gì mà quan trọng thế. Ba Náo đưa cho Hùng một quả lựu đạn mỏ két, còn anh thì cho khẩu ru lô vào túi cả hai cùng xuống chiếc xuồng có giấu khối thuốc nổ dưới khạp.
Lúc này là 18 giờ, chân trời tứa lên một quầng sáng đỏ bầm khiến bầu không gian thêm huyền hoặc. Tổ chiến đấu xuất phát, Hùng chèo mũi, Náo chèo lái theo Kinh Tẻ đi ra sông Sài Gòn. Trời tối, mặt sông như rộng ra mênh mông một màu đen thẫm, ánh đèn của tàu bè, tháp canh lộn ngược dưới nước.
Chiếc xuồng như mũi tên lao thẳng sang bờ đông cặp vào mé Thủ Thiêm. Ở đây tương đối an toàn vì toàn bà con lao động nghèo sinh sống ven sông. Đứng trên xuồng nhìn sang bờ cảng Sài Gòn: tàu Card điện sáng như một khu phố nổi. Ba Náo dừng xuồng, phổ biến nhiệm vụ cho Hùng:
- Đêm nay tổ biệt động của ta sẽ đánh tàu Mỹ. Chiếc tàu lớn nhất có nhiều đèn sáng - Anh chỉ tay về phía chiếc tà u .
- Theo kế hoạch, tôi và đồng chí đưa trái gài trực tiếp vào thành tàu, đúng các vị trí đã định. Đây là trận đánh rất quan trọng do Quân khu giao nhiệm vụ cho Đội 65. Bằng mọi giá, ta phải khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí chỉ huy và đồng đội đang đón chờ chiến công của ta.
Vì quá đột ngột, Hùng tỏ ra lúng túng
- Em chưa đánh tàu lần nào, bây giờ mới biết nhiệm vụ chỉ sợ không làm tròn trách nhiệm.
Ba Náo động viên Hùng với tình cảm bạn bè nhưng vẫn rất quyết tâm. Lúc này không có chuyện bàn vô bàn ra, mà chỉ có đánh!
Đã 18 giờ 30 phút, Ba Náo nhắm vào quãng kho số 0 và bót cảnh sát cho xuồng băng tới. Nhưng khi ra gần giữa sông, nước chảy mạnh lại sắp đụng một tàu địch tuần tra, anh buộc phải ngoặt xuồng bơi gấp vào bờ Thủ Thiêm. Chiếc tàu tuần bật đèn pha sáng trưng đuổi theo xuồng Ba Náo. Hại thay, nước triều xuống phơi ra bãi lầy như kẻ đồng minh với giặc. Chẳng còn kế sách nào, Ba Náo và Hùng nhảy xuống bùn sình, ra sức kéo xuồng rượn lên bãi lầy để vào sát mé bờ. Tổ trưởng Ba Náo vừa thở vừa nói:
- Nếu bị lộ, tôi bắn, Hùng liệng lựu đạn, cả hai cùng rút vào xóm dân.
Chiếc tàu của bọn cảnh sát cũng không vào được, dừng lại cách xuồng của tổ biệt động chừng 20 mét. Tên chỉ huy nói lớn:
- Ê hai người kia, sao lại tránh lên bãi lầy? xuống đây ngay!.
Đã chuẩn bị đối phó: Ba Náo bình tĩnh nói với chúng:
- Chúng tôi định qua bến, chỗ các tàu đậu mua vài chục bộ quần áo về kiếm lời. Thấy các ông rọi đèn, sợ quá, phải dạt lên đây.
Nói thế nhưng Ba Náo nghĩ: bọn cảnh sát xưa nay quen ăn hối lộ, đưa tiền cho chúng là êm chuyện. Quả nhiên khi anh đưa tiền, chúng liền dịu giọng:
- Thôi, lẹ đi mấy cha, nhưng nhớ làm ăn được, khi về chia cho tụi này một ít nghe. À, mà này, coi chừng tụi hải quân phát hiện, sẽ bắn chết đó!
Một phen hú vía đã qua, Ba Náo và Hùng vội kéo xuồng xuống sông vì sợ không kịp thời gian. Bỗng từ trong lùm, một người nhếch nhác lù lù hiện ra, chẳng nói chẳng rằng, nhảy đại xuống xuồng đòi đi theo kiếm ăn. Thì ra lúc đôi co giữa tổ biệt động và bọn tuần cảnh, anh ta núp gần đó đã nghe được câu chuyện chia chác giữa hai bên, nên đánh liều lao theo.
Tình huống quá bất ngờ làm Ba Náo khó xử. Dù sao trận đánh lúc này là trên hết. Anh nghĩ chỉ có giết người này mới không bị lộ, nhùng nhằng ở đây sẽ mất hết thời cơ. Nhưng anh ta có tội gì, chỉ vì nghèo khổ mới phải đêm hôm lần mò đi kiếm sống. Trong thoáng chốc. anh nghĩ ra một kế để trục anh ta lên bờ. Ba Náo nghiêm mặt nói:
- Anh nghe đây, nghề buôn lậu mà có người lạ đi theo, bọn gian sẽ không giao hàng. Anh lên bờ ráng ngồi chờ tụi tôi nhận được hàng sẽ quay lại chia nhau. Tụi tôi có cơm thì anh có cháo, được không?.
Nghe vậy, anh ta chịu lên bờ.
Ba Náo cho xuồng vượt sông. Mười phút sau xuồng thuốc nổ đã qua khỏi mặt sông Sài Gòn, áp vào bờ tây, các bót gác không phát hiện được. Lách qua cầu cảng mé trên, chiếc xuồng lướt nhẹ vào đường cống, đường cống này khá an toàn, cao tới 2 mét, rộng 2,5 mét, đi lại thoải mái nhưng nước cạn dần so với ngoài sông. Chống xuồng khoảng được 800 mét, tổ biệt động dừng đúng nơi quy định. Từ đây, hai chiến sĩ bước vào giai đoạn quan trọng nhất của trận đánh.
Thuốc nổ đã được cấu trúc thành hai khối, mỗi khối 40 ki-lô-gam, mỗi người sẽ mang một khối áp vào thành tàu. Chiếc tàu US Card đậu cách bờ không xa, nhưng không dễ đến gần. Lúc này đã 24 giờ, trời sắp sửa sang canh, bốn bề êm ắng có thể nghe rõ tiếng khua động từ trong con tàu vọng ra. Thỉnh thoáng tiếng súng bọn lính canh xé rách bầu không gian yên tĩnh.
Ba Náo và Hùng mỗi người ôm một khối nổ lúc bơi lúc lặn nhắm hướng tàu Card bươn tới. Theo hiệp đồng, hai chiến sĩ gắn hai khối nổ vào mạn tàu, ngay tầm mực nước nổi và cách nhau độ 10 mét ở khoảng bụng tàu và đầu máy. Kiểm tra khối mìn của Hùng xong, Ba Náo đấu dây điện, điều chỉnh bộ phận hẹn giờ cho mìn nổ đúng thời gian quy định. Sau đó anh quay ra cẩn thận gác hộp pin lên cao ở thân cột trụ bờ cảng cho nước không làm ướt pin.
Thiết bị mìn hoàn tất, đồng hồ đã chỉ 1 giờ 10 phút ngày 2 tháng 5 năm 1964. Công đoạn nguy hiểm nhất đã xong, là kết quả của một quá trình điều nghiên tỉ mỉ con tàu. Hệ thống điểm hỏa gây nổ bằng đồng hồ hẹn giờ sẽ kích thích làm nổ cả hai khối thuốc trong khoảnh khắc sắp tới.
Rời khỏi con tàu trở lại đường cống, hai chiến sĩ nhanh chóng lên xuồng chèo về nơi chiếc ca nô cảnh sát đang đợi. Tên toán trưởng sốt ruột lên tiếng:
- Thế nào. vớ to phải không? định chia cho tụi này bao nhiêu?.
Ba Náo xuê xoa: .
- Ông anh ơi, xui quá không lấy được hàng, tôi hứa danh dự với mấy anh. Ngày mai giờ này, hẹn gặp lại tại đây ta cùng bàn chuyện làm ăn lâu dài.
Bọn cảnh sát nhìn chiếc xuồng trống lốc, đành ậm ừ cho qua.
Nước lên. Ba Náo cho xuồng xuôi về phía hạ lưu tấp vào bờ sông. Chiếc ca nô cảnh sát cũng nổ máy băng về phía cảng. Bỗng mặt sông như chao động, một nấm lửa bừng lên kèm theo tiếng nổ vang trời. Cảng Sài Gòn náo loạn trong ánh lửa bốc cao rực sáng một góc trời. Tàu US Card 16.500 tấn như một tòa lửa từ từ chìm xuống đáy sông.
Trận đánh của Đội biệt động 65 thắng lớn. Hạm tàu Card bị phá hủy làm hư hỏng và chìm sâu 21 máy bay lên thẳng HU1A, 2 máy bay trinh sát L19, 1 máy bay khu trục ném bom AD6, 50 tên Mỹ chết, 70 tên khác bị thương. Tên thuyền trưởng bị hất văng khỏi đài chỉ huy chết chìm dưới sông. Một sinh lực và phương tiện cao cấp đáng kể của quân xâm lược bị tiêu diệt bởi hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Đây chính là giá trị đặc biệt của lực lượng tinh nhuệ nằm sâu trong lòng địch.
Giặc Mỹ phải điều 2 tàu hàng từ Philippin đến trục vớt hơn một tháng và kéo xác tàu Card về cảng Subic để sửa chữa.
Bọn chóp bu Mỹ, ngụy cay đắng bao nhiêu thì đồng bào và chiến sĩ ta vui sướng bấy nhiêu. Trận đánh tàu Card không chỉ có dư vang mà trở thành những “chiến dịch Card" sau này của một lực lượng vang dội không kém đặc công Đoàn 10 Rừng Sác, đã biến sông Lòng Tàu và cảng Nhà Bè thành nghĩa địa của hàng trăm tàu chiến giặc, góp phần làm nên một huyền thoại Rừng Sác có một không hai trên hành tinh của chúng ta.