Hà Nội có trường hợp người dân không chấp hành cách ly tại nhà
TPO - Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, có trường hợp trên địa bàn không chấp hành cách ly tại gia đình. “Chúng tôi dùng cả biện pháp xử phạt hành chính nhưng rất khó”, vị này nói.
Nghệ An cách ly người đàn ông tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19
Đã tìm thấy người phụ nữ trốn khỏi khu cách ly Covid-19 ở Lạng Sơn
Chiều 12/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì họp Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 (nCoV). Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, hiện quận gặp nhiều khó khăn do có nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn với hơn 120 nghìn sinh viên. Số lượng sinh viên đến từ Vĩnh Phúc tạm trú trên địa bàn có nhiều, có các trường hợp đến từ các nơi đang có người nhiễm Covid19 ở Bình Xuyên.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp
“Chúng tôi đề xuất các trường cho các sinh viên này nghỉ học, cách ly các sinh viên đang tạm trú trên địa bàn”, ông Cương nói. Ông Cương cũng đề xuất, cần thống nhất chủ trương cho nghỉ học với học sinh, sinh viên, vì nhiều trường ĐH vẫn đang cho sinh viên theo học, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cũng cho rằng, cách ly sinh viên trên địa bàn rất khó, dù quận đã có các tổ công tác gồm công an, tình nguyện viên, tổ trưởng dân phố, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. “Sinh viên thường thuê trọ một mình, việc ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn. Chúng tôi phải xuống vận động chủ nhà trọ đứng ra mua giúp đồ cho các sinh viên cách ly ở đây”, ông Cương nói.
Liên quan đến vật tư, trang thiết bị, ông Cương cho biết, hiện nay, việc mua hóa chất cloraminB rất khó khăn, và nếu nhập về thì giá cao hơn so với trước đây.
Đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện trên địa bàn còn phải giám sát, theo dõi 79 người, trong đó có cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Trên địa bàn quận cũng có khoảng 40 sinh viên là người Trung Quốc, tới đây sẽ sang tiếp tục học tập. Đại diện quận này cũng đề xuất có hướng dẫn, quan tâm tới sinh viên đến từ vùng có dịch bệnh như Vĩnh Phúc, các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Hoài Đức cho rằng, hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng nói rằng, nên cách ly 24 ngày nhưng thành phố vẫn theo quy định cách ly 14 ngày. Những trường hợp gần hết 14 ngày liệu có cần phải theo dõi tiếp hay không?
Đại diện huyện Chương Mỹ cho biết, đã kết thúc cách ly 49 trường hợp, hiện còn theo dõi một số trường hợp khác. Tuy nhiên, có trường hợp không chấp hành cách ly tại gia đình. “Chúng tôi dùng cả biện pháp xử phạt nhưng rất khó”, đại diện UBND huyện nói. Vị này cũng cho biết, trên địa bàn huyện có 15 sinh viên ở Vĩnh Phúc về theo học tại ĐH Sư phạm thể dục thể thao, huyện đề xuất cho các sinh viên này tiếp tục nghỉ học.
“Đề nghị thành phố làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc xem xét khoanh vùng, cách ly các trường hợp ở vùng có dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao”, vị này nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, với các sinh viên đến từ Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hiện chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng nếu trường hợp nào phát hiện ho, sốt thì đưa xuống khu cách ly của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, HĐND thành phố đã có ý kiến, Sở Y tế và Tài chính cần sớm đề xuất mua vật tư, hóa chất phục vụ theo yêu cầu, đề xuất của các quận, huyện, các đơn vị. Các lực lượng chức năng thực hiện tốt các khâu chuẩn bị, cố gắng không để trường hợp nào dương tính trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, phải tuyên truyền, vận động không kỳ thị với người nước ngoài, kỳ thị với sinh viên các tỉnh giáp biên giới, các sinh viên đến từ Vĩnh Phúc.
“Cần tuyên truyền thực hiện tốt việc cách ly tại cộng đồng. Đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ chính bản thân những người bị cách ly và gia đình họ, và có trách nhiệm với cộng đồng. Thực hiện các biện pháp nhẹ nhàng chứ không thực hiện quá mức cần thiết, nhưng đảm bảo nghiêm túc”, ông Chung nói.