Trung Quốc hy sinh một tỉnh để cứu nguy thế giới khỏi dịch Coronavirus
Số người chết vì dịch coronavirus của Trung Quốc tăng lên ít nhất là 636.
Biểu ngữ trên đường phố Trung Quốc
Hồ Bắc hồi lai đích nhân đô thị định thời tạc đạn
Người nào trở về từ Hồ Bắc đều là một quả mìn hẹn giờ
Bà của nhạc sĩ Zhang Yaru đã qua đời vào hôm thứ Hai sau khi rơi vào tình trạng hôn mê. Bà đã nhiều lần bị bệnh viện từ chối cho nhập viện.
John Chen, một sinh viên đại học, đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ cho người mẹ của mình. Bà ấy bị sốt cao, không đủ sức để đứng xếp hàng hàng giờ để mong được xét nghiệm loại virus đang hoành hành trong thành phố của họ.
Trên chiến tuyến, một bác sĩ 30 tuổi về hô hấp chỉ ngủ được vài giờ trong hai tuần qua.
Cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng đang xuất hiện hàng ngày từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, khu vực không giáp biển với 60 triệu người, nơi con coronavirus mới, được đặt tên là 2019-nCoV, lần đầu được phát hiện vào tháng 12, và từ đó đã tàn phá trên một phạm vi rộng lớn, chết người.
Trong khi các trường hợp lây nhiễm coronavirus đã lan rộng trên toàn cầu, người ta đã cảm nhận được, một cách sâu sắc nhất, tác động của virus ở Hồ Bắc, nơi đã chứng kiến, một cách đáng kinh ngạc, 97% tất cả các trường hợp tử vong vì dịch coronavirus và 67% trên tổng số các bệnh nhân.
Con số thiệt hại, ngày càng lớn hơn mỗi ngày, phản ánh một hệ thống y tế bị quá tải của địa phương bởi một mầm bệnh lây lan nhanh, thuộc một chủng loại lạ, khiến người ta không thể thực hiện ngay cả những biện pháp chăm sóc y tế cơ bản nhất. Đây cũng là một minh họa liên tục về chi phí con người từ khu vực cách ly lớn nhất thế giới, với việc Trung Quốc đã phong tỏa chặt khu vực từ ngày 23 tháng 1 để ngăn chặn virus lây lan ra các vùng còn lại của đất nước và thế giới.
Nhưng Hồ Bắc – được biết đến với các nhà máy sản xuất xe hơi và thủ phủ nhộn nhịp Vũ Hán – đang phải trả giá, với tỷ lệ tử vong do coronavirus ở đó là 3,1%, so với 0,16% đối với các vùng còn lại của Trung Quốc.
“Nếu không phong tỏa tỉnh, thì một số người sẽ đi khắp cả nước để cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp y tế, và sẽ biến toàn thể quốc gia thành một khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch coronavirus”, theo lời của Yang Gonghuan, cựu phó tổng giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc. ”Việc cách ly đã khiến cho Hồ Bắc và Vũ Hán gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đó là điều đúng đắn cần làm”.
“Điều này cũng giống như đi chiến đấu trong một cuộc chiến tranh – có một số điều khó khăn, nhưng đó là điều đúng đắn cần làm”.
Vũ Hán, nơi có 11 triệu người sinh sống, là một thành phố Trung Quốc “hạng hai”, có nghĩa là tốc độ phát triển của nó ở mức tương đối, và vẫn ở mức thấp hơn một chút so với các đô thị lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu. Nó có các bệnh viện được đánh giá tốt, nhưng nguồn lực tụt hậu so với các thành phố nổi bật hơn.
Trong những ngày đầu virus lây lan, hành động lảng tránh và chậm trễ của các quan chức địa phương đã cho phép mầm bệnh phát tán rộng rãi hơn trong cộng đồng không ngờ vực [là đang có dịch bệnh].
Tập trung vào con số người chết vì dịch bệnh
Đã có 97% người chết [vì dịch coronavirus] ở Vũ Hán và các vùng còn lại của Hồ Bắc (Xem biểu đồ động tại đây)
Nguồn: Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ các nguồn chính thức
Chú thích: Cả hai trường hợp tử vong [vì dịch coronavirus] ở bên ngoài Trung Quốc là những người đã từng ở Vũ Hán trong thời gian gần đây.
Trong khi các bác sĩ lần đầu phát hiện virus – được cho là đã được truyền từ động vật sang người tại một ngôi chợ thực phẩm ở Vũ Hán – vào đầu tháng 12, và những dấu hiệu cho thấy virus đã được truyền từ người qua người vào đầu tháng 1, thì chính quyền vẫn cho phép diễn ra các sự kiện công cộng có quy mô lớn. Quy mô của cuộc khủng hoảng chỉ trở nên rõ ràng đối với công chúng rộng lớn trong những ngày bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm của Trung Quốc vào ngày 24 tháng 1, khi các trường hợp nhiễm coronavirus đã xuất hiện ở nơi khác.
Lật tẩy che giấu
Zeng Yan, giáo sư tại trường y khoa thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán cho biết, dịch coronavirus xuất hiện “giống như một cơn mưa bất chợt như trút nước, khiến Vũ Hán mất cảnh giác”.
110 đơn vị giường bệnh để chăm sóc đặc biệt trong thành phố dành cho bệnh nhân virus lúc nào cũng quá tải, khi Trung Quốc tuyên bố vào ngày 23 tháng 1 rằng Vũ Hán sẽ bị phong tỏa, một biện pháp chưa từng có tiền lệ, để ngăn chặn người mang mầm bệnh rời khỏi thành phố, và cũng để ngăn chặn đa số người khác đến thành phố. Các khu vực cách ly đã sớm được mở rộng ra gần như toàn bộ tỉnh.
Trong những ngày hỗn loạn, lộn xộn tiếp theo sau, trùng với kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài một tuần của Trung Quốc, các biện pháp cách ly, cùng với một nền tảng cơ sở hạ tầng thành phố vốn đã quá tải, cho thấy việc cung cấp các vật tư thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm khẩu trang, áo bảo hộ và thuốc khử trùng cao cấp, bị chậm giao đến các bệnh viện của Vũ Hán.
“Chúng tôi được khuyên nên sử dụng khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ một cách tiết kiệm, và tránh uống nhiều nước để không phải đi vệ sinh, đòi hỏi phải thay quần áo bảo hộ”, theo lời của một bác sĩ làm việc ở tuyến đầu tại Bệnh viện Nhân dân số 3, tỉnh Hồ Bắc, người đã từ chối nêu tên vì sợ bị trù dập.
Nguồn hàng y tế bị cản trở
Ding Ze, mà gia đình sở hữu một công ty kính mắt ở một vùng khác của Trung Quốc, nói rằng việc giao kính bảo hộ y tế cho Vũ Hán đã bị chậm trễ đến 10 ngày.
“Chúng tôi đã gửi hàng vào ngày 25 tháng 1, và hàng đã đến bệnh viện vào ngày 2 tháng 2”, Ding Ze nói. ”Tất cả các đợt giao hàng từ bên ngoài vào tỉnh đều bị chậm trễ do các thủ tục cách ly nghiêm ngặt”.
Trong khi chính phủ Trung Quốc đã điều động tám tàu vận tải hàng hóa vào ngày 2 tháng 2 để vận chuyển 58 tấn hàng cung cấp cho Vũ Hán, và hàng quyên góp bắt đầu đến tới tấp thành phố từ khắp nơi trên thế giới, thì tình trạng thiếu hụt trong những ngày quan trọng này – kết hợp với sự lây lan nhanh của virus, khi các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu chỗ khi số lượng bệnh nhân tăng cao – đã gây ra những hậu quả tàn khốc.
Từ ngày 23 tháng Giêng đến ngày 4 tháng Hai, số người chết từ dịch coronavirus được chính thức ghi nhận ở Hồ Bắc đã tăng hơn 25 lần, lên gần 500 trường hợp. Con số đó có nhiều khả năng chưa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán.
Hai phần ba trường hợp [lây nhiễm] là ở Hồ Bắc
1/3 các trường hợp khác được ghi nhận là ở các vùng khác của Trung Quốc và ít hơn 1% là ở nơi khác
Nguồn: Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ các nguồn chính thức, tính đến ngày 5 tháng 2
Bà của Zhang Yaru đã phải xuất viện vào cuối tháng 1 bởi vì các triệu chứng bệnh của bà được cho là nhẹ. Bà rơi vào tình trạng hôn mê ngay sau đó và chết mà không được chẩn đoán.
“Bà đã không nói được lời nào với chúng tôi trước khi chết, có lẽ bà không biết chuyện gì đã xảy ra,” theo lời của Zhang, một người quê quán ở E'Zhou, một thành phố nhỏ nằm cạnh Vũ Hán, cũng bị cách ly. ”Gia đình chúng tôi đang bị dồn vào đường cùng, tuyệt vọng, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều có khả năng bị nhiễm virus và ông tôi đang có những triệu chứng bệnh tương tự.”
Trong khi các trường hợp nhiễm virus ở tỉnh Hồ Bắc vẫn đang tăng lên hàng nghìn trường hợp mỗi ngày, thì các ca nhiễm virus đang chậm lại ở các vùng khác của Trung Quốc – một dấu hiệu ban đầu cho thấy công tác ngăn chặn quyết liệt có thể đã có tác dụng trong việc hạn chế coronavirus lây lan ở trong nước và trên toàn cầu.
Trung Quốc sẽ sớm giải quyết vấn đề khi phong tỏa 50 triệu người bị nhiễm virus
Việc cách ly là điều đúng đắn cần làm vì lợi ích của dân số đông hơn, bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 3 cho biết. ”Một số người có thể nói rằng Hồ Bắc đã bị hy sinh, nhưng điều đó đã ngăn chặn được một cách hiệu quả virus lây lan ra các nơi khác”.
Công việc cách ly ở Hồ Bắc làm những nỗ lực trước đây ở các nơi khác trên thế giới có vẻ nhỏ lại. Ở Liberia vào năm 2014, một vùng lân cận nghèo với khoảng 70.000 người dân đã bị phong tỏa trong thời kỳ bộc phát dịch Ebola, đã gây ra các cuộc bạo loạn dữ dội. Khi cuộc phong tỏa tiếp diễn mà không có dấu hiệu kết thúc, thì nó đặt ra những câu hỏi về đạo đức và pháp lý.
“Sự phong tỏa có thể là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng phải đảm bảo có đủ nguồn lực y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế tại các thành phố đó,” theo lời của Zhang Qianfan, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Bắc Kinh. “Sự phong tỏa không có nghĩa là để thành phố bị bỏ hoang và bỏ mặc người dân tự tìm cách để sinh tồn hoặc chết.”
Ưu tiên hàng đầu
Tin về những trường hợp tử vong có thể tránh được ở Hồ Bắc bị các biện pháp cách ly làm gia tăng lan truyền khắp Trung Quốc, theo lời của Yanzhong Huang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey, và là một nhà nghiên cứu cao cấp vì sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại.
So sánh các “biện pháp hà khắc” ở Hồ Bắc với công việc giám sát quần chúng thường thấy ở Trung Quốc vốn được nhiều người ở phương Tây xem là không thể chấp nhận, Yanzhong Huang nói: “nếu hỏi người Trung Quốc, thì sẽ có 8 trên 9 người nói rằng họ có thể sống chung với điều đó.”
Trong những ngày sau lệnh cách ly, chính phủ Trung Quốc đã gửi đến tỉnh sự hỗ trợ y tế, đồng thời duy trì các biện pháp hạn chế người dân rời khỏi thành phố.
QuickTake của Bloomberg
Trả lời cho @QuickTake và 2 người khác
“Tôi cảm thấy giống như đang trong một trò chơi. Giống như ‘Resident Evil.’ Hôm nay và mỗi ngày tôi cần thực hiện một nhiệm vụ.”
Cư dân #Wuhan này cho thấy cách thức anh ta đối phó với #coronavirus ở chấn tâm của Trung Quốc #CoronavirusChina #新型肺炎
Đã có hơn 8.000 nhân viên y tế từ khắp nước đến Hồ Bắc, chủ yếu đến 27 bệnh viện ở Vũ Hán được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân coronavirus. Số nhân viên y tế khác đã được gửi đến những thành phố nhỏ hơn gần đó. Hai bệnh viện mới, với tổng số 2.600 giường, đã được hoàn thành trong vòng 10 ngày, được xây bởi hơn 2.000 công nhân nhập cư, trong khi các sân vận động, văn phòng và khách sạn đang được chuyển đổi thành các đơn vị cách ly.
Nhưng các bệnh viện ở Hồ Bắc vẫn thiếu nguồn vật tư thiết bị y tế, theo lời của một bác sĩ làm việc trong phòng xét nghiệm tại bệnh viện Vũ Hán Tongji. Anh cũng từ chối nêu tên vì lo ngại phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội.
Công nhân đặt giường tại một trung tâm triển lãm nay được chuyển đổi thành một bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 4 tháng 2. Ảnh: AFP via Getty Images
“Tình hình đang được cải thiện, nhưng chúng tôi thực sự quá tải và đang xét nghiệm chẩn đoán 24 giờ mỗi ngày trên 7, và vẫn đang nỗ lực để hoàn thành những công việc đó,” bác sĩ cho biết vào hôm thứ ba. “Tôi nghĩ chúng ta chưa đạt đến đỉnh điểm của sự lây nhiễm.”
Không đổ lỗi
Đối với những ai tìm kiếm sự giúp đỡ và chăm sóc y tế ở Hồ Bắc, họ đành phải cam chịu – đã có rất ít tình trạng bất ổn trong tỉnh bất chấp hoàn cảnh. Ý tưởng hy sinh bản thân vì một mục tiêu quốc gia lớn hơn, đã ăn sâu trong nền văn hóa Trung Quốc, và được giới lãnh đạo nước này viện dẫn trong những thời kỳ khó khăn.
Một công nhân đang nghỉ ngơi tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, ngày 4 tháng 2. Ảnh: Getty Images
Mọi người đang xếp hàng tám tiếng đồng hồ chỉ để được xét nghiệm coronavirus, theo lời của John Chen, một sinh viên đại học, 23 tuổi. Người mẹ của anh đang bị sốt và vẫn chưa được xét nghiệm.
“Lúc đầu, tôi rất bực dọc khi các bệnh viện và quan chức mà tôi đã gọi đến để nhờ giúp đỡ đã không sẵn lòng làm việc, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng không phải vì họ không sẵn lòng giúp đỡ, mà bởi vì mọi nơi đều quá thiếu nguồn lực,” anh ấy nói.
“Tôi không đổ lỗi cho ai, bởi vì nếu bạn lớn lên ở Trung Quốc, bạn sẽ học được cách thức vận hành của hệ thống”.
—Với sự hỗ trợ của Claire Che, Dandan Li, Dong Lyu, Rachel Chang và Iain Marlow
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: China Sacrifices a Province to Save the World From Coronavirus, Bloomberg News, ngày 05/02/2020.