Tại buổi họp báo của Bộ Công thương, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói: “Việc thiếu điện là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới tất cả nhân dân, doanh nghiệp”.
Lời xin lỗi đó được đưa ra trong bối cảnh nhiều tỉnh bị
cắt điện luân phiên giữa cái nóng thiêu đốt của mùa hè, làm cuộc sống của người dân đảo lộn, sản xuất của doanh nghiệp ngưng trệ. Ấy vậy mà nhiều nơi bị cắt điện mà không một lời cảnh báo, hay một lời xin lỗi.
Người dân, doanh nghiệp đang cùng chung tay chia sẻ với khó khăn của ngành điện bằng hành động tiết kiệm điện. Người tắt đi một bóng điện, người không bật điều hòa hay nâng lên vài độ. Dân nào dám tiêu dùng điện hoang phí!
Sau những tháng nắng nóng kéo dài, mực nước lòng hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai) xuống thấp nhất trong gần 13 năm qua.
Lý do của mất điện, cắt điện, thiếu điện có phần khách quan do Elnino nên nước không về, hạn hán ở nhiều nơi, nhiều hồ chứa thủy điện về mực nước chết trong khi nhu cầu sử dụng điện trong dân lại tăng lên do nóng bức.
Song, lý do lớn nhất lại không được nêu ra: trong thời gian dài vừa qua không phát triển được nguồn điện chủ động ổn định trong khi nhu cầu điện tăng trung bình 10% mỗi năm.
Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được khởi công, đưa tổng công suất lắp đặt lên hơn 81.000 MW. Tuy vậy, phụ tải đỉnh hay nhu cầu cực đại là 49.000 MW.
Những số liệu này làm xuất hiện câu hỏi chính đáng của dân: vậy vì sao ngắt điện?
Các chuyên gia khẳng định, nguyên tắc của ngành điện là nguồn điện chủ động phải lớn hơn phụ tải đỉnh 10-20% thì mới cung điện an toàn. Hay nói cách khác, Việt Nam cần cần ít nhất 54.000 MW nguồn chủ động là thủy điện, nhiệt điện, điện khí. Năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời rất đỏng đảnh và ít quốc gia nào phụ thuộc vào nguồn này như là trụ cột để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vì sao cũng là con người đó mà chỉ trong 12 năm từ 2003-2015 riêng EVN đã xây dựng 28 nhà máy thủy điện, hơn 10 nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực qui mô lớn tại Vĩnh Tân, Phú Mỹ, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng?
Chỉ trong hơn một chục năm, công suất của ngành điện đã vượt trên 40.000MW, chấm dứt tình trạng thiếu điện mà đất nước đã trải qua trong thời gian dài bao cấp trước đó. Cũng con người đó mà điện được cấp đủ cho mọi cơ sơ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, ngoài ra còn có dự phòng.
Vì sao để cho doanh nghiệp nợ đến gần một trăm ngàn tỷ đồng, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của doanh nghiệp nhà nước nói chung?
Đặt ra những câu hỏi đó mới mong tìm ra giải pháp gỡ khó cho ngành điện là trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước.
Năm 2017, ông Franz Gerner, trưởng Nhóm năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng cảnh báo, giá điện tại Việt Nam quá thấp. Giá điện bán ra ở mức 7,6 cent/kWh trong khi giá thành là 11,3 cent/kWh.
Hơn nữa, giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Namthấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines và Indonesia lần lượt là 19 US cent/kWh, 9 US cent/kWh, 14,6 US cent/kWh, và 7,3 US cent/kWh.
Sau hơn 6 năm trôi qua, giá điện Việt Nam đã được tăng vài lần mà mức giá hiện nay vẫn còn thấp hơn 11,3 cent/kWh là giá thành sản xuất mà Ngân hàng Thế giới tính năm 2017.
Không có lãi thì làm sao thu hút được đầu tư của tư nhân?
Có quốc gia nào trên thế giới đặt trách nhiệm giữ an toàn, an ninh năng lượng quốc gia cho chỉ 1 doanh nghiệp?
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 đặt ra lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, theo đó từ năm 2015 đến 2016 thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh thí điểm; từ 2017 đến năm 2021 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh; từ năm 2021 đến 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; và từ sau 2023 thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh hoàn chỉnh. Luật Điện lực ban hành năm 2004 cũng đã qui định rõ về thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Quyết định này đặc biệt nhấn manh đến yếu tố con người: phải có đội ngũ cán bộ, công nhân viên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các yêu cầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Vậy mà đến nay, văn bản rất quan trọng này chưa được đánh giá, tổng kết để xem việc triển khai trên thực tế như thế nào.
Hôm qua, Tuần Việt Nam đăng tải ý kiến của ông Đào Văn Hưng bày tỏ những nỗi day dứt để thiếu điện. Trong đó, ông nêu một ý rất quan trọng: ngành điện từng có các cơ chế mang tính cách mạng về quản lý đầu tư. Những người làm điện căn cứ vào các Tổng sơ đồ điện 5, 6 và 7 để được quyền tự quyết định đầu tư các dự án từ khâu thiết kế, duyệt dự toán, đấu thầu, xây dựng và đưa vào vận hành. Nhờ cơ chế đó, ngành điện đã phát triển được những dự án điện rất lớn, có điện dự phòng.
Đến nay, cơ chế này đã không còn được áp dụng. Dự án điện phải trải qua quá nhiều khâu phê duyệt, phải có nhiều giấy phép của các cấp, các ngành. Tiến độ một dự án kéo dài lê thê.
Nêu lại chuyện trên để nhắc lại với lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, người đã nói lời “xin lỗi” nhân dân và doanh nghiệp.
Cơ quan tham mưu cần đưa ra các giải pháp, ít nhất là như cũ và đã có trong các văn bản pháp luật liên quan, để phát triển nguồn điện chủ động, an toàn để dân không chịu cảnh mất điện khốn khó; để bệnh viện, trường học có thể vận hành; để doanh nghiệp không phải ngưng sản xuất. Hành động mới quan trọng hơn vạn lần lời xin lỗi nhân dân.
Tư Giang