Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) chuẩn bị đưa vào vận hành phiên bản đầu tiên của Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT.
Chức năng của hệ thống này là theo dõi và phân tích số liệu của 13 lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Bộ TT&TT. Các lĩnh vực này sẽ được phân loại làm 6 nhóm lĩnh vực gồm Bưu chính, Viễn thông, Công nghiệp ICT, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Thông tin tuyên truyền với tổng cộng khoảng 150 chỉ số phát triển.
Bộ TT&TT chuẩn bị vận hành Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Việc tổ chức của hệ thống sẽ được phân loại theo các lớp dữ liệu. Tại đó, thông tin được xếp xếp theo dạng từ khái quát đến chi tiết. Nhờ vậy, nhà quản lý có thể nắm bắt được chi tiết các chỉ số phát triển của ngành, các mốc cập nhật dữ liệu, mục tiêu cũng như kết quả so với cùng kỳ năm trước.
Đối với từng lĩnh vực cụ thể, sẽ là lớp dữ liệu liên quan tới từng nhóm chỉ số. Những số liệu này được dùng để đo đạc việc triển khai các mục tiêu đã đề ra.
Ví dụ, với nhóm lĩnh vực viễn thông, sẽ có 4 mục tiêu chính là tăng trưởng bền vững, phát triển hạ tầng, chất lượng dịch vụ và thị trường cạnh tranh. Ngoài ra, còn có 2 nhóm chỉ số phụ và một số nhóm chỉ tiêu chung.
Các số liệu chi tiết về tình hình phát triển ngành viễn thông dựa trên thực tế. Các số liệu này sau đó được biểu diễn lại thông qua dạng biểu đồ. Ảnh: Trọng Đạt
Điểm ưu việt của hệ thống này là nó cho phép người dùng tự tạo ra các chỉ số, công thức tính chỉ số, từ đó tự cấu hình lại, tương tác các chỉ số lẫn nhau để tạo ra các công thức mới và biểu diễn trên biểu đồ. Người dùng cũng có thể thay đổi các chỉ số khi cần bằng việc cập nhật dữ liệu đầu vào thay vì viết code.
Theo đại diện nhóm xây dựng Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT, số liệu khi đứng một mình sẽ không có nhiều giá trị. Số liệu này chỉ có giá trị khi nó được thể hiện theo xu hướng phát triển và tương tác với các chỉ số khác.
Việc hình thành hệ thống các chỉ số giúp cho lãnh đạo Bộ TT&TT có góc nhìn chính xác nhất về tình hình phát triển của ngành. Đây là cách làm mới của Bộ TT&TT nhằm hướng tới việc quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng dữ liệu.
Chỉ số chuyển mạng giữ số, một trong các chỉ số phát triển của nhóm lĩnh vực viễn thông. Theo thống kê mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tỷ lệ chuyển mạng thành công trên toàn thị trường hiện đạt 71%. Ảnh: Trọng Đạt
Tỷ lệ phủ sóng di động xét theo công nghệ 2G, 3G, 4G. Ảnh: Trọng Đạt
Trong thời gian tới, nhóm xây dựng Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT sẽ tiến hành tối ưu hoá giao diện, nâng cấp hệ thống biểu đồ để người sử dụng có nhiều lựa chọn hơn và bổ sung các tính năng như cảnh báo, phân tích và dự báo dữ liệu, trích xuất báo cáo tự động hay phát triển ứng dụng trên nền tảng mobile,...
Nhóm phát triển hệ thống này cũng sẽ phối hợp với các đơn vị trong Bộ TT&TT để triển khai việc kết nối và cập nhật cơ sở dữ liệu tự động. Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT sẽ được cấp tài khoản theo hình thức phân quyền để cập nhật và tra cứu số liệu một cách thường xuyên.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hệ thống đánh giá và giám sát các chỉ tiêu KPI về phát triển ngành không chỉ có chức năng cảnh báo, giám sát mà còn là công cụ giúp các chuyên viên có thể phân tích tình hình, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công việc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tầm quan trọng của dữ liệu thống kê trong công tác quản lý ngành TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Hệ thống này chỉ chạy được và tốt lên khi có người thường xuyên sử dụng và cập nhật dữ liệu. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực sử dụng Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT ngay từ chính các cuộc họp giao ban của đơn vị mình.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong công tác quản lý nằm ở số liệu. Từ giờ đến cuối năm, Bộ TT&TT sẽ cho chạy thử Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT và sẽ sớm đưa vào sử dụng chính thức bắt đầu từ năm tới.