Dân Âu hay uống trà đen (Tàu gọi là Hồng trà). Một set trà chiều của nhà giàu Ăng lê bằng bữa nhậu tại nhà hàng sang trọng.
Dân Việt mình thì lại quen uống trà xanh (Tàu gọi là Lục trà), món này giữ nguyên bản hương, vị nhưng ko uống được nhiều, xót ruột lắm.
Hồng trà bọn Tây nó uống tách to đùng. Mùi thơm mứt quả, vị ngọt.
Riêng bọn Tàu thì nó lại đa dạng cách chế biến nhất, nên thành ra nếu nói về trà nó là số 1 thế giới về độ tinh tế và chủng loại.
Điểm qua 1 số dòng trà trên thế giới cho các cụ xem (theo kiến thức lõm bõm của em)
1. Trà xanh (Lục trà):
- Cách chế biến: hái lá chè loại 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá, không quá 4-5 tiếng phải đem sao suốt trên chảo (máy) và vò nhiều lần cho kiệt nước để không còn lên men được nữa. (Loại này có độ oxy hóa 0-5%)
- Trà loại này có vị chát khi uống, sau đó ngọt hậu khi nuốt nước bọt (dân gian gọi là tiền chát hậu ngọt).
- Điển hình: Trà Tân Cương Thái Nguyên (VN), Lục trà shan tuyết Hà Giang (VN), Long tỉnh (TQ) (loại này ở Tây Hồ - Hàng Châu, Chiết Giang), Bích Loa xuân (TQ), Lục an qua phiến (TQ), Hoàng sơn Mao phong (TQ)...
2. Trà trắng (Bạch trà):
- Cách chế biến: hái lá chè chỉ lấy 1 tôm (nếu chế biến loại cao cấp nhất là bạch kim trà), hoặc 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá (chế biến loại khác). Sau đó đem về phơi nắng, hoặc sấy khô (không vò) để giữ nguyên bản nhất hương vị trà. Nó gần như lá trà nguyên bản được hong khô. (Loại này cũng ko oxy hóa cao, chỉ ở mức 0-5%)
- Trà này có hương thơm cây cỏ tươi, có loại nếu để lâu thì ra mùi hoa quả sấy khô, mứt quả, vị ngọt thanh (uống gần như không có chát), hậu vị ngọt nhẹ. Nước trà có 2 loại: loại bạch kim trà thì màu trắng tinh như nước lọc, loại Mẫu đơn, hoặc Cống Mi thì màu hơi ngả đỏ, càng để trả lâu năm càng đỏ.
- Loại điển hình: Bạch hào ngân châm (Tàu) (thuộc nhóm bạch kim trà - cánh trà thành phẩm nhọn hoắt, bao 1 lớp lông tơ trắng như lông thỏ); Bạch trà Mẫu đơn (Tàu - loại này 1 tôm 2 lá có thể để lâu năm ủ lên 1 mùi mứt quả rất thơm, nước màu vàng đỏ); Bạch trà Cống Mi (Tàu), Bạch trà Thọ Mi (Tàu), Phúc đỉnh bạch trà (Tàu), An Cát bạch trà (Tàu).
Ở VN gần đây cũng có 1 số nghệ nhân trà học cách chế biến Bạch hào ngân châm của Tàu từ loại búp trà shan tuyết Hà Giang, cũng khá độc đáo.
3. Trà đen (Hồng trà) - Loại này sản lượng nhiều nhất.
- Cách chế biến: Lá chè thu hái về, phải phơi héo nhẹ, sau đó vò nát, sao và ủ lên men (độ lên men của trà này đạt gần 90-100%)
- Trà này có thành phẩm màu đen nâu, khi pha ra nước trà màu đỏ đến đỏ đậm, mùi thơm quả chín, mứt quả, tiền vị và hậu vị đều ngọt (chế biến kém sẽ ra vị chua).
- Điển hình: Hồng trà Xây lan (Sri lanka) hiệu CeyLon, Hồng trà Chính sơn tiểu chủng (Tàu), Hồng trà Kim Tuấn Mi (Tàu) (Loại này mới sáng tạo từ năm 2004, anh Tập rất thích nên bên Tàu có đợt rộ lên mốt uống trà này - đây là loại cao cấp nhất của Hồng trà Tàu), Hồng trà Điền hồng, Hồng trà Kỳ Môn (Tàu)
Ở VN nhìn chung k có thói quen uống trà này (trừ các cụ uống Lipton hoặc Dilmart) nên ko sản xuất hoặc có thì xuất là chủ yếu. Chưa có loại nào ngon cả. Cụ nào muốn mua thử có thể mua 1 số thương nhân sản xuất hồng trà bằng loại chè Shan tuyết hà giang.
4. Trà ô long:
- Cách chế biến: Lá chè khai thác về, đem phơi héo, sao, vò và có ủ lên men nhưng độ lên men ở giữa trà xanh và hồng trà (Độ lên men của ô long khoảng từ 30-80%)
- Chính vì lên men bán phần (khoảng giữa trà xanh và trà đen) nên ô long giữ được đặc tính trung bình của cả 2 loại này. Nó vừa có vị hơi chát (nhẹ hơn nhiều so với trà xanh) nhưng lại có hương thơm rất đặc trưng gần như hồng trà. Trà này nước màu vàng sáng đến vàng hơn đậm (tùy thuộc độ lên men, càng lên men sâu thì càng vàng đậm), vị chát (từ đậm đến nhẹ) hương thơm cỏ cây hoặc quả chín (tùy độ lên men).
- Điển hình: Nổi tiếng nhất phải kể đến Thiết quan âm (Vùng Phúc Kiến - Tàu), Ô long Đài loan (Loại đắt nhất là oolong Đại Vũ Lĩnh, kế đến là Alishan, kế đến là Phúc Thọ Lê Sơn, kế đến là Đông Đỉnh).
Ở VN có các giống trà oolong mang từ ĐL sang trồng và chế biến cũng được đánh giá khá cao. Loại đánh giá cao nhất là Cầu Đất - Lâm Đồng (loại này ngon, cụ nào nên mua uống thử, tất nhiên cũng tùy nhà sản xuất), kế đến là Mộc Châu cũng tạm tạm.
Ngoài ra ô long còn có 1 loại khá đặc biệt, được coi là đắt nhất trong các loại trà tàu: Đó là dòng Nham trà Vũ Di Sơn (Tại núi Vũ Di Sơn - Phúc Kiến) gồm các loại: Đại hồng bào, Thủy Tiên, Nhục quế, Thiết la hán, Thủy Kim quy.
Loại này vẫn được xếp vào Ô long vì nó chưa lên men 100% như hồng trà, mặc dù vậy nó cũng lên men rất sâu (tầm 70-90%) nên nước trà đỏ sậm, uống ngọt lừ, mùi thơm thì không có loại trà nào thơm bằng nó (đặc biệt cụ nào uống Nham trà Nhục quế thì nó thơm như ướp nước hoa).
Loại này được chế biến và sao khô bằng gỗ cây tùng ở vùng này (tất nhiên đấy là ngày xưa) mùi thơm quả chín, hương hoa không lẫn đâu được.
Đắt nhất trong dòng này là Đại hồng bào.
5. Trà phổ nhĩ
Loại này rất đặc biệt, các loại trước là kiểu trà lên men trong quá trình chế biến (giữ cố định đến khi sử dụng) Nên thường không trữ được lâu.
- Trà xanh nên dùng ngay trong 6 tháng sau khi chế biến
- Ô long thì cũng chỉ khoảng 6-12 tháng sau chế biến
- Hồng trà thì khoảng 1-2 năm sau chế biến
- Bạch trà có loại để được 5-10 năm sau chế biến
Nhưng ông Phổ nhĩ này thì để được hàng 10-20-30 năm. Mà nghe nói càng lâu càng ngon.
Tất nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó.
- Cách chế biến: Lá trà phải là cây chè thuộc dòng Đại diệp chủng (Trà lá to) mọc tự nhiên (giờ có trồng) ở vùng Nam trung quốc, bắc Myanmar, Lào và Bắc Việt Nam (Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái) - ở VN cây này gọi là cây chè Shan tuyết.
Thu hái lá tươi về, phơi héo nhẹ khoảng 5-6 tiếng, sau đó cho vào xao trên chảo, đến 1 độ nhất định cho ra vò, rồi lại cho vào xao. Tuy nhiên ko xao đến kiệt nước như trà xanh, mà xao đến độ lá trà còn khoảng 20-25% nước thì cho ra nong phơi. Cứ phơi như thế đến khi khô thì cho vào kho để trữ (6 tháng đến 1 năm nếu muốn có thể đem ép bánh, không thì để rời cũng được - ép bánh chỉ để giữ cho trà gọn gàng dễ vận chuyển) - Đây là cách chế biến phổ nhĩ sống.
Sau khi chế biến trà này có thể trữ được hàng chục năm (tất nhiên cần điều kiện khí hậu khô, ít độ ẩm, tránh ánh sáng).
Còn 1 cách nữa là chế phổ nhĩ chín (cách này nếu cụ nào cần sâu cháu viết sau).
- Đặc trưng nước trà để 1-2 năm đầu thì nước màu vàng, vị ngái, chát đậm, hậu ngọt. Càng để lâu thì nước trà càng chuyển sang màu đỏ, vị ngọt, mùi thơm gỗ đặc trưng.
- Điển hình: Trà Phổ nhĩ Vân Nam (tên trà Phổ Nhĩ là đặt theo 1 thành phố ở Vân Nam nơi sống của đồng bào dân tộc Thái). Loại này thì sếp độ đắt, ngon theo 8 vùng sản xuất: Số 1 là Lão Ban Chương, Băng Đảo, Dị Võ, Mãnh Hải, Mãnh Tống, Bố Lãng, Hạ Quan...
Ở VN dạo gần đây có 1 số nhà làm trà cũng đã bắt đầu học phong cách chế biến này và có 1 số người cũng bắt đầu tập uống trà này. Sản phẩm nổi tiếng là ở Hà Giang, Tà Xùa, nhưng nhìn chung chủ yếu là để xuất sang Tàu làm trà nguyên liệu.
Nhà cháu cũng có gần 20 bánh để ủ chum sành, còn uống hàng ngày thì ít uống.
Cách đây mấy năm ở Tàu có cơn sốt Trà Phổ nhĩ như ở ta sốt Lan Var. giới đầu cơ tích trữ phổ nhĩn, đem đấu giá có những bánh lên hàng tỉ đồng.