Em vừa vào quốc tịch BDN năm ngoái, ông Cậu sống 40 năm ở Đức thì luôn miệng mấy năm nữa Cậu về Việt nam. Cho nên đi hay ở là quan điểm cá nhân, mỗi người có một lý do để đưa ra quyết định, đầu tiên thì nơi nào kiếm được thì đến, sau khi có tự do về tài chính thì lại cần vị thế trong xã hội, kiểu như được thể hiện, được khẳng định bản thân, rồi còn tỉ tỉ các lý do vụn vặt khác, tuy nhiên có một sự thật là được mặt này mất mặt khác, không có nơi nào là hoàn hảo với tất cả mọi người. Nếu bỏ qua cái lý do đầu tiên nhưng rất quan trọng đó là thu nhập, tức là khi đã phần nào tự do tài chính, hoặc ở cả hai nơi đều mang lại thu nhập xấp xỉ nhau thì quan niệm của em là nơi nào hòa nhập hơn thì sẽ muốn sống.
Bố Mẹ em sang đây khi ngoài 70-80, lúc các Cụ còn khỏe bao lần muốn đón các Cụ sang nhưng các Cụ không chịu, sau có tuổi chợt nhận thấy mình cô đơn ra vào không có con cái ở bên nên mới chịu sang, sang rồi thì thấy vui vì được gần con cháu. Thế nên có ý bảo người Việt có tuổi bên nước ngoài đều có nỗi buồn là không chính xác, bởi có tuổi rồi ai cũng có nỗi niềm hết, sức thì yếu, muốn làm gì lực bất tòng tâm, ham muốn không còn thì bớt hưng phấn, con cái thành bại cũng tạo ra áp lực, thử áp luôn vào các cụ trong nước xem các cụ ấy có nỗi buồn không? Nói vui là không có nỗi buồn xa xứ có khi lại buồn vì tuổi này rồi mà chưa được đi đến đâu.
Có nhiều người chưa từng ra nước ngoài, hay được nghe con em hay thằng bạn nó bảo ở nước ngoài buồn lắm abcd.. em góp thêm một góc nhìn là câu đó không hẳn là sự thật, qua chứng kiến những người xung quanh, có một số lý do để họ phải nói thế, đó là những mối quan hệ sơ giao, nếu cứ nói sướng lắm thích lắm thì mang tiếng là khoe mẽ, là mất gốc, hoặc tiếng là ích kỷ không cưu mang giúp đỡ đưa bà con sang, cho nên sau câu "ở bên này thu nhập cũng ổn, cuộc sống đầy đủ hơn trong nước.." sẽ đến câu "nhưng mà buồn lắm, chẳng có bà con họ hàng nhiều, ngôn ngữ thì bất đồng.." để tạo cảm giác cân bằng lại, làm người đối diện không cảm thấy ghen tỵ.. Tức là họ tìm những điểm thiếu để bù vào các điểm hơn chứ chưa chắc họ đã thấy thiếu như thế. Thực sự họ cảm thấy chán, họ muốn về, điều gì giữ chân họ được.
Theo góc nhìn của em, 5 năm đầu sẽ còn cảm giác buồn và nhớ nhà, 10 năm thì sẽ quen hoặc cố phải quen, 15 năm bắt đầu thấy bình thường, hơn 20 năm thì khi về chơi lại cảm thấy nhớ "nhà". Cho nên nếu nghe ai đó nói ở đây ở kia 5 năm thì bọn em thường thầm nghĩ "lính mới, còn chưa cai nhớ nhà.." chỉ muốn nói là 5 năm ở nước ngoài là quá ít ỏi, không có ý gì khác.