LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ BA.O LUK (BL) HỌC ĐƯỜNG?
Chúng ta không bao giờ có thể xóa bỏ, nhưng có thể hạn chế mạnh mẽ BL học đường và giúp các em học sinh an toàn, hạnh phúc khi đến trường. Không thể xóa bỏ, vì BL tại trường học còn liên quan đến các yếu tố như môi trường sống có tệ nạn, BL tại gia đình, cảm nhận của các em học sinh về quyền lực và nhu cầu dùng quyền lực để kiểm soát người khác,…
Phòng luôn tốt hơn chống, do vậy hãy bắt đầu từ hoạt động dự phòng BL học đường trong trường học.
Mỗi trường học được xây dựng ở các khu vực kinh tế - xã hội khác nhau, do đó, nội dung dự phòng sẽ được đặt trọng tâm tùy vào hình thức BL nguy cơ cao ở trường học đó. Thông thường, các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thiếu ổn định, nhiều tệ nạn, tỉ lệ bỏ học cao, nên quan tâm dự phòng tình trạng băng nhóm học đường và BL thân thể. Các trường ở khu vực có điều kiện phát triển hơn nên đặt trọng tâm vào BL tinh thần và các hình thức bắt nạt (bao gồm bắt nạt trực tuyến),… Các trường học nên lưu trữ số liệu báo cáo về các vụ việc BL và hình thức BL trong trường để xác định được vấn đề nguy cơ.
Một số hoạt động dự phòng sau đây có thể phù hợp với những trường học có điều kiện hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh:
Có hộp thư tâm sự, đường dây nóng, ứng dụng điện thoại,… để học sinh báo cáo các trải nghiệm BL, bắt nạt. Những báo cáo này phải được xử lý bởi bộ phận chuyên trách để xác minh, đánh giá vấn đề và hỗ trợ sớm. Bộ phận chuyên trách có thể gồm nhà tâm lý, cán bộ phụ trách thi đua – kỉ luật của trường, giáo viên chủ nhiệm của lớp có học sinh báo cáo). Việc báo cáo phải đảm bảo tính bảo mật cho học sinh. Từ khi nhà trường xác minh, đánh giá vấn đề, phải theo dõi sự an toàn và các biểu hiện của học sinh báo cáo hoặc học sinh được coi là nạn nhân, để đảm bảo an toàn cho các em.
Giới thiệu về phòng tham vấn học đường để học sinh được hỗ trợ tâm lý khi cần.
Phòng tham vấn học đường thực hiện các chương trình phòng ngừa BL, bắt nạt học đường. Một số gợi ý hoạt động gồm:
Phủ sóng thông tin đến học sinh toàn trường về những hành vi, thái độ nào là BL, bắt nạt; nạn nhân có thể cảm thấy thế nào; những hệ quả nào có thể xảy ra; vì sao một người lại BL, bắt nạt người khác; điều gì làm cho nạn nhân khó chống đỡ; khi nào người thực hiện hành vi BL, bắt nạt sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; nạn nhân có thể tìm sự trợ giúp ở đâu;… Những thông tin này được phủ sóng dưới hình thức tọa đàm toàn trường, sinh hoạt lớp, tài liệu in ấn được thiết kế phù hợp với học sinh.
Workshop nhóm nhỏ về tôn trọng sự khác biệt và tăng cường khả năng đồng cảm. Hoạt động này có thể đưa vào sinh hoạt lớp, hoặc dành cho học sinh đăng kí tự do.
Workshop nhóm nhỏ để trải nghiệm tình huống của nhân vật và cách giải quyết. Hoạt động này có thể đưa vào sinh hoạt lớp, hoặc dành cho học sinh đăng kí tự do.
Workshop xây dựng lòng tự trọng lành mạnh cho học sinh (vì khi học sinh ý thức về các giá trị bản thân mình, các em được tăng cường khả năng lên tiếng khi gặp hành vi sai trái. Lòng tự trọng lành mạnh cũng giúp hạn chế các hành vi BL, bắt nạt vì học sinh không còn cảm thấy phải tấn công người khác để bản thân được dễ chịu, đề cao hơn). Hoạt động này có thể đưa vào sinh hoạt lớp, hoặc dành cho học sinh đăng kí tự do.
Hướng dẫn cụ thể để học sinh tìm đến địa chỉ tin cậy khi bị bắt nạt, BL (chẳng hạn thành viên gia đình mình tin cậy nhất, phòng tâm lý, giáo viên chủ nhiệm, Đường dây Bảo vệ trẻ em quốc gia 111). Không chỉ đưa thông tin, cần dự phòng cho học sinh rằng một số sự thất vọng có thể xảy ra khi mình chưa được giúp đỡ ngay, chẳng hạn như người khác chưa hiểu, chưa cảm nhận được, chưa tin điều mình nói, nhưng không phải ai cũng phản ứng như thế! Hãy không ngừng tìm kiếm sự trợ giúp.
Các hoạt động này luôn cần được thiết kế và triển khai để học sinh biểu đạt chân thực điều các em nghĩ và cảm thấy, chứ không phải là gượng ép các em nhớ thông tin, lý thuyết. Để làm được như vậy, cần các nhà tâm lý hoặc thầy cô kiêm nhiệm, hoặc giáo viên chủ nhiệm có tinh thần đồng hành, tôn trọng tính cá nhân của các em.
***
Khi xảy ra sự việc BL, bắt nạt, nhà trường cần là đơn vị kết nối để giải quyết vấn đề như thông báo cho các phụ huynh; tổ chức buổi gặp mặt giữa các phụ huynh, học sinh và nỗ lực để đảm bảo không ai bị tấn công, xúc phạm trong quá trình hai bên hiểu nhau và có những hành động nhận trách nhiệm; liên hệ các cơ quan chức năng khác nếu cần. Lưu ý rằng việc chênh lệch vị thế xã hội và mức độ quyền lực, ảnh hưởng xã hội của phụ huynh có thể tạo sức ép cho buổi gặp mặt. Do đó, nhà trường và các cơ quan chức năng (nếu cần) luôn được kì vọng là những người chính trực.
Bên cạnh đó, phòng tham vấn học đường của trường cần thực hiện chương trình hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bị BL, bắt nạt. Học sinh thực hiện hành vi BL, bắt nạt cũng cần được hỗ trợ tâm lý để có thể dần dần thay đổi niềm tin, giá trị sống, tăng cường khả năng đồng cảm và giảm nguy cơ chính các em bị cô lập, BL sau này.
***
Đó là về phía trường học. Về phía phụ huynh, nên:
Tâm sự, chủ động hỏi han con. Nếu quan sát thấy con có thay đổi khác thường về tính khí, thói quen sinh hoạt nhưng con không chia sẻ gì, hãy tìm hiểu qua bạn thân hoặc nhóm bạn chơi chung (chú ý tôn trọng sự riêng tư và chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho con mà thôi).
Nếu con kể về những mệt mỏi hoặc xung đột với bạn bè, tránh những câu đánh giá thấp vấn đề hoặc chỉ trích, hoặc động viên trong lúc chưa hiểu và cảm nhận được điều con nói, như: “Chuyện trẻ con”, “Ngày xưa bố mẹ như thế suốt, có sao đâu”, “Con yếu đuối quá”, “Cố lên, con sẽ vượt qua thôi mà”. Nên hỏi những câu mở rộng để con nói hết lòng mình như: “Con thấy điều gì đang cản trở mình nhất?”, “Lần trước con nói rằng sẽ thử làm “…”, con trải nghiệm và thấy sao?”, “Con vừa nhìn theo một góc độ. Chúng ta sẽ thử nhìn theo những góc khác nhé. Không phải là bố mẹ muốn con phải thay đổi góc nhìn đâu, nhưng mình sẽ có nhiều hướng để hiểu vấn đề hiện tại ấy mà”.
Hướng dẫn con cách giao tiếp phi BL, tôn trọng bạn, biết đứng lên bảo vệ mình trong các giới hạn hành vi và đạo đức cho phép. Để làm được như vậy, phụ huynh cũng cần thực hành giao tiếp phi BL với bước đầu tiên là nhận ra những lần đã sử dụng BL trong một tuần (Có lẽ bất kì ai trong chúng ta, sống giữa các mối quan hệ, cũng có đôi lần trong tuần có hành vi mang tính BL như: quát, lườm, im lặng không trả lời người đang rất muốn nói chuyện với mình. Mục tiêu của hoạt động này không phải là cố gắng không BL nữa, mà là nhận biết được rằng, khi BL, nghĩa là mình đang gặp những giới hạn và cần tránh để làm vấn đề đi xa hơn).
Khi BL đã xảy ra, chính ứng xử của cha mẹ là hình mẫu và chỗ dựa tinh thần rất lớn cho con cái. Mọi đứa trẻ đều cảm thấy được an ủi, tin tưởng khi chứng kiến cha mẹ vững vàng bảo vệ mình. Đứa trẻ còn học được những ứng xử chính trực, có giới hạn đạo đức của cha mẹ, để ngay cả sau khi sự kiện BL qua đi, BL sẽ ít còn cơ hội xuất hiện.
***
Gần đây, một số cha mẹ khẳng định rằng nếu con bị BL, bắt nạt, nên tỏ ra cứng rắn và quyết liệt, vì nhiều khi nhà trường không phân xử và bảo vệ được nạn nhân. Cha mẹ có lý nếu bối cảnh không cho phép giao tiếp phi BL được thực hiện đúng giá trị của nó. Điều đó càng thúc đẩy các nhà trường cần có khuôn khổ và các hoạt động để dự phòng và ứng phó với BL, bắt nạt học đường. Thậm chí, những hoạt động nghiên cứu, quy chuẩn hóa, luật hóa cần được thực hiện.
PS: Thế giới đã làm vậy từ lâu. Phần bình luận có để 2 tài liệu để các anh chị em quan tâm cùng tham khảo. Thứ nhất là “Bộ hướng dẫn Dự phòng và Ứng phó với BL học đường” của Văn phòng Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Thứ hai là “Cẩm nang hướng dẫn Dự phòng BL học đường” của WHO.
Sau cùng nhưng cực kì quan trọng, rất mong các nhà tâm lý học đường, các thầy cô giáo tiểu học, phổ thông, các nhà nghiên cứu và thực hành ở những lĩnh vực liên quan, các bạn sinh viên, học sinh từng tìm hiểu về BL, bắt nạt học đường chia sẻ thêm những góc nhìn, hoạt động giúp hạn chế BL và bắt nạt học đường. Xin cảm ơn các anh chị em rất nhiều!
(Nguồn: fb của TS tâm lý học Đặng Hoàng Ngân) .
Em copy để các cụ mợ có thêm góc nhìn về BLHĐ