[TT Hữu ích] Bảo Đại (1913-1997)

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực




Đổng lý Ngự tiền Văn phòng - nơi Phạm Quỳnh từng làm việc. Sau này là Phạm Khắc Hoè kế tục. Phạm Khắc Hoè là bố của Phạm Khắc Lãm, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương từ 1988 (thay Trần Lâm)
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Trước cuộc viếng thăm ấy, tôi thật băn khoăn. Chắc chắn những sự việc này đã được sửa soạn trước, nếu không thì nhân vật này đã không dám đưa ra cho tôi một đề nghị như vậy. Tất nhiên, tôi cũng không lạ gì về một nhóm kháng chiến đã được xây dựng ở trong nước dưới sự yểm trợ của phe Đồng minh. Tôi cũng biết họ nhận vũ khí bằng thả dù. Nhưng chưa từng có lúc nào, người cầm đầu kháng chiến đã thể lộ cho tôi biết. Hơn nữa, chính phủ Pháp cũng không bao giờ báo cho tôi những tin tức thâu lượm được về những mưu toan đảo chính của Nhật. Tất cả đều để mặc tôi trong sự mù mịt hoàn toàn.
Hoàn cảnh vừa rồi thật vô cùng mới mẻ đặt cho tôi nhiều câu hỏi điên đầu. Liệu cái nền độc lập mà người Nhật đem đến này, trong hoàn cảnh thực tại được bao nhiêu giá trị? Chắc hẳn, họ cũng tặng cho các quốc gia vùng Đông Nam Á nền độc lập tương tự, và như vậy, quả là trái bom nổ chậm rồi.
Tình hình nước Nhật cũng chẳng sáng sủa gì. Quân đội của họ, nhất là về hải quân dù được xếp hạng nhì trên thế giới, vừa trải qua những trái quật ngược nặng nề. Mặc dù đài phát thanh khoa trương, ngụy tạo cách nào, tôi cũng biết rõ người Mỹ đang tiến mạnh ở Thái Bình Dương, và kể từ ngày họ tái chiếm Manille, họ đã đe dọa cắt đứt đoạn hậu của quân viễn chinh Nhật đang tham chiến tại Đông Nam Á. Hơn nữa, kể từ cuối năm 1943 và sự thất bại của phe Trục, tôi càng tin chắc Nhật Bản sẽ thất trận nay mai. Như vậy, thì thái độ của Đồng minh lúc ấy đối với chúng tôi sẽ ra sao?
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Như đa số người Việt Nam, tôi không lấy làm buồn nhiều về sự thua trận của Nhật. Chưa tới nửa thế kỷ, người Nhật đã chuyển từ thời đại Trung cổ sang thời đại tân tiến hiện đại. Sự biến chuyên quá mạnh đó làm cho họ mất trí.
Đối với chúng tôi, nhờ sự góp phần của nền văn hóa Pháp, sự biến chuyển vẫn thăng tiến từ từ, và nhờ vậy chúng tôi vẫn giữ được thế quân bình và sự bao dung, hòa hợp.
“Á châu của người Á châu” có thể là một khẩu hiệu tuyên truyền tốt đẹp đối với đại chúng. Nhưng đối với một nước nhỏ như nước tôi, nguy cơ thực sự không phải từ một nước phương Tày xa xôi, nhưng chính từ các nước lớn, mạnh ở sát kề như nước Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản. Vốn theo dõi một cách tò mò và lo âu, những cuộc hành quân của Nhật những năm trước vụ Trân Châu Cảng, tôi vẫn ngẩm ngầm có một hoài nghi đối với người Nhật rồi.
Trong lời nói của viên Đại sứ Yokoyama, có hai chi tiết làm tôi chú ý: Đó là sự nhấn mạnh của ông ta về việc gạt bỏ Hoàng thân Cường Để và sự lặng im đối với vấn đề Nam kỳ.
Tất nhiên, tôi không chú trọng đến ngai vàng, và tôi sẵn sàng hy sinh, nếu sự đó là cần thiết cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi có cảm tưởng rằng sự tồn tại của quốc gia dính liền vào triều đại do tôi lãnh đạo.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Tôi không lạ gì thái độ giả trá tôn phù của người Nhật. Nếu họ hy sinh Hoàng thân Cường Để mà giữ tôi ở lại, chính là vì họ biết tôi có những giao hảo tốt đẹp với người Pháp; như vậy, trường hợp họ thất bại, họ có thể dùng ngoại giao do đã biết lựa chọn người kể tự ban đầu. Còn đối với Nam kỳ, nếu họ ngại không dám nói, đó là họ muốn giữ lấy phần cho chính họ hầu có thể dùng làm con bài trao đổi, khi cần đến. Liệu tôi có thể bỏ qua không chấp nhận lời đề nghị độc lập khi được người đưa tặng. Nền độc lập, vốn là mộng ước của tất cả mọi người Việt Nam…
Ý thức được như vậy, tôi đã quyết định: Phải nắm trọn thời cơ, đồng thời cố gắng làm giảm thiểu những đòi hỏi và sự thâu lạm của Nhật.
Đến chiều, tôi cho triệu tập Hội đồng Cơ mật, tức Hội đồng Tứ trụ triều đình, các Hoàng thân và các Thượng thư. Khi đã đông đủ, tôi bảo cho họ biết lời đề nghị của Đại sứ Yokoyama, và cũng không giấu họ những cảm nghĩ của riêng tôi. Về phần tôi, thì sẵn sàng chịu hết trách nhiệm, nhưng tôi yêu cầu tất cả nhân viên Viện Cơ mật cùng dấn thân với tôi.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Đây là lần đầu tiên, một tuyên ngôn được toàn thể nhân viên Viện Cơ mật đồng ký kết, Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Lại, Hồ Đắc Khải, Thượng thư bộ Hộ, Ưng Hy, Thượng thư bộ Lễ, Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư bộ Hình, Trần Thanh Đạt, Thượng thư bộ Học và Trương Như Đính. Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1945, tôi cho mời viên Đại sứ Yokoyama và trao cho ông ta bản tuyên ngôn độc lập này:
“Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.
“Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường hướng của bản Tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Ả, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nên thịnh vượng chung.
“Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước này, hầu đạt mục đích nổi trên.
“Khâm thử.
“Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 trỉều Bảo Đại”.


Sau khi chính thức biết bản tuyên ngôn ngày, viên Đại sứ Nhật đến trình tôi:
- Tâu Hoàng thượng, nước Việt Nam nhờ Hoàng thượng mà thâu hồi được nền độc lập quốc gia. Nước Nhật chúng tôi xin kính mừng. Nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng chủ quyền chính thống, và Đức Đại Nam Hoàng đế là đại diện chính thức của chủ quyền này.
- Thưa Ngài Đại sứ, tôi chỉ hành động cho quyền lợi của nhân dân tôi, cho tất cả mọi thần dân, và vì nhân dân, tôi ước mong được biết với điều kiện nào, nền độc lập kia được thực hiện. Tôi cũng không giấu gì Ngài Đại sứ, là hy vọng của chúng tôi là được trông thấy xứ Nam kỳ cũng được thừa hưởng nền độc lập ấy y như Bắc và Trung kỳ vậy.
- Chúng tôi buộc lòng tâu trình Hoàng thượng rằng, xin Hoàng thượng vui lòng kiên nhẫn. Tình hình quân sự bắt buộc nước chúng tôi phải coi Nam kỳ như một điểm chiến lược, để có thể thực hiện mọi quyền hành cần thiết. Nhưng khi chúng tôi đã đạt thắng lợi nằm trong chiến lược Á châu của người châu Á, thì tất nhiên xứ Nam kỳ phải được trả về cho nước Việt Nam độc lập sau này.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Quả nhiên, tôi đã không lầm. Chúng tôi đang ở trong tay quân Nhật. Tôi không nài nỉ gì thêm, nhưng tôi trở về nhiệm vụ, vì nền thống nhất của đất nước vẫn buộc tôi nhớ làm lòng ngang với nền độc lập của quốc gia.
Trước khi cáo lui, Đại sứ Yokoyama nói thêm như gợi ý bằng một giọng gần như dò hỏi:
- Tâu Hoàng thượng, giữa lúc mà Việt Nam đi vào con đường mới, Hoàng thượng không có ý định lập một chính phủ gồm những người mới, hầu đáp ứng cho một nước muốn canh tân?
Trước sự gợi ý của viên Đại sứ, tôi đáp lại bằng một nụ cười nhẹ nhàng… Trao sự điều khiển quốc gia cho những người mới… Đó chính là một trong những mục đích mà tôi đã có ngay từ khi mới lên ngôi…
Phạm Quỳnh lại mách tôi những phản ứng đã xảy ra ở Hội đồng. Trong số các người thân cận, nhiều người đã lo lắng. Họ sợ rằng Nhật có thể thay đổi thái độ, hay cũng có thể có những hậu quả bất lợi, nếu người Pháp lại trở lại nắm quyền như cũ. Người khác thì đặt giả thuyết có thể có sự trở về của Hoàng thân Vĩnh San - tức Cựu hoàng Duy Tân - lúc ấy đã tạo được ít nhiều uy tín ở Pháp, hay sự trở về của Hoàng thân Cường Để. Trong bầu không khí ngột ngạt ấy, mọi người đều có vẻ lo âu.
Tôi lạnh lùng bảo Phạm Quỳnh:

- Ông liệu mà bảo họ im cái mồm và những sự ngớ ngẩn ấy đi. Hoàng đế, chính là Trẫm. Bảo họ đừng quên điều đó. Nếu ngày nào mà Ta phải bỏ đi, thì nước Việt Nam này không còn có triều đại nào nữa.
Mấy hôm sau, có nhiều tin chính xác về tình thế hiện tại.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Ở Huế, mặc dù bị tấn công bất thình lình, một đồn quân nhỏ bé Pháp, chỉ bị tiêu diệt sau hai mươi bốn giờ chiến đấu. Viên Đại tá chỉ huy bị giết tại trận. Vài người đóng ở bên kia sông Hương đã chạy thoát xuyên qua phòng tuyến Nhật. Khâm sứ Trung kỳ Grandjean, bị bắt và được đưa sang Lào. Những binh sĩ thoát chết bị bắt làm tù binh, nhốt ở trong thành và thường dân Pháp bị tập trung, quản thúc trong một khu vực ở thành phố!
Chính phủ Pháp không còn nữa. Lính Nhật chiếm đóng hết các công sở. Không có phương tiện giao thông liên lạc gì hết, tôi trở thành cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Thế là tôi bị đặt trong tình trạng trống rỗng ghê gớm.
Những tin tức mà tôi thu lượm được về các nơi trong nước, lại còn mơ hồ hơn nữa. Chính viên Đại sứ Yokoyama báo cho tôi biết sự bắt giam Đô đốc Decoux và toàn bộ tham mưu của Đô đốc ở Sài Gòn.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Một số đồng bào tôi, từ nhiều tháng hay nhiều năm trước, vẫn nhằm vào lá bài Nhật Bản, bỗng sống trong những giờ phút huy hoàng. Không đếm xỉa gì đến tình hình quốc tế, vốn dạy ta điều thận trọng hơn, họ lao đầu thục mạng vào sự thâu đoạt được quốc gia, hoan hô sự giải phóng này do Nhật đem cho.
Vậy thì cần nhất là phải nắm ngay lấy số người này mà lèo lái họ, như điều mà Đại sứ Yokoyama đã nói bóng gió trước đây. Trong óc tôi, người tíêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm. Ông ta đang ở Sài Gòn. Tôi biết ông ta đang có liên lạc với người Nhật, và sự có mặt của ông ta sẽ giúp tôi mọi sự dễ dàng với nhà cầm quyền Nhật. Tôi liền cho vời Đại sứ Nhật tới, và nói cho biết ý định của tôi, và yêu cầu Đại sứ làm mọi cách để Ngô Đình Diệm có thể tới kinh đô Huế gặp tôi ngay. Đại sứ Yokoyama nhận lời, và đoán với tôi là sẽ cố gắng tìm gặp ông ta. Ngày 19 tháng 3, tôi báo cho Phạm Quỳnh biết tôi sẽ tự tay đảm trách quyền lãnh đạo quốc gia. Ý thức được tình thế, Phạm Quỳnh liền đệ đơn xin từ chức tập thể của cả Nội các.
Ba tuần lễ trôi qua, mà chẳng thấy tăm hơi Ngô Đình Diệm ở đâu. Trước thúc giục ngày càng khẩn thiết của tôi, Đại sứ Yokoyama trả lời là chưa thể tìm thấy vị T.hủ tướng dự trù này. Sự chậm trễ ấy làm tôi suy nghĩ. Người Nhật rất thành thạo những sự kiện xảy ra ở Việt Nam. Cơ quan tình báo của họ rất đắc lực, và họ biết chỗ và biết cách tìm thấy nhân vật này. Về sau, tôi biết, qua ngay lời nói của Đại sứ Yokoyama là Ngô Đình Diệm không được cảm tình của chính phủ Nhật.
Tôi hiểu ngay sự ngăn cách ấy. Giới thân cận tôi đề nghị nên gọi Trần Trọng Kim, tuổi đã sáu mươi, vị sử gia này tỏ ra là người liêm khiết, một nhà hiền giả chưa từng quan tâm đến chính trị. Ái quốc chân thành, ông ta nhờ người Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapour do bị chính phủ Pháp đe dọa.
Chính tại Singapour, theo lời yêu cầu của tôi, cơ quan tình báo Nhật đã tìm ra ông, rồi cũng không cho ông biết là đưa đi đâu, đã đem ông tới Huế qua ngả Rangoon và Bangkok.
 
Chỉnh sửa cuối:

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Khi ông tới, tôi liền công khai trao cho nhiệm vụ thành lập chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tôi cũng không giấu ông ta rằng, nhiệm vụ mà tôi trao này, chỉ là nhiệm vụ chuyển tiếp, và chính phủ của ông sẽ bị hy sinh ngay sau thời gian tạm chiếm của Nhật. Trong thời gian chờ đợi này, cần phải giữ lấy nền độc lập quốc gia và thực hiện nền thống nhất đất nước.
Rất thẳng thắn, Trần Trọng Kim liền trình bày với tôi về thái độ quá khứ của ông ta. Mặc dù theo ngoài mặt, ông ta không tin rằng Nhật sẽ thắng trận. Ngược lạí, ông thấy cần phải tránh mọi cách có thể khiến kẻ xâm lăng tìm cớ nắm lấy chính quyền. Theo nhãn quan ấy, ông ta bằng lòng lập tân chính phủ.
Lập tức, ông đã hội được một số người giá trị, đều xuất thân từ nền văn hóa Pháp và ngày 17 tháng 4, ông trình với tôi chính phủ do ông thành lập. Đây là lần đầu tiên mà nước Việt Nam có được một tổ chức như vậy.
Ngoài Trần Trọng Kim giữ chức T.hủ tướng, Nội các gồm có:
- Bác sĩ Trần Đình Nam, bộ trưởng bộ Nội vụ
- Luật sư Trần Văn Chương, bộ trưởng Bộ Ngoại giao
- Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục
- Luật sư Trịnh Đình Thảo, bộ trưởng bộ Tư pháp
- Luật sư Vũ Văn Hiền, bộ trưởng bộ Tài chánh
- Bác sĩ Nguyễn Hữu Thi, bộ trưởng bộ Tiếp tế
- Bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bộ trưởng bộ Xã hội
- Luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên
- Bác sĩ Hồ Tá Khanh, bộ trưởng bộ Y tế
- ông Lưu Văn Lang, bộ trưởng bộ Công chánh.
Tất cả những vị này đều là những vị ái quốc chân thành. Họ không có hận thù gì với nước Pháp. Trẻ tuổi, can đảm, ý thức được nhiệm vụ ngắn ngủi của mình, họ muốn rằng chủ quyền quốc gia được đánh dấu khởi đầu từ họ. Sự thất trận của phe Trục đã kết thúc, sự thất trận của Nhật đang hiện lên rõ rệt. Người Mỹ đã tái chiếm Okinawa ngày 1 tháng 4 và từ ngày ấy, phi cơ Mỹ ném bom hằng ngày lên các thành phố lớn của Nhật. Tiềm lực kinh tế Nhật bị tan nát.


Chú thích thêm:
1) Luật sư Trịnh Đình Thảo sau này làm cho Mặt trận Giải phóng miền Nam
2) Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ VNDCCH, dự hội nghị Geneva 1954
3) Luật sư Trần Văn Chương là cha đẻ của bà Trần Lệ Xuân. Em ruột ông Chương là Trần Văn Đỗ sau cũng là Ngoại trưởng của VNCH
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Ngày 12 tháng 4 (1945), cái tang của Tổng thống Roosevelt không thay đổi quyết định của Hoa Kỳ, và sự lên ngôi của Tổng thống Truman ngược lại càng đánh dấu ý chí quyết thắng từng chi tiết.
Không cần biết đến thái độ mà phe Đồng Minh sẽ đối xử với Việt Nam ra sao, chính phủ Trần Trọng Kim muốn lợi dụng cơ hội để một mặt hạn chế bớt những tham lam của Nhật, mặt khác muốn tạo một sự bất khả kháng trường hợp người Pháp có thể quay về. Để chứng tỏ uy quyền của tôi trên toàn quốc, tôi liền bổ Phan Kế Toại làm Khâm sai Đại thần ở Bắc kỳ.
Ngày 8 tháng 5 (1945), tôi ban bố thiết lập một nền Hiến pháp căn cứ vào sự thống nhất đất nước, vào cần lao, vào quyền tự do chính trị, tự do tôn giáo và tự do thành lập nghiệp đoàn. Để dễ dàng áp dụng các quyền năng này, các cơ cấu mọi từng lớp được tổ chức từ thành thị đến huyện xã trên khắp lãnh thổ toàn quốc với khẩu hiệu của Việt Nam mới là “Dân vỉ quí” tức “Dân trên hết”.
Tập hợp chặt chẽ giới trẻ ở Việt Nam là điểm quan trọng thứ nhất là Nội các Trần Trọng Kim phải cố gắng. Lợi dụng các tổ chức từng được Đô đốc Decoux cấu tạo nên trước đây, do lệnh của Vichy (Chính phủ của Thống chế Pétain, dưới thời tạm chiếm của Đức Quốc Xã) viên luật sư trẻ tuổi Phan Anh - năm ấy ba mươi ba tuổi từng đỗ Cử nhân Luật khoa ở Montpellier - liền đưa họ vào đường hướng mới, để phục vụ nền độc lập quốc gia. Sự điều động giới trẻ ấy trở thành một sự ương mầm và huấn luyện cán bộ. Ở Huế, viên thứ trưởng Thanh niên Tạ Quang Bửu, là một chuyên viên về điện, mà tôi có biết. Tại Nam Kỳ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đặt tên cho phong trào này là “Thanh niên Tiền phong”. Phong trào này được Nhật nâng đỡ mạnh mẽ, nên đã đạt kết quả mỹ mãn.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Nhưng hoạt động chính của chính phủ không phải chỉ có hạn chế trong giới thanh niên. Theo một luật lệ về thuế má đặt ra ngày 23 tháng 5, những người phải chịu thuế quá nghèo, từ nay được miễn đóng thuế thân.
Đầu tháng 6-1945, tất cả các nhân viên người Pháp đều bị thải hồi, và thay thế bằng những viên chức Việt Nam. Các cơ sở của Pháp trước kia, nay hợp nhất với cơ sở của Hoàng gia, và chúng tôi được người Nhật hứa, là khi thủ tiêu toàn bộ chính phủ Liên bang Đông Dương sắp tới, các quyền lợi và trách vụ sẽ được phân phối trả về cho ba nước Việt, Miên, Lào.
Trong suốt thời gian ấy, không ngày nào mà Đại sứ Yokoyama không đến thăm tôi. Nếu ông còn giữ mọi lễ nghi theo đúng cung cách, ông đã rất cởi mở trong tất cả mọi cuộc đàm thoại. Dần dà, sợi giây tình cảm đã nở ra rất thành thực, và có thể nói là thân ái giữa tôi với ông. Ông liền cho tôi biết nhiều sự thực về hoàn cảnh ở nước ông.
Khi đến Việt Nam, người Nhật muốn áp dụng đúng như in nền cai trị của người Pháp. Đứng đầu mỗi kỳ sẽ có một viên Khâm sứ: ở Sài Gòn thì Minoda với một nhà ngoại giao. Ở Hà Nội thì Tsukamoto, còn ở Huế thì chính là Đại sứ Yokoyama. Nhưng Đại sứ than phiền rằng phía quân sự chẳng để mấy chỗ cho giới ngoại giao hành động. Thường thường, họ không để cho các nhà ngọại giao tham dự vào các cuộc họp bàn quan trọng. Giới quân sự vẫn còn tin vào sự chiến thắng của Nhật, trong khi giới dân sự biết rõ hơn về tình hình quốc tế, không còn nuôi một tí hy vọng nào nữa.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Một hôm Đại sứ Yokoyama bảo tôi:
- Tâu Hoàng thượng, thật đúng là bên văn bên võ Nhật đang chiếu điện vào mặt nhau.
Dưới đây là một thí dụ về điều mâu thuẫn này xảy ra vào cuối tháng năm mà tôi thấy rõ ràng. Tướng Tsushihasni, Tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương khi qua Huế, ngỏ ý muốn đến yết kiến tôi.
Tôi tiếp ông cùng toàn thể bộ Tham mưu tại điện Thái Hòa, nhưng không thấy Đại sứ Yokoyama đi cùng. Viên tướng nói:
- Tâu Hoàng thượng, nước Nhật đang đi đến một chỗ ngoặt về chiến tranh. Đây đã đến lúc mà nước Việt Nam chứng tỏ sự quan tâm đến nền thịnh vượng chung của khối Đại Đông Á, bằng cách đem toàn dân hợp tác với Thiên hoàng của chúng tôi. Nước Việt Nam cần phải đứng sát chúng tôi, để chiến đấu do Nhật điều khiển. Xin Đức Hoàng đế ra lệnh tổng động viên toàn quốc.
Thực sự, nước Nhật đang bị xuống dốc đậm, và tôi chẳng hứng một tí nào về đề nghị của viên Tư lệnh này. Vì thế, tôi chỉ có thể dùng một hình thức ngoại giao:
- Nền độc lập của Việt Nam còn phôi thai, thưa Đại tướng, và chính phủ chưa nắm vững toàn thể dân chúng để có thể động viên họ được. Tất nhiên là chúng tôi đã độc lập, nhưng cuộc chiến này chẳng phải là cuộc chiến của chúng tôi. Như tôi đã từng báo cho Đại sứ của quí quốc, tôi vẫn hoàn toàn tự do để quyết định về quyền lợi của nước tôi, và của dân tộc tôi.
Hơn nữa, nước Nhật hiện đang sử dụng tất cả các căn cứ quân sự ở Việt Nam, thì sự tham gia của chúng tôi cũng chẳng đưa đến một sự giúp đỡ lớn lao gì. Nước Việt Nam không có quân đội, giờ phải tổ chức toàn diện, từ trang bị, đến đội ngũ hóa, huấn luyện, tất cả đều đòi hỏi rất nhiều chi tiết tỉ mỉ, như vậy thì sự dự chiến cũng là vô ích do quá chậm.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Vài hôm sau đó, tôi cho Đại sứ Yokoyama biết chuyện ấy và hỏi ông ta sao không đi cùng Tướng Tsushihasni. Ông đáp:
- Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng đã thấy chúng tôi bị bỏ ra lề đối với phía quân sự như thế nào. Kể từ ngày Đại tướng Tojo cầm quyền Tổng tư lệnh, thì phía quân sự như thế đó. Riêng tôi, tôi vẫn không quên đề phòng sự lạc quan của họ. Tôi tin chắc rằng tất cả sự đó, đã đem lại điều không may cho nước tôi, và tôi hiểu được sự nhận xét của Hoàng thượng.
- Thưa Ngài Đại sứ, tôi quên không hỏi Ngài câu này là thái độ của quí quốc đối với nước Đức. Tại sao giữa lúc nước Đức và nước Nga đang ghìm nhau ở trước Stalingrad, quí quốc có thừa khả năng ném vào trận địa hàng nghìn người để giải nguy cho Đức, mà quí quốc lại không làm?
- Tâu Hoàng thượng, cơ quan tình báo của chúng tôi cho chúng tôi nhiều tin tức chính xác hơn của nước Đức nhiều. Chúng tôi biết điều gì đã xảy ra ở nước Nga và chúng tôi cũng rõ là người Đức không thể nào rút chân ra khỏi cái hố bùn này.
- Tôi cũng nhận thấy rằng, vào thời kỳ ấy, báo chí Nhật có loan tin quân đội Đức đang thua đậm ở Stalingrad, với một giọng điệu như thể hài lòng. Tôi đã nghĩ rằng, thái độ này có thể do điều quan ngại trái nghịch đối với hiệp ước bất tương xâm giữa Nga Sô Viết và quí quốc.
- Thật sự, tâu Hoàng thượng, nước Nhật bao giờ cũng lo ngại sự hùng cường của Đức Quốc. Nước này đang háo hức bởi một sự tự kiêu xuẩn động. Như vừa qua đã có một phái đoàn dự trù về đình chiến của Đức đến Sài Gòn. Vậy mà, tâu Hoàng thượng, có mấy viên đại úy quèn trong phái đoàn đó đã tự cho mình sánh ngang với cấp tướng tá của quân đội Nhật… thì hẳn Hoàng thượng nhận thấy sự xấc láo đó đã gây ra những sôi động như thế nào trong quân đội các của chúng tôi.
Cuối tháng sáu, Thống chế Hoàng thân Terauchi, Tổng tư lệnh quân đoàn “Nam” trong một cuộc thanh tra, có đi qua Huế, và xin gặp tôi. Đây chỉ là một sự thăm hỏi xã giao, nên tôi tiếp ông trong bàn giấy của tôi. Tuy nhiên, viên Hiệp sĩ chính cống này khi vào tới phòng đã cúi đầu xá ba xá theo như nghi lễ và đứng nghiêm chỉnh chào tôi, trước khi tôi mời ông ngồi. Người Nhật, vẫn có phong cách, tôn quân di truyền đối với thể chế quân chủ.
Thống chế đã dùng lời nói bóng bẩy về bầu thịnh vượng chung của Đại Đông Á, để gợi ý xa xôi về sự cộng tác của Việt Nam, rồi rút lui.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Tôi không bao giờ tin vào cái gọi là “bầu thịnh vượng chung của khối Đại Đông Á”. Người Nhật cũng đã đề nghị như vậy đối với các nước Cao Miên, Lào vặ Thái Lan.
Đối với tôi, tôi nhận nền độc lập mà không mấy tin tưởng, và trong trường hợp như thế này, sợ rằng sẽ rất phù du. Tuy nhiên, cũng chẳng nên phủ nhận, mà theo chúng tôi, điều đáng khen của người Nhật. Nếu các dân tộc Á châu có hăng say lao đầu vào đấu tranh cho nền độc lập của nước mình, chính là nhờ ơn người Nhật vậy. Hai chữ “độc lập “ trước khi có sự can thiệp của họ, là hai chữ thiêng liêng. Người Anh, người Pháp không dám đả động đến, chỉ cần nghe thấy đọc lên mà thôi. Người Nhật đã cụ thể hóa nguyện vọng của chúng tôi. Trong dân chúng, chắc chắn tự ái da vàng do Nhật khởi lên đã ảnh hưởng lớn mạnh, nhất là đối với giới trí thức. Ở Việt Nam, người da trắng vẫn được ăn trên ngồi trốc. Tất nhiên là chúng tôi chờ đợi một sự biến đổi, chúng tôi hy vọng biến đổi. Nước Nhật đã đánh hồi chuông thức tỉnh. Những sự thành công ban đầu của họ như đã cho chúng tôi phát thuốc hồi sinh. “Điều mà Nhật làm được, tại sao chúng tôi làm không làm?”
Bây giờ thì Nhật hụt hơi rồi. Nhật đã thua trận. Riêng cái tiềm lực thúc giục nền độc lập kia vẫn còn tồn tại.
Chúng tôi không còn phải suy nghĩ gì về hai chữ độc lập ấy nữa. Sự đoạn tuyệt với nước Pháp quả là tàn nhẫn, nhưng thực tế, cũng may, sự đoạn tuyệt ấy đã không có hận thù. Tôi chỉ còn hiểu dụ cho dân tôi và cho người Pháp, như thế là tốt đẹp. Chao ôi, nào ai muốn mua thù chuốc hận làm chi?
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Ở đây, có một tình tiết mà tinh thần Âu Tây không mấy quan tâm.
Đây là ngày quốc lễ, kỷ niệm ngày đăng quang của Đức Vua khai sáng Gia Long. Tất cả triều đình đều bận phẩm phục đại trào để chờ hành lễ. Cũng là lần đầu quốc lễ này, vốn là lễ trọng đại hàng năm, đã không có đại diện của Pháp hay ngoại quốc tham dự. Cờ Long tinh của hoàng gia tung bay trước cửa Ngọ Môn. Là Đại giáo chủ, tôi đợi ở điện Thái Hòa trước khi một mình ra lăng để thay mặt toàn dân, làm lễ phụng thờ tiên đế. Đúng lúc tôi vừa bước lên kiệu, thì chiếc sà ngang to lớn rơi đúng chỗ tôi ngồi trước.
Mẫu thân tôi bảo: “Đây là điềm báo trước. Thần linh đã mách bảo đây là chỗ ngoặt của đời con, con nên đề phòng...”
Nên hiểu rằng, từ thượng cổ, số mệnh của Hoàng đế gắn liền vào số mệnh của cung điện. Cùng thể chất, nên có sự cấu tạo tương đồng. Các nhà chiêm tinh và học giả đã giảng như vậy (Âm cơ, dương trạch theo khoa Địa lý). Người, súc vật, cây cối, đất đá ở cùng một nơi, đều chịu chung ảnh hưởng của vũ trụ và phong thủy, chẳng rõ từ đâu đưa tới. Bởi vậy, nên đã có sự tương ứng giữa người và vật. Như trong hoàng cung, nếu có một hiện tượng xảy ra đối với một kiến trúc quan trọng nào, đều liên hệ đến bản thân Hoàng đế.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Tháng sáu, chính phủ Trần Trọng Kim lại đạt được hai điều tốt đẹp nữa: Đó là lời hứa hẹn vào tháng tám, sẽ được trao trả tất cả các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền, và sự trả lại các nhượng địa Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng, và Tourane. Thêm vào đó lệnh ân xá toàn thể các chính trị phạm, và cho phép mọi đoàn thể chính trị được hoạt động công khai được ban bố. Mặc dù đạt nhiều thành quả như vậy, cũng như những hình thức dân chủ này, chính phủ vẫn gặp khó khăn ngày càng nhiều. Và vấn đề Nam kỳ vẫn còn lơ lửng chưa dứt khoát. Tuy nhiên, tôi không bỏ hy vọng sát nhập Nam kỳ vào Tổ quốc, và cũng không bao giờ quên sự quan tâm ấy của tôi.
Trong một dịp yết kiến tôi của Đại sứ Yokoyama, Đại sứ có đệ trình tôi một văn thư của Quốc vương Shihanouk đòi xét lại vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Cao Miến. Đại sứ yêu cầu tôi mở một cuộc thương thuyết với vị thiếu vương hước Cao Miên này. Tôi đáp:
- Thưa Ngài Đại sứ, làm sao mà tôi giải quyết được vấn đề này. Nó vốn nằm trong phần đất chưa thuộc thẩm quyền của tôi. Xin nước Nhật hãy trả lại cho tôi xứ Nam kỳ, sau đó tôi mới có thể xét lại vấn đề này được.
Viên Đại sứ không nài nỉ nữa. Tình thế mỗi ngày một suy thoái. Những cuộc oanh tạc càng gia tăng, cô lập thực tế miền Bắc, nên dân chúng đã sống những giờ phút vô cùng nặng nề. Những sự thiệt hại trong những vùng kỹ nghệ ở Bắc kỳ nhiều không kể xiết. Ở Sài Gòn, các bến tàu không thể sử dụng được nữa. Một bộ trưởng trong chính phủ của chúng tôi đã bị máy bay oanh tạc chết trong khi đi chuyển. Tất cả những tin tức đó đến tai tôi từng đoạn một, làm tôi lo ngại vô cùng.
Hơn nữa, tôi thấy như có sự quá trớn trong đầu óc mọi người. Phần đông, cho rằng độc lập dính liền vào sự thủ tiêu mọi quyền năng, định lệ. Thuế má không thu được. Sự chống đốì khắp nơi. Tại vì chính phủ không có sức mạnh giữ an ninh, trật tự. Các cơ quan cảnh sát và bảo an không có cấp chỉ huy, nên bất lực. Chỉ riêng người Nhật là có khả năng thực hiện trật tự, nhưng tôi đã từ chối nhờ họ can thiệp.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Giữa những sự rối bời đó, nhiều tin tức đã đến với tôi. Tin tức này do Thứ trưởng Bộ Thanh niên Tạ Quang Bửu đem lại. Đây là một chuyên viên nhà máy điện trung ương mà tôi có dịp thường gặp. Nhiều lần, ông ta bảo cho tôi biết, có một nhóm kháng chiến đã thành lập ở vùng Thượng du Bắc kỳ, xung quanh tỉnh Cao Bằng. Bọn này mang danh là “Mặt trận Việt Minh,” do một người có tên là Võ Nguyên Giáp điều khiển, mà Tạ Quang Bửu nói đến một cách say sưa. Trong nhiều cuộc đánh du kích với quân Nhật, mặt trận Việt Minh này đã có liên lạc với Đồng Minh Trung Hoa và Mỹ cũng như với người Pháp và cả với viên Khâm sai của tôi ở Hà Nội là Phan Kế Toại nữa. Nhưng tôi không rõ sự xác nhận gì của ông ta, do đã dứt liên lạc. Ngại rằng làm phiền đến người mang tin, tôi không hỏi thêm về nguyên nhân những tin này cũng như hình thức nào đã đến với ông ta.
Trong bầu không khí ấy, ngày mùng 6 tháng 8 nổ ra tiếng sấm Hiroshima. Ba ngày sau, trái bom nguyên tử thứ hai nổ ở Nagasaki. Kể từ lúc ấy, tôi được viên Đại sứ Yokoyama báo cho biết tin tức hàng ngày. Ông ta cho biết ngày 11, Nga Sô Viết đã tuyên chiến với Nhật. Thủ tướng Trần Trọng Kim đệ trình tôi đơn từ chức, tôi yêu cầu ông giải quyết các vấn đề thường trực cho đến lệnh mới.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Mãi đến ngày 16 tháng 8, Đại sứ báo cho tôi biết Nhật hoàng đã gởi thông điệp ra lệnh ngưng chiến. Viên Đại sứ lão thành này, mắt đẫm lệ, mang tin này đến cho tôi:
- Bọn quân phiệt đã làm cho chúng tôi thua trận… Tâu Hoàng thượng, đối với nước Việt Nam đây là ngày đại vinh quang. Theo thỏa ước của chúng tôi, đất Nam kỳ kể từ nay được đặt dưới quyền uy của Hoàng thượng. Còn đối với khối Đại Đông Á… (ông ta không nói hết câu).
Chính tôi cũng vô cùng cảm động. Nguyện vọng mà tổ tiên tôi theo đuổi không đạt thì nay tôi đã đi tới đích. Nước Việt Nam đã thống nhất và độc lập. Những nỗi đau thương mà dân tộc tôi phải chịu, không còn là vô ích nữa.
- Thưa Ngài Đại sứ, một chiều hướng mới bắt đầu cho nước Việt Nam, là nhờ ở Nhật. Tôi trân trọng xin Đại sứ vui lòng báo cho ban chính trị đầu não hãy ngưng lại mọi sự can thiệp vào nội bộ nước tôi. Mong rằng các vị Tổng trấn hãy tự giải nhiệm. Tôi đã có viên Khâm sai ở Hà Nội. Viên Khâm sai ở Nam kỳ mà tôi đã bổ nhiệm, sẽ rời Huế vào Sài Gòn ngày mai.
 

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Vào giờ phút lịch sử ấy, T.hủ tướng Trần Trọng Kim vốn quan tâm đến sự tập họp mọi lực lượng quốc gia, đã lập ra một Uỷ ban Cứu quốc, và ngày 18 tháng 8, ra một tuyên ngôn kêu gọi các đảng phái chính trị đồng thanh hưởng ứng phong trào cổ võ nền thống nhất và độc lập quốc gia. Cũng ngày hôm ấy, để tỏ tính chất nhất định về nền độc lập kia, đối với mọi cường quốc trên thế giới, tôi đánh điện cho Tổng thống Truman, cho Quốc vương George VI, cho Thống chế Tưởng Giới Thạch và cho Đại tướng De Gaulle. Mặc dù những quyết định của thỏa ước Potsdam, do Đại sứ Yokoyama chuyển báo, tôi không điện cho Stalin. Tôi đã chọn thế đứng của mình.
Trong thông điệp gởi cho Tướng De Gaulle, tôi cố gắng giữ gìn khiêm tốn và ưu ái:
“Tôi muốn tỏ bày cùng dân tộc Pháp, tỏ bày với xứ sở của thời niên thiếu của tôi. Tôi cũng muốn tỏ bày cùng vị quốc trưởng, và anh hùng cứu quốc, tôi muốn tô bày bằng tinh bằng hữu hơn là giữa vị trí quốc trưởng với nhau.
“Quí bạn đã trải qua bốn năm đau khổ mà không thể biết rằng dân tộc Việt Nam, từng có hai mươi thế kỷ lịch sử, từng có một quá khứ luôn rất vinh quang, không muốn nữa, không thể chịu đựng được nữa, bất cứ sự đô hộ nào, củng như bất cứ một nền thống trị ngoại lai nào.
“Quí bạn sẽ hiểu rõ hơn nếu quí bạn trông thấy những gì đã xảy ra ở nơi đây, nếu quí bạn cảm thấy ý chí cương quyết đòi độc lập, đã nung nấu tự đáy mọi con tim mà không một sức mạnh nhân tạo nào có thể dập tắt được. Giá quí bạn có đạt sự tái lập nền cai trị Pháp, thì nền cai trị đó cũng chẳng ai tuân theo mà: mỗi một làng sẽ là một tổ kháng chiến, mỗi một cựu cộng sự viên sẽ là một kẻ thù, và các viên chức các di dân của quí quốc, chính họ cũng chỉ còn mong thoát ra bầu không khí ngột ngạt này.
“Tôi xin quí bạn hãy hiểu cho rằng, phương tiện duy nhất để quí bạn bảo tồn được quyền lợi của Pháp, và bảo tồn nền văn hóa Pháp ở Đông Dương, chính là sự chấp nhận thành thực nền độc lập của Việt Nam và sự từ chối mọi tư tưởng tái đặt chủ quyền và nền cai trị Pháp bất cứ dưới hình thức nào.
“Chúng ta có thể hiểu được nhau dễ dàng, và trở thành bạn tốt, nếu quí bạn đừng có dụng ý muốn trở lại làm chủ nhân ông của chúng tôi.
“Kêu gọi lòng công bằng, bác ái của lý tưởng tự do của dân tộc Pháp đã rạng danh sáng láng khắp nơi, kêu gọi sự khôn khéo cao thượng của vị Tổng thống lãnh đạo nước Pháp, chúng tôi ước ao rằng hòa bình và hạnh phúc vui tươi đang đến với khắp các dân tộc trên thế giới, cũng được lan tràn cho tất cả dân chúng từ địa phương đến ngoại kiều sống trên bản đảo Đông Dương”.


Tại Huế, dân chúng cúồng nhiệt, như đắm chìm trong sự hân hoan. Đó là một không khí của hội hè, tất cả đều vui mừng náo nức trong ý nghĩa của độc lập, nhưng cũng có nhiều điều lo ngại, vì thiếu các phương tiện để thực hiện cụ thể được.
 
Chỉnh sửa cuối:

Ngao5

Vũ Trụ
Người OF
Biển số
OF-44803
Ngày cấp bằng
28/8/09
Số km
56,454
Động cơ
1,138,198 Mã lực
Bảo Đại kể về chuyện thoái vị như thế nào
Giữa sự xáo trộn lung tung đó, nhiều tin tức xấu đã đến với tôi. Nguyễn Văn Sâm, Khâm sai ở Sài Gòn đã không thể nào nhận được nhiệm vụ của mình. Ông ta có thể đã bị ám sát ngay sau khi rời Huế. Ai giết?… Ở Hà Nội, nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra. Ngay sau khi quân Nhật đầu hàng, quân cảm tử của Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện trong thành phố. Dưới mắt quân Nhật bất động, họ đã mở các nhà tù, tạo nên một lớp quân ô hợp, nhưng bất lương, tàn bạo. Ngày 17 tháng 8, theo sự khích động của họ, đã có một cuộc biểu tình tập họp với hai vạn người trước Nhà Hát Lớn. Họ hoan hô nền độc lập, thay đổi cờ mới, màu đỏ có ngôi sao vàng, mà người taà nói là được quân cảnh Nhật tạo ra. Cờ vàng quẻ ly bị xóa bỏ…
Ngày hôm sau, Khâm sai Phan Kế Toại phải bỏ nhiệm sở, và bị thay thế bằng một Uỷ ban Lâm thời, và vô danh. Ngày 19, đoàn quân cảm tử Việt Minh được tăng cường thêm một số người cuồng nhiệt reo hò ầm ĩ, và tiến chiếm các công thự: dinh Khâm sai, tòa án, trụ sở bộ Tài chính, trường đại học, trường trung học… Chằng những người Nhật chịu trách nhiệm về an ninh, đã bất động, mà còn trao từng kho khí giới của đoàn Bảo an cho họ.
Những tin đó đến tai tôi với ít nhiều lệch lạc. Từ Nam kỳ, tin tức còn mơ hồ hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh tụ Thanh niên Tiền phong, ngày 13 tháng 8, có lẽ đã cầm đầu mặt trận quốc gia trước khi thành lập một Uy ban Lâm thời xứ bộ Nam kỳ đặt ở dinh Toàn quyền cũ, dưới sự chủ tọa của một nhân vật tên Trần Văn Giàu, mà Tạ Quang Bửu bảo cho tôi biết thuộc phong trào Việt Minh. Ở Sài Gòn cũng vậy, quân Nhật không có phản ứng gì.
Nặng nề hơn nữa, khắp nơi đã có những vụ ám sát và mất tích, thường là đối với các nhân vật quốc gia.

Tại Huế cũng có những vụ rải truyền đơn, và đã có nhiều nhóm theo lệnh bí mật, đã tập họp và kéo vào trong thành, sát ngay hoàng cung.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top