Bảo Đại kể:
"Ngày 28 tháng 4 năm 1922, tức ngày mùng 2 tháng 4 năm thứ 7 đời Khải Định, lúc ấy tôi mới lên chín tuổi.
Từ tảng sáng, khi tiếng thần công nể vang, báo hiệu giờ khai triều, các quan đủ mọi phẩm trật, vận đại trào đều đến chật sân chầu, trong khi các quan thuộc bộ Lễ âm nhạc dẫn đầu, kéo đến điện Cần Chánh, để mang các bảo vật dành cho tôi, xếp để lên bàn: một sắc phong khắc lên giấy bằng vàng, ân vàng. Sắc để trong một ông quyển, có giá sơn son, đầu giá có hình đầu chim Phụng, bằng vàng.
Sắc chiếu này có kèm ngọc tỉ của Hoàng triều, và đề ngày 10 tháng 3 năm 1922, chứng tỏ đường lối chính trị khôn khéo của cha tôi:
“Để tập hợp các phương hướng dị biệt trên toàn quốc, đưa non sông về một mốì duy nhất, cần phải có một chính quyền trung ương vững mạnh. Để đặt chính thể vào một vị trí vững chãi, bất khả xâm phạm, cần phải bảo đảm cho Ngai Vàng một căn bản liên tục, đã được dự trù hoàn hảo. Căn cứ vào đường lối ấy, Hoàng triều liệt thánh trước đây bao giờ cũng chọn lựa. sẵn ngôi Đông cung Thái tử, để nốì ngôi và phụng thờ tôn miếu.
“Con trai cả Trẫm, Vĩnh Thụy, được giáo huấn nơi cung điện, hãy còn nhỏ tuổi. Học vấn mới sơ khai, ngọc còn chưa dũa đến nơi đến chốn. Trẫm vẫn muốn chờ đợi đến một ngày khác, khi Hoàng tử đã khôn lớn, có đủ Đức, Tài, mới tấn phong cho làm Đông cung Thái tử.
“Tuy nhiên, gần đây, Hội đồng Tôn nhơn phủ và Cơ mật viện Đại thần đều đồng thanh khẩn cầu Trẫm làm lễ tấn phong cho Thái tử lên chức Đông cung kế vị Trẫm sau này. Các vị Đại thần đã bảo nhau rằng: Một vấn đề trọng đại cho triều đình như vậy, cần phải được hoàn tất ngay, hầu ban bố cho toàn thể dân chúng biết là tương lai của họ đã được trao cho ai. Như vậy, sẽ tránh được những dòm ngó của kẻ vô chính thức, khỏi sinh lòng kia khác.
“Sau những suy tư tương tự, Trẫm cũng nhận thấy rằng, việc nối ngôi vốn là một trách nhiệm nặng nề, việc tấn phong sẽ là một sự cần thiết, có tầm quan trọng lớn lao.
“Bởi vậy, Trẫm nghĩ rằng nên tham khảo ý kiến bên quốc gia bảo hộ về vấn dề này.
“Ngày 25 tháng giêng năm nay (ngày 21 tháng 2 năm 1922), quan Toàn quyền Đông Pháp đã tới yết kiến Trẫm tại kinh đô Huế, và cho biết là chính phủ Cộng hòa Pháp quốc cũng như chính phủ Bảo hộ Nam triều, đều hân hoan chấp nhận dự định tấn phong này.
“Quan Khâm sứ Trung kỳ cũng nhận định y như quan Toàn quyền Đông Pháp là nước Pháp bảo hộ thân hữu rất quan tâm đến sự củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, và sự thịnh vượng của Việt Nam, nên chính thức loan báo công nhận đề cử con Trẫm lên làm người kế vị Trẫm sau này.
“Dĩ nhiên, nào ai biết chắc được tương lai của mình? Nhưng nếu được chuẩn bị sẵn sàng, thì bao giờ cũng dễ dàng đôi phó trước mọi bất trắc bất ngờ.
“Trước sự đồng nhất thỉnh cầu của các bậc Đại thần, và sự tha thiết của quí quan Đại Pháp, đại diện chính phủ Bảo hộ, hằng quan tâm đến sự bền vững của Ngai Vàng, Trẫm đã quyết định xin ý kiến của hai Đức Hoàng thái hậu, và đã được hai Ngài chấp thuận.
“Bởi vậy, Trẫm chiếu phong cho con trai cả Trẫm, Vĩnh Thụy, lên chức Đông cung Thái tử, sẽ kế vị Trẫm làm Hoàng đế Việt Nam, và được ngự tại An Định cung phía Đông Hoàng cung.
“Tòa Khâm thiện giám được chỉ định tìm ngày lành tháng tốt, để làm lễ tẩn phong cho Thái tử, ngày yết kiến Thái miếu, và đặt chương trình cho ngày lễ long trọng này. Tòa Khâm thiên giám sẽ tấu trình ngay Trẫm, để được chấp thuận và thi hành.
“Khâm thử”