Cháu có chút tham gia nho nhỏ, vì cũng tìm hiểu về mấy mô hình giáo dục tư từ những năm 2008.
Về cơ bản, giáo dục được chia ra: giáo dục từ nhà trường, từ gia đình, từ xã hội.
Lựa chọn một mô hình nào đều cần có những tiêu chí nhất định từ gia đình/bố mẹ của các bé trên cơ sở có được thông tin, hiểu về đặc thù của mỗi mô hình.
Và một yếu tố quan trọng là hiểu được: tính cách, sở thích, sở trường, sở đoản của các bé trên cơ sở đó lựa chọn mô hình phù hợp với những tiêu chí mình đưa ra, sao cho bản thân các tiêu chí không mâu thuẫn với nhau.
Ở miền Bắc, các mô hình giáo dục dân lập ra đời và rộ lên khoảng những năm 2008-2012, thời kì này ngoại trừ những trường quốc tế hoặc có thâm niên ra đời trước đó hơn 5 năm, còn lại hầu hết cũng là....mầy mò thử nghiệm. Giáo dục công lập giai đoạn trước 2008 còn có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố hoặc chính các khu vực ở các thành phố lớn.
Sự ra đời của các mô hình giáo dục dân lập cũng tạo sự cạnh tranh nhất định và gây một số áp lực lên hệ thống giáo dục công giai đoạn từ sau 2010 về sau.
Giai đoạn Vinschool ra đời năm 2014 là khởi đầu một sự bùng nổ về giáo dục tư, các hệ thống như Vinschool giành giật rất nhiều giáo viên tốt của hệ thống trường công lập và cả dân lập trên địa bàn và vùng phụ cận.
Cũng giai đoạn này, các trường công lập áp dụng một số phần mềm quản lý, liên lạc và chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất cũng được thay đổi tích cực để giữ giáo viên và học sinh.
Nói về việc lựa chọn trường, lớp cho con trẻ ta cần hiểu về các định hướng từ gia đình trong đó gồm các môn văn hóa, ngoại ngữ, kĩ năng.
Cho con học trường công lập, gần nhà thuận tiện việc đưa đón trẻ những cần sự hiểu biết, hỗ trợ từ gia đình/bố mẹ cùng thời gian cho phép.
Lựa chọn một số trường công tốt (thường ở các quận trung tâm cũ), các trường này có nền nếp và truyền thống nhiều năm. Tuy nhiên xin lưu ý “chọn trường không bằng chọn thầy”, vì thầy cô có ảnh hưởng rất quan trọng đến tâm lý thích thú hay ngại học của trẻ, nhất là các bạn học các cấp tiểu học, THCS. Điều này trường dân lập làm tốt hơn hẳn, vì các giáo viên được tuyển chọn, đào tạo theo định hướng giáo dục của nhà trường. Ở trường công lập có một hạn chế cơ bản là nền tảng bạn bè và sự không đồng đều của các gia đình cùng lớp, trường.
Với giáo dục tư, không tính đến các mô hình trường quốc tế sẽ có khoảng 3-4 mô hình khác nhau chia theo học phí, qui mô, định hướng giáo dục.
- Các trường áp dụng quản lý và giáo dục gần giống trường công lập, số giờ học ngoại ngữ ít, học phí khiêm tốn 5-7tr/tháng
- Các trường có quy mô nhỏ vài trăm học sinh và có 1 cơ sở
- Các trường có số học sinh khoảng trên 1 ngàn: thường là các trường song ngữ với khoảng 8-14 giờ ngoại ngữ mỗi tuần, học phí khoảng 12-15tr/tháng: Gateway, Hanoi Academi, Wellsprings, Olympia,
- Các trường có hệ thống lớn mạnh tới vài chục ngàn học sinh: hiện có Vinschool với hai hệ giáo dục: tiếng Việt và tiếng Anh hệ Cambridge học phí khoảng 8-10tr/tháng và 15-16tr/tháng.
Lựa chọn các trường dân lập thường các gia đình bận bịu, bố mẹ thu nhập khá chịu được mức học phí khá cao và tâm lý cho con học nhàn, ít áp lực và có chút ngoại ngữ.
Tuy nhiên, nếu khả năng học các môn văn hóa của trẻ ở mức trung bình, nhất là các bạn con trai rất dễ hổng kiến thức, nhất là các năm bản lề quan trọng ở các cấp học. Việc này ở các trường dân lập được chú ý hơn. Dĩ nhiên, dù học ở đâu cũng cần sự quan tâm, theo sát và hiểu trẻ của bố mẹ chúng. Cứ phó mặc cho cô thầy và nhà trường thì chỉ có thể an tâm phần nào ở mô hình các trường quốc tế thực thụ với mức học phí đắt…điên: 30-60tr/tháng.
Các mô hình giáo dục tư: song ngữ chất lượng cao, bán quốc tế sở dĩ thu hút được một bộ phận không nhỏ những học sinh và gia đình bởi họ không tin tưởng vào giáo dục công lập nhiều tiêu cực, họ muốn con cái được quan tâm, được an toàn, sạch sẽ, được chăm sóc và đôi khi theo…trào lưu và nghe cho sang.
Nhưng cá nhân tôi luôn đề cao quan điểm: chọ trường tốt cho con chính là chọn cho con một nền tảng bạn bè, quan hệ tốt mà các trường khác không có được.
Giáo dục là cả một quá trình, muốn thay đổi bạn và gia đình phải cực kì kiên trì, dành nhiều thời gian tìm hiểu, hỗ trợ trẻ, nâng cao nhận thức giáo dục trẻ nhất là khâu tâm lý. Nhiều khi, với các bậc cha mẹ Việt nhìn chung còn hạn chế kiến thức về giáo dục, dù chọn cho con những trường tốt nhưng tư duy giáo dục của gia đình/bố mẹ chưa bắt kịp thì sản phẩm giáo dục của chúng ta vẫn nửa vời, ngoài mong đợi và kì vọng của chính chúng ta. Do chính chúng ta tự đặt các mốc cao quá, không mang tính thực tế và không sẵn sang thay đổi theo sự thay đổi của xã hội, của chính con cái chúng ta.