Trích
Hồ Quốc TuấnGiảng viên, Đại học Bristol, Anh
‘Trường quốc tế’
Đang ăn trưa, cậu bạn học cũ rút ra tấm danh thiếp: “Tao mới đầu tư vào trường quốc tế này, vô hội đồng quản trị”.
Đó là một ngôi trường mà tôi đã nhìn thấy khi đi qua Quận 3, TP HCM. Tòa nhà mới sơn màu trắng, đỏ, rất hiện đại, có nhiều hình ảnh giới thiệu hấp dẫn bên ngoài, khác với phong cách đơn điệu của nhiều ngôi trường công lập khác. Nằm bên con đường thuộc loại đắt đỏ nhất trung tâm, tòa nhà đính cái biển "trường quốc tế" to đùng. Mỗi lần về Sài Gòn thăm nhà, tôi lại thấy có thêm "trường quốc tế" mọc lên, và lần này là trường mà một trong những ông chủ là bạn tôi.
Cũng nhiều lần đi qua chúng, tôi đã tự hỏi "như thế nào thì được công nhận là một trường quốc tế? Sự quốc tế của nó nằm ở chỗ nào?". Ngay cả khi có người trong nhà làm việc cho chi nhánh của một trường quốc tế, tôi đã hỏi, và nhận được câu trả lời qua loa, đại ý là không có chuẩn mực gì cụ thể đâu.
Nay, thằng bạn cũ sau khi thành đạt từ đầu tư đất và chứng khoán bỗng trở thành nhà đầu tư giáo dục, tôi hồ hởi nhờ cậu lý giải. Hóa ra anh chàng cũng lơ mơ. "À thì có người nước ngoài làm cổ đông, có giáo viên nước ngoài, có dạy song ngữ, cơ sở vật chất tốt hơn trường công, lớp ít học sinh hơn, có nhiều chỗ chơi", kể ra chừng đó, cậu gần như không định nghĩa được thế nào là trường quốc tế, và cũng không quan tâm quốc tế thật hay giả thì có làm sao.
Về bản chất, các ông bà chủ là những nhà đầu tư. Vậy nên, đến khi tôi hỏi về tiềm năng sinh lời, cậu tính vanh vách số học sinh, con số tăng trưởng, chi phí, lợi nhuận, và đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất của trường. Trong câu chuyện hôm ấy, hoàn toàn vắng bóng những bàn cãi về chất lượng giảng dạy, trải nghiệm của học sinh, dịch vụ hỗ trợ, những yếu tố cơ bản về chất lượng giáo dục đúng ra cần được quan tâm nhất.
Tôi nổi máu tự ái của nghề dạy học, "tụi mày xem học sinh như cừu mà đếm rồi tính xén lông chia lợi nhuận hay sao?". Hai thằng bạn quanh bàn café đều cười hì hì, chuyển đề tài qua chuyện khác. Riêng tôi vẫn lấn cấn về sự nhập nhằng khái niệm "trường quốc tế". Nó đã trở thành một mỹ từ marketing, cái mác để người ta khoe với nhau cho oai chứ tôi chưa thấy có bảng xếp hạng nào công khai, với bằng chứng cho thấy trong số hàng trăm trường quốc tế khắp Việt Nam, trường nào chất lượng cao, trường nào chất lượng thấp như ở nhiều nước.
Đến tận tuần trước, theo dõi câu trả lời của cơ quan chức năng về sự việc ở Trường Quốc tế Gateway, tôi mới biết Việt Nam không có quy định hay tiêu chuẩn thế nào là trường quốc tế. Luật giáo dục Việt Nam không hề có khái niệm "trường quốc tế". Trưởng phòng Giáo dục đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Phạm Ngọc Anh, khẳng định: "trên địa bàn quận không có trường nào là trường quốc tế mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài... việc có thêm chữ quốc tế trong tên trường chỉ là cách để nhà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh".
Việc loạn tên trường quốc tế không thể xem giống như chuyện một doanh nghiệp thích đặt tên có từ "quốc tế" hay "vũ trụ" đều được vì giáo dục là loại hình kinh doanh chất lượng con người. Sản phẩm giáo dục khó nhìn thấy bằng mắt và rất khó đong đếm, đặc biệt với người bỏ tiền ra mua. Trong trường hợp này, vì mỹ từ "quốc tế", nó khiến nhiều người dân vì thiếu thông tin cộng với sự không rõ ràng trong quảng cáo của nhiều trường đã ngầm định học trường quốc tế là "chất lượng quốc tế", tức là tốt hơn mặt bằng chung của số đông trường Việt Nam. Và tiền học phí cũng theo đó mà quốc tế hóa.
Ở Anh và Úc, người dân có rất nhiều thông tin về chất lượng của từng trường học ở mọi cấp bậc theo từng chỉ tiêu, và dễ dàng tra cứu trên trang web chính thức của chính phủ. Ở Anh nơi tôi sống, nếu tìm hiểu chất lượng một trường, mọi người đều có thể vào trang web của chính phủ đuôi "gov.uk" rồi tìm mục "tìm và so sánh các trường ở Anh" để có các thông tin về chất lượng đào tạo của trường họ muốn biết thông qua các chỉ tiêu như: điểm học Toán, Lý, điểm đầu ra A-level của kỳ thi chuẩn hóa lấy điểm để nộp vào đại học... của tất cả học sinh.
Ngoài hàng chục chỉ tiêu cơ bản ở đó, cơ quan chức năng còn cung cấp cho người dân những chỉ tiêu xếp hạng trường học khác, chẳng hạn như xếp hạng của Ofsted (tạm dịch là Cục quản lý chất lượng giáo dục) về dịch vụ và đào tạo kỹ năng cho trẻ em. Nhìn chung, trường có xếp hạng Ofsted cao thì được nhìn nhận là trường tốt. Bởi thế mà những trang web tìm nhà ở Anh như Rightmove có hẳn một bộ lọc kiểm tra trường xung quanh ngôi nhà đó có xếp hạng Ofsted cao hay thấp cho người mua nhà tham khảo. Có những nghiên cứu cho biết xếp hạng Ofsted là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng lên giá nhà.
Ngay cả một nước cùng khu vực là Thái Lan, cũng có định nghĩa "trường quốc tế" với những điều kiện nghiêm cẩn từ nhà nước. Muốn mở cái gọi là "trường quốc tế", phải đăng ký với Bộ Giáo dục, phải có xác nhận của một tổ chức giáo dục quốc tế được chính phủ thừa nhận, phải dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính,... kèm không dưới 20 điều kiện khác từ cơ sở vật chất đến nhân sự. Và quan trọng nhất, họ định nghĩa "quốc tế" bằng việc không được phép quá 50% học sinh là người Thái. Tức là "trường quốc tế" ở đây phục vụ cho một mục đích rõ ràng là làm cơ sở học tập cho công dân quốc tế tại Thái Lan.
Còn ở Việt Nam, tại sao có những ngôi trường tự nhiên gắn mác "quốc tế", tự khoe là mình có "đẳng cấp quốc tế"? Lý do cả xã hội chấp thuận việc này có phải vì sự đầu tư hào nhoáng bề ngoài của cơ sở vật chất, có vài "ông bà Tây" trong đội ngũ, chương trình học có dạy bằng tiếng Anh, hoặc chưng thêm cái biên bản ký kết với tổ chức giáo dục nước ngoài nào đó? Và rồi một ngày, người dân phát hiện ra có trường quốc tế "nói vậy mà không phải vậy", hay có sự cố xảy ra, đại diện cơ quan chức năng sẽ phát biểu là "không có quy định về trường quốc tế".
"Loạn tiêu chuẩn, danh xưng đang là một vấn nạn của Việt Nam", thầy tôi ở Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét. Vì sự nhập nhèm về tiêu chuẩn, danh xưng, người ta sẽ tung hô những câu chuyện thành công ảo trên các phương tiện truyền thông. Cùng với sự buông lỏng của nhà quản lý, những mẫu hình "thành công" đó sẽ còn được nhân rộng.
Chúng ta không khuyến khích việc luật pháp can thiệp vào việc đặt trên trường học như một loại giấy phép con. Song tôi cho rằng Bộ Giáo dục cần ban hành ngay một Quy chuẩn kiểm tra chất lượng trường học bằng danh sách các tiêu chí, số liệu thống kê công khai minh bạch về cơ sở vật chất, số học sinh, điểm đầu vào, đầu ra, kết quả học tập, độ đa dạng của học sinh, tỷ lệ giáo viên trên số học sinh và các số liệu thiết yếu khác để xác định năng lực một ngôi trường. Dựa vào những thông số đó, phụ huynh, nhiều tổ chức tư nhân và các phương tiện truyền thông có thể tự đưa ra những phân tích, xếp hạng riêng của họ như ở nước ngoài để công chúng được biết và lựa chọn.