Điều gì khiến Mỹ chưa thể tấn công Triều Tiên?
Từ lâu, Mỹ đã muốn đánh dứt điểm Triều Tiên để cắt "cơn đau" dai dẳng. Tuy nhiên, họ chưa thể làm thế vì đó là hành động quá mạo hiểm.
Giờ G chưa điểm
Thứ nhất, Nếu chiến tranh Mỹ - Triều Tiên nổ ra, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị vạ lây. Với kho vũ khí gồm hàng trăm tên lửa, lực lượng bộ binh hùng mạnh...cùng bom hạt nhân, thì Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là những mục tiêu "vừa sức" của Triều Tiên. Thủ đô Seoul với 10 triệu dân chỉ cách tên lửa Triều Tiên 30 giây. Các trung tâm chính trị, kinh tế của Nhật Bản tuy xa hơn nhưng cũng chỉ kéo dài sự sống thêm vài phút trước khi tên lửa Triều Tiên “ghé thăm”. Khi đó, thương vong về người và của là khó tránh khỏi và nhiều khả năng, cái giá mà hai nước Đông Bắc Á phải trả không rẻ chút nào. Chẳng thế, ngay sau khi Triều Tiên nổ bom hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức gọi điện cho Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc để trấn an họ rằng: “Mỹ sẽ bảo vệ Nhật và Hàn Quốc, đồng thời duy trì an ninh tại khu vực Đông Bắc Á". Điều này cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy, Nhật Bản và Hàn Quốc thực sự "run sợ" trước sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Reuters, hiện Triều Tiên có khoảng 800 tên lửa đạn đạo, 600 tên lửa Scud, 200 tên lửa Rodong và hơn 1.000 tên lửa các loại khác. Với kho vũ khí này, Bình Nhưỡng dư sức san bằng nhiều khu vực của Nhật và Hàn Quốc.
Thứ hai, Mỹ khó lòng tấn công Triều Tiên bởi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân chính mà Trung Quốc phản đối cuộc tấn công Triều Tiên của Mỹ là hàng triệu người dân Bình Nhưỡng sẽ phải di tản và nhóm người này không biết đi đâu, ngoài "dạt" sang Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh sẽ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để đối phó với vấn nạn người nhập cư này. Trong trường hợp xấu, nước này phải “nuôi báo cô” hàng triệu dân Triều Tiên, phải lo lắng cho họ từ chỗ ăn, chỗ ngủ, tới chuyện ăn uống, sinh hoạt... Đó là chưa tính tới việc những người này có thể gây "rối loan" an ninh trật tự ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Đây là những hậu quả mà chẳng ai mong muốn, dù có là Trung Quốc với sức mạnh kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy nạn sang Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra. Ảnh minh họa.
Một lý do khác mà Trung Quốc không để Mỹ tấn công Triều Tiên là Bắc Kinh muốn dùng Bình Nhưỡng như một phương tiện để mặc cả với Washington. Rõ ràng, với tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Triều Tiên, Nhà Trắng phải “cậy nhờ” Bắc Kinh “khuyên nhủ, răn đe” Triều Tiên. Do đó, chẳng dại gì Trung Quốc để Mỹ tấn công Triều Tiên, khiến nước này bị mất đi một quân bài quan trọng khi mặc cả với Mỹ.
Thứ ba, Mỹ không "dám" tấn công Triều Tiên bởi nước này vẫn chưa đủ sức và tiền. Việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố, cực đoan ở Iraq, Afghanistan, xử lý chương trình hạt nhân của Iran, thúc đẩy Israel theo đuổi tiến trình hoà bình Trung Đông, cùng Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân, và đẩy lùi khủng hoảng tài chính... đủ khiến Washington “chóng hết cả mặt”. Giờ tấn công Triều Tiên, có lẽ Mỹ phải có thêm ít nhất "ba đầu, sáu tay, chín con mắt" và quan trọng hơn, phải "khoẻ hơn, giàu hơn" hiện tại thì mới kham nổi.
Còn nhiều nguyên nhân khác khiến Mỹ chưa thể có hành động mạnh. Tuy nhiên, Washington sẽ tìm mọi cách không để Bình Nhưỡng "tự tung ,tự tác". Có thể, Mỹ sẽ cân nhắc tới biện pháp đối thoại mềm dẻo.
Đối thoại song phương hay đa phương?
Hiện hầu hết các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, Mỹ nên theo đuổi đường lối ngoại giao nhưng với những biện pháp khác trước, cùng cách tiếp cận khác thời cựu Tổng thống Bill Clinton và George Bush... bởi những biện pháp mà các chính quyền tiền nhiệm áp dụng đối với Triều Tiên tới nay coi như thất bại hoàn toàn, khi Triều Tiên ngày càng tiến xa trong lĩnh vực hạt nhân, dù bị cấm vận chặt. Nhà Trắng nhận thức rõ điều này, nhưng những biện pháp mới cần áp dụng như thế nào không phải là vấn đề dễ trả lời. Đàm phán đa phương hay song phương, các bước đi cụ thể như thế nào là những câu hỏi mà Washington còn phải cân nhắc.
Đối thoại thế nào cũng khiến ông Obama "nhức đầu".
Hiện nhiều chuyên gia cho rằng, phương pháp đa phương không phải là ưu tiên số một, vì thực tế đã chứng minh sự thất bại của biện pháp này. Hơn thế, bản thân Triều Tiên cũng không còn thiết tha gì với kiểu họp hội đồng như trước. Cái mà Bình Nhưỡng muốn là đối thoại trực tiếp với Washington; qua đó, đòi hỏi được nhiều quyền lợi hơn. Họ muốn tự mình nói chuyện, tự mình đòi hỏi trực tiếp với Mỹ, hơn là phải tham khảo ý kiến của Nga, Trung Quốc… trước khi đưa ra quyết định.
Ngược lại, những người ủng hộ biện pháp đa phương lại đặt hy vọng lớn vào đường hướng này. Chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Yan Xuetong của ĐH Tsinghua, Bắc Kinh, Trung Quốc dự đoán, Triều Tiên có thể quay lại bàn đàm phán 6 bên nếu Mỹ và đồng minh coi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân trên bàn đối thoại, chứ không phải là một quốc gia bình thường. Tất nhiên là khi đó, mục tiêu của vòng đàm phán 6 bên không còn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mà sẽ phải hướng tới mục tiêu khác: ngăn chặn Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân. Dù có phải thay đổi thế nào thì việc thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán cũng là một bước tiến của Washington, hơn hẳn tình trạng bế tắc, đối đầu không đối thoại hiện nay.
Đối thoại đa phương vẫn là lựa chọn tốt cho Mỹ trong thời điểm hiện tại.
Trái ngược với những lập luận này, nhiều nhà phân tích cho rằng, cách hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên là Mỹ phải “xuống thang”, đàm phán song phương với Triều Tiên. Tuy nhiên, "xuống nước" nhưng Mỹ không nên đàm phán ở cấp cao mà ở những cấp thấp, rồi sau đó tùy theo tình hình mà xử lý. Biện pháp này có thể làm Bình Nhưỡng thỏa mãn vì được đáp ứng yêu cầu đàm phán song phương, trong khi Mỹ không phải đưa ra những cam kết quá lớn.
Rõ ràng, sự chia rẽ giữa quan điểm đa phương và song phương là khá lớn. Tuy nhiên, nhìn chung, cả hai nhóm này đều thống nhất ở một điểm: dù đa phương hay song phương thì Mỹ vẫn phải tìm cách cô lập Triều Tiên nhiều hơn, khiến nước này "cô đơn hơn, lạc lõng hơn" và những khó khăn nội tại của họ càng trầm trọng khi không có sự giúp đỡ, viện trợ...của quốc tế, đặc biệt từ phía Trung Quốc.
Một biện pháp khác cũng được nhiều người nhắc tới là Mỹ nên "câu giờ". Giám đốc Điều hành Rebecca Johnson của Viện Nghiên cứu về Giải trừ Quân bị Acronym cho rằng, sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong Il đang suy yếu, nên ông này mới nổ bom, liên tục phóng tên lửa...để chứng minh cho nhân dân, cho quân đội rằng, mình vẫn kiểm soát được tình hình, đất nước đang lớn mạnh và những hành động của ông là chính xác.
Đồng quan điểm với Johnson, tiến sĩ Denny Roy của Viện Nghiên cứu Đông Tây ở Hawaii, Mỹ cho rằng, những hành động vừa qua của Triều Tiên cũng nhằm củng cố vị trí của người kế nhiệm được ông Kim chỉ định. Do đó, Mỹ nên kéo dài thời gian, chờ Triều Tiên xảy ra "biến động", nội bộ lục đục, rối loạn, người kế nhiệm không đứng vững... Khi ý chí quốc gia không còn thống nhất như hiện nay, Mỹ sẽ dễ dàng chia rẽ, lung lạc nội bộ Triều Tiên và cuối cùng, chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Có quá nhiều nhận định và đề xuất khác nhau về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Kết quả thế nào thì chỉ thời gian mới có thể trả lời, vì đây là vấn đề rất phức tạp, kéo dài hàng chục năm qua với sự tham gia của những cường quốc hàng đầu thế giới.