Đãi ngộ xứng đáng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia bày tỏ.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng, thậm chí quá tải cho lực lượng tuyến đầu. Với những cống hiến của đội ngũ y bác sĩ trong phòng, chống dịch, theo ông, họ có xứng đáng được hưởng chính sách phụ cấp cao hơn mức bình thường?
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp,tình trạng quá tải nơi tuyến đầu gia tăng, đặc biệt tại điểm nóng TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lực lượng tại chỗ không đủ, phải điều động lực lượng ở các tỉnh thành khác hỗ trợ. Tôi được biết, không ít nơi, một bác sĩ phải phụ trách hàng trăm bệnh nhân, làm việc lên đến 12 - 14 giờ mỗi ngày, thậm chí còn dài hơn. Đây là một vấn đề rất lớn cần xem xét và có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Khi đã huy động mọi nguồn lực, nhân lực mà vẫn gây quá tải, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho cán bộ ngành y hoạt động ở tuyến đầu. Chỉ như vậy họ mới duy trì được sức khoẻ, làm việc lâu dài được. Chúng ta vinh danh, ghi nhận công lao, đóng góp của họ là rất đúng và rất cần thiết. Nhưng bên cạnh động viên về mặt tinh thần cũng cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ về vật chất thực sự xứng đáng.
Cụ thể cần áp dụng những cơ chế chính sách gì cho phù hợp, thưa ông?
Trước tiên, cần phải đảm bảo cho họ ăn uống đủ chất hàng ngày, như vậy mới có đủ sức khoẻ làm việc bền bỉ, lâu dài được. Theo định mức hiện tại, đối với ngành y tế là 120 nghìn đồng/người/ngày, chia làm 3 bữa, trong đó có cả trực đêm. Trong điều kiện bình thường đã ít ỏi, trong điều kiện dịch bệnh càng không đảm bảo. Đến khi họ nhiễm bệnh, trở thành bệnh nhân COVID-19, lại chỉ được tiền ăn 80 nghìn đồng mỗi ngày.
Cơ chế, chính sách như vậy không ổn, nên phải rà soát lại định mức chi tiêu, sinh hoạt, căn cứ vào từng lĩnh vực và thời gian, cường độ lao động của từng đối tượng. Họ là đối tượng đặc thù ở tuyến đầu chống dịch chứ không phải làm nhiệm vụ trong điều kiện bình thường. Vì thế không thể lấy định mức chi tiêu thông thường áp dụng cho trường hợp đặc biệt, khi cường độ, thời gian lao động của họ tăng đột biến như vậy.
Ngoài ăn uống, sinh hoạt hàng ngày là chính sách phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu cũng cần phải xem xét thấu đáo. Chống dịch là trong điều kiện đặc biệt, đặc thù. Họ cống hiến nhiều thì phải được thụ hưởng tương xứng. Như vậy, về chế độ phụ cấp, thu nhập không thể áp dụng theo cơ chế ngoài giờ, vượt giờ trung bình được, mà cần phải tăng lên mức hợp lý.
Theo ông, phải lấy nguồn tiền ở đâu để phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như tăng phụ cấp, thu nhập cho lực lượng tuyến đầu?
Chính phủ đã báo cáo và tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV mới đây đã cho phép thực hiện một loạt cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Về tài chính, ngoài kinh phí được ghi trong dự toán, phân bổ từ đầu năm, Quốc hội đã cho phép có thể sử dụng ngân sách dự toán cho các khoản khác chưa cần dùng đến, điều chuyển, sử dụng cho việc phòng chống dịch.
Chúng ta cũng thường bố trí từ 3 - 5% tổng chi ngân sách vào quỹ dự phòng. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, quỹ dự phòng ngân sách này để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hoả hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng. Mấy chục nghìn tỷ đồng quỹ dự phòng, Chính phủ có quyền sử dụng để xử lý những vấn đề bất khả kháng xảy ra như trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Với nguồn quỹ dự phòng ngân sách của các địa phương cũng vậy. Ngoài ra cũng có thể sử dụng các quỹ tài chính khác, kêu gọi đồng bào trong, ngoài nước cùng nhau hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Trường hợp cần thiết, có thể cho phép ứng dự toán năm sau, tức năm 2022 để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Vừa qua, Quốc hội cũng đã cho phép sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của năm 2020 để phục vụ cho việc phòng, chống dịch… Như vậy, cơ chế chính sách về tài chính đến giờ không vướng. Nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch cũng không phải khó khăn khi đã có nhiều cơ chế mở. Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế khó khăn, nhưng thu ngân sách của ta cũng đạt khá, chi thấp hơn thu, nên nguồn vẫn còn dôi dư, đủ điều kiện ứng phó với đại dịch.
Nguồn có, chính sách có, nhưng vì sao số tiền hỗ trợ đến người dân cũng như lực lượng tuyến đầu vẫn chậm, thưa ông?
Đúng là vừa qua có hiện tượng như vậy. Kinh phí đáp ứng được nhu cầu, quan điểm, chính sách cũng rất rõ ràng, nhưng thực tế lại có việc chậm trễ như vậy. Bên cạnh lực lượng tuyến đầu, nhiều người dân cũng phản ánh, đến bây giờ cũng không được nhận số tiền trợ cấp theo quy định.
Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng này?
Theo tôi, trước tiên do việc thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách. Ví dụ, trong bối cảnh lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu làm việc với cường độ lao động như vậy, nhưng lại chậm trình cấp có thẩm quyền, áp dụng cơ chế đặc thù, với chính sách đãi ngộ thoả đáng cho họ. Việc này phải làm càng nhanh càng tốt. Đồng thời, chế độ chi tiêu cũng phải chỉnh sửa kịp thời để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Khi đã có cơ chế, định mức rồi, phải hướng dẫn cho họ làm, cứ ban hành chính sách rồi không hướng dẫn thì không được. Qua nhiều năm công tác ở Quốc hội, tôi thấy việc ban hành chính sách rất cần thiết, nhưng phải cụ thể, chi tiết, phải hướng dẫn để thực hiện.
Làm gì để tránh tình trạng trên thông, dưới tắc, theo ông?
Để khắc phục tình trạng này, phải giao rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho cán bộ trong thực thi công vụ, thực thi chế độ chi tiêu trong định mức mới này. Khi đã có cơ chế rồi, đã hướng dẫn rồi thì anh phải thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Cảm ơn ông.
https://tienphong.vn/dai-ngo-xung-dang-cho-luc-luong-tuyen-dau-chong-dich-post1375494.tpo