Giải Nobel y sinh học 2015: Ý nghĩa về bệnh nhiễm và y học cổ truyền
Thứ Ba, 06/10/2015 - 09:02
Trong một thời gian dài, những người trong Hội đồng
giải Nobel ở Karolinska đã đi ra ngoài tôn chỉ của ông Nobel qua việc trao giải thưởng này cho nhiều công trình chẳng đem lại lợi ích gì cho bệnh nhân và cộng đồng. Nhưng năm nay thì khác, họ trao giải cho 2 công trình liên quan đến bệnh do
kí sinh trùng gây ra: bệnh giun chỉ và sốt rét (1). Tôi gọi đây là bước đầu trong hành trình về lại với lí tưởng của giải Nobel y sinh học.
Lí tưởng của
giải Nobel y sinh học, theo di chúc của ông Alfred Nobel, là trao giải thưởng cho những ai đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Nhìn qua các công trình khoa học được trao giải này cũng có thể cho ra một một khái niệm về quá trình tiến bộ của y học theo khuynh hướng mà tôi vừa nêu trên. Từ những nghiên cứu có tính lâm sàng tương đối “sơ sài” (so với trình độ kĩ thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền phân tử học và sinh học phân tử. Năm 1901, ông Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh bạch hầu. Năm 1902, giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người Anh, ông Ronald Ross vì công trình nghiên cứu liên quan tới bệnh sốt rét. Những năm sau đó, các khoa học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức), sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ; Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc), sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mĩ), chữa trị bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman Abraham Waksman, Mĩ).
Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá ra một qui luật quan trọng trong di truyền học vi khuẩn (genetic recombinant). Năm 1961, ba nhà khoa học Francis Harry Compton Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh Frederick Wilkins (Anh) chiếm giải Nobel do khám phá nổi tiếng về cấu trúc DNA, làm tiền đề cho hàng triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau này.
Kể từ đó, giải thưởng nghiên về các công trình mang bản chất sinh học phân tử và di truyền. Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mĩ) và Hamilton O. Smith (Mĩ) do đã có công khám phá ra các enzymes và những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học. Sự tiến bộ trong sinh học phân tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ vào các kĩ thuật PCR (polymerase chain reaction) do hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Canada (Michael Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học vào năm 1993. Kể từ năm 1999 cho đến nay thì giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công trình liên quan đến tế bào học. Nói tóm lại tính từ 1950s đến nay, giải Nobel y sinh học chỉ trao cho các công trình nghiên cứu cơ bản, chứ chưa có công trình nghiên cứu lâm sàng nào.
Chân dung ba nhà khoa học giành
giải Nobel Y học 2015. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP.
Mãi đến năm 2005, Hàn lâm viện Thụy Điển làm cho giới khoa học ngạc nhiên bằng cách trao giải thưởng cao quí này cho một công trình nghiên cứu liên quan đến bệnh viêm, một công trình mang tính nghiên cứu lâm sàng. Đây quả là một thể hiện “về nguồn”, về nguồn bệnh viêm. Đến năm nay (2015), họ quyết định trao giải cho hai công trình nghiên cứu liên quan đến hai bệnh do kí sinh trùng gây ra: đó là bện giun chỉ và sốt rét. Hai bệnh này hiện đang hoành hành hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là các nước Phi châu, Nam Mĩ, và Đông Nam Á. Có lẽ qua giải thưởng này, Hàn lâm viện Thuỵ Điển muốn nhắc nhở chúng ta rằng thế giới vẫn còn đang phải đối phó với những bệnh truyền nhiễm, bệnh do kí sinh trùng gây ra.
T
ôi thấy một điều hay của giải thưởng năm nay là cả 3 người được trao giải đều khá là khiêm tốn. Họ xuất thân từ những đại học không có tên tuổi như Đại học Drew (Gs William Campbell) hay Đại học Kitasato (Gs Satoshi Omura), hay từ một viện y học cổ truyền (bà Youyou Tu). Họ không phải là những tên tuổi sáng chói trên trường khoa học quốc tế, dù cả ba đều trên 80 tuổi. Họ không có những công trình trên những tập san “xa xỉ” như Nature, Cell, hay Science. Ngược lại, những công trình của họ xuất hiện trên những tập san khiêm tốn, thậm chí có người chẳng có bao nhiêu bài báo khoa học như bà Youyou Tu (Đồ U U) vì bà làm việc trong bí mật. Cũng cần nói thêm là bà Đồ U U chẳng được Nhà nước Trung Quốc trao tặng bất cứ giải thưởng nào. Tất cả 3 nhà khoa học đều làm việc trong thầm lặng, nhưng đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người trên hành tinh này. Họ quả thật là những anh hùng thầm lặng.
Tôi nghĩ giải thưởng năm nay còn là một vinh danh cho y học cổ truyền. Công trình chiết xuất Artemisinin từ cây ngải của bà Đồ U U chính là y học cổ truyền. Bà dựa vào y văn cổ của Trung Quốc để tìm dược thảo chữa trị bệnh sốt rét. Phát minh và bào chế Ivermectin (của hai giáo sư Omura và Campbel) cũng có thể xem là một phần của y học cổ truyền và một phần của khoa học hiện đại. Gs Omura phát hiện chất avermectincó khả năng diệt giun chỉ và sán từ một vi sinh vật sống trong đất ở một vùng biển thuộc thị trấn Kawana.
Tôi chợt nghĩ nếu chúng ta tìm lại y văn cổ Việt Nam, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều hay và có ích. Với công nghệ sinh học ngày nay, đây là điều có thể -- hoàn toàn có thể.
Có một điều nhiều người không nhận ra (hay không muốn nhận ra) là trên thế giới có đến 70-80% dân số dùng y học cổ truyền để điều trị bệnh. Một nền y học cổ truyền tồn tại qua hàng ngàn năm như thế ắt phải có nhiều điều hay để chúng ta, những nhà khoa học hiện đại, tìm hiểu và khám phá. Giải thưởng Nobel y sinh học năm nay là một minh chứng và ghi nhận sự hữu ích của y học cổ truyền, và một lời nhắc nhở về mối đe doạ của bệnh do kí sinh trùng gây ra.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
(từ Australia)