Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân tăng giá thuốc
Cho rằng thuốc nhập khẩu đa số là đặc trị, vẫn được bảo hộ, nhưng giá lại liên tục tăng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ có hiện tượng liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với công ty phân phối thuốc trong nước hay không.
Chiều 18/9, cho ý kiến lần thứ nhất về Dự thảo Luật dược sửa đổi, đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ tán thành với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên một số vấn đề cần được làm rõ.
Làm rõ nguyên nhân tăng giá thuốc
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo quy định doanh nghiệp nước ngoài không được phân phối thuốc ở Việt Nam, hay thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, từ dịch vụ khám chữa bệnh... không chào thầu thuốc nhập khẩu thuộc nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị..., dù không phải tạo ra sự khác biệt bất bình đẳng nhưng có sự bảo hộ nhất định. "Quy định này có vướng các cam kết quốc tế, nhất là tổ chức Thương mại quốc tế WTO?", ông Lưu đặt câu hỏi.
Ông cho biết, từ khi gia nhập WTO năm 2007, số lượng công ty dược nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh, số lượng thuốc nước ngoài được cấp đăng ký cũng tăng. Thuốc nước ngoài nhập khẩu, đa số là thuốc đặc trị vẫn được bảo hộ chặt chẽ, nhưng chưa giảm giá bán mà đa số giá liên tục tăng. "Vậy nguyên nhân ở đâu? Có hiện tượng liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với công ty phân phối thuốc trong nước để tăng giá hay không. Trong luật sửa đổi, cơ chế quản lý giá thuốc có điều chỉnh được việc này hay không để bảo đảm giá thuốc không có tăng đột biến?", ông Lưu băn khoăn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày dự thảo Luật Dược. Ảnh:
HT.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong trường hợp có biến động bất thường về giá thuốc ảnh hưởng đến xã hội thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, nên luật phải có những nguyên tắc quy định bình ổn.
Vấn đề thu hồi thuốc, ông Lưu tán thành vì đó là thuốc quá hạn, chất lượng kém cần thu hồi. Nhưng thủ tục thực tế hiện nay nhiêu khê nên khó thực hiện, thành ra lượng thuốc kém chất lượng vẫn lưu hành trong xã hội, ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây nguy hiểm cho người dân. Vì vậy, Luật sửa đổi cần quy định trình tự thủ tục đơn giản, rõ ràng hơn.
Cần có chính sách phát triển y học cổ truyền
Quan tâm đến chính sách phát triển y học cổ truyền, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng ở Việt Nam, y học cổ truyền phát triển phong phú, các vùng miền, dân tộc đều có lương y, nhưng trong dự thảo chưa thấy nói đến. Ông đề nghị có hẳn một chương về thuốc cổ truyền, trong đó quy định việc hình thành và quy hoạch vùng nguyên liệu về thuốc, đồng thời đầu tư nghiên cứu khoa học, để tránh suy nghĩ thuốc cổ truyền là theo kinh nghiệm lịch sử, không theo khoa học.
Ông Ksor Phước kể, ở Tây Nguyên, có những cặp vợ chồng cưới nhau 10 năm không có con, nhưng được chữa trị bằng thuốc của đồng bào là có con ngay, thậm chí là 3 đứa con trai. Có người bị bệnh gan, được đồng bào cho uống thuốc, một tuần sau kiểm tra thì các chỉ số đã tốt dần. "Đây là những trường hợp tôi đã thấy. Vậy với những trường hợp này xử lý thế nào vì thầy thuốc chết thì các bài thuốc mất theo luôn. Tôi cho rằng trong phần chính sách cần nói rõ việc bảo tồn, phát huy thuốc cổ truyền", ông Ksor Phước kiến nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng quan tâm đến dược liệu và thuốc cổ truyền, nhưng luật chưa tận dụng hết những ưu thế mà Việt Nam đang có. Theo ông, ngoài thuốc cổ truyền thì Việt Nam còn có thuốc gia truyền rất quý. Có những người bệnh Tây y bó tay, nhưng thuốc gia truyền chữa khỏi. Hay có người bị viêm gan siêu vi B, uống thuốc 6 tháng không đỡ, nhưng đến một thầy lang, được bốc 10 thang uống lại khỏi. Thậm chí ở miền Tây người dân bị rắn cắn, đưa vào viện bó tay, nhưng đến ông thầy lang, được hái lá, nhai đắp vào thì nọc độc ra.
"Những phương pháp này không có đăng ký trong khi dự thảo Luật quy định phải được Bộ trưởng Y tế công nhận mới được áp dụng. Như vậy là không tạo điều kiện để phát huy. Có những bài thuốc gia truyền rất quý nhưng họ không nói, chúng ta phải làm sao để họ nói ra, từ đó nhân rộng", ông Sơn nói và đề nghị Bộ trưởng Y tế nghiên cứu thêm các chính sách phát triển y học cổ truyền, gia truyền và các phương pháp chữa trị Đông y.
hắc phục tình trạng "Việt Nam chết trên đống thuốc"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý, do Dự án Luật sửa đổi lần đầu trình ra Quốc hội nên phải báo cáo với Quốc hội tình trạng sản xuất thuốc Tây, Nam như thế nào, và làm thế nào để khắc phục bất cập.
"Các đồng chí có bảo đảm ngành dược của Việt Nam có bứt phá không? Chúng ta đã có 10 năm thi hành luật không có bứt phá gì cả. Hiện nay 90% thuốc vẫn là nguyên liệu nhập, thuốc Việt Nam mới đáp ứng chưa được 50%. Các đồng chí cần giải thích trước nhân dân, trước Quốc hội về việc Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn vừa nói là Việt Nam đang chết trên đống thuốc và luật này giải quyết vấn đề này thế nào?", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng kể, có lần mua một gói thuốc theo quảng cáo, sau khi mua về nhờ công an kiểm tra thì thực chất là thuốc Tây giã nhỏ, cho với bột gạo, mật ong viên lại. "Nói thế để thấy rằng sản xuất thuốc của chúng ta đang trong tình trạng như thế nào", ông nói.
Trước thực trạng vùng nguyên dược liệu của Việt Nam không phát triển được trong khi Trung Quốc lại thu mua từ Việt Nam cả gốc lẫn rễ của nhiều loại cây thuốc, thậm chí cả những con côn trùng, Chủ tịch Quôc hội đặt câu hỏi "Liệu có khắc phục được tình trạng đó hay không? Đề nghị các đồng chí phải báo cáo Quốc hội cho rõ".
Ông Hùng cũng yêu cầu Luật Dược sửa đổi phải khắc phục được vấn đề phát triển vùng nguyên liệu cho đến chế biến, cả thuốc Tây, thuốc Nam và nghiên cứu khoa học, mở ra được hướng cạnh tranh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay thành tựu khoa học trên thế giới rất tiến bộ nên cần phải giao lưu làm sao để nhập khẩu những công nghệ, thuốc để về cho người dân Việt Nam sử dụng. Ở đâu có thuốc tốt thì có thể liên hệ, hợp tác mang về cho dân dùng, mua công nghệ về để trong nước sản xuất, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm điều ấy.
"Phải làm cho ngành công nghiệp dược đột phát, vùng trồng cây thuốc phát triển, giải quyết đời sống cho người dân. Người trồng cây thuốc phải giàu hơn trồng lúa. Các đồng chí phải làm sao nói cho thuyết phục với thường vụ Quốc hội, để nên ban hành luật này sớm. Không có ngành nào phát triển chậm như ngành này, hiện có 180 doanh nghiệp nhưng chỉ là các bàn bào chế, không có gì ghê gớm", Chủ tịch Quốc hội nhận định.