Ở còm #20, trang 1, em có nói:
Trong số những người phải đứng ngoài, có một người trẻ rất thần tượng cụ Tạ Đình Đề (giống cụ [@khongthuphi;137546] hì hì) dù có vé mời nhưng cũng không thể vào được tòa án. Nhưng không ngờ chính anh sau này lại có những quyết định thay đổi cuộc đời của cụ Tạ Đình Đề. Nhưng đó là việc của mười năm sau vụ án này cơ, chúng ta bàn sau các cụ nhớ.
Một bức ảnh của Tạ Đình Đề thời chống Pháp
Bây giờ chính là thời hạn chúng ta bàn về "người trẻ" em nhắc tới ở trên kia. Người đó là ai, sao lại có những quyết định làm thay đổi cuộc đời Tạ Đình Đề?
Trước hết, đó là người, mà từ thuở thơ ấu, rất hâm mộ và thần tượng Tạ Đình Đề.
Từ thủa chăn trâu, bạn bè cùng trang lứa chúng tôi thường xúm nhau lại dưới hàng tre râm mát trưa hè bên bờ sông Lam để nghe người lớn kể chuyện ông Đề. Có hôm, quên cả cái nóng của gió Lào rát bỏng, vẫn vểnh tai nghe chuyện một cách say sưa về ông Tạ Đình Đề. Chuyện ông Đề như cơn gió mát trưa hè, có thể được kể và nghe mọi lúc mọi nơi và đủ mọi lứa tuổi cùng nghe. Có thể đây là món ăn tinh thần đáng quý nhất của vùng quê nghèo bên dòng sông Lam năm xưa. Chúng tôi không biết ông Đề có quê hương, bản quán ở đâu nhưng biết chắc rằng ông là một người con đất Việt. Với ý chí sắt đá, trí thông minh và trình độ võ nghệ cao cường, ông đã làm cho quân thù phải bao phen khiếp vía, kinh hồn. Truyền thống yêu nước của dân vùng quê đã tưởng tượng và thần thánh hóa ông Đề. Còn ông Đề với câu chuyện về ông đã hun đúc lòng yêu nước của tuổi thơ chúng tôi.
Khi ấy nghe chuyện, lũ con nít chúng tôi cứ há hốc mồm nuốt từng lời kể, không bao giờ đặt câu hỏi chuyện ấy thực hư thế nào. Chỉ nghĩ rằng rất khoái, đó là câu chuyện thần kỳ của người anh hùng mà bọn trẻ chúng tôi mong muốn được làm như thế. Mong mình chóng lớn lên để trở thành Tạ Đình Đề, xung phong ra trận tuyến, chiến đấu chống quân thù, giải phóng quê hương. Thế rồi ước mơ đó trở thành hiện thực. Đang ngồi trên ghế nhà trường, ngọn lửa chiến tranh cháy nghi ngút khắp xóm làng quê hương, tôi cùng bạn bè trang lứa xung phong lên đường giết giặc, để lại đằng sau những tình yêu đẹp đẽ và niềm tự hào được ra trận bảo vệ quê hương hương, làng mạc, người thân. Những câu chuyện huyền thoại về Tạ Đình Đề cứ theo chúng tôi trên đường ra mặt trận. Hình ảnh người anh hùng Tạ Đình Đề đã góp thêm động lực to lớn giúp tôi có thêm sức mạnh, vượt qua mưa bom bão đạn, chiến thắng quân thù. Gần bảy năm trong đời quân ngũ, đôi chân tôi đã đi khắp chiến trường Quảng Trị ác liệt, Đường 9, Nam Lào anh hùng và Tây Nguyên bất khuất. Những tấm huân chương chiến công tôi được trao sau mỗi trận đánh, chắc chắn có phần thôi thúc từ những câu chuyện về ông Đề.
Ước mơ được xông pha trận tuyến, giải phóng quê hương đã thành sự thật. Nhưng "người trẻ" ấy gặp gỡ rồi gắn kết với thần tượng của mình lại là một cái duyên. Mà cái duyên ấy lại bắt đầu tự sự kiện dưới đây.
Trong trận kịch chiến tại Kon Tum, đúng vào lúc Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tôi chỉ huy đại đội xông lên tiêu diệt quân thù giữ vững vùng giải phóng thì bị vết thương nặng nên phải ra miền Bắc điều trị rồi được chuyển ngành về Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Bây giờ thì em có thể tiết lộ tên của "người trẻ" ấy rồi. Đó chính là kiểm sát viên Dương Thanh Biểu, về sau là Tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao.
Trước khi tìm hiểu xem cụ Biểu đã làm thế nào để trả lại tự do cho cụ Đề, em mời các cụ đọc một số giai thoại về nhà tình báo ngoại hạng Tạ Đình Đề các cụ nhớ.
1.
Hôm ấy, Bác Hồ ngồi vào bàn ăn cơm cùng các đồng chí bảo vệ, phục vụ. Nhìn mâm cơm thanh đạm vừa được dọn ra bàn xong, Bác cười vui rồi quay sang nói với đồng chí bảo vệ:
- Cho Bác xin thêm đôi đũa và một cái bát nữa nhá!
Nghe Bác nói, đồng chí bảo vệ băn khoăn. Thường thì, mỗi khi có khách dùng cơm, Bác đều cho biết trước để chuẩn bị. Sao hôm nay, Bác lại nói vậy nhỉ. Anh hỏi lại cho chắc ăn:
- Thưa Bác. Khách hôm nay là ai hả Bác?
Bác Hồ gật đầu mỉm cười:
- Có mà. Hôm nay Bác cháu ta có khách đặc biệt đấy.
Khi đã mang bát đũa đặt lên bàn ăn, anh bảo vệ còn hỏi lại:
- Thưa Bác. Sao khách vẫn chưa đến ạ?
Bác Hồ nhìn mọi người, điềm tĩnh:
- Người khách đã đến thăm chúng ta từ lâu rồi nhưng các chú không biết nên không tổ chức đón tiếp đấy thôi!
Ai cũng ngạc nhiên ngỡ ngàng khi nghe Bác nói vậy. Tuy nhiên, khi Bác bảo đưa thêm bát đũa và ngồi đợi thì chắc chắn là Người có khách thật rồi. Mọi người nhìn trước, ngó sau, thậm chí có đồng chí đi ra ngoài cổng xem khách đã đến chưa. Nhưng, vẫn không thấy bóng dáng ai xuất hiện. Ấy vậy mà Bác bảo khách đã đến. Lạ thật!
Nhìn anh em phục vụ đang băn khoăn, Bác Hồ quay đầu, hướng mắt về phía buồng ngủ, nói to:
- Xin mời chú Tạ Đình Đề vào xơi cơm với Bác!
Nghe Bác nói vậy các chiến sĩ phục vụ rất ngạc nhiên. Vì theo hướng nhìn của Bác thì người khách ấy đang ở trên mái nhà nơi buồng ngủ của Bác. Mặt khác, cái tên Tạ Đình Đề này lạ hoắc, các chiến sỹ mới nghe lần đầu và không hiểu sao vị khách này lại lọt được vào bên trong khu vực cần bảo vệ, rồi còn trèo lên được cả mái nhà của Bác. Vậy thì vị khách có tên Tạ Đình Đề thật sự
xuất quỷ nhập thần rồi. Hiểu được tâm trạng của các chiến sĩ phục vụ, Bác Hồ bình tĩnh, nhỏ nhẹ:
- Đây là vị khách đặc biệt lắm, tài tình lắm. Các chú không thể đối phó được với chiêu thuật
đi mây về gió của vị khách này được đâu.
Nghe Bác nói, các chiến sĩ phục vụ dù đã qua các lớp huấn luyện đặc biệt, có dày dạn kinh nghiệm trong công tác bảo vệ cũng không khỏi kinh ngạc.
Bỗng ánh mắt của Bác lại đổi hướng từ mái nhà phòng ngủ sang phía mái nhà bếp và nói lớn hơn với giọng đầy trách móc nhưng rất ấm áp vị tha:
- Chú Đề ơi! Bác mời chú xuống phòng ăn cơm cho vui với anh em sao chú lại bò sang mái nhà bếp vậy?
Lúc này, theo phản xạ tự nhiên, các chiến sĩ bảo vệ lập tức rút súng ra, lên đạn, có đồng chí chạy lại chỗ để điện thoại để quay số báo động, ra lệnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Bác. Nhưng thật lạ, Bác vẫn ung dung, mỉm cười ra hiệu các chiến sĩ không gọi điện, cất súng vào bao. Không khí trở nên bí hiểm, căng thẳng. Các chiến sĩ bảo vệ, phục vụ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Bác. Thế mà, lạ thật, Bác vẫn bình tĩnh, đàng hoàng ngồi trên ghế. Sau đó, Bác xoay người hướng mắt lên mái nhà của phòng khách, cất giọng nói vừa tỏ ý khen ngợi vừa ra chiều trách móc nhưng rất ấm áp:
- Bác và cả nhà đang chờ chú xuống dùng cơm nhưng chú lại phi sang mái nhà phòng khách rồi. Bác khen chú thật giỏi đấy. Mãi đến giây phút này mà chú vẫn chưa bị lộ. Qủa thật, chú là một người tài ba. Nhưng, đừng để Bác và anh em chờ cơm chú lâu thế.
Bỗng như tia chớp, một người trần mắt thịt, nhanh nhẹn, hoạt bát nhảy từ tầng hai xuống sân nhà. Cũng nhanh như gió, người này chạy vào phòng khách, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác Hồ. Các chiến sĩ bảo vệ cũng thủ thế sẵn sàng dùng võ thuật để đối phó nhưng Bác ra hiệu cho mọi người hãy bình tĩnh rồi nhìn vị khách mỉm cười thân thiện:
- Chào chú Tạ Đình Đề! Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều, song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú cũng vất vả lắm phải không?
Một giây phút yên lặng trôi qua. Vị khách bí hiểm trong bộ đồng phục giống như một võ sĩ, nghiêng đầu đáp lễ và nói:
- Thưa Bác! Nếu cháu muốn, thì dù Bác có huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ để truy bắt cháu thì cháu cũng có thể chạy thoát được. Còn đối với mấy vị bảo vệ này thì chẳng nhằm nhè gì với cháu cả.
Lập tức Bác đứng dậy, tiến đến vị khách không mời mà đến, đưa hai bàn tay nắm chặt tay người đó. Với ánh mắt nhân từ bao dung, Bác chỉ ghế, mời vị khách ngồi xuống bàn ăn. Nhưng, Tạ Đình Đề vẫn đứng như trời trồng, chắp hai hai tay trước bụng và lễ phép:
- Thưa Bác! Trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác. Thú thật, đứng trước mặt Bác, cháu linh cảm có một sức mạnh thúc đẩy cháu thay đổi từ thế thù nghịch sang niềm khâm phục, kiêu hãnh. Bây giờ, cháu xin hứa với Bác chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sử dụng của Bác.
Bác Hồ đặt hai tay lên hai vai của Tạ Đình Đề lay nhẹ, nói nhỏ:
- Bác hiểu. Bác tin vào sự chân thành của chú và đồng ý nhận chú làm việc giúp Bác.
Tạ Đình Đề rút trong người ra khẩu súng lục có gắn ống giảm thanh, rồi tháo những đầu đạn có sơn đỏ ra, cùng với chiếc ống nhòm, giấy tờ tùy thân giả và một tấm bản đồ vẽ nơi ở của Bác trao tất cả cho nhân viên bảo vệ. Chưa hết, Tạ Đình Đề móc trong kẻ răng một viên thuốc độc dành cho mình trong trường hợp bị bại lộ và đặt lên thành mâm cơm.
Từ là kẻ đi ám sát Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác Hồ. Một trường hợp
đổi vai thật kỳ diệu trong lịch sử nước ta. Trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tạ Đình Đề chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình.
2.
Tài liệu mà người nhà ông lưu giữ còn ghi lại một mẩu chuyện khá "tếu táo": Một dạo quân của đơn vị ông từ trong thành mang theo nhiều phim ảnh, trạm gác công an vùng tạm chiến cứ nằng nặc đòi bắt anh em mở ra khiến nhiều cuộn phim tài liệu do công sức và xương máu của anh em điệp báo nội thành bị hỏng hết. Hai bên đã xảy ra xô xát vài lần...
Biết chuyện, Tạ Đình Đề lặng lẽ sai một liên lạc viên kiếm một đôi bồ câu và buộc một túm giấy vớ vẩn vào chân chim và đem qua trạm gác... Như dự đoán, trạm khác nhất định đòi khám xét, còn người liên lạc thì nhất quyết khước từ. Hai bên to tiếng. Người liên lạc bảo: nó bay mất thì ai chịu trách nhiệm? Người gác trạm bảo: Tôi. Hai bên làm giấy cam đoan.
Do có chủ ý từ trước nên khi trao chim, người liên lạc giật nhẹ sợi dây cho chim bay mất và... nằm lăn ra gào khóc, nói là bị mất số tài liệu tuyệt mật. Đúng lúc ấy, Tạ Đình Đề xuất hiện và trình giấy tờ, cả Trạm gác như nhà có tang.
Bận ấy, ông đòi gặp bằng được Trưởng ty Công an tỉnh (Giám đốc Công an tỉnh hiện nay). Ban đầu, ông Trưởng ty cũng tưởng thật, khi biết chuyện "hoá giải" căng thẳng giữa hai bên, ông cười xoà. Ngay sau đó, ông Trưởng ty đã đóng kịch "xạc" cho cả trạm gác một trận ra trò.
3.
Người ta cũng kể lại rằng, hồi những năm 1976, người dân Hà Nội thấy một người đàn ông oai vệ cưỡi một chiếc xe máy diễu trên đường phố. Đó là Tạ Đình Đề. Một hôm, ông đang chạy trên đường thì gặp tai nạn với một chiếc ô tô.
Tiếng va quệt mạnh, cộng thêm tiếng sắt thép, kính vỡ khiến cho người đi đường tá hoả nghĩ ông Đề "chết là cái chắc". Khi lại gần, chẳng ai thấy ông Đề đâu. Một lát sau, có một người đàn ông từ trên cành cây xuống và... cười, không mảy may bị làm sao cả.
Chiếc xe của Tạ Đình Đề được trưng bày tại Cafe Báo, 62 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Bây giờ nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã đóng cửa quán, không biết ông để chiếc xe ở đâu?