Phiên tòa công lý bắt đầu.
Đại diện VKS đọc bản cáo trạng 899/XH mà cơ quan này đã gửi cho cụ từ gần một năm trước.
Phần cuối của bản cáo trạng như sau:
Tạ Đình Đề, sinh năm 1917... can tội: Cầm đầu, chỉ huy đồng bọn, cố ý làm trái nguyên tắc, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính và tổ chức kinh doanh trái phép để lập ra 2 quỹ trái phép là 425.260đ93, chi tiêu sai chế độ nguyên tắc 190.018đ, gây thiệt hại cho công quỹ 250.606đ93; Chủ mưu hối lộ cán bộ trong việc chiếm dụng 79 loại thiết bị, máy móc của Nhà nước trị giá gần nửa triệu đồng, thiết bị toàn bộ nhà máy đắp lốp trị giá gần 1 triệu đồng. Riêng Đề mới thú nhận tham ô có 11.825đ, phạm vào Điều 8 và 12 Pháp lệnh số 149 ngày 23‐10‐1970, Điều 1 Sắc lệnh 223/SL ngày 17‐11‐1946 và Điều 1 Sắc lệnh 001/SL ngày 19‐4‐1957 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sau phần luận tội của VKS, tòa án gọi mời Tạ Đình Đề lên để xét hỏi. Người xét hỏi không ai khác chính là bà thẩm phán Phùng Lê Trân.
Dưới đây là lời kể của cụ Đề về tâm trạng của mình thời khắc này.
Tôi còn nhớ, bà Chủ tọa có giọng nói rất nhẹ nhàng, trong trẻo và rõ ràng. Bà Chủ tọa mời tôi đứng lên trước vành móng ngựa. Không hiểu ai là người đã nghiên cứu ra cái vành móng ngựa, mà khi đứng vào đấy tôi có cảm thấy mình thật nhỏ nhoi mà Hội đồng xét xử thì quyền uy quá lớn. Nghĩ vậy, tôi nhìn lên Hội đồng xét xử, tim tôi đập thình thịch, hai chân run lên chựt ngã. Hội trưởng im phăng phắc... Tôi nghĩ bản cáo trạng đã dồn tôi vào thế bị bao vây tứ phía, nếu không bình tĩnh, chiến đấu phá vòng vây như người chiến binh năm xưa thì chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Tôi nuốt nước bọt, lấy hơi thở ra đều đều cho con tim đập chầm chậm lại để bình tĩnh trả lời các câu hỏi thẩm vấn một cách chính xác, với tinh thần tiến công, lấy sự thật và lý lẽ làm vũ khí.
Khác với tất cả các lần xét hỏi vốn kéo dài lê thê ngày này qua tháng nọ với cùng những câu hỏi và trả lời trước đó của cụ Đề. Lần này, phần trả lời của cụ Đề đã được lắng nghe. Cụ trả lời rõ ràng, rành mạch tất cả các câu hỏi liên quan tới các nội dung trong cáo trạng của VKS. Cụ gần như đã tự đứng ra bào chữa cho chính mình. Mỗi lần Tạ Đình Đề trả lời, quần chúng tham dự phiên tòa, cả bên trong lẫn ngoài sân tòa đều vỗ tay, hò reo ủng hộ.
Một đoạn hỏi và trả lời trong phiên tòa qua hồi ức của cụ có đoạn:
Bà Chủ tọa hỏi: Theo cáo trạng, bị cáo đã có hành vi tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về xưởng sử dụng lung tung. Bị cáo hãy trình bày rõ hành vi này? Trống ngực tôi vẫn đập thình thịch, hai đầu gối run run. Tôi nuốt nước bọt, nhìn bà Chủ tọa, trả lời đại ý: Kính thưa Hội đồng xét xử. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ lãnh đạo ba đơn vị: Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, Ban thể dục thể thao và Ban kiến thiết cơ bản. Trong hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ gây ra, vốn của Nhà nước 136 giao cho thì có hạn, máy móc phương tiện sản xuất thiếu trầm trọng. Trong lúc đó, nhiệm vụ kế hoạch được cấp trên giao ngày càng nặng nề. Bản thân thì muốn đơn vị ngày càng phát triển, có đủ các máy móc thiết bị cho anh em công nhân làm việc. Vì vậy, chúng tôi phải đi liên hệ với các cơ quan để xin nhượng lại cho đơn vị những máy móc, vật tư chưa sử dụng, để vương vãi tại các ga và cảng biển. Anh em chúng tôi bàn với nhau: Người ta cho thứ gì thì xin thứ đó đưa về cho đơn vị. Thứ gì cần thì đưa vào sử dụng, thứ gì không cần thì cho mượn hoặc nhượng bán. Riêng toàn bộ thiết bị đắp lốp được cấp trên nhất trí cho đơn vị. Tóm lại, chúng tôi gặp cái gì cũng xin về, cũng mua về cho đơn vị. Mục đích của chúng tôi không có gì hơn là muốn có nhiều máy móc để tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân đồng thời sản phẩm làm ra ngày càng có chất lượng tốt hơn. Thật tình mà nói chúng tôi hoàn toàn không có tư túi gì cả. Tôi vừa nói đến đây, cả khán phòng vỗ tay nhiệt liệt. Ngoài sân cũng vang lên tiếng vỗ tay của những người đến theo dõi phiên tòa. Tôi cảm thấy mình được tiếp thêm tinh thần và sức mạnh từ những tiếng vỗ tay ấy.
Ngoài ra ông Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn, ông Vạn Lịch dưới tư cách nhân chứng đã làm chứng cho phần trả lời của Tạ Đình Đề là chính xác.
Tòa chuyển qua phần luận tội của VKS. Kiểm sát viên Thang Văn Khê vẫn lặp lại y nguyên những gì đã nêu trong cáo trạng. Ông dẫn những chỉ thị của Bộ chính trị, kết luận Tạ Đình Đề đã có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, tính chất của tội phạm cũng rất nghiêm trọng. Dẫn Khoản 2, Điều 12 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN để đề nghị xử lý Tạ Đình Đề, bất chấp những lời xì xầm, những cái lắc đầu... lan rộng khắp không gian tòa án.
Nhưng thật đáng ngạc nhiên, phần cuối của bản luận tội khi đề xuất mức án, đại diện VKS lại chỉ đề nghị xử Tạ Đình Đề 18-24 tháng tù.