Đền chùa miếu mạo, dấu tích người xưa.
Tam Đảo vốn là vùng đất xưa, có người định cư lâu đời, thậm chí rất lâu đời.
Nhưng, cũng như số phận bao làng xã miền Bắc, đến nay, hầu hết các làng thôn đều chỉ được ghi chép lập địa bạ từ thời Gia Long nhà Nguyễn, tức là, hầu hết làng xã do chiến tranh, dịch bệnh, đói kém nên đã phiêu dạt khắp. Rất ít làng xã còn ghi chép từ thời Lê.
Tam Đảo cũng thế, người ta không rõ cư dân ở đây định cư từ bao giờ, tại sao không có mạch nguồn kế tiếp, nghĩa là, các làng xóm, xã ở đây đều là những cư dân vùng khác đến khai phá lại,chứ không hề có cư dân gốc.
Khi cụ tổ 4 đời nhà em cùng 4 cụ khác đến đây khai khẩn đất đai, các cụ cũng di dân từ Đường Lâm sang, có cụ tận Nam Hà, Thái Bình...
Cả vùng không có bóng dáng người, nhưng khi cất nhà, đào móng, lại thấy rất nhiều chum, vại, nồi đất...bình đựng vôi, các cụ bèn lấy, rửa sạch, đem muối dưa, làm chum tương, muối cà, thậm chí đựng nước tiểu tưới rau...hehe, chả sợ gì.
Hỏi bà nội thì bảo, bà cũng không nhớ, cụ mày vào lập ấp năm 1897 hay 1898 gì đấy, đây vắng hoe, chả thấy ai.
Nghe kể quân Cờ Đen đến đây đánh cướp ,tàn phá, rồi quân Pháp đến đánh nhau với quân Cờ Đen, nên người ta phần thì chết, phần bỏ đi nơi khác hết. Sau lại có "giặc" Đề Thám nữa ( cách gọi của các cụ).
Cổ nhất có lẽ là chùa Tây Thiên, thờ quốc mẫu Năng Thị Tiêu vợ vua Hùng ( tuy nhiên chữ đệm Thị và Văn thì sau khi thoát khỏi Bắc thuộc mới sử dụng),trên núi có bàn cờ Tiên, nghe nói Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu hay xuống hạ giới chơi cờ ở đây. Ngôi chùa nguyên bản thì chỉ còn dấu tích, đến nay phục dựng lại.
Địa ngục tự, được Lê Quý Đôn ghi chép lại, cũng chỉ là phế tích thời em còn nhỏ, đến đây nhiều lần rồi, vạch lá chặt cây mà đi,nhưng không còn bia đá, hay chút chữ nghĩa nào sót lại để đọc mà biết.
Thời bao cấp, cái đói và nghèo khiến người ta quên cái sợ, thực tế là vậy, bọn bạn em ngồi lên bàn cờ đá, vặt hoa quả ở những cây còn lại, cạy cả đá lát chân cột lên mài dao rìu, mà cũng chưa thấy thằng nào bị thánh vật.