Chắc vụ "tai bẹp" này là có thật. Giống như các đô vật hay võ sỹ MMA, nhiều người tai bị biến dạng, như hoa súp lơ (
https://hellobacsi.com/benh-tai-mui-hong/benh-ve-tai/tai-sup-lo/).
Mời cụ xem:
QĐND - Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2004, mục từ Vũ Bằng, viết: “Cuối 1948, trở về Hà Nội, (Vũ Bằng) bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Sau 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào lại Sài Gòn, tiếp tục tham gia hoạt động tình báo...
ct.qdnd.vn
Số phận kỳ lạ của một cuốn sách
Từ điển văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2004, mục từ Vũ Bằng, viết: “Cuối 1948, trở về Hà Nội, (Vũ Bằng) bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Sau 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào lại Sài Gòn, tiếp tục tham gia hoạt động tình báo đến ngày 30-4-1975...”.
|
|
Nhà văn Vũ Bằng. Ảnh tư liệu |
Thế nhưng ngoài việc là một người hoạt động tình báo (quy mô đến đâu vẫn còn chưa được công khai), không nghi ngờ gì nữa, Vũ Bằng còn là một nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam với những Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam, Bốn mươi năm nói láo, Bóng ma nhà mệ Hoát...
Nhưng nổi bật trong sự nghiệp văn chương của Vũ Bằng là một tác phẩm tiểu thuyết-hồi ký mà tựa chỉ độc một chữ: Cai!
Có một “làng bẹp” trong giới văn chương trước 1945
Trong thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thuốc phiện là một trong những vũ khí mà thực dân Pháp sử dụng để chinh phục Đông Dương. Pháp cho phép công khai buôn bán và khuyến khích người Việt sử dụng thuốc phiện chứ không bị cấm đoán như ở bên chính quốc.
Một tài liệu cho biết, thực dân Pháp cấp giấy phép cho các đại lý thu mua thuốc phiện từ các vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam hoặc Lào, nhập thuốc phiện từ Ấn Độ và Trung Đông để bán cho người tiêu dùng. Các đại lý này phải đóng thuế cho chính quyền thuộc địa và vào khoảng năm 1900, khoản thuế thu từ mặt hàng thuốc phiện chiếm đến một nửa tiền ngân sách mà Pháp thu được trên toàn Đông Dương.
Đến năm 1930, Pháp đã cấp giấy phép cho 3.500 tiệm thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương mà chủ yếu là ở Việt Nam, có nghĩa là trung bình cứ 1.500 người trưởng thành thì có một tiệm thuốc phiện. Ở các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, số người nghiện thuốc phiện rất nhiều.
Những người nghiện thuốc phiện được định danh bằng cái tên “làng bẹp” bởi tai của họ hay bị bẹp do thường xuyên nằm nghiêng bên bàn đèn thuốc phiện.
Trong không khí xã hội sặc mùi thuốc phiện như thế nên không lạ gì khi có nhiều người trong giới văn chương Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 sa vào vòng tay của nàng tiên nâu. Nói cách khác, có cả một “làng bẹp” trong làng văn Việt Nam hồi đó!
Vũ Bằng, trong bài “Dựng” cho tác phẩm Phù Dung ơi, vĩnh biệt in ở Sài Gòn năm 1969, có liệt kê một loạt bạn bè trong giới của ông nghiện thuốc, như: Ngọc Thỏ, Cuồng Sỹ, Nguyễn Như Hoàng, Văn Sen, Thạch Lam, Lê Văn Trương, Tchya (tức Đái Đức Tuấn)...
Và Vũ Bằng.
Vừa mới bước chân vào làng báo, Vũ Bằng đã bắt đầu nghiện hút với suy nghĩ lầm lạc rằng “làm báo chưa thành công là vì chưa nghiền (nghiện) nặng!”. Đến khi làm nhiều tờ báo cùng với một nhà báo nổi danh khác là Ngọc Thỏ Dương Mầu Ngọc, Vũ Bằng bắt chước nhà báo này thói nghiện nặng, hút quên chết.
Cũng như nhiều dân “làng bẹp” khác, chắc hẳn Vũ Bằng cũng không chỉ một lần nghĩ tới chuyện cai thuốc phiện. Tuy nhiên, quá trình cai thuốc phiện của Vũ Bằng diễn ra vô cùng khó nhọc, gian nan. Thậm chí như lời ông thuật lại sau này là có những lúc đã mấp mé bên lằn ranh giữa sự sống và cái chết do những ảo ảnh mà cơn vật do nghiện thuốc phiện gây ra.
Toàn bộ quá trình cai nghiện vật vã khổ sở đó đã được Vũ Bằng thuật lại một cách vô cùng sinh động trong cuốn tiểu thuyết-hồi ký của ông có tựa đề: Cai.
Số phận long đong của một tác phẩm
Nhưng Cai đặc biệt không chỉ ở cái tựa đề một chữ của mình. Mặc dù là một trong những tác phẩm lớn nhất, hay nhất của Vũ Bằng, điều khó hiểu là kể từ khi ra đời, nó lại được ít người biết tới.
Lý do có thể nằm ở chỗ cuốn sách này được in xong vào ngày cuối cùng của tháng 9-1944. Thêm thời gian để phát hành nữa thì sớm nhất cũng phải trong tháng 10 cùng năm. Nếu nhìn vào bối cảnh lịch sử vào lúc ấy thì mới hiểu rằng Cai không thể nào được phổ cập rộng rãi trong đông đảo công chúng. Đó chính là thời điểm bắt đầu nạn đói năm Ất Dậu kéo dài suốt năm 1945 sang tới năm 1946 với số người chết đói từ 400.000 người đến 2 triệu người tùy theo nguồn số liệu. Cái cần kíp nhất hằng ngày là miếng ăn để sinh tồn chứ không phải tìm đọc cuốn tiểu thuyết viết về một anh đi cai nghiện!
Hơn thế nữa, đời sống chính trị đang trong cơn biến loạn, Nhật chuẩn bị đảo chính Pháp, Việt Minh nổi lên hoạt động ở khắp nơi. Tình thế loạn lạc, nhân tâm bất ổn, ly tán có thể khiến người ta khó lòng đi tìm mua một cuốn tiểu thuyết dày cui gần 300 trang. Tiếp đó lại là 9 năm kháng chiến dài đằng đẵng khiến cho Cai càng khó có cơ may được phổ biến rộng rãi.
Đó rất có thể là nguyên nhân khiến cho ấn bản Cai trở nên cực hiếm sau này.
Ấn bản Cai 1944 của Vũ Bằng in trên giấy dó, xốp nhẹ, tổng cộng 286 trang. Bìa trình bày hết sức đơn giản, tên tác giả Vũ Bằng phía trên cùng, lùi xuống phía dưới là chữ “Cai” to đậm màu đỏ. Dưới nữa là dòng chữ “Hồi ký” để chỉ rõ thể loại tác phẩm. Dưới cùng trang bìa là hai dòng chữ: “Tan-Dan” (Tân Dân) phía trên và “Những tác phẩm hay” phía dưới.
Trang trong bên phải trình bày cũng giống hệt như trang bìa, duy chỉ có một điểm khác biệt là bên dưới dòng chữ cuối cùng “Những tác phẩm hay” có thêm một dòng đề 1943. Rất có thể Vũ Bằng đưa xuất bản cuốn tiểu thuyết này là vào năm 1943, nhưng do hoàn cảnh khó khăn khi ấy-mà sau này Vũ Bằng kể lại là thiếu giấy-mà việc in ấn kéo dài mãi đến gần cuối năm 1944 mới hoàn thành.
Mặt sau của trang này, cũng như nhiều ấn phẩm xuất bản khi ấy, có mấy dòng chữ làm đẹp lòng dân chơi sách: “Ngoài những ấn bản thường, sách này còn in thêm mười cuốn bằng lụa gió đánh dấu từ I đến X và năm cuốn giấy bouffant, không bán, đánh dấu từ XI đến XV”.
Vậy có bao nhiêu “những ấn bản thường” như đã ghi trong mấy hàng chữ này?
Câu trả lời nằm ở trang sau trang nội dung cuối cùng, nếu tính theo số thứ tự là trang 287. Phía dưới cùng trang này có dòng chữ: “Phép in số 38 ngày 29-1-44 của Tòa Thông tin Tuyên truyền Báo chí Bắc kỳ Cho phép: 3000”.
Như vậy là ấn bản Cai này được in 3.000 bản, cộng với 15 bản đặc biệt, tổng cộng là 3.015 bản (hồi đó chắc không có chuyện in nối bản). Cũng trong trang cuối này, phía trên có mấy dòng chữ thông báo thời gian hoàn thành việc in tác phẩm: “In xong ngày 30 Septembre 1944 tại Nhà in Tân Dân Hà Nội tạm thiên về Múc Xá, Thanh Oai, Hà Đông”.
Đây có thể là lý do khiến Cai không được phổ cập rộng rãi thời gian sau này. Xuất bản lần đầu năm 1944 nhưng phải 15 năm sau, mãi đến năm 1969, Cai mới được tái bản ở Sài Gòn dưới tên gọi: Phù Dung ơi, vĩnh biệt!
Trong lời “Dựng” của ấn phẩm tái bản này, Vũ Bằng cũng nói rõ nguyên do khiến ấn bản Cai xuất bản ở Bắc Kỳ không phổ cập là vì khi ấy Bắc Kỳ khan hiếm giấy, “cuốn sách nào in nhiều lắm cũng chỉ được 2.000 cuốn là cùng” (trong khi thực tế Cai được in tới 3.000 cuốn, kể cũng là nhiều). Với số lượng đó thì bán riêng ở Bắc Việt cũng không đủ, nói gì đến gửi bán ở Trung, Nam. Mà có muốn gửi bán cũng không được vì khi ấy người Nhật đảo chính Pháp, giao thông bị cắt đứt... Thế nên Cai chỉ được phổ cập ở miền Bắc Việt Nam.
Do vậy, khi Vũ Bằng vào Nam sau năm 1954 đã không có một bản Cai nào trong tay! Hai người bạn của Vũ Bằng có mang được một cuốn Cai vào Sài Gòn để in lại nhưng xếp chữ được hơn 40 trang thì thợ in bất cẩn đánh mất 32 trang, Vũ Bằng không chịu viết lại, thế là đành bỏ dở. Số phận của Cai thật hết sức long đong.
Sở dĩ ấn bản Cai do Thế giới tuần báo xuất bản được vào năm 1969 dưới tên gọi Phù Dung ơi, vĩnh biệt! cũng là do cơ may một người bạn của Vũ Bằng tình cờ tìm mua được của một người bán sách cũ với giá đắt lè lưỡi! Vũ Bằng giải thích ông đổi tên cuốn sách vì nhiều bạn bè ông thấy tựa đề sách Cai cứ tưởng là ông viết về đời cai, lính; hơn thế nữa, ông muốn đổi tựa, thêm chữ “vĩnh biệt” vào để khẳng định quyết tâm đoạn tuyệt vĩnh viễn với nàng tiên nâu!
|
|
Bìa cuốn sách "Cai" năm 1944. |
Có lẽ ấn bản mà người bạn mua lại từ người bán sách cũ dùng để tái bản ở Sài Gòn bị mất trang cuối nên Vũ Bằng không có được thông tin về thời gian ra đời của cuốn Cai ở Hà Nội. Bởi vậy nên ông nhớ nhầm, khẳng định ngay trong dòng đầu của phần “Dựng” trong ấn bản 1969 là bản Cai được in thành sách lần đầu vào năm 1942, trong khi thực chất là nó được in sau hai năm, vào năm 1944!
Đây chính là một trong những ví dụ chứng minh giá trị của văn bản gốc một tác phẩm văn học sẽ cung cấp thông tin chính xác về lịch sử văn học và xuất bản nước nhà.
Một ấn phẩm quý hiếm trong giới chơi sách
Bị mang tiếng là nhà văn “dinh tê” nên nhiều tác phẩm của Vũ Bằng chậm được tái bản sau năm 1975. Cho dù có những thông tin về việc ông tham gia hoạt động quân báo cho miền Bắc (mà theo nhà văn Tô Hoài thì ông là cơ sở cho tình báo quân đội miền Bắc) nhưng các tác phẩm của ông, trong đó có Cai, chậm quay trở lại với bạn đọc.
Sau bản Cai (Phù Dung ơi, vĩnh biệt!) do Thế giới tuần báo xuất bản năm 1969, phải gần ba chục năm sau, đến năm 1997, Cai mới được Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản dưới hình hài ban đầu với một chữ Cai làm tên sách. Cuốn sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn giới thiệu. Nhà xuất bản Hải Phòng còn tái bản một lần nữa bản Cai này vào năm 2002.
Ngoài ra, lác đác một số nhà xuất bản khác cũng lần lượt tái bản Cai như Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin (năm 2001), Văn hóa Sài Gòn, Văn học (2009)... Năm 2017, Công ty Văn hóa và Truyền thống Nhã Nam kết hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản Phù dung ơi, vĩnh biệt!, theo đúng bản của Thế giới tuần báo ở Sài Gòn năm 1969.
Với một tác phẩm lớn như Cai của Vũ Bằng mà trong vòng gần 70 năm chỉ được xuất bản vỏn vẹn có 8 lần thì đúng là quá ít!
Như đã nói, ấn bản Cai xuất bản lần đầu năm 1944 của Vũ Bằng, vì một số lý do, trở nên rất hiếm trên thị trường. Hiếm nên sinh ra quý. Quý nên giá rất cao. Vậy là một số tay gian tà buôn bán sách xưa nghĩ tới chuyện làm giả! Nhưng để làm giả một cuốn sách tiền chiến có thể qua mắt dân chơi sách xưa không phải chuyện dễ dàng.
Tuy nhiên, công cuộc làm giả ấn bản Cai này có được sự trợ giúp đắc lực của... Tiểu thuyết thứ bảy!
Số là tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, một trong những tờ báo văn chương có tuổi đời thuộc loại lâu nhất thời kỳ trước 1945 và Vũ Bằng cũng là một trong số những cây bút chủ lực, có đăng quảng cáo cho cuốn Cai ở bìa sau của tờ tuần báo này. Ác cái là trang quảng cáo này in gần như nguyên vẹn bìa trước cuốn Cai của Vũ Bằng, cũng cùng khổ giấy. Thế là các tay làm sách tà đạo chỉ việc tách lấy tờ quảng cáo cuốn Cai trên Tiểu thuyết thứ bảy, dùng kỹ thuật xóa phần quảng cáo ở mặt sau đi và nó đàng hoàng trở thành bìa của cuốn Cai được làm giả!
Tuy nhiên, ông trời có mắt! Mặc dù trang quảng cáo của Tiểu thuyết thứ bảy in lại gần như nguyên vẹn bìa trước cuốn Cai nhưng nó vẫn có hai điểm khác biệt mà người tinh ý có thể nhận ra. Thứ nhất là đường viền song song trong bìa bản Cai chính thống có màu xanh nhạt, còn trong bản quảng cáo trên Tiểu thuyết thứ bảy chỉ có màu đen trắng. Thứ hai là cách trình bày trang bìa của bản Cai chính thống hoàn toàn cân đối, trong khi bản quảng cáo của Tiểu thuyết thứ bảy hơi lệch về phía bên phải.
Chỉ chừng đó thôi là đủ để những tay làm giả Cai phải lao tâm khổ tứ rất nhiều mới hy vọng qua mắt được dân chơi sách.
Cũng vì thế mà bản Cai 1944 vẫn là một trong những bản sách quý hiếm bậc nhất trong giới chơi sách xưa. Hiện bản Cai này đang nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập gạo cội ở TP Hồ Chí Minh.
NGUYỄN BÁCH