Hậu Lâu trong thành Hà Nội,1899.
Hậu Lâu xưa gọi là Tĩnh Bắc Lâu, được xây dựng từ thời Nguyễn, là nơi ở và sinh hoạt của hoàng hậu và công chúa.
Công trình được xây bằng gạch, phía dưới hình hộp, trên là công trình kiến trúc ba tầng. Lầu dưới có ba tầng mái, lầu trên là hai tầng mái. Phần mái phỏng theo kiến trúc cổ truyền Việt Nam kiểu mái chồng diêm, có các đầu đao nhưng toàn bộ mái là kết cấu gạch và bê tông, trên đắp ngoài giả ngói.
Thời Nguyễn, Hậu Lâu làm nơi ở của các cung tần, mỹ nữ đi theo nhà vua mỗi chuyến công du Bắc Hà, vì vậy người Pháp gọi Hậu Lâu là Lầu Công chúa hay Pagode des Dames [Chùa các bà].
Cuối thế kỉ 19, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, sau này người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.
Hậu Lâu rộng khoảng 2.392m2, xưa gọi là Tĩnh Bắc Lâu, nguyên là nhà Nguyễn muốn xây một công trình thật hiểm độc để triệt sinh khí Hoàng Thành Thăng Long, nên đã xây Hậu Lâu trên khu trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê.
Các cuộc khảo cổ từ năm 1998 cùng với cuộc đào thăm dò khảo cổ ở Đoạn Môn, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vết tích nền móng của nhiều kiến trúc, nhiều thời kì lịch sử với đặc trưng khác nhau. Khu vực này cách điện Kính Thiên không xa và theo sử cũ, là nơi có nhiều cung điện, lầu gác của triều đình. Như vậy có thể khẳng định một lần nữa Hậu Lâu nằm trong khu vực trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê.