Cứu người tự cắt tai, đút các ngón tay của mình vào miệng nhai rau ráu
Cho đến một ngày anh Phước mang về thêm một người “bạn trai” nói cười mất kiểm soát, lột hết quần áo lúc hứng chí rồi đi lang thang. Đó là một người điên. Anh chàng này tên là Sơn, từng chém bố, đập vỡ đầu mẹ, tự cắt tai mình làm nộm ăn, rồi nhá cả mấy ngón tay út của mình rau ráu, trong khi hai mép phè máu đỏ.
Phản ứng đầu tiên của một người đàn bà chăm chút chồng con trong nghèo khó ấy… là nổi điên lên. “Lúc không có tiền cho họ ăn, không có nhà cho họ ở, đi vay tiền chăm sóc, nuôi nấng và làm nhà cho họ, thậm chí đi vay tiền mua quan tài mai táng người ở đẩu đâu chết đường chết chợ, ủng hộ thì ủng hộ, nhưng tôi tuyệt vọng quá, mới bảo, nếu anh cứ ở mãi với những người điên thì tôi sẽ về nhà tôi ở Bình Định. Đường ai nấy đi!”, chị Hạc nhớ lại.
“Nghe nói vậy, tôi bảo, đành chịu, rồi tôi xuống khu ruộng rẫy này tự tay đào một cái giếng, xây thêm dãy nhà, nhốt người bệnh ở đó, coi như tôi và bà Hạt ở riêng. Để tôi chăm sóc người điên. Nhà chật quá, ban ngày tôi xích họ ở ngoài vườn để điều trị, vỗ về, đêm mới cho vào nhà ngủ”, anh Phước kể.
“Có khác gì ông ấy rước quỷ sứ về nhà”, chị kể.
Anh Sơn nhà ở Gia Lai, một lần Anh Phước đi chở vật liệu thuê trong xóm, thấy gia đình Anh Sơn nhốt một “sinh vật” gào thét, cắn xé, bữa đến ném cơm vào cũi, ngày xịt nước vào rửa chuồng trại khi “sinh vật điên loạn” phóng uế bừa bãi, anh Phước đau đớn tự hỏi: “Nếu nó là con mình, là em trai mình thì sao? không thể để như vậy!”.
Thế là Anh Phước tự mở cửa cũi rồi túm cổ con người gào xé hung hãn kia lại. Anh bảo Sơn ngồi im nghe anh nói. Anh dùng tấm chân tình của mình đối xử với người bị coi là “điên hết cỡ”, hết thuốc chữa đó.
Sợ ảnh hưởng làng xóm nên vợ chồng chị Hạc rời nhà vào trong rẫy để sống.
Lúc Sơn lên cơn thì anh dùng cơ bắp trấn áp, bắt ngồi im nghe… tâm sự. Anh nói, phải thương bố mẹ già, thương còn chưa đủ sao em là con đẻ của họ mà lại đánh chém họ như vậy? Anh tắm táp, rửa ráy, rắc thuốc lên vết thương cho Sơn rồi chia nhau điếu thuốc lá. Về nhà anh ở, nhà nghèo nhưng yên tĩnh, cơm anh nấu cho ăn, dứt bệnh thì ngao du lái xe tải chở hàng thuê với anh, đói no giúp đỡ nhau. Khi nhìn thấy ánh mắt Sơn biểu lộ tình cảm được, anh Phước mạnh dạn hứa với bố mẹ Sơn: “4 tháng sau tôi sẽ trả nó về, khỏe khoắn khôn ngoan như ai!”.
Nhiều người nghe nói vậy thì bảo gã Phước đúng là khùng. Kể cả Phước có bùa ngải gì để chữa cho người điên cũng chẳng được như thế. Bởi gia đình đã đem Sơn đi chạy chữa khắp các trung tâm điều trị người tâm thần danh tiếng, áp dụng nhiều kiến thức y học hiện đại nhất mà còn chẳng ích gì. Cứ sau mỗi toa thuốc là Sơn lại chém một người.
Anh Phước đi tìm mua thuốc Nam, cả thuốc Tây điều trị đúng liều, đúng thuốc hiệu quả chứ không kê đơn theo hoa hồng của trình dược viên. Đặc biệt hiệu quả là sự tỉ tê, chăm sóc, gợi lại cái “tính hiền lành” vốn có ở anh chàng “hung thần phá phách” vẫn thường bị trói nhốt kia.
Gia đình không để ý là dù điên, Sơn vẫn có cảm xúc và vẫn biết thấy cô độc và phẫn uất, khi mỗi lúc tỉnh dậy, thấy mình nằm giữa xú uế và người nhà lại khinh miệt, dùng vòi xịt nước vào như tắm lợn.
Gia đình dù thương Sơn cũng không nghĩ rằng Sơn buồn bực và phẫn uất, chứ không phải do bệnh tình nên hành vi ngày càng hung hãn. Tiến tới, nhờ những bài kinh Phật đêm đêm đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, anh Phước mạnh dạn cho Sơn nghe thêm.
Sơn chìm vào giấc ngủ và “giác ngộ” từng ngày. Anh tin vào sức cảm hóa của sự tử tế, yêu thương mà anh dành cho Sơn.
Đúng 4 tháng sau, Sơn về nhà, kính cẩn chào bố mẹ, nhu mì làm ăn bằng tinh thần yêu thương tất cả mọi người.