Tiếp theo thớt Tàu Ngầm số 1 thé giới (đã bị del)
Cặp đôi hoàn hảo lấy lại vị thế cường quốc cho Nga
(ĐVO) - Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, ngày 10/01/2013, lễ thượng cờ Andreev (cờ của Hải quân Nga) cho tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới Iuri Dolgoruki thuộc dự án 955 Borei được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava đã được tiến hành trọng thể tại sư đoàn tàu ngầm số 31 Hạm đội Biển Bắc của Nga đóng tại thành phố Gadzievo vùng Murmansk (phía bắc Nga).
Đích thân TT Nga V.Putin có mặt tại buổi lễ và dù vốn là một sỹ quan KGB kiệm lời và biết kiềm chế cảm xúc nhưng lần này ông đã không giấu nổi sự hân hoan khi tuyên bố: Iuri Dolgoruki – đây là tàu nguyên tử mang tên lửa thế hệ mới. Những tàu như vậy tạo nên bộ phận cấu thành trên biển của các Lực lượng chiến lược Nga, đảm bảo sự cân bằng toàn cầu, an ninh của Nga và các đồng minh.
Tất nhiên sự hân hoan của V.Putin là hoàn toàn có cơ sở vì sự kiện cặp bài trùng Borei và Bulava chính thức được đưa vào trực chiến có một ý nghĩa rất quan trọng đối với Nga. Xung quanh việc thực hiện 2 dự án này có nhiều chi tiết thú vị, xin được liệt kê:
- Là chiếc tàu ngầm đầu tiên do Nga đóng: Đây là chiếc tàu đầu tiên của lớp Borei và cũng là chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên được đóng trong suốt hơn 20 năm qua ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết.
Chiếc tàu này được Phòng thiết kế phương tiện kỹ thuật biển Rubin thiết kế vào đầu những năm 90 và được nhà máy đóng tàu Sevmash khởi công đóng từ ngày 02/11/1996, hạ thuỷ ngày 12/02/2008 và đưa vào thử nghiệm năm 2009 (12 năm- một trong những con số kỷ lục).
Tầu ngầm nguyên tử thế hệ mới Iuri Dolgoruki của Nga
Ban đầu các nhà thiết kế định dùng các tàu lớp Borei để mang một loại tên lửa lớn hơn là Bark (vào thời điểm năm 1998, thiết kế Bark đã hoàn thành 73% khối lượng công việc- và là phương án đáp trả tên lửa Trident của Mỹ) – tuy nhiên do nhiều vấn đề trong thiết kế và giá thành Bark quá đắt nên chính phủ Nga quyết định dừng dự án Bark để thực hiện dự án Bulava, - loại tên lửa có kích thước nhỏ hơn. Và như vậy các kỹ sư Nga buộc phải làm lại từ đầu toàn bộ bản thiết kế Borei để bố trí Bulava.
- Chi phí lớn nhất: Ngân sách dành cho công tác nghiên cứu khoa học- thiết kế, lập dự án, chế tạo và thử nghiệm để tạo lập được bộ đôi Borei- Bulava là khoản chi lớn nhất trong toàn bộ ngân sách quân sự Nga những năm gần đây. Theo một số chuyên gia thì có thời điểm bộ đôi này ngốn tới hơn 1/3 ngân sách quốc phòng Nga.
- Các tàu lớp Borei có thể mang được nhiều tên lửa nhất. Các thông số về tính năng kỹ- chiến thuật của các tàu lớp Borei như Iuri Dolgoruki thì như chúng ta đã biết. Điểm đáng chú ý là 3 tàu đầu tiên (Iuri Dolgoruki, Alecxandr Nhevski, Vladimir Monomakh chỉ mang được 16 tên lửa Bulava và 6 tổ hợp phóng tên lửa có cánh, phóng ngư lôi cỡ 533mm và tên lửa ngầm dưới biển nhưng trong tương lai các tàu ngầm còn lại của lớp Borei sẽ mang tới 20 tên lửa Bulava và 6 tổ hợp phóng như đã nêu trên.
Tổng cộng, nếu theo đúng kế hoạch thì đến năm 2020 Hải quân Nga sẽ có trong trang bị 8 chiếc tàu lớp Borei và Borei-A (rất có khả năng là có tới 10 chiếc) mang 148 tên lửa Bulava (các tàu ngầm lớp Delfin hiện đang trực chiến chỉ mang được 16 tên lửa).
Tên lửa chiến lược Bulava của Nga - Nhiều lần trì hoãn nhất: Theo kế hoạch ban đầu thì Iuri Dolgoruki sẽ được đưa vào trang bị vào những năm đầu của các năm 2000 nhưng do không có ngân sách vào cuối những năm 1990 nên kế hoạch trên không thực hiện được.
Năm 2008, Bộ quốc phòng Nga dự định thử nghiệm loại vũ khí chính của tàu là Bulava vào tháng 3 năm 2009, tuy nhiên kế hoạch này bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần cho đến tận tháng 6 năm 2011 mới thực hiện được và ngày 29/12/2012 mới chính thức ký được biên bản bàn giao cho Hải quân Nga.
- Có nhiều chuyến thử nghiệm nhất. Trong khoảng thời gian tiến hành thử nghiệm nhà nước , Iuri Dolgoruki đã ra khơi tới 22 lần và đi được một quãng đường dài 20.000 dặm biển (mỗi dặm bằng 1852 m) .
- Sẽ có thời gian phục vụ lâu nhất: Theo Tổng giám đốc Sevmash, M. Budnhichenko thì thời gian khai thác sử dụng của tàu là 20 năm, tuy nhiên trong quá trình khai thác sử dụng nó sẽ được sửa chữa và hiện đại hóa theo thông lệ và có thể trực chiến đến năm 2060.
Về tên lửa Bulava: Điểm nổi bật của Bulava là nó có khả năng khoan thủng hệ thống phòng chống tên lửa của đối phương mà một trong các giải pháp kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ này là mang các đầu đạn tác chiến giả.
Hiện nay, Bulava đã trở thành phương tiện kiềm chế ưu việt nhất trong toàn bộ kho tên lửa đạn đạo trên biển của Nga. Tuy nhiên, Bulava cũng chiếm kỷ lục về số lần thử nghiệm thất bại (tỷ lệ thất bại/ thành công (hoặc tương đối thành công) là hơn 50% - một số liệu để so sánh: tỷ lệ thử nghiệm thành công của tên lửa AIM -9X của Mỹ là 21/22 ).
Điều đáng quan tâm là lý do thất bại của các lần thử nghiệm không phải do lỗi thiết kế mà là lỗi trong quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và các hỏng hóc kỹ thuật xảy ra chủ yếu là ở tầng 3 của tên lửa và hệ thống bánh lái.
Cho đến lúc bàn giao, Bộ quốc phòng Nga đã tiến hành 18 lần thử nghiệm Bulava - lần đầu tiên vào ngày 27/9/2005 và lần cuối cùng vào tháng 12/2011. Ngoài ra, theo thiết kế ban đầu thì các thành phần của kết cấu Bulava sẽ được quy chuẩn cùng với một dự án chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khác là Topol- M nhưng sau phải thiết kế lại hoàn toàn mới.
Các thử nghiệm thất bại của Bulava xảy ra toàn vào những thời điểm không thích hợp nhất khi mà các nhà lãnh đạo Nga lên tiếng lên tiếng tuyên bố về việc lấy lại vị thế “cường quốc vĩ đại “ cho LB Nga.
Không thể thiếu nhau và rất quan trọng
Hai dự án Borei và Bulava tuy là hai dự án độc lập nhưng phụ thuộc lẫn nhau đến mức nếu dự án này thất bại thì dự án kia cũng phải dừng lại vì Bulava được thiết kế dành riêng cho Borei và ngược lại.
Nhưng có một điều quan trọng hơn là sự thành bại của một trong hai dự án (hoặc cả hai) sẽ quyết định số phận của thành tố trên biển trong Bộ ba hạt nhân của Nga trong tương lai gần. Đến thời điểm hiện tại, thành phần chủ yếu của thành tố này là các tàu ngầm chiến lược dự án 667 lớp Delfin (có 7 chiếc) sử dụng các tên lửa R-29RMU2 Sinheva hoặc 29RMU2.1 Liner được đưa vào trang bị trong các năm từ 1984 đến 1990.
Những chiếc tàu này tuy được trang bị các tên lửa đạn đạo mới và bổ sung một số phương tiện kỹ thuật khác nhưng đều đã qua sửa chữa vừa hiện đại hóa và sắp hết hạn sử dụng (dự kiến sẽ đưa ra khỏi trang bị bắt đầu từ năm 2019- chiếc cuối cùng vào năm 2026 ).
Chính vì thế mà hiện nay chỉ có rất ít trong số các tàu ngầm hạt nhân của Nga ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phần lớn hoặc là đang được sửa chữa, hiện đại hóa hoặc là chỉ sử dụng cho huấn luyện kíp thủy thủ. Nếu các dự án trên thất bại thì sẽ không có gì để thay thế Delfin trong thời gian sắp tới.
“Đắt sắt ra miếng”
Tuy phải chi một khoản kinh phí khổng lồ nhưng những nỗ lực của giới lãnh đạo Nga đã được bù đắp xứng đáng đúng như người ta thường nói “đắt sắt ra miếng “vì những lý do sau đây:
1/ Vào tháng 2 năm 2012, Tư lệnh Hải quân Nga đô đốc V.Vưsotski tuyên bố là các tàu ngầm nguyên tử Nga sẽ khôi phục lại các chuyến ra biển thường xuyên để tuần tiễu và thực hiện chức năng kiềm chế khi tàu Iuri Dlgorukiđược đưa vào biên chế.
Nay Iuri Dolgoruki đã được bàn giao cho Hải quân Nga và như thế thì ít nhất lúc nào cũng có một tàu ngầm chiến lược Nga trực chiến trên biển. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa vì trong suốt thập kỷ vừa qua, hạm đội tàu ngầm rất ít có các chuyến ra biển và khoảng thời gian giữa 2 chuyến liên tiếp là rất dài.
Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hải quân Liên Xô tiến hành hàng trăm chuyến đi biển mỗi năm thì trong năm 2012, Hải quân Nga chỉ thực hiện chỉ thực hiện được có 5 chuyến ra biển như vậy.
2/ Tháng 11 năm 2011, nhóm nghiên cứu Trident Commision của Anh tuyên bố là thế giới đã bước vào một kỷ nguyên chạy đua vũ khí nguyên tử (Nga và Mỹ sẽ là hai đối thủ chạy đua chủ yếu với tồng chi phí lên tới 770 tỷ đô, trong đó Mỹ chi 700 tỷ).
Một trong những hướng chạy đua vũ trang chủ yếu sẽ là phát triển các tàu ngầm (cuối tháng 12/2012 Nga đã xác định ưu tiên chủ yếu sẽ dành cho thành tố trên biển) vì chính các tàu ngầm hạt nhân mang các tên lửa đạn đạo là phương tiện có khả năng bí mật mang vũ khí chiến lược tới ven bờ của đối phương. Và như vậy việc đưa Iuri Dolgoruki và Bulava vào trực chiến đã ghi điểm đầu tiên cho Nga trong cuộc đua này .
Vấn đề là ở chỗ Chính phủ Nga đã chi một khoản ngân sách khổng lồ cho các dự án Borei và Bulav và trong tương lai liệu có thể có được những nỗ lực tương tự như vậy hay không?
http://www.baodatviet.vn/quoc-phong/201201/Nga-chinh-thuc-dat-hang-Bulava-2240795/
Lý do vì sao tàu Ngầm Nga vẫn thuộc top số 1 TG: file:///C:/Users/Bia/Downloads/Akula%20Borei%20Ohio%20otofun.htm