Đọc nhiều comment thấy có chút chạnh lòng nhất là các cháu học thực sự nó đọc được nó sẽ có cái nhìn khác đối với những ý kiến trái chiều này, nó thấy sự ích kỷ của người lớn, thấy sự vô ơn của ô tiến sĩ Thành khi là 1 amser. Con nhà em học trường công từ bé, học thêm cực ít vẫn thì đỗ 4 trường sau đó chọn học ams, hơn 1 năm thì đi du học. Đến thời điểm này em thấy môi trường, cách đào tạo của ams nó giúp cháu phát triển vượt bậc dù chỉ hơn 1 năm. Về phía phụ huynh cũng chẳng bao giờ nghĩ đến học phí nhiều hay ít miễn là các cháu thích nghi và học tốt, còn quỹ lớp thì rất bình thường k như có cụ nào nói.
Đây là bài sáng nay cháu share, cảm giác rất k vui về 1 amser như ô Thành
PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM LOẠI BỎ MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN VÀ TƯ HỮU HÓA NHỮNG TRƯỜNG CHUYÊN TẠI VIỆT NAM
Cũng như rất nhiều anh chị em khác, tôi không thể không có cảm xúc gì khi đọc những ‘lý luận’ của ngài Nguyen Duc Thanh (xin không xưng anh em mà gọi là ngài cho lịch sự vì giữa tôi và Mr Thanh không chỉ không cùng quan điểm khoa học, mà cũng khác nhau về chuẩn mực đạo đức sống).
Có một số người đã nêu lên ý kiến để bảo vệ mô hình trường Chuyên của VN, đề xuất những thay đổi để cải tổ lại hệ thống giáo dục, trong đó có hệ thống trường chuyên – lớp chọn bao gồm cả Hà Nội Amsterdam. Tuy nhiên, tôi chưa thấy có một post nào hoặc quan điểm nào phản biện lại hoàn toàn những ‘lý luận’ của ngài Thanh đưa ra mà theo tôi là vô cùng phiến diện, một chiều, chủ quan và mắc nhiều lỗi ngụy biện.
Lý do và động cơ tôi đưa ra bài này không chỉ xuất phát từ việc muốn bảo vệ trường Ams, mà còn muốn tác động tích cực đến các thế hệ trẻ của Ams và truyền đạt tiếp truyền thống ‘uống nước nhớ nguồn’ của Amser chân chính, và đó là sứ mệnh của chúng tôi, những người Amser thành công đi trước dẫn đường cho các thế hệ Amser tiếp theo.
Bản thân tôi khi giảng dạy những thế hệ Amser mới vẫn không ngừng khâm phục các em và tôi cho rằng các em vẫn đang làm tốt nhiệm vụ học tập, lao động, phấn đấu của mình như những bậc tiền nhân. Vì vậy, tôi mong bài viết này sẽ làm ‘an lòng’ thế hệ trẻ, tránh việc các em bị bóp méo tư duy, góc nhìn bởi những ngòi bút tiêu cực, phiến diện.
1. Về luận điểm đầu tiên của Mr Thanh: mọi lập luận đưa ra trong ý kiến này đều phiến diện, quy chụp, và không có căn cứ. Chưa hết, phần lớn những thông tin Mr Thanh đưa ra đều là ‘giả định’, sử dụng giả định để đưa ra một kết luận trên thực tế, đây là lỗi quá cơ bản trong khoa học. Dựa vào đâu để ra kết luận trường Ams là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Nếu từ ngân sách quốc gia thì đây là vấn đề về phân bổ ngân sách, và ngân sách thì được đóng bởi thuế của mọi thành phần trong xã hội bất chấp giàu nghèo, nghề nghiệp. Mà thực ra nếu xét về bài toán kinh tế, những người có thu nhập cao trong xã hội thường sẽ có khả năng đóng thuế nhiều hơn do thu nhập và sức mua/tiêu dùng của họ cao hơn.
Nếu lập luận theo lối suy nghĩ thiển cận này, thì tốt nhất nên loại bỏ tất cả các trường học, vì như vậy là không công bằng với những người không có con, những người độc thân đang hàng ngày đóng thuế cho ngân sách nhà nước.
Về suy luận bố mẹ cho con vào học Ams để sau này ‘NGỒI LÊN ĐẦU’ các bạn nghèo và học kém hơn, đây là một suy luận rất TRẺ CON
. Cần hiểu Ams đào tạo ra những người giỏi, người tài cho đất nước, những người này là những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội hoặc giàu nhưng không có nghĩa những người này có đặc quyền gì để có thể ngồi lên đầu người nghèo, nếu không muốn nói những cá nhân này mới là những người có thể thay đổi xã hội, đất nước và bảo về quyền lợi cho những người yếu thế hơn.
Tôi cho rằng không hề có tính logic (thực ra là ngớ ngẩn) khi cho rằng những người học Ams (hoặc bất cứ trường chuyên lớp chọn nào) thì có thể ngồi lên đầu hay bắt nạt một bộ phận người dân nào đó. Đây là về vấn đề góc nhìn và đạo đức của mỗi cá nhân, việc một người có muốn đóng góp cho đất nước, giúp đỡ những người (yếu thế) xung quanh hay (như Mr Thanh nói) có tham vọng ngồi lên đầu người khác xuất phát từ tính cách của người đó, chứ không phụ thuộc vào nơi học, cơ sở đào tạo.
2. Ý kiến Ams nên chuyển sang mô hình trường tư đã có nhiều quan điểm phản biện. Với tôi, tôi cho rằng trường chuyên lớp chọn thì dù là tư hay công đều cần phải có. Với những em có năng khiếu đặc biệt của một môn, chuyên ngành nào đó nhưng gia đình không đủ điều kiện cho học trường tư, đáng nhẽ các em có thể cố gắng thi vào Ams để thay đổi tương lai bản thân (như tôi trước đây), thì bây giờ lại bị tước đi cơ hội đó do các ông muốn TƯ HỮU HÓA những cơ sở giáo dục đặc biệt như Ams.
3. Lên án về tiêu cực của Ams, về ‘sự suy đồi mà chúng tôi là cựu học sinh cảm thấy ô nhục ’
Những tiêu cực, bất bình đẳng trong ngành giáo dục diễn ra ở mọi thành phố, quốc gia. Đã có nhiều bài báo, nghiên cứu phanh phui về đường dây chạy vào các trường IVY League và top schools ở Anh, Úc, Mỹ. Nên nếu có tiêu cực ở Ams, xin lỗi, là chuyện bình thường. Nó cũng đã xảy ra ở các trường chuyên lớp chọn khác, nó cũng đã xảy ra từ thời kỳ của tôi, rất lâu về trước chứ không phải bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta không thể vin vào một số trường hợp xấu, tiêu cực, một hiện thực khách quan xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ ngôi trường nào (dù là trường Công hay Tư) để phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn mà ngôi trường đó đã đóng góp cho đất nước, xã hội nhiều năm liền.
Những lời lẽ này của Mr Thanh cũng xúc phạm trực tiếp và quy chụp toàn bộ ban giám hiệu và các thầy cô đang giảng dạy tại trường trong khi chưa có chứng cứ cụ thể, thống kê số lượng các vụ việc tiêu cực. Ngài còn dùng từ ‘chúng tôi’ nhưng tôi nghĩ không nhiều cựu Amser ‘cảm thấy ô nhục’ như vậy đâu, CHÚNG TÔI vẫn rất tự hào và sẽ đóng góp tìm ra giải pháp để cải thiện chất lượng và sự minh bạch của Ams.
4. Về việc GIẢ THUYẾT cho rằng vai trò lịch sử của Ams là để chứng minh người Bắc là người có trí tuệ dù còn khó khăn do chiến tranh, hay chuyên đào tạo gà nòi đi thi toán lý quốc tế.
Giả thuyết mà Mr Thanh đưa ra chứng tỏ 1 điều rất rõ ràng: anh ta không hiểu được Ý NGHĨA VÀ SỨ MỆNH thực sự của AMS. Trường Ams chưa bao giờ là nơi đào tạo gà nòi đi thi quốc tế (cái đó trường ĐH Tổng Hợp còn làm tốt hơn kìa), và chỉ một số ít học sinh của Ams quan tâm đến chuyện thi học sinh giỏi thôi.
Những gì trường Ams dạy chúng tôi, và đa số học sinh Ams mọi thế hệ từ trước đến nay hướng đến và mơ mộng đó là DU HỌC, là được đấu trí với những bộ óc vĩ đại đến từ mọi quốc gia trên thế giới ở những trường Đại học hàng đầu của Anh Úc Mỹ, là việc trở thành những người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, và hiểu rằng xung quanh mình còn rất nhiều người tài giỏi để cạnh tranh và phấn đấu. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm thi và chiến đấu để vào bằng được Ams, vì chúng tôi tin rằng Ams cho chúng tôi CƠ HỘI. Cơ hội để thay đổi bản thân, cơ hội để thay đổi tương lai, cơ hội để thay đổi đất nước!
Về luận điệu đào tạo những người giỏi để làm showcase thì lại càng vô căn cứ và chỉ mang góc nhìn cá nhân. Ngài dựa vào đâu để nói rằng Ams là showcase của VN, ở VN ngoài Ams còn rất nhiều trường chuyên sản sinh ra tài năng của đất nước như Lê Hồng Phong (Sài Gòn), Phan Bội Châu (Nghệ An), Trần Phú (Hải Phòng)… họ cũng có danh tiếng và tự tôn riêng của họ, vậy đó cũng được coi là showcase sao hay họ không xứng đáng được coi là showcase như Ams? Bất cứ đất nước nào cũng có trường top, trường nhiều tài năng để đất nước đó tự hào, các ông cho rằng VN không có quyền được tự hào về những ngôi trường tốt của mình?
Về luận điệu: ‘Những người này được kỳ vọng phục vụ chế độ’. Xin lỗi, bất cứ công dân của đất nước nào khi hưởng những benefit đó từ giáo dục, an sinh xã hội, y tế… thì cũng đều được kỳ vọng sẽ phục vụ và cống hiến cho chế độ chính trị và chính phủ đó. Đây không phải câu chuyện của riêng VN mà ở tất cả các nơi trên thế giới, và thực ra là tư duy logic của một con người bình thường có đạo đức cơ bản. Không cần đến trường chuyên lớp chọn thì một người VN từ nhỏ đã luôn được dạy dỗ:
Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Ăn cây nào rào cây đó
Tôi cũng chưa biết các ông đã làm được gì cho đất nước, cho chế độ này nhưng tôi biết chắc một điều: đó là để có được ngày hôm nay, thì các ông đã được học, được đào tạo, được cung cấp kiến thức dưới mái trường XHCN (với học phí rất rẻ), của cái chế độ mà các ông vẫn mỉa mai không ngượng mồm.
Một trong những luận điệu chính của Mr Thanh vẫn nhấn mạnh vào việc ngài không muốn TIỀN THUẾ của ngài và của anh em bạn bè của ngài bị dùng vào việc vận hành một trường học như Ams. Tôi cũng xót cho đồng thuế của tôi lắm, nhưng tôi không rõ khoảng bao nhiêu % tiền thuế của người dân được bơm cho trường Ams, trường chuyên lớp chọn và cơ sở giáo dục vậy? Tôi cho rằng không nên quá căn ke về mặt tiền thuế đó đâu, nếu có lo thì hãy lo cho tiền thuế của các ngài được dùng vào việc trả nợ đường sắt Cát Linh, việc trả nợ cho Vinashin, những dự án lớn của VN nợ nước ngoài hàng tỉ USD ý nhà Kinh Tế học à. Chứ ngài lo tiền của mình phải TỐN cho trường Ams (nơi đào tạo ngài trước đây) thì có phải là chắt chiu quá không?
KẾT LUẬN: Xin đừng nói chúng tôi không dám tiếp nhận ý kiến trái chiều. Vấn đề là chất lượng ý kiến đó đến đâu để người ta tiếp nhận hay phản ứng. Một nhà khoa học, nhà nghiên cứu lại đưa ra những nhận định chủ quan, thậm chi GIẢ ĐỊNH, GIẢ THIẾT (tức những thứ không phải là FACTS, không phải là sự thật, không phải thông tin có kiểm chứng) và dựa theo những giả định – giả thiết đó để đưa ra kết luận, rồi cả đề xuất loại bỏ hay tư nhân hóa một ngôi trường lớn. Đó tuyệt nhiên là một thứ PHI KHOA HỌC, và không phải là lý lẽ của một người làm khoa học nghiêm túc, chân chính, hay có tinh thần xây dựng. Chính vì lẽ đó, nếu để những luận điểm phi khoa học này làm ảnh hưởng đến tư duy của thế hệ trẻ, với tôi, là rất có hại – toxic, và vì thế cần phản biện, lên án. Bài này chỉ phân tích giới hạn về mặt khoa học và biện luận, chưa nói đến vấn đề đạo đức, cách sống, cách cư xử để thế hệ trẻ noi theo. Vì nếu nói về vấn đề đạo đức thì bài viết này dễ sa vào công kích cá nhân, làm mất trọng tâm của bài viết.
Tôi đưa ra bài viết này dưới tư cách là một Luật sư, và cũng là nhà giáo, nhà nghiên cứu chính sách/kinh tế/pháp luật, và sau cùng là một Amser (chưa thực sự có đóng góp gì cụ thể cho trường từ khi tốt nghiệp
). Xin cảm ơn.