Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
***
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Kính gửi: Phòng cảnh sát giao thông số 6, công an thành phố Hà Nội.
Tôi là Nguyễn Văn X, số chứng minh thư:123456789. Số điện thoại: 12345. Địa chỉ liên hệ: abcde.
Tôi là một công dân nhận thức được rằng xã hội hoạt động được tốt là dựa trên cơ sở các bộ phận trong nó cũng hoạt động tốt. Những bộ phận này được điều hành, giải quyết bởi chính những cá nhân, tập thể trong xã hội đó. Bất cứ hành động của các cá nhân, tập thể nào cũng đều ảnh hưởng tới xã hội và vì thế, họ cần phải có trách nhiệm với công việc do xã hội phân công và pháp luật qui định. Ngày 02/11/2010, chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát giao thông 6 (sau đây được gọi tắt là "Phòng" trong một số chỗ của văn bản) đã dừng chiếc xe Matiz mang biển kiểm soát 30L-1177 do tôi điều khiển và trong quá trình làm việc, tôi cho rằng 02 chiến sĩ có tên dưới đây đã có những hành động và phát biểu không đúng với tác phong, nghiệp vụ của chiến sĩ công an nhân dân:
- Chiến sĩ X1-số hiệu Y1
- Chiến sĩ X2-số hiệu Y2
Dựa vào ý thức, trách nhiệm và quyền của một công dân, tôi cần phải trình bày các sự việc dưới đây với cấp cao hơn của 2 chiến sĩ này và yêu cầu Phòng trả lời tôi bằng văn bản theo địa chỉ ghi ở trên.
Sự việc 1
Vào hồi 12h20 trưa ngày 02/11/2010, tôi đang điều khiển chiếc xe mang biển kiểm soát 30L-1177 qua giao lộ Phạm Văn Đồng-Hoàng Quốc Việt thì chiến sĩ X1 ra hiệu dừng xe tôi lại. Lúc đó, tôi không vi phạm bất cứ điều luật nào qui định trong Luật giao thông đường bộ ban hành năm 2008 và Nghị định 34 ban hành năm 2010. Để bắt đầu công việc, chiến sĩ X1 đã chào tôi không đúng điều lệ {trích dẫn điều lệ}, cụ thể: vừa đi vừa chào. Sau khi tôi đề nghị chiến sĩ X1 chào lại cho đúng là dừng lại chào, X1 đã nói rằng
- "chỉ đứng chào thủ trưởng, còn người dân tôi vừa đi vừa chào" và nói rằng
- "anh là người vi phạm, không phải người dân" khi tôi khẳng định tôi là người dân.
Như vậy, với nhận thức của chiến sĩ X1, một người vi phạm (nếu có trong trường hợp này, là vi phạm hành chính) không phải là một người dân, điều này có đúng không?
Ngoài ra, X1 vừa đi vừa chào dân trong khi đó với thủ trưởng, lại chào nhưng không đi. Tại sao có sự phân biệt trong động tác chào của một chiến sĩ công an nhân dân như thế, đề nghị Phòng trả lời cho tôi biết.
Nhân đây, tôi xin thông báo với Phòng rằng khi dừng xe, ngoài việc chiến sĩ công an cần ra hiệu lệnh dừng xe, chào người điều khiển phương tiện đúng theo qui định, họ phải giới thiệu là ai, cấp bậc nào, lí do dừng xe. Không chỉ với công an, bất cứ trường hợp đang làm việc với người đại diện của cơ quan công quyền nào, công dân có quyền biết mình đang làm việc với ai, lí do gì. Hiện nay, rất nhiều trường hợp, chiến sĩ công an chỉ chào và yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ. Qui trình đó sai với qui trình làm việc đã được qui định trong ngành.
Sự việc 2
Sự việc này cũng liên quan tới tác phong của chiến sĩ công an khi tiếp công dân và hơn thế nữa là lòng tự trọng, phẩm giá của những con người với nhau. Sau khi yêu cầu tôi cho kiểm tra giấy tờ, chiến sĩ X1 đã có thái độ bất hợp tác thể hiện ở chỗ đi lòng vòng xung quanh khiến tôi phải đi theo như một người phải xin xỏ. Người ngoài nhìn vào thấy có thể hiểu lầm chiến sĩ công an như kẻ bề trên, người dân như kẻ dưới. Từ trước tới nay, làm việc với công quyền, tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp khiến tôi bị xúc phạm như vậy. Thêm nữa, khi tôi nhắc nhở việc này thì chiến sĩ X1 ngay lập tức phủ nhận không có chuyện đó và nói "không có bằng chứng chứng tỏ sự việc", điều này khác nào nói tôi đặt điều. Đúng là sự việc chỉ xảy ra giữa tôi và X1 nhưng là những con người, động vật bậc cao có lòng tự hào và niềm kiêu hãnh, thì việc đổi trắng thành đen sau vài phút là chuyện dối trá không thể chấp nhận được. Đây là nguyên nhân thứ hai khiến tôi phải viết giấy này gửi Phòng.
Tôi cũng khẳng định là tôi KHÔNG CÓ BẰNG CHỨNG chứng tỏ sự việc này nếu tôi phải chứng minh. Nhưng tôi vẫn yêu cầu chiến sĩ X1 khẳng định có hay không và Phòng trả lời cho tôi biết. Nếu vẫn là không, về phía tôi, tôi phải xin lỗi chiến sĩ X1 nhưng sẽ không thật tâm vì tôi biết sự việc xảy ra thế nào, về phía chiến sĩ X1, anh có thể kiện tôi vì tội vu khống. Nếu sự việc có thật, tôi yêu cầu chiến sĩ X1 trực tiếp xin lỗi như những con người với nhau. Xin nhắc lại, việc này mặc dù cũng là sự việc giữa một chiến sĩ công an và một người dân, nhưng tôi muốn giải quyết trên cơ sở tôn trọng sự thật giữa hai con người.
Sự việc 3
Khi phiên làm việc giữa tôi và X1 không có kết quả, tôi được tiếp bởi chiến sĩ X2 có cấp bậc cao hơn. Tôi trình bày sự việc 2 cho chiến sĩ X2 nghe và nói thêm với ý nếu cần bằng chứng thì thời gian tới, tôi sẽ bỏ thời gian ra "chụp" các chiến sĩ này. Thật bất ngờ, chiến sĩ X2 đã cho rằng tôi mà làm thế là HÈN.
Theo cuốn "Từ điển tiếng Việt" do Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2002, chữ HÈN được giải nghĩa ở trang 432 như sau: t. 1 Rất kém bản lĩnh, thường do nhát sợ, đến mức đáng khinh. 2 Ở địa vị thấp kém trong xã hội và bị coi thường, thường vì nghèo, vì yếu thế. 3 Kém, chẳng ra gì về khả năng.
Không ai muốn mình bị gán tính từ "hèn" do ai cũng có niềm tự hào của bản thân họ. Riêng tôi, khi bị người khác nói là "hèn" thì tôi cho rằng người đó đã xúc phạm tới danh dự của tôi. Nếu không đúng, người đó phải xin lỗi tôi.
Vậy là đã rõ, việc người dân giám sát để phản ảnh tác phong làm việc của cảnh sát giao thông được chiến sĩ X2 cho là thấp kém, đáng khinh. Yêu cầu Phòng cho biết nhận thức như vậy có đúng không, để người dân chúng tôi điều chỉnh hành vi cho phù hợp để khỏi bị coi là hèn.
Trên đây là 03 sự việc mà tôi đã trình bày và yêu cầu Phòng cảnh sát giao thông số 6 trả lời cho tôi. Để làm rõ và trả lời, tôi cho rằng 1 tuần là đủ. Trong thời hạn trên (từ nay đến hết ngày 10/11), nếu tôi không nhận được trả lời đầy đủ hoặc thỏa đáng của Phòng, tôi sẽ đưa sự việc lên cấp cao hơn và sang các phương tiện thông tin đại chúng.
Tôi mong chờ sự làm việc công tâm, nghiêm túc của Phòng.
Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2010
Công dân
(kí tên)
Nguyễn Văn X